Báo xuân Đà Nẵng 2014

Cuối năm, nhớ chuyện nghèo

08:08, 27/01/2014 (GMT+7)

Xưa, chiều tối 30 tháng Chạp, cha tôi mang về nhà mớ tiền lẻ mà ông thu được sau một ngày hớt tóc ở đầu xóm. Lúc đó mẹ tôi mới vội vã xuống chợ sắm vài món ăn, đồ cúng cho ba ngày Xuân. Chuyện chỉ có vậy, nhưng cứ mỗi cuối năm, câu chuyện lại hiện lên trong trí nhớ của tôi. Từ chuyện mình tôi lại liên tưởng đến những câu chuyện về những cái nghèo ngày cuối năm, những nơi mình từng đi qua trong nghề báo…

Đó là những cụ già ở vùng nông thôn Quảng Ngãi, cuối năm nhặt nhạnh những cái trối tre còn sủng nước đem ra phơi chuẩn bị cho nồi bánh tét cúng gia tiên vào năm mới. Trong lúc ngôi nhà tuềnh toàng của cụ vẫn trống huơ, những vệt bùn non của trận lụt trước vẫn còn vương trên góc