Y tá ám ảnh cảnh "người chết khắp nơi" bên trong các bệnh viện ở New York

.

Các nhân viên y tế trực tiếp tham gia vào cuộc chiến chống Covid-19 tại các bệnh viện ở New York, Mỹ mô tả tình cảnh lúc này như “chiến trường” và “người chết khắp nơi”.

Nhân viên y tế tại bệnh viện Wyckoff Heights, New York hôm 2-4 (Ảnh: Reuters)
Nhân viên y tế tại bệnh viện Wyckoff Heights, New York hôm 2-4 (Ảnh: Reuters)

Scheena Iyande Tannis không thể nhớ được bà đã chứng kiến bao nhiêu ca bệnh qua đời vì Covid-19, nhưng hình ảnh về sự ra đi của họ đã khiến bà ám ảnh.

Khi một bệnh nhân bắt đầu yếu dần đi trong bệnh viện Brookdale ở Brooklyn, New York trong tình trạng đơn độc vì bị cách ly, các nhân viên y tế tại đây bắt đầu gọi video cho thân nhân của bệnh nhân để họ có thể nói lời từ biệt cuối cùng.

Về nhà sau ca việc kéo dài 17 giờ, bà Tannis, 40 tuổi, nhớ lại đoạn nói chuyện của bà với một thân nhân, người không thể gặp mẹ lần cuối dù 2 người ở gần nhau.

“Tôi biết nói với cô ấy điều gì bây giờ”, bà Tannis cho biết khi đó bà không thể nói lên lời. Cuối cùng, người phụ nữ tuyệt vọng chỉ biết lặp lại nhưng câu nói trong tâm trạng đau khổ: “Mẹ, con yêu mẹ”.

“Thông thường, các thân nhân có thể đến bên giường bệnh và chia sẻ những giây phút cuối với nhau. Điều buồn bã và đáng sợ là bây giờ họ không thể làm như vậy. Họ không được phép. Tôi nghĩ đó là điều khiến chúng tôi đau khổ nhất”, bà Tannis, người có 20 năm kinh nghiệm làm y tá trong phòng chăm sóc đặc biệt, cho hay.

Những bi kịch tương tự như vậy thường không phải quá phổ biến ở New York. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, những cảnh tượng đau lòng như vậy diễn ra gần như hàng ngày, không chỉ ở Brookdale mà còn ở các bệnh viện trên khắp nước Mỹ.

"Bãi chiến trường" giữa đại đô thị

Một bệnh nhân Covid-19 được chuyển tới bệnh viện dã chiến ở New York (Ảnh: Reuters)
Một bệnh nhân Covid-19 được chuyển tới bệnh viện dã chiến ở New York (Ảnh: Reuters)

Số ca Covid-19 tăng vọt tại New York, vùng dịch nghiêm trọng nhất tại Mỹ trong những ngày qua. Có 46.000 người tại New York dương tính với mầm bệnh, chiếm khoảng 5% tổng số ca toàn cầu, và 20% tổng số người bệnh tại Mỹ. Con số này thậm chí lớn của Anh (34.000 ca).

Con số tăng vọt từ mức 0 ca hơn 1 tháng trước lên hàng chục nghìn ca đã gây nên áp lực dồn dập lên hệ thống bệnh viện của New York.

Theo Telegraph, cuộc phỏng vấn 10 nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch tại New York đã vẽ ra bức tranh toàn cảnh về những gì đang thực sự xảy ra tại thành phố sầm uất hàng đầu nước Mỹ.

“Mọi người đang chết dần, khắp nơi từ trái sang phải. Mỗi ngày tôi hy vọng sẽ có ít người chết hơn”, một y tá giấu tên cho biết. Trong khi đó, một nhân viên y tế dùng từ “bãi chiến trường” để mô tả về tình trạng hiện tại ở New York.New York đang nhanh chóng cải tạo hàng loạt các cơ sở như các tòa nhà cao tầng ở phố Wall, khách sạn ở khu vực Manhattan, hay trung tâm giải quần vợt Mỹ mở rộng trở thành bệnh viện tạm để tăng giường cho bệnh nhân. Tuy nhiên, số nhân viên y tế hiện chưa tăng tương xứng với số giường, buộc họ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc.

Hệ thống y tế New York đang chứng kiến sự quá tải trên diện rộng. Số cuộc gọi y tế khẩn cấp tới tổng đài 911 tăng vọt so với ngày bình thường lên 6.500 cuộc/ngày. Theo Telegraph, New York chưa từng chứng kiến con số này kể từ cách đây 19 năm sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9.

Michael Greco, một nhân viên phản ứng khẩn cấp làm việc ở khu Queens 13 năm qua, cho hay hàng trăm xe cứu hỏa đã được huy động từ các khu vực khác của bang để có thể cứu người.

Một thành viên lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ ngủ gục trên các thùng chứa đồ ăn phân phát cho người dân ở Manhattan, New York hôm 1-4. (Ảnh: Reuters)
Một thành viên lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ ngủ gục trên các thùng chứa đồ ăn phân phát cho người dân ở Manhattan, New York hôm 1-4. (Ảnh: Reuters)

Theo ông Greco, ông từng chứng kiến cảnh bác sĩ ở bệnh viện Harlem lên thẳng xe cấp cứu để chữa cho bệnh nhân vì quá bận rộn và bệnh viện quá tải. Các nỗ lực cấp cứu được thực hiện trên cabin phía sau nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi. Người này đã tử vong ngay khi chưa được đưa vào trong bệnh viện.

