ĐNO - Một ngôi nhà ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng vừa được vinh danh tại cuộc thi FuturArc Green Leadership Award 2020 nhằm tìm ra những công trình xây dựng xanh tại châu Á và Australia. Thông tin vừa được Hội Kiến trúc sư Việt Nam xác nhận.
Căn nhà phủ đầy cây xanh thật ấn tượng. Ảnh: VTN Architects |
Căn nhà có tên gọi “Thắng House” được thực hiện bởi văn phòng VTN Architects (Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa chủ trì) qua thể hiện kiến trúc “nhà cho cây” góp phần phủ xanh cảnh quan đô thị và cải thiện môi trường sống bằng cách cung cấp kiến trúc bền vững và thân thiện với môi trường. Thắng House là công trình xanh giúp giảm tối đa năng lượng tiêu thụ và tự cung cấp trong vật liệu và năng lượng.
Ngôi nhà "Thắng House" nhìn từ trên cao. Ảnh: VTN Architects |
Nhóm thiết kế đã đề xuất một giải pháp trong diện tích đất hạn chế (250 m2) nhưng tạo ra một lá phổi xanh cho ngôi nhà để thở bằng cách chia đất thành hai phần song song: một phần cho khu vườn với một bức tường phủ cây xanh; phần còn lại với không gian sống có phần lớn cửa sổ và cửa ra vào hướng vào khoảng thông tầng với mục đích mang lại ánh sáng tự nhiên, không khí trong lành và hương thơm của cỏ và hoa đến từng góc nhà.
Ngôi nhà được thiết kế với bốn khối chính, trong đó một khối lớn dưới mái nhà và ba khối nhỏ hơn nằm trong hộp lớn. Chúng được mở rộng và bố trí phía trên khu vườn để tạo ra không gian thú vị cho phòng ngủ và phòng khách. Trong khi khối lớn được bao phủ bởi đá xám tạo cảm giác lôi cuốn cho không gian chung, thì những khối nhỏ được bao phủ bởi gạch trắng lại tạo cảm giác ấm áp cho không gian phòng ngủ. Các khoảng trống trên mái hẹp cho phép sự xâm nhập của ánh sáng tự nhiên một cách tinh tế vừa đủ cho không gian bên trong tạo ra hiệu ứng với ánh sáng xuyên qua khoảng trống giữa ba tầng. Hướng tới lối sống tự cung tự cấp, ngôi nhà được trang bị các tấm pin mặt trời cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện, hệ thống tái chế nước tự động luân chuyển nước từ ao cá sang các khu vực có cây xanh.
Thắng House chủ yếu được làm bằng vật liệu xây dựng địa phương có sẵn. Ảnh: VTN Architects |
Thắng House chủ yếu được làm bằng vật liệu xây dựng địa phương có sẵn từ các nguồn gần đó, chẳng hạn như đá xám từ mỏ đá Hòa Sơn và gạch từ tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, bê-tông trần là một vật liệu hiệu quả trong xây dựng với công nghệ xây dựng thấp hiện tại ở Việt Nam và bền dưới khí hậu địa phương khắc nghiệt.
Theo thiết kế, ngôi nhà gồm hai dải song song trên mảnh đất đô thị nhỏ, một bên là không gian sinh hoạt và bên còn lại là khu vườn được bao bọc bởi bức tường cao, trồng đầy cây xanh.
Bức tường phủ đầy cây xanh kéo dài lên đến tầng mái, ở đó có 9 hộp trồng cây bằng bê-tông nằm song song nhau. Khoảng xanh bị mất đi do quá trình xây dựng đã được bù đắp bằng vườn cây ăn trái trên sân thượng, nơi đón nhận được tối đa ánh sáng mặt trời. Cây xanh ở đây còn có tác dụng che mát cho mái nhà. Ảnh: VTN Architects |
Không gian sinh hoạt được chia thành 4 khối hộp (1 khối hộp to và 3 khối hộp nhỏ), tương ứng với khu vực sinh hoạt chung và các phòng ngủ. Tất cả được nâng đỡ bởi những cột bê-tông mỏng bên dưới. Các ô cửa lớn không chỉ mang lại tầm nhìn cho các phòng mà còn cho phép không gian trong nhà kết nối liền mạch với bên ngoài. Ảnh: VTN Architects |
Các khoảng trống trên mái hẹp cho phép sự xâm nhập của ánh sáng tự nhiên một cách tinh tế vừa đủ cho không gian bên trong. Ảnh: VTN Architects |
Thiết kế khu vườn để tạo ra không gian thú vị cho phòng ngủ và phòng khách. Ảnh: VTN Architects |
Được biết, giải FuturArc Green Leadership Award 2020 sẽ được vinh danh tại buổi lễ trao giải BCI Asia Awards 2020 - Sự kiện thường niên trong ngành kiến trúc và xây dựng, được tổ chức tại 7 nước trong khu vực Châu Á. Tổng số người tham dự ước tính trên 2.500 người hoạt động trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc và xây dựng. Các dự án đoạt giải sẽ được đăng trên tạp chí FuturArc cũng như trên trang web giải thưởng và các kênh truyền thông xã hội khác.
FuturArc là tạp chí kiến trúc hàng đầu về thiết kế Xanh tại Châu Á, công nhận những tác động tích cực của các công trình đối với xã hội và môi trường, thúc đẩy kiến trúc có trách nhiệm với xã hội và môi trường sinh thái.
TRIỆU TÙNG