Mang lại nụ cười cho trẻ thơ

.

Ngày 13-4, tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng diễn ra hội nghị sơ kết chương trình hợp tác phẫu thuật khe hở môi vòm trẻ em.

Đây là chương trình hợp tác, chuyển giao kỹ thuật y khoa giữa Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng với sự hỗ trợ của tổ chức từ thiện Smile Train (Hoa Kỳ). Đã có hơn 400 trẻ em tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên tìm lại nụ cười khi đến điều trị tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.

Hơn 400 trẻ em đã được phẫu thuật miễn phí trong gần 5 năm qua.
Hơn 400 trẻ em đã được phẫu thuật miễn phí trong gần 5 năm qua.

Chương trình phẫu thuật miễn phí dị tật sứt môi hở vòm trẻ em là câu chuyện nhân ái được viết liên tục trong suốt 5 năm qua, với sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh, Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP. Hồ Chí Minh.

Cưới nhau 7 năm mới có con đầu lòng, niềm vui của vợ chồng chị Lê Thị Hoàn (trú huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) chưa kịp vỡ òa thì cả hai vợ chồng đã ôm nhau khóc.

Cháu Trần Văn K., sinh ra không hề có bờ môi trên. Khuyết tật này khiến cháu không thể bú mẹ, lớn lên ăn uống rất khó khăn. Nhà nghèo, chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân của chồng, chị Hoàn chưa từng nghĩ sẽ có ngày đủ điều kiện để chữa trị cho cháu.

“Hồi đó, cháu sinh ở Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng nên tháng 11-2016, các bác sĩ ở trong này gọi điện ra bảo mang con vào để được phẫu thuật. Các bác sĩ còn bảo sẽ miễn phí hoàn toàn chi phí điều trị, đi lại, ăn ở. Vợ chồng nghe mà không tin đó là sự thật”, chị Hoàn kể lại.

Từ đó đến nay, cháu K. đã trải 3 lần phẫu thuật miễn phí. Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, hiện cháu đã có thể tự ăn uống bình thường, uống nước không đổ ra ngoài, bắt đầu nói tròn vành, rõ chữ.

Cũng giống như chị Hoàn, hơn 20 ông bố bà mẹ có mặt tại hội trường Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đều không giấu nổi niềm vui sau đợt phẫu thuật diễn ra hồi đầu tuần. Đây là đợt phẫu thuật lần thứ 15 của chương trình phẫu thuật miễn phí dị tật sứt môi hở vòm trẻ em được thực hiện từ tháng 7-2013 đến nay.

“Dạng dị tật này phải đi phẫu thuật nhiều lần nên chẳng dám đưa cháu đi khám, phẫu thuật. Biết là thương cháu nhưng vì điều kiện khó khăn quá. Nếu không có chương trình này, không biết cháu tôi bao giờ mới cười tươi, hồn nhiên như bao đứa trẻ khác”, bà Nguyễn Thị Sen (trú huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ.

Lãnh đạo Sở Y tế trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho các tổ chức, cá nhân thực hiện chương trình phẫu thuật miễn phí dị tật sứt môi hở vòm trẻ em giai đoạn 1 (2013-2018) trên địa bàn thành phố.  Ảnh: PHAN CHUNG
Lãnh đạo Sở Y tế trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho các tổ chức, cá nhân thực hiện chương trình phẫu thuật miễn phí dị tật sứt môi hở vòm trẻ em giai đoạn 1 (2013-2018) trên địa bàn thành phố. Ảnh: PHAN CHUNG

Theo bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, chương trình hợp tác này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển của bệnh viện, đặc biệt là trong lĩnh vực mắt, tai-mũi-họng và răng-hàm-mặt.

“Không chỉ hàng trăm cháu bé được phẫu thuật miễn phí, người nhà được hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở mà đội ngũ nhân viên y tế tại bệnh viện cũng được đào tạo, nâng cao tay nghề. Đây là nguồn nguồn nhân lực bền vững, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh lâu dài cho bệnh viện”, bác sĩ Vinh cho biết.

Người được xem là “cha đẻ” của chương trình này, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm, mục tiêu cao nhất của chương trình phẫu thuật chính là trả lại hạnh phúc, nụ cười và tương lai cho hơn 400 trẻ em trong thời gian qua.

Bởi theo bác sĩ Đẩu, trẻ bị dị tật sứt môi hở vòm chịu ảnh hưởng tâm lý rất lớn và hiện nay, xã hội vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đối với dị tật này. “Chương trình không chỉ đơn thuần là hoạt động y tế mà còn là cầu nối xã hội, cùng nhau kết nối những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước, kịp thời sát cánh, chia sẻ với những khó khăn, bất hạnh của các cháu và gia đình”, bác sĩ Đẩu nhấn mạnh.

Từ năm 2013 đến nay, với sự kết nối của ông, Tổ chức Smile Train (Hoa Kỳ) đã hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật cho hơn 400 trẻ bị dị tật cũng như chi phí đi lại, ăn ở cho người thân của các cháu (khoảng 5 triệu đồng/cháu).

Ngoài ra, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP. Hồ Chí Minh, hàng ngàn suất quà của những người con xa quê đã được bác sĩ Đẩu kêu gọi, kết nối và trao đến tay những gia đình có trẻ bị dị tật sứt môi hở vòm.

“Những đứa trẻ cần được chăm sóc toàn diện, bằng cả trách nhiệm của người bác sĩ trong phẫu thuật, điều trị bệnh và sự chung tay của cả cộng đồng xã hội trong việc chia sẻ những khó khăn về vật chất, tinh thần. Chính vì thế, tôi hy vọng trong thời gian tới chương trình sẽ được tiếp tục và gặt hái nhiều thành công hơn”, bác sĩ Đẩu chia sẻ thêm.

Ký kết chuyển giao kỹ thuật giai đoạn 2

Sáng cùng ngày, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ ký kết chuyển giao kỹ thuật giai đoạn 2 chương trình hợp tác phẫu thuật khe hở môi vòm, giai đoạn từ tháng 4-2018 đến 12-2020.

Chương trình ký kết bao gồm các nội dung thực hành phẫu thuật, chăm sóc, gây mê, hỗ trợ bộ dụng cụ phẫu thuật và các trang thiết bị y tế khác. Dịp này, Chủ tịch UBND thành phố tặng bằng khen cho 3 cá nhân, tập thể; Sở Y tế thành phố trao tặng 10 giấy khen cho các tập thể, cá nhân vì đã có những đóng góp trong việc thực hành chuyển giao kỹ thuật thực hiện chương trình phẫu thuật miễn phí dị tật sứt môi hở vòm trẻ em giai đoạn 1 (2013-2018) trên địa bàn thành phố.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.