Mái ấm của trẻ mồ côi

Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng là mái ấm của nhiều trẻ bất hạnh, tật nguyền. Bù đắp thiếu thốn cho các em là 13 cô bảo mẫu ngày đêm cận kề chăm sóc.

Ở Trung tâm này, các cô bảo mẫu đều luôn tay chăm sóc các bé. Trung tâm hiện có 24 cháu, gồm 19 cháu bị bỏ rơi và 5 cháu do gia đình đặc biệt khó khăn gửi vào; trong số đó có 9 cháu khuyết tật. Theo Giám đốc Trung tâm Trần Thị Nhì, đa phần các cháu bị bỏ rơi tại cổng chùa và các cơ sở y tế được chính quyền địa phương chuyển cho Trung tâm nuôi với đầy đủ thủ tục pháp lý. Mỗi lần nhận trẻ, Trung tâm đưa đến Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng khám sức khỏe tổng quát, điều trị những bệnh cấp tính, đồng thời làm thủ tục đăng ký khai sinh tại UBND phường Hòa Hải. Các cháu đều được mang họ Trần của Giám đốc Trung tâm như Trần Thiên Thanh, Trần Thị Nga, Trần Minh Hiếu...

Từ trong bụng mẹ, thai nhi đã không được chăm sóc chu đáo, nên đứa trẻ sinh ra bị còi cọc, suy nhược, tật nguyền và mắc nhiều bệnh bẩm sinh. Đơn cử như cháu Trần Văn H. 17 tuổi nhưng vẫn phải nằm nôi với cơ thể chỉ nặng hơn 10kg, tay vẹo, chân khoèo. Cháu Trần Thị M. bị bệnh não úng thủy, thân hình gầy guộc, teo tóp còn đầu lại to quá cỡ, hai tay động đậy yếu ớt. Cháu Trần Thị H. bị thiểu năng trí tuệ, không làm chủ hành vi…

13 cán bộ, nhân viên làm việc tại đây đều dốc sức và dành tình yêu thương cho các cháu. Tiêu biểu như bảo mẫu Nguyễn Thị Tánh (49 tuổi, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đã gần 20 năm gắn bó với trung tâm, ngày ngày coi việc chăm sóc, nâng niu những đứa trẻ tật nguyền, bất hạnh là niềm hạnh phúc. Còn bảo mẫu Nguyễn Thị Vân (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) dù đã 60 tuổi nhưng bà vẫn thường xuyên nhận trực đêm và nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm cho các nhân viên trẻ. Đặc biệt, Giám đốc Trung tâm Trần Thị Nhì không chỉ lo công tác quản lý và vận động tài trợ mà còn trực tiếp tham gia chăm sóc các cháu. “Trung tâm hợp đồng một bác sĩ thường xuyên đến chăm sóc sức khỏe cho các cháu. Các cháu đau ốm được đưa đến Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng điều trị đều luôn có bảo mẫu túc trực chăm sóc”, bà Trần Thị Nhì chia sẻ.

Kinh phí hoạt động của Trung tâm từ nguồn ủng hộ của các tấm lòng nhân ái gần xa, tiêu biểu như Trường Đại học Duy Tân, khách sạn Hyatt, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Silver Shores (Đà Nẵng), Tổ chức Brittany,s Hope (Hoa Kỳ). Có những nhà hảo tâm lặng lẽ ủng hộ kinh phí, thực phẩm để nuôi những mầm sống bé bỏng. Nhiều tình nguyện viên của các tổ chức nhân đạo quốc tế cũng thường đến đây hỗ trợ vật chất và tham gia luyện tập phục hồi chức năng cho các cháu. Cũng từ nguồn vận động, trung tâm này đã được xây dựng mới khang trang và mua sắm nhiều trang, thiết bị, dụng cụ, đồ chơi, phục vụ chăm sóc trẻ.

Bà Trần Thị Nhì cho hay, thời gian qua, có những trường hợp hiếm muộn đến xin con nuôi và ai cũng chọn những cháu khỏe mạnh, sáng sủa. Dù vậy, những cháu còn lại vẫn không thiếu thốn tình thương bởi vẫn còn “các bà”, “các mẹ” trong mái ấm này.   

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.