Cẩn trọng với bệnh tay-chân-miệng

.

Từ đầu tháng 10 đến nay, bệnh tay-chân-miệng (TCM) ở trẻ có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn thành phố, cao hơn cùng kỳ năm trước.

Theo ngành y tế, tuy chưa có dấu hiệu bùng phát và không thể kiểm soát như nhiều địa phương trong cả nước, nhưng để phòng, tránh và điều trị hiệu quả, cần sự chủ động từ chính người dân trong việc chăm sóc, vệ sinh cho con em mình.

Bệnh tay-chân-miệng có diễn biến nhanh nên cần để ý các triệu chứng ban đầu.
Bệnh tay-chân-miệng có diễn biến nhanh nên cần để ý các triệu chứng ban đầu.

Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng ngày 11-10 thu dung điều trị 125 bệnh nhi, trong đó có 97 bệnh nhi bị TCM. Trước đó, theo thống kê từ đơn vị này, trong tuần đầu tiên của tháng 10 (ngày 1 đến 8-10) có tổng cộng 150 bệnh nhi bị TCM trong tổng số 173 trẻ nhập viện, điều trị tại đây.

Những số liệu ban đầu cho thấy, từ đầu tháng 10, bệnh TCM đã có dấu hiệu tăng. Bé Trần Thị M. (18 tháng, trú quận Liên Chiểu) được gia đình đưa vào bệnh viện khi có dấu hiệu sốt 39-40 độ liên tục, dùng thuốc hạ sốt nhưng không đáp ứng, miệng xuất hiện những nốt nhỏ li ti.

Tương tự, cháu Nguyễn Duy K. (30 tháng tuổi, quê Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) được người nhà chuyển ra Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng trong tình trạng sốt cao, da rát đỏ, mụn nước mọc quanh miệng, mông, lòng bàn tay. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị TCM mức độ 2B, nếu đến bệnh viện chậm thêm vài giờ đồng hồ nữa, có thể cháu sẽ bị sốc, viêm màng não, phù phổi cấp, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Phó khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết, ngoài việc điều trị nội trú cho bệnh nhi bị TCM, mỗi ngày đơn vị này khám ngoại trú cho khoảng 80-100 bệnh nhi cũng mắc căn bệnh này.

Theo bác sĩ Thịnh, bệnh TCM xuất hiện phổ biến ở trẻ 1-5 tuổi, trong đó trẻ 1-3 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

“Thời gian 2-5 ngày xuất hiện dấu hiệu, bệnh diễn tiến nhanh theo từng giờ, rất nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ. Số liệu thống kê hiện nay cho thấy, dù số bệnh nhi nhập viện, điều trị vẫn trong tầm kiểm soát nhưng có dấu hiệu tăng về số lượng và số ca nặng. Điều đó cho thấy sự phát hiện căn bệnh này từ người thân các bé vẫn chưa kịp thời”, bác sĩ Thịnh cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết, số ca mắc TCM hiện nay tuy không bằng so với đỉnh dịch TCM vào năm 2011, nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nhất là khi chủng vi-rút Ev71 xuất hiện trở lại.

Ev71 là chủng vi-rút có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như: thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim, viêm não… có thể gây tử vong nhanh cho bệnh nhi mắc TCM. “Đánh giá tình hình dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào nên từ đầu tháng 9, bệnh viện đã xây dựng phương án điều trị cho bệnh nhi TCM.

Hiện nay, số nhân lực tại các khoa, phòng khác được bố trí, tăng cường gấp đôi cho Khoa Y học nhiệt đới. Số lượng nhân viên y tế trong mỗi suất trực hằng ngày cũng tăng gấp đôi. Trong trường hợp bùng phát TCM, bệnh viện đã lên phương án dự phòng, đó là sử dụng hội trường, căng tin để làm bệnh viện dã chiến, sẵn sàng cung ứng thuốc, vật tư, nhân lực chăm sóc, điều trị kịp thời cho bệnh nhi TCM”, bác sĩ Sơn cho biết.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, tính từ đầu năm nay cho đến đầu tháng 10, toàn thành phố ghi nhận hơn 1.280 ca TCM (cao hơn cùng kỳ năm 2017 130 ca), 11 ổ dịch nhỏ, chưa có trường hợp tử vong.

Hằng ngày, Trung tâm Y tế dự phòng đều phối hợp với các cơ sở y tế tiến hành lấy mẫu bệnh để phân tích. Trên địa bàn thành phố chưa ghi nhận ca bệnh TCM nhiễm chủng vi-rút Ev71.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, người dân không nên vì điều này mà chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch vì TCM là bệnh có diễn biến rất nhanh, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

“Để phòng, chống bệnh TCM hiệu quả, việc quan trọng và cần thiết nhất là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy; đặc biệt, vào các thời điểm trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, bế trẻ; sau khi đi vệ sinh, thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Bệnh TCM phát tán qua phân của trẻ, vì vậy không nên dùng tay mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay. Ngoài ra, nhà ở, nơi sinh hoạt, trường học phải thông thoáng; đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, sàn nhà... cần được lau chùi thường xuyên bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Khi trẻ có dấu hiệu mắc TCM cần đến cơ sở y tế gần để được hướng dẫn điều trị kịp thời”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.
.
.