Trao "cần câu" để đẩy lùi ma túy

.

Những năm trước đây, phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) là địa bàn  “nóng” về tệ nạn thanh-thiếu niên sử dụng trái phép ma túy. Trên địa bàn phường có những kiệt, hẻm người lạ rất ngại đặt chân đến… Nhớ lại những ngày đó, anh T.V.T, người vừa thi hành xong 13 năm tù vì tội liên quan đến ma túy chia sẻ, quãng thời gian trước đây là một phần quá khứ tội lỗi đáng quên của anh…

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của quá khứ, khoảng 3-4 năm gần đây, phường Hải Châu 2 không những giảm nhanh số người sử dụng trái phép chất ma túy mà còn tạo được nhiều việc làm cho đối tượng sau cai.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Trần Anh Việt, có được kết quả này là nhờ chính quyền địa phương trao “cần câu cơm” cho người sau cai để họ xa lánh ma túy. Phường đã xây dựng mô hình “8 trong 1”, tức 1 đối tượng sau cai sẽ được đại diện của 8 cơ quan, đoàn thể theo dõi, giám sát, kèm cặp.

Để tránh tình trạng “giẫm chân nhau”, phường phân công theo hình thức nếu người nghiện ở lứa tuổi thanh niên sẽ giao cho đại diện Đoàn Thanh niên làm nhóm trưởng theo dõi quản lý; nếu người nghiện là phụ nữ sẽ giao cho đại diện Hội Phụ nữ...; nếu người nghiện từng có tiền án, tiền sự sẽ được giao cho công an khu vực làm nhóm trưởng quản lý. Với cách tổ chức này, gần như mọi sinh hoạt của đối tượng đều được theo dõi chặt chẽ để kịp thời can thiệp.

Ổn định công tác quản lý người sau cai, phường mạnh dạn thực hiện việc trao “cần câu” để đối tượng có việc làm ổn định, xa lánh ma túy và bạn bè xấu. Bằng cách làm này, qua hai năm, phường Hải Châu 2 đã tín chấp cho 31 người sau cai vay 534 triệu đồng từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố. Nhờ đó, nhiều người sau cai có vốn mở quán cà-phê, kinh doanh gas, quán ăn…

Song song đó, phường cũng thành lập Tổ tự quản vốn vay, mỗi đầu tháng sẽ có người của tổ đến thu lãi và tiền gốc chuyển về Ngân hàng Chính sách xã hội. Cũng theo ông Trần Anh Việt, cách làm này giúp phường quản lý chặt nguồn vốn vay, theo dõi được đối tượng sử dụng vốn hiệu quả hay không để kịp thời can thiệp.

Vì thế, từ khi triển khai đến nay, chưa có trường hợp rơi vào tình trạng “phá sản” do làm ăn không hiệu quả hoặc quay trở lại con đường nghiện ngập. Từ thành công trên, đầu năm 2018, UBND phường quyết định cho anh N.V.H, một người sau cai sử dụng nhà sinh hoạt của khối phố gần trụ sở UBND phường để mở cơ sở gia công cơ khí. Đến nay, không những anh H. làm ăn tốt mà còn tiếp nhận được 3 người sau cai vào làm việc với thu nhập khá ổn định.

Tâm sự với chúng tôi về việc UBND phường đứng ra tín chấp cho người sau cai vay vốn làm ăn, anh T.V.T chia sẻ: “Lúc tòa tuyên án 17 năm tù vì tội tổ chức mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy, tôi nghĩ đời mình như vậy là hết. Thế nhưng, khi lãnh đạo phường đến thăm và động viên, tôi đã cố gắng phấn đấu rèn luyện thật tốt nên được ra tù sớm 4 năm.

Không những vậy, UBND phường còn tín chấp cho tôi vay 3 lần với tổng số tiền trên 120 triệu đồng để mở tiệm cắt tóc, rồi nâng cấp tiệm. Nhờ tiệm tóc này, tôi có được gia đình, thu nhập ổn định và cũng nhận 2 người cùng hoàn cảnh vào làm việc, xa lánh hẳn ma túy”.

UBND phường Hải Châu 2 còn thành lập câu lạc bộ “Niềm Tin” để những người sau cai có nơi sinh hoạt. Theo nhận xét của anh Lê Viết Phương, cán bộ phụ trách xã hội của phường, câu lạc bộ là sân chơi chung được những người sau cai tìm đến với các hoạt động có ý nghĩa như thi đấu thể thao, làm công tác từ thiện... để tránh xa ma túy và trở thành công dân tốt.

THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.