.
TRUYỆN NGẮN

Quãng cuối một đời người

.

MỘT

Hai mẹ con ngồi suốt buổi tối bên nhau trong nỗi lặng thinh, im ắng. Những rôm rả bàn cãi thường nhật và những câu chuyện hào hứng kể cho nhau, rồi là, những tranh luận sôi nổi về đề tài này vấn đề nọ biến đi đâu cả. Lắng mà không lặng. Chẳng ồn động nhưng nghe ra lại sóng gió, bời bời, trong tâm trí mỗi người. Cảm ra một nỗi buồn với nhiều bức bối và heo hút, cứ bọc vây và phủ trùm lên cả mẹ lẫn con. Bà tần ngần rất lâu mới khẽ khàng bảo Phương:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khuya rồi. Con cũng nên đi ngủ kẻo mệt.

Mẹ mệt thì có chứ con trai tráng thế này, việc gì...

Ừ! Dạo này mẹ thấy trong người thế nào ấy.

Mẹ vẫn còn những cơn choáng chứ!

Ừ! Thì cái chứng rối loạn tiền đình. Phụ nữ nào chẳng bị...

Nhưng con vẫn lo. Hay là mẹ đi khám lại.

Bác sĩ đã kết luận là: “Thiểu năng tuần hoàn não” và toa thuốc, mẹ vừa uống hết. Hãy cứ thư thư đã. Mẹ biết mình mà...

Nghe đến thế, Phương thở dài và buồn buồn: “Thôi! Con vào phòng trước đây. Mẹ cũng liều liệu mà đi nằm, mẹ nhé!”. Nói rồi lăn xe tới, nhưng nghĩ sao, thằng bé lại đẩy lùi và dừng lại bên bà một chặp rồi vuốt nhẹ lấy tay mẹ. Bà thu mình nhỏ lại nơi góc ngồi quen thuộc và phóng tầm mắt ra chung quanh. Lòng chợt ấm áp khi ngắm cả dãy lầu biệt lập, khép kín và đầy đủ tiện nghi này. Mà, để có được bà đã phải khốn khổ xiết bao, bởi luôn vấp phải sự phản đối dữ dội của các anh chị Phương.

 Bà chẳng dám trách gì bọn chúng vì thằng Út của bà đã hoang hư đến thế, đã làm phiền lụy đến những người thân đến thế! Trong khi cả gia đình đã dành cho nó bao điều tốt đẹp, bao chuyện sướng tâm khỏe xác. Ai cũng phải hy sinh cho Phương để rốt lại, đấy, thân tàn ma dại. Mặt mũi sẹo sọ và đánh bạn với cặp nạng, xe lăn suốt cả phần đời còn lại. Mọi người phẫn nộ cũng là phải. Giá mà chồng bà còn, chắc ông cũng nhiếc móc bà nhiều. Không phải sao! “Con hư tại mẹ”. Người xưa nói đố sai.

Hay thật! Là cái tầng hai rộng rãi và thoáng đãng này. Đâu hẳn, chỉ là chỗ đi về lâu nay của cả mẹ lẫn con. Đã hơn thế rất nhiều lần…Ở đây, con trai bà sướng vui và bà hài lòng. Ở đây, cả hai được hưởng nhận những tình cảm máu thịt như mọi người bình thường và được hưởng nhận những niềm vui trong trẻo và nhẹ nhàng, mà, không ít người khao khát. Bà ưa ngồi nghe con trai chơi đàn và cũng hay đằm mình trong những khoảnh khắc yên tĩnh của cả hai và gọi đó, là những khoảng lặng ý nghĩa. Bà còn được con trai dạy cho cách sử dụng máy tính và cũng mon men vào thế giới mạng. Nhưng, vẫn thấy chuyện ấy là quá tầm sức với mình. Không ưa mạng miếc nhưng lại rất mê chơi cờ và sau một thời gian cùng nhau tỉ thí, coi bộ, bà đã ngang ngửa tài sức với con trai. Phương, trong vài lần bị thua hết sức bất ngờ, đã phải la toáng lên: “Chết thật. Mẹ lên tay nhanh quá! Con không sao tin nổi. Cũng đã đến lúc con phải dè chừng mẹ rồi, mẹ ơi!”. Và bà, dí ngay một quân cờ vào cái sóng mũi gãy cụp của thằng út và cười lên như nắc nẻ. Hai mẹ con còn trêu chòng nhau thêm cả tiếng đồng hồ nữa, Phương mới chịu quay lại với công việc của mình.

