APEC
Các đầu bếp sẵn sàng phục vụ APEC 2017
Để bảo đảm chất lượng phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với tinh thần chuyên nghiệp và mến khách, ngành du lịch thành phố đã tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo các đơn vị trong ngành. Đặc biệt, những đầu bếp của các khách sạn chính thức và dự phòng được bố trí phục vụ các đoàn lãnh đạo cấp cao, đại biểu quốc tế đã sẵn sàng cho sự kiện lớn này.
Các bếp trưởng, bếp phó của 18 khách sạn được lựa chọn phục vụ lãnh đạo các nền kinh tế và đại biểu chia sẻ kinh nghiệm chế biến một số món ăn truyền thống. |
Dù hiện là bếp trưởng, bếp phó của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4-5 sao nhưng các đầu bếp được lựa chọn phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 vẫn rất háo hức với những buổi chia sẻ kinh nghiệm. Tại các buổi tập huấn, trao đổi, các đầu bếp còn được thực hành ngay trên bếp nấu với các đầu bếp đến từ các khách sạn 5 sao tại Hà Nội từng tham gia phục vụ sự kiện APEC cách đây 10 năm (2006).
Chị Doãn Thị Thu, Bếp trưởng nhà hàng Citron, của một khu nghỉ dưỡng lớn cho biết, việc được lựa chọn để phục vụ các đại biểu cấp cao tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 là vinh dự lớn. Để làm tốt nhiệm vụ này, cần có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm vì không phải tình huống nào cũng giống nhau.
“Nhờ sự chia sẻ của những người từng tham gia các sự kiện lớn, chúng tôi học được rất nhiều điều về kỷ cương, kỷ luật; cách sắp xếp công việc khoa học, chuyên nghiệp… Ngoài ra, sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng của các bộ phận cũng góp phần thành công cho các đầu bếp”, chị Thu nói.
Anh Mai Xuân Dũng, Bếp phó khách sạn Melia Đà Nẵng cho rằng, đoàn khách đến từ những nền kinh tế theo đạo Hồi rất kỹ tính; nhiều khi họ yêu cầu phải có bộ đồ bếp mới tinh, chưa qua sử dụng, hay có khu bếp hoàn toàn riêng biệt… Vì vậy, việc tập huấn kỹ năng chế biến các món ăn dành cho những vị khách này rất quan trọng và cần thiết. Thông qua những buổi đào tạo thực tế, bếp trưởng, bếp phó học được những kinh nghiệm, nắm bắt kiến thức, cách bố trí nhân sự...
Là người tham gia chia sẻ và hướng dẫn các đầu bếp của 18 khách sạn thực hành một số món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, chả giò (nem rán), anh Nguyễn Công Chung, Bếp trưởng khách sạn Sheraton Hà Nội cho rằng, bên cạnh kỹ năng, cách xử lý tình huống, các đầu bếp có thể biến tấu các món ăn, sáng tạo để có những món ăn mới; mỗi đầu bếp phải là một người quảng bá thương hiệu tốt nhất cho chính khách sạn của mình thông qua ẩm thực.
Tương tự, anh Trần Xuân Mới, Giám đốc Công ty Quản lý du lịch cao cấp châu Á ATM Asia chia sẻ, yêu cầu đầu tiên đối với các nhân viên khách sạn phục vụ các đoàn lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC là phải chuẩn bị tâm lý vững vàng, bảo đảm những yêu cầu khắt khe nhất của khách…
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, đến nay các khách sạn trên địa bàn thành phố đã sẵn sàng “ăn APEC, ngủ APEC”. Đây là cơ hội lớn và cũng là thách thức của ngành du lịch. Ẩm thực có vai trò rất quan trọng trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa xứ Quảng, miền Trung nói riêng.
Do đó, các khách sạn cần có sự chuẩn bị chu đáo nhất để vừa bảo đảm việc ăn uống của các đại biểu, vừa giới thiệu được những món ăn truyền thống của Việt Nam. Việc phục vụ ăn uống cho các đoàn lãnh đạo cấp cao, đại biểu của APEC cũng khác hẳn với việc phục vụ khách du lịch thông thường vì yêu cầu cao hơn, có nhiều yêu cầu đột xuất. Do đó, trong quá trình chuẩn bị, các yếu tố an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu và đặc biệt là phải nhanh nhẹn, kịp thời đáp ứng các yêu cầu của khách.
Bài và ảnh: THU HÀ