Ảnh và Video
Làng nghề truyền thống 'thổi lửa' dịp Tết
ĐNO - Những ngày này, không khí sản xuất tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố đang dần trở nên nhộn nhịp và tất bật hơn. Nhiều cơ sở phải hoạt động từ sáng sớm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.
Khoảng 1 giờ sáng, cơ sở sản xuất bánh tráng truyền thống Túy Loan của bà Đặng Thị Túy Phong (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đã bắt đầu hoạt động. Các công đoạn như pha chế bột, thổi lửa, lấy than hong khô bánh… được bà Phong cùng gia đình chuẩn bị để sẵn sàng tráng bánh. Đúng 2 giờ sáng, những chiếc bánh với đường kính khoảng 40cm được tráng đều đặn và nhanh tay trên bếp lửa được ra lò.
Bà Phong cho hay, điểm đặc biệt của bánh tráng Túy Loan là chỉ sử dụng duy nhất loại gạo giống lúa 13/2 do chính người dân trong vùng trồng. Nếu sử dụng loại gạo khác, bánh sẽ bị nát sau khi thành phẩm. Sau khi pha trộn cùng với những phụ gia như: gừng, tỏi, đường, nước mắm, mè trắng… theo công thức riêng, bánh sẽ được bà Phong tráng 2 lớp để tạo độ dày.
Tiếp đó, phần bánh mới tráng sẽ nhanh chóng được người thợ chuyển sang hong khô lần lượt trên 3 lồng than với 3 mức nhiệt độ khác nhau. Đây là cách để cho bánh có mùi thơm và ngon hơn.
Được biết, mỗi ngày, gia đình bà Phong sử dụng khoảng 2 ang gạo (30 lon gạo/ang - loại lon sữa hộp - PV), sản xuất ra tương đương 160 cái, giá bán 20.000 đồng/chiếc.
Vào dịp cận Tết, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cơ sở phải tăng số lượng bột của 3 ang gạo/ngày (240 cái). "Mọi năm cứ đến giữa tháng 12 âm lịch là hết bánh. Đây là món quà quê được nhiều người ưa chuộng. Năm nay, cơ sở của tôi sẽ tăng sản lượng khoảng 15-20% để cung ứng cho thị trường. Dự kiến, việc sản xuất sẽ kéo dài đến 24, 25 tháng Chạp Âm lịch", bà Phong chia sẻ.
Một ngày làm việc của cơ sở bánh tráng truyền thống Túy Loan bắt đầu từ 2 giờ sáng. |
Nghề truyền thống của gia đình bà Phong đã được truyền lại cho các thành viên trong gia đình. |
Bánh tráng Túy Loan nổi tiếng với quy trình làm bánh độc đáo và bề dày lịch sử. |
Tương tự, tại cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (đường Ông Ích Đường, quận Cẩm Lệ), vào những ngày này, không khí sản xuất rất rộn ràng và sôi động. Đây là sản phẩm truyền thống, đặc trưng của thành phố được chứng nhận OCOP 4 sao và được Tổ chức kỷ lục của Việt Nam trao chứng nhận Top 10 đặc sản bánh ngon, quà tặng nổi tiếng của Việt Nam.
Theo anh Huỳnh Đức Sol, đại diện Cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, bánh khô mè thành phẩm phải được trải qua 2 công đoạn gồm: sản xuất bánh thô và chế biến. Việc lựa chọn các nguyên liệu đến chế biến đề được người thợ thực hiện tỉ mỉ và chính sác để bánh giữ được độ giòn xốp và thơm ngon.
Trong dịp Tết Quý Mão 2023, cơ sở sẽ sản xuất khoảng 300.000 sản phẩm, tăng sản lượng khoảng 30% so với năm ngoái để phục vụ nhu cầu quà tặng và bánh dùng ngày Tết.
Để kịp các đơn hàng phục vụ thị trường Tết, từ sáng sớm, công nhân của xưởng sản xuất bánh thô đã tất bật hoạt động. Sau khi bánh thô được hoàn thành sẽ chuyển sang xưởng chế biến để nhúng đường, tẩm mẹ, đóng gói và cho ra thành phẩm ở dạng hộp và gói.
Thời gian đến, để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu đa dạng của khách hàng, Cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ dự kiến sẽ ra mắt các sản phẩm bánh khô mè hạt điều, hạt mắc ca…
"Thời gian này là cao điểm để sản xuất hàng cho thị trường Tết. Chính vì vậy mà không khí tại cơ sở lúc nào cũng rộn ràng và nhộn nhịp. Chúng tôi luôn mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm truyền thống chất lượng và giá trị, mang nét đặc trưng của Đà Nẵng. Cơ sở sẽ tiếp tục đầu tư thêm các trang thiết bị, máy móc sản xuất trong thời gian đến để tạo ra nhiều sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng", anh Huỳnh Đức Sol chia sẻ.
Ngày nay, với sự đầu tư máy móc hiện đại, các công đoạn làm bánh đã được rút gọn để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng. |
Bánh khô mè là đặc sản nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng. |
Thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ đang tiếp tục khẳng định mình với khách hàng. |
QUỐC CƯỜNG - VĂN HOÀNG