Trước tai nạn do đua xe, Phương đã là kỹ sư đồ họa nhưng làm ít mà ăn chơi lại nhiều và sau này, là hoàn toàn ngược lại. Bà  thích lắm cái thế giới cỏn con này và càng lúc, càng nhận ra nhiều giá trị trong cuộc sống từ nơi đây. Mỗi ngày nhìn con trai tự lo được tất thảy mọi việc: trồng trọt, chăm sóc cây xanh, hoa trái ở mảnh sân thượng phía trước. Rồi tắm giặt, phơi phóng quần áo và nấu ăn ở gian bếp nhỏ phía sau. Hoặc ngồi trước màn hình và mải mê với công việc... Bà vui đến ứa nước mắt. Phương chỉ ra ngoài, khi thật cần thiết, vì còn cách rách cái cầu thang, nhưng dạo sau này, tuần nào nó cũng ra phố để thăm ông. Về, trầm ngâm hẳn. Chỉ nói một lần: “Bác ấy là một người rất tốt, mẹ ạ! Bác ấy rất cần mẹ. Con có thể tự lo cho mình được cơ mà. Còn các anh chị, đám cháu rồi những điều tiếng thị phi... Mẹ để tâm làm gì cho nhọc lòng cơ chứ!”.

Từ ngày ông ốm nặng, bà hay buồn. Chỉ vui nhoàng nhoáng khi nhắc đến những chuyện ngày xưa. Cái thủa có ông cùng bà và xóm giềng, làng mạc, quê nhà... Thì, đã hẳn. Hai gia đình ở cùng một thôn mà lại. Nhà ông ở hơi đối diện với nhà bà. Chỉ chếch sang một tí nhưng chếch lắm hoàn cảnh sống với lại nếp nhà. Thế, mới thành ra cách trở. Mà ông? Người đâu mà dở hơi. Từ hồi trai trẻ cho đến giờ, lúc gần xuống lỗ. Từ khi còn là nông dân cho đến lúc ra sống ở đô thị và đương nhiên, làm người thành phố. Vẫn thế! Bảo sao không vợ chẳng con. Mà bà? Cũng vô duyên đểnh đoảng thế nào ấy… Ngay chính con tim của mình, mà còn không hiểu cho đúng, bảo thấu đáo cho tình ai. Phải sống qua ngần ấy tháng năm với cả một quãng đời dặc dài đến thế, bà mới bồi hồi và xót xáy nhận ra, là: hồi còn thiếu nữ cũng để ý đến ông nhiều đấy chứ! Áng chừng như là...  rất yêu cơ đấy!

HAI

Ông vốn sợ đêm. Những chiều sẫm và sự hoang trống buổi hoàng hôn làm lòng co thắt lại. Rối bời với biết bao là mường tượng, nghĩ suy. Ông vẫn nằm thế. Trong bóng tối. Một, hai, vài ba đêm…và  hồn vía hút cả về cái thế giới cỏn con của mẹ con bà. Ấy! Một tối mưa, bà và thằng Phương chúi đầu nơi hốc bếp với những bát cơm nóng hôi hổi. Chắc là các món phải ngon lắm đây, vì, thấy cái anh út nhà bà nhai nuốt nhồm nhoàm đến thế cơ mà. Ơ! Mà chuyện gì đấy nhỉ? Hẳn, phải rất là hay rồi, nếu không, sao mẹ con thích thú đến thế! Và cười rất to. Tiềng cười tràn trề, băng băng, qua hằng mấy con phố ngã đường, bước vội qua cả bậc hè rồi tuồn đổ hết vào nhà ông, đứng sựng lại ngay nơi góc tim này. Và khanh khách, khanh khách mãi nơi nhịp đập ông rộn rã.  

Một đêm ráo trời và tâm trí ông lại dồn tụ về hết bên đấy. Về, với cái sân thượng be bé mà trồng hằng bao nhiêu là các loại rau xanh và còn ươm được cả mấy giống hoa quen thuộc. Chắc chẳng thế nào thiếu rau mồng tơi và hoa cúc trắng rồi. Thích nhỉ? Đang là mùa trăng và trăng, chưa qua hẳn rằm thì rất đẹp nhé! Bà vẫn cái ghế ngồi có lưng dựa rất êm và thằng Phương vẫn chiếc xe lăn quen thuộc. Đúng không? Thêm nữa cây ghi-ta, vật bất ly thân của nó, vào những lúc rảnh rỗi. Giá ông có bà và giá ông, có một thằng con hay hay như nó. Chậc. Để bầu bạn ấy mà. Chậc. Để xem hai mẹ con đang làm gì, nhé! Ối giời. Rõ bà... Trông làm gì xuống tận con đường bên dưới cho chóng cả mặt. Đã bị cái chứng rối loạn tiền đình, mà còn, không chịu phòng thân. Mà phố xá có gì đâu để mà phải nhìn ngó, săm soi kỹ càng đến thế! Đã bảo chẳng có gì ngoài người và xe, nháo nhào xuôi ngược. Sao không nhìn trời, ngắm hoa? Và nói chuyện. Mẹ con thầm thì những gì mà khẽ thế, nhỉ? Chậc. Chắc gì đã nói về ông. Chậc. Đã hẳn...

