Ngoài 60 tuổi với hơn 45 năm sống sát đường ray xe lửa, đoạn gần nút giao thông ngã ba Huế, hơn ai hết, ông Nguyễn Bảo Hưng, Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) 30A, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ thấm thía cái khổ của người dân nơi đây.
Ông tâm sự, trước đây, đoạn đường sắt ngay trước nhà ông năm nào cũng có vài vụ tai nạn giao thông (TNGT), hầu hết đều rất nghiêm trọng, người chết không toàn thây. Thành phố, rồi quận, phường, ngay cả bà con TDP cũng tìm đủ mọi cách giảm TNGT dọc tuyến đường sắt này; thế nhưng cái khó nằm ở chỗ người bị TNGT không phải là cư dân sống ở đường gom dọc tuyến đường sắt này mà hầu hết là người từ nơi khác đến nên TDP triển khai biện pháp nào cũng không hiệu quả. Đó là chưa kể hàng loạt bất cập khác như vệ sinh môi trường không bảo đảm, việc mưu sinh của người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, khi vừa nghe thông tin thành phố mở rộng tuyến đường gom, gần như tất cả bà con đều ủng hộ. Còn nhớ buổi họp TDP đầu tiên để thông báo chủ trương, cả tổ có 53 hộ, trong đó 7 hộ nằm trong diện giải tỏa nên ai cũng chờ những “người trong cuộc” có ý kiến.
Thật mừng là tất cả 7 hộ trên đều ủng hộ chủ trương vì ai cũng “không muốn thấy cảnh TNGT trước nhà mình nữa!”. Chính vì vậy, phương án phần đất đền bù theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tức chỉ đền bù 1/2 số tiền phần đất và phần nhà đền bù 100% giá trị được người dân đồng ý ngay.
Ông Trịnh Ngọc Thắng, Tổ trưởng TDP 30, phường Hòa An khẳng định: “Vừa nghe chủ trương, chưa họp hành gì bà con đã hỏi khi nào giải tỏa để chuẩn bị”. Tổ có 30 hộ thì đã có 12 hộ nằm trong diện giải tỏa một phần đất để mở rộng tuyến đường gom.
Đến hôm nay, 100% số hộ này đã thuận theo chủ trương thành phố. Mọi người rất phấn khởi không chỉ vì sắp có tuyến đường mới mà quan trọng nhất là ATGT qua đoạn đường này sẽ được bảo đảm hơn. Chính vì vậy, khi vừa nhận tiền đền bù, tất cả hộ dân đều chủ động tháo dỡ tường rào, nhà cửa để giao đất cho công trình.
Chung tâm trạng như trên, bà Lê Thị Thơ (trú số 24 Trường Chinh) khoe vừa mới được Hội đồng giải tỏa đền bù của quận đến thăm, tuyên dương và hỗ trợ 1 triệu đồng vì đã tự nguyện tháo dỡ tường rào, giao đất sớm cho công trình. Bà cho biết: Cả đời tôi sống trên tuyến đường gom dọc đường sắt bắc-nam này nhưng cứ mỗi lần nghe tiếng tàu chạy qua lại lo TNGT. Làm sao không lo cho được khi tuyến đường gom rộng khoảng 2m và kẹp sát là tuyến đường sắt, chỉ cần người đi đường bị giật mình khi nghe tiếng còi tàu cũng có thể bị TNGT rồi…
Suốt gần 1km tuyến đường gom dọc tuyến đường sắt nằm trên địa bàn phường Hòa An, đến nay hầu hết người dân đã hoàn thành xong việc tháo dỡ tường rào, nhà cửa sẵn sàng đất “trắng” giao cho công trình. Đi đâu cũng bắt gặp tâm trạng vui vẻ của người dân khi sắp có tuyến đường mới đi qua trước nhà.
Theo UBND quận Cẩm Lệ, dự án đường gom đường sắt đoạn ngã ba Huế-cầu vượt Hòa Cầm chủ yếu đi qua hai phường Hòa An và Hòa Phát. Riêng phường Hòa An có 216 hồ sơ giải tỏa đền bù, trong đó 100% hộ đều thống nhất chủ trương đồng ý mức giá đền bù, hầu hết đã chủ động sớm giao đất cho công trình. Đây là thuận lợi rất lớn cho dự án sớm triển khai, đồng thời cũng là cơ sở để quận xóa “vệt đen” về TNGT suốt nhiều năm nay.
THANH VÂN