“Trong 13 năm làm nghề, tôi chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào như vậy. Chúng tôi từng trải qua trận bão tuyết, lốc xoáy, bão Sandy”, ông Greco thừa nhận.

Với những người không may mắn sống sót, để đảm bảo yếu tố nhân đạo, New York đã điều 45 xe đông lạnh ở bên ngoài các bệnh viện làm nhà xác dã chiến.

 Nhân viên y tế đưa thi thể người lên một xe kéo ở bệnh viện Brooklyn hôm 30-3 (Ảnh: Reuters)
Nhân viên y tế đưa thi thể người lên một xe kéo ở bệnh viện Brooklyn hôm 30-3 (Ảnh: Reuters)

Thông thường, các nhà xác ở thành phố có sức chứa 900 thi thể. Tuy nhiên, New York đã quyết định tăng sức chứa lên 3.500 với các xe tải và lều đông lạnh. Đây tiếp tục là một cảnh tượng chưa từng thấy kể từ thảm họa khủng bố ngày 11-9-2001.

“Chúng tôi đang cố gắng đối xử với những người đã khuất với lòng tôn trọng và phẩm giá”, một quan chức y tế New York cho hay.

Tuy nhiên, đối với các y tá, những chiếc xe tải đông lạnh khiến cho họ cảm thấy buồn. “Khi các thân nhân hỏi rằng liệu họ có được gặp người nhà lần cuối không, tôi không thể nói thi thể được đặt ở đâu. Không một ai muốn nghĩ tới cảnh người mình yêu thương đang nằm trong một chiếc xe tải đông lạnh”, một y tá cho hay.

"Ra trận mà không được mặc áo giáp"

Một chiếc xe tải đông lạnh được dùng làm nhà xác dã chiến bên ngoài bệnh viện Brooklyn, New York (Ảnh: Reuters)
Một chiếc xe tải đông lạnh được dùng làm nhà xác dã chiến bên ngoài bệnh viện Brooklyn, New York (Ảnh: Reuters)

Một trong những vấn đề gây nhức nhối khác với đội ngũ nhân viên y tế ở New York là tình trạng thiếu dụng cụ bảo hộ như khẩu trang, đồ che mặt, găng tay. Thông thường, các nhân viên y tế sẽ sử dụng khẩu trang N95 và bỏ đi sau 1 lần dùng.

Tuy nhiên, rất nhiều nhân viên y tế ở New York ở thời điểm hiện tại phải dùng khẩu trang y tế có tính năng bảo vệ khỏi virus corona yếu hơn N95. Trong một số trường hợp, họ thậm chí phải dùng 1 khẩu trang trong 1 tuần. Một số bệnh viện cung cấp cho nhân viên các túi giấy để họ đựng khẩu trang y tế dùng 1 lần để hôm sau có thể dùng lại.

Áo bảo hộ cũng trở nên thiếu thốn trong các bệnh viện tới mức nhiều nhân viên y tế phải trùm túi đựng rác lên người trong nỗ lực bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ phơi nhiễm virus corona mới.

Đồ bảo hộ và khẩu trang của các nhân viên y tế chữa trị bệnh nhân Covid-19 được đặt vào thùng ở bệnh viện Mount Sinai để mang đi khử trùng tái sử dụng. (Ảnh: Reuters)
Đồ bảo hộ và khẩu trang của các nhân viên y tế chữa trị bệnh nhân Covid-19 được đặt vào thùng ở bệnh viện Mount Sinai để mang đi khử trùng tái sử dụng. (Ảnh: Reuters)

Số ca nhập viện tăng vọt trong đó có những ca nguy kịch gây ra tình trạng thiếu máy thở trầm trọng. Tại một số bệnh viện, 2-3 bệnh nhân phải dùng chung 1 máy thở.

Một nhân viên y tế ở New York mô tả tình cảnh của bản thân giống như “ra trận mà không được mặc áo giáp”, trong khi một người khác cho biết “cứ như là tôi bước vào một tòa nhà đang bốc cháy và biết được rồi mình cũng sẽ bị thiêu”.

Một nỗi lo khác chính là các nhân viên y tế có thể gây lây nhiễm cho thân nhân của chính họ. Điều này đã gây nên cảm giác lo lắng, tâm lý sợ hãi rằng họ có thể là nguồn lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình.

Thị trưởng New York Bill de Blasio đã đề nghị chính phủ liên bang triển khai thêm 3,3 tỷ khẩu trang N95, 100.000 đồ bảo hộ, 400 máy thở và hơn 1.000 y tá, 300 chuyên gia hô hấp và 150 bác sĩ. Hạn chót mà ông de Blasio đề ra là cuối tuần này.

Nhiều nhân viên y tế ở New York kiệt sức vì dịch bệnh (Ảnh: Reuters)
Nhiều nhân viên y tế ở New York kiệt sức vì dịch bệnh (Ảnh: Reuters)

Với bà Tannis - người trả lời phỏng vấn với đôi chân sưng phồng sau những ngày làm việc cật lực với bệnh tật và đối diện với cái chết, thật khó cho bà để có thể tưởng tượng mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn.

“Tôi không nghĩ là tôi có lời nào diễn tả được nữa. Bạn không thể hiểu được điều gì đang xảy ra trong các bệnh viện”, bà Tannis nói.

Bà đã đưa ra một thông điệp với người New York, và toàn bộ người Mỹ rằng: “Tôi cầu xin các bạn. Mọi người cần phải hiểu điều này. Hãy ở nhà”.

Theo Dân trí

;
;
.
.
.
.
.