Ông đã dặn mình chẳng xía vào cuộc sống của bà. Chẳng muốn để bà phải bận lòng và vướng chân. Vì bà còn lắm những mắc mứu, hệ lụy. Ông sống một mình hằng bao năm. Đi đã mỏn cả một đời người hiu quạnh. Sự cô đơn, cái lẻ loi chịu mãi cũng đã hóa thân quen. Nhưng sao chỉ thêm một đoạn này. Cái đoạn cuối mà ông cảm ra là đã rất gần. Ông lại thấy quá buồn và hãi sợ. Cũng chẳng hiểu làm sao mà trông có bà gần gũi đến làm vậy? Trông thấy bà sau giấc ngủ đêm. Thèm thấy bà mỗi trưa chợp mắt. Bà là cái phần lóe sáng, soi rọi, lên những năm tháng tăm tối của tuổi trẻ ông. Ông biết cái phần đấy đã thuộc về một người và càng về sau lại càng thêm vào. Thêm nào con nào cháu nào họ mạc, gần với lại xa. Thêm sui gia, thêm người cùng quê cùng xóm… Thế mà lại cứ tham mới rõ khổ. Cứ muốn vơ vào cho riêng mình, dù, chỉ lấy một giờ thôi cũng được. Bà là tình yêu duy nhất của đời ông. Ông yêu bà khi chưa mười bảy và qua bảy mốt rồi, vẫn yêu. Áng chừng như còn yêu nhiều hơn nữa...

BA

Ông đi nhẹ nhàng sau đúng một tuần bà sang ở cùng. Buổi sáng đó, Phương một tay chống nạng một tay dìu mẹ đứng trước căn nhà bẩn chật và tối tăm này. Căn nhà ông đã sống gần hết một đời mình với hình bóng của bà, tình yêu của bà và ước muốn luôn được có bà. Lần đầu, kể từ khi bố Phương qua đời bà thấy thằng út ít của bà lớn hẳn. Trong tiếng gọi ông, dồn dập và hoan hỉ, là bao cảm xúc nén dồn, òa vỡ. Phương reo lên: “Bác ơi! Cháu đem mẹ đến cho bác đây này.” Và, ông ngoái cổ ra khỏi chỗ nằm, nheo mắt cười rất tươi rồi cứ thế, đăm đắm, nhìn mẹ con bà dựa dìu vào nhau, bước tới.

Những ngày có mẹ con bà mới rõ là vui chứ! Bà vừa dọn dẹp lại căn nhà vừa mắng nhiếc ông. Mà những lời như thế của bà, với riêng ông, mới đằm ngập biết bao thương cảm. Phương cũng rất tận tình giúp mẹ và cả nữa, rất nhiệt tình bào chữa hộ ông. Những nào: “Thì bác già rồi với lại yếu đau mãi…”, “ Đàn ông mấy ai để tâm đến các cái thứ lặt vặt như lau chùi…”. Có mẹ, thằng bé gần như sống hẳn ở bên này. Như thế lại rất tiện cho bà, vừa chăm được ông vừa chăm được con, vừa lo cho người ốm lại lo cho người khỏe… Vừa nghe ông nói thế, Phương chộp ngay: “Sao bác không bảo luôn, là: Vừa lo cho người lành lặn lại lo cho kẻ  khuyết tật”. Bà cũng chẳng vừa, nối theo ngay: “Vừa lo được cho người hai chân lại lo được cho kẻ một giò. Vừa tiện cho người nằm giường lại tiện cho kẻ lăn xe.” Để rồi, sau câu nói ấy cả ba cùng cười bùng lên, rất rộn.    

Ông không thể cười nổi như thế vào hôm từ giã thế gian này. Ông đang rất mệt. Nên, chỉ một ánh mắt tươi và một nụ cười, rất hiền. Cũng cười y hệt vào bữa điểm tâm với món miến lươn, mà ông rất thích dẫu chỉ đúng vài gắp là ngắc ngứ rồi. Cười, khi nhấp từng ngụm nước cam mát ngọt, bà pha. Cười, với bà một bên và Phương một bên rồi khẽ khàng nói. Là những lời không rõ ràng, mạnh bạo nhưng chẳng chút ái ngại, ngập ngừng. Cứ như đã sắp sẵn đâu trong ông, từ hồi nào : “Cuộc sống của tôi chỉ ý nghĩa nhất là những ngày này. Quãng đời được sống thêm. Tôi biết ơn bà lắm”. Rồi nhẹ nhàng khép mắt…

NGUYỄN MỸ NỮ

;
.
.
.
.
.