Sau khi Chủ tịch UBND các quận, huyện ký cam kết triển khai nghiêm túc đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” vào cuối tháng 12-2016, đến nay một số địa phương đã lên kế hoạch cụ thể để triển khai đề án với mục đích tạo chuyển biến từ nhận thức và hành động, tạo đồng thuận và hưởng ứng từ mỗi gia đình.
Nhằm động viên các lực lượng tuần tra đêm, giao thừa năm Đinh Dậu, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã xuống đường tham gia tuần tra cùng lực lượng của phường Hải Châu 1, quận Hải Châu. Ảnh: TRỌNG HÙNG |
Tạo chuyển biến ngay từ đầu năm
Đến cuối tháng 1-2017, các quận, huyện đã quán triệt nội dung đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”. Riêng đối với quận Liên Chiểu đã lồng ghép triển khai nội dung này đến gần 900 tổ dân phố để cán bộ cơ sở nắm bắt kịp thời và tuyên truyền trong khu dân cư ngay trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng cho biết, địa phương đã chỉ đạo Phòng Nội vụ và các đơn vị liên quan xây dựng và cụ thể hóa 4 nội dung trong chương trình “Thành phố 4 an” vào một văn bản và tuyên truyền đến từng gia đình.
“Mỗi gia đình sẽ được thông tin, giải thích cụ thể chủ trương lớn, rất nhân văn của thành phố. Sau đó, đề nghị mỗi hộ ký cam kết để cùng hưởng ứng và thực hiện hiệu quả. Có như vậy, các mục tiêu của chương trình mà quận Liên Chiểu triển khai trong năm 2017 mới có thể cho kết quả tích cực”, ông Hưng cho biết.
Theo lãnh đạo quận Liên Chiểu, có 3 trong số 4 nội dung được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm và chỉ đạo quyết liệt là kiềm chế tội phạm và tệ nạn xã hội, không để phạm pháp hình sự và tội trộm cắp diễn biến phức tạp, trở thành điểm nóng.
Song song đó, tập trung các đợt cao điểm bảo đảm an toàn giao thông thông thoáng, giảm ùn tắc cục bộ. Riêng về bảo đảm an toàn thực phẩm, quận siết chặt quản lý chất lượng thực phẩm cung ứng tại chợ Hòa Khánh, chợ Nam Ô và các chợ hải sản. Quận phấn đấu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể do ăn phải thức ăn nhiễm độc, cá biển nhiễm độc.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Lê Văn Sơn cho biết, trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của quận Cẩm Lệ năm 2017 thì nhiệm vụ thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” quan trọng hàng đầu. Quận yêu cầu các phòng, ban và ngành liên quan như:
Công an, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Mặt trận, Dân vận cấp quận và phường tăng cường công tác phối hợp nắm thông tin, đặc biệt là phát hiện và xử lý nghiêm các vụ vi phạm về an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm. Về an sinh xã hội, quận tiếp tục huy động các nguồn lực từ đơn vi, doanh nghiệp để chăm lo ngày càng tốt hơn cuộc sống người dân, không để tái nghèo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành kiểm tra vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. |
Tuyên truyền “thấm sâu” vào người dân
Đối với một địa phương có đặc thù là huyện nông nghiệp như Hòa Vang thì vấn đề sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch là một trong những ưu tiên mà huyện đặt ra trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành, thực hiện chỉ đạo của thành phố và Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện phối hợp với các sở, ngành thành phố phát triển các vùng chuyên canh rau rạch, rau an toàn cung ứng các chợ lớn của thành phố.
“Ở vùng nông thôn, chúng tôi đề cao ý thức phòng ngừa tội phạm của người dân. Bên cạnh đó, trước mắt sẽ hạn chế và xử phạt nặng xe ben, xe tải phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn giao thông. Đây là nỗ lực cụ thể để tạo chuyển biến trong chương trình “Thành phố 4 an” của huyện”, ông Đặng Phú Hành nói.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Xuân cho biết, công tác tuyên truyền trọng tâm của năm 2017 ngoài thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố thì nội dung cần nhấn mạnh xuyên suốt ngay từ đầu năm là triển khai thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”.
Với trách nhiệm đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo các Quận ủy, Huyện ủy và Ban Tuyên giáo Đảng ủy 56 xã, phường chú trọng công tác tuyên truyền trong khu dân cư và trong nhân dân dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú.
Mỗi địa phương tùy vào tình hình thực tiễn có những cách làm mới mang tính sáng tạo để tuyên truyền đưa nội dung “4 an” thấm sâu vào từng gia đình, từng người dân. “Nội dung chương trình “Thành phố 4 an” rất thiết thực và cô đọng. Do vậy, vấn đề là nhận thức phải sâu sắc, hành động quyết liệt, cụ thể; không để ở trên triển khai mạnh, quyết tâm cao nhưng ở dưới người dân lại thiếu thông tin hoặc chưa nắm chắc dẫn đến chưa góp tay thực hiện cùng địa phương”, ông Bùi Xuân nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên, Mặt trận các cấp sẽ triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa để từng khu dân cư, từng cán bộ Mặt trận gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, tạo niềm tin để người dân phấn khởi cùng thực hiện nhằm mang lại chuyển biến rõ nét trong thời gian đến.
Bài và ảnh: Việt Dũng