APEC

Thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số

14:24, 14/08/2017 (GMT+7)

Phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy đào tạo nghề, tăng cường thông tin về thị trường lao động hiệu quả, tạo việc làm bền vững, thực hiện các chính sách an sinh phù hợp, bảo đảm các tầng lớp xã hội có thể tham gia tích cực vào lực lượng lao động và hưởng lợi lợi từ cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật là một trong những ưu tiên của Năm APEC 2017 nhằm hướng tới tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.

Với ý nghĩa quan trọng đó, ngày 15-5-2017, tại Hà Nội, các bộ trưởng, trưởng đoàn phụ trách hợp tác phát triển nguồn nhân lực của các nền kinh tế APEC, đại diện doanh nghiệp và người lao động đã gặp mặt tại Đối thoại Cao cấp APEC 2017 về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Đối thoại là diễn đàn thảo luận, chia sẻ mối quan tâm, nhận định, đánh giá về tương lai việc làm và tác động của số hóa, kinh nghiệm thực tiễn về phát triển thị trường lao động bền vững và toàn diện; về tăng cường giáo dục và đào tạo kỹ năng và các khía cạnh về an sinh xã hội.

Tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Nguồn nhân lực ở bất kỳ thời gian nào cũng là yếu tố trung tâm, là động lực của phát triển. Điều này thể hiện tầm quan trọng, ý nghĩa của đối thoại với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số”. Trong kỷ nguyên số, sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với phát triển nguồn nhân lực và cần tạo điều kiện, phương tiện mới để thực hiện những yêu cầu đó. “Điều đáng lưu ý là trong kỷ nguyên số này, công nghệ thông tin không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, mà còn là phương tiện kết nối, mở ra chân trời, thế giới mới để mọi người, mỗi người được tiếp cận, chia sẻ, giao lưu, phát huy sáng tạo và khẳng định giá trị cá nhân của mình và đóng góp vào thành tựu chung, vào văn minh nhân loại”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Ở Việt Nam, từ nhiều năm qua đã duy trì hệ thống gần 130 trung tâm giới thiệu việc làm công lập, hằng năm tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 3 triệu lao động. Những năm gần đây, nhiều sàn giao dịch việc làm trực tuyến ra đời với bộ máy gọn nhẹ hơn nhiều. Có thể khẳng định, công nghệ thông tin giúp thị trường lao động được tổ chức, vận hành hiệu quả, tiết kiệm thời gian kết nối việc làm.

Các đại biểu và diễn giả tham gia đối thoại đã thảo luận về những hàm ý của số hóa đối với việc làm tương lai và những thách thức cũng như cơ hội mà nó sẽ mang đến cho người lao động và cộng đồng của họ. Để giải quyết những thách thức này, các nền kinh tế APEC khuyến nghị cần tập trung đặc biệt vào các kỹ năng, giáo dục và đào tạo để đảm bảo rằng những người tham gia thị trường lao động có khả năng tận dụng tốt những cơ hội mới. Đặc biệt, chú ý “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các chính sách bảo trợ xã hội cần được thực hiện để hỗ trợ những lao động bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi cơ cấu.

Tại đối thoại, đại biểu các nền kinh tế APEC cũng thông qua khung phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số nhằm đưa ra một loạt các chính sách và biện pháp thích hợp nhằm hỗ trợ các nền kinh tế chuẩn bị cho những người tham gia thị trường lao động về những thách thức và cơ hội trong việc làm hiện tại và xa hơn trong tương lai, góp phần vào những sáng kiến và đóng góp của APEC vào những nỗ lực toàn cầu, bao gồm cả sáng kiến của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về “Tương lai việc làm” và những nỗ lực nhằm đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, cũng như tăng cường sự thịnh vượng chung cho khu vực. Tại phiên thảo luận cuối cùng của đối thoại, đại diện 21 nền kinh tế thành viên đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung của Đối thoại cao cấp về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Tuyên bố này sẽ được báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng APEC và Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11-2017. Khung thời gian đề xuất để thực hiện Tuyên bố này là từ năm 2017 đến năm 2025, và sẽ được các Bộ trưởng phụ trách phát triển nguồn nhân lực đánh giá lại vào năm 2022. 

Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực phát triển nhanh, năng động với trên 50% số người sử dụng điện thoại di động, Internet, mạng xã hội toàn cầu và là thị trường mua sắm qua mạng lớn nhất thế giới. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng APEC hiện nay cao hơn mức trung bình toàn thế giới, nhiều quốc gia có mức rất cao. Từ năm 2010 kinh tế số đóng góp trung bình khoảng 4,1% vào GDP của các nước trong G20. Tỷ lệ này ở Mỹ, Nhật Bản là 4,7%, Trung Quốc 5,9%, Hàn Quốc 7,3%, và xu thế tiếp tục gia tăng.

Việt Dũng tổng hợp

.