Chính trị - Xã hội
Xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phát triển
“Việc nước ta đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về tương lai châu Á - Thái Bình Dương”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh trong bài phát biểu nhân việc Việt Nam đảm nhận vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 sau khi Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Peru kết thúc vào tháng 11-2016.
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, vai trò chủ nhà Năm APEC 2017 là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao đối với nước ta trong việc cùng các nền kinh tế thành viên nỗ lực làm cho Năm APEC 2017 ghi đậm dấu ấn của tiến trình phát triển không ngừng của Diễn đàn APEC, thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Cách đây 11 năm (năm 2006), nước ta đã đảm nhận rất thành công vai trò nước chủ nhà của APEC, được các thành viên và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Chính vì vậy, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, năm APEC 2017, với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để cùng các thành viên thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thành các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020; chung tay xây dựng tầm nhìn liên kết khu vực trong giai đoạn phát triển mới. Đây là nền tảng quan trọng để cùng tạo dựng quan hệ Đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21.
“Trong bối cảnh phát triển mới, người dân và doanh nghiệp trong khu vực APEC, từ các công ty lớn đến hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đang đặt ra cho chúng ta những câu hỏi cần được giải đáp thấu đáo là APEC đang và sẽ làm gì cho họ? Những câu hỏi này đặt ra ngày càng bức thiết khi kinh tế toàn cầu vẫn phục hồi bấp bênh, chậm chạp trong khi sự bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo giữa các nền kinh tế và trong từng nền kinh tế, tình trạng thất nghiệp tiếp tục gia tăng, có nguy cơ làm đảo ngược các thành quả kinh tế - xã hội mà chúng ta đã nỗ lực đạt được”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tại Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai, tổ chức vào tháng 5-2017 ở Hà Nội.
Trước thực tế đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, hơn bao giờ hết, đây là thời điểm các nền kinh tế APEC đưa ra thông điệp khẳng định tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa mới tiến bộ hơn. Các quốc gia trong khu vực cần xây dựng tầm nhìn mới sau 2020 nhằm đem lại cho APEC một giá trị và vai trò mới trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu đang thay đổi. Chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay chính là APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách thương mại APEC lần thứ 23 diễn ra vào ngày 20-5-2017 ở Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, APEC đang hướng tới mục tiêu xây dựng một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực sự gắn kết cả về con người, hạ tầng cơ sở, công nghệ và thông tin nhằm tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư; đẩy mạnh các chương trình đổi mới toàn diện về cơ chế, chính sách tại các nền kinh tế thành viên.
Các chương trình hợp tác APEC về tăng cường kết nối, gia tăng chuỗi giá trị, kết nối chuỗi cung ứng, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, phát triển các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ... đang đóng góp rất tích cực cho sự phát triển và phồn vinh của khu vực. APEC có sự đa dạng về trình độ phát triển kinh tế cũng như sự khác nhau về văn hóa, thể chế chính trị, chính sách phát triển... Do vậy, APEC cần tăng cường hợp tác kinh tế, kỹ thuật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong hoạch định chính sách và triển khai các chương trình, dự án hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả và tạo nên tính riêng biệt nổi bật của hợp tác APEC so với những tổ chức và diễn đàn khác trong khu vực và trên thế giới; đồng thời mở rộng hợp tác với các khu vực khác trên thế giới để cùng kết nối, cùng phát triển ổn định, hòa bình, thịnh vượng.
Có thể khẳng định, quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương đang có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hòa bình, ổn định cho toàn khu vực. Vì vậy, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, dự báo đến năm 2050, tỷ trọng của khu vực này trong GDP toàn cầu sẽ tăng lên gần 70%. Khu vực này sẽ là minh chứng cho thịnh vượng chung có thể đạt được thông qua liên kết và hợp tác kinh tế sâu rộng hơn, cũng như tự do hóa thương mại và đầu tư.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Trong một thế giới đầy biến động, APEC cần tăng cường vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng và động lực cho tăng trưởng kinh tế và hội nhập. Chúng ta cần tiếp tục khẳng định vai trò tầm toàn cầu trong điều phối các liên kết kinh tế khu vực đa tầng nấc, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch và bao trùm... Đây là thời điểm chúng ta cần cùng nhau xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020, vì một “Quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì Phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21” - một quan hệ đối tác thiết thực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.”
TH.S tổng hợp