Dạy tin học cho học viên khiếm khuyết

.

ĐNO - Kéo dài gần hai tháng (từ giữa tháng 3 đến hết tháng 4), lớp tin học dành cho học viên khiếm khuyết của Đoàn Trường Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông Việt - Hàn (VKU) không chỉ mang đến niềm vui mà còn giúp những đối tượng yếu thế có cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin.

Các học viên chăm chú nghe hướng dẫn.
Mỗi buổi học, các học viên sẽ thực hành một bài tập. Thông qua bài tập đó, các học viên nắm được những kiến thức cơ bản.

Nhằm phát huy thế mạnh, tận dụng chuyên môn của nhà trường trong các hoạt động xã hội, đồng thời góp phần trong chuyển đổi số, từ giữa tháng 3, Đoàn Trường Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông Việt - Hàn (VKU) thuộc Đại học Đà Nẵng đã tổ chức lớp hướng dẫn tin học cơ bản dành cho các học viên khiếm khuyết tại Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng (Trung tâm).

Lớp học được mở ra với mong muốn giúp các em học viên khuyết tật tại Trung tâm có cơ hội được tiếp cận với công nghệ thông tin, thực hiện được những thao tác cơ bản trên máy tính như: bật/tắt máy tính, sử dụng internet và tìm kiếm thông tin có chọn lọc, soạn thảo văn bản trên Word, tìm đường đi trên máy tính và điện thoại; tìm hiểu về cổng dịch vụ công thành phố và tạo page bán đồ thủ công,….

Lớp học được tổ chức hằng tuần vào tối thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm. Các máy tính phục vụ cho việc dạy và học được Trường Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông Việt - Hàn di chuyển từ trường qua Trung tâm vào mỗi buổi học.

tiếp xúc máy tính
Sau một thời gian học tập, từ chưa biết gì, các học viên đã biết một số thao tác trên máy tính.

Lần đầu tiên tiếp xúc với máy tính, chị Nguyễn Thị Ánh không giấu nổi sự bỡ ngỡ và cảm giác lạ lẫm khi thực hiện các thao tác trên máy tính. Với sự kiên trì của bản thân cùng sự hướng dẫn nhiệt tình của những tình nguyện viên, sau gần hai tháng, chị đã thực hiện được một số thao tác đơn giản như: tìm kiếm thông tin trên internet, biết cách gõ tiếng Việt có dấu, soạn thảo văn bản trên Word (lưu file; chỉnh chữ in đậm, in nghiêng; chuyển đổi màu chữ; tạo bảng),…

Dù quá trình thực hiện thao tác trên máy tính của chị Ánh còn chậm nhưng so với lúc ban đầu khi chưa biết gì, đó là nỗ lực của cả người dạy và người học.

"Trước giờ tôi chưa từng được tiếp xúc với máy tính, nay biết thêm chút kiến thức tin học, gõ được một đoạn văn nhỏ hoàn chỉnh làm tôi thấy vui lắm", chị Ánh cho hay.

Anh Nguyễn Bảo Tích, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Trường VKU, giáo viên phụ trách chính của lớp học chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình dạy là các bạn học viên thường hay quên.

Bởi lẽ, đa phần các bạn đều chưa từng được tiếp xúc với máy tính. Bên cạnh đó, hầu hết các bạn học viên tại Trung tâm đều có những khiếm khuyết về cơ thể, về trí tuệ nên việc tiếp thu kiến thức đôi lúc còn hạn chế, mỗi học viên cần có phương thức tiếp cận khác nhau.

“Để các bạn thực hiện được các thao tác trên máy tính như bây giờ, mỗi buổi học chúng tôi luôn phải theo sát hướng dẫn, dùng lời nói nhẹ nhàng, sự kiên nhẫn để nhắc lại kiến thức đã dạy, bổ trợ kiến thức mới, đồng thời tạo không khí học tập vui vẻ, thoải mái để các bạn không cảm thấy tự ti trong quá trình học”, anh Tích cho biết.

Là một sinh viên thành thạo về những kỹ năng cơ bản trên máy tính, Trịnh Đàm Minh Quân (sinh viên năm 1 Ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính, tình nguyện viên lớp học) bày tỏ, việc tham gia hướng dẫn cho học viên tại Trung tâm giúp Quân mở lòng hơn với mọi người. Bên cạnh đó, còn rèn luyện cho Quân cách diễn đạt sao cho đơn giản, dễ hiểu để học viên dễ dàng tiếp thu kiến thức.

“Các bạn rất ham học và chịu khó lắng nghe. Tuy các thao tác còn chậm nhưng những nội dung em bày các bạn đều có thể thực hành được. Nhìn thấy sự kiên trì của các bạn em rất cảm động. Hy vọng rằng hoạt động này sẽ là bước đầu tiên để các bạn tìm hiểu về máy tính, phục vụ cho nhiều mục đích, nhu cầu khác nhau”, Quân chia sẻ.

Các tình nguyện viên luôn theo dõi, quan sát để hướng dẫn, chỉnh lỗi sai cho học viên.
Các tình nguyện viên luôn theo dõi, quan sát, hướng dẫn kỹ càng cho học viên.

Luôn dõi theo từng thao tác của học viên để hướng dẫn sâu sát, Dương Thị Tình (sinh viên năm 1 Ngành Logistics, tình nguyện viên của lớp học) cho biết, bản thân rất vui khi được góp một chút sức nhỏ giúp các bạn khiếm khuyết tại Trung tâm được tiếp cận tin học.

“Tham gia hoạt động lần này, em nhận được sự yêu mến của các bạn học viên, có thêm bạn mới là các bạn tình nguyện viên tham gia hoạt động và cái được lớn nhất là niềm vui khi nhìn thấy học viên biết thêm một chút, nhớ thêm một chút kiến thức đã được hướng dẫn sau mỗi buổi học”, Tình nói.

“Qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn giúp học viên được trang bị kiến thức tin học cơ bản, một kỹ năng quan trọng trong thời đại số. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm, tinh thần nhiệt huyết của thanh niên trong các hoạt động vì cộng đồng. Thời gian đến, Đoàn trường sẽ tiếp tục lan tỏa những việc làm ý nghĩa khác”, anh Tích chia sẻ.

Bên cạnh việc dạy tin học, quá trình tổ chức hoạt động, nhận thấy nhiều học viên tại Trung tâm không biết chữ, các sinh viên đảm nhận thêm việc dạy chữ (dạy viết, dạy đọc).
Bên cạnh việc dạy tin học, quá trình tổ chức hoạt động, nhận thấy nhiều học viên tại Trung tâm không biết chữ, các sinh viên đảm nhận thêm việc dạy chữ (dạy viết, dạy đọc).

THU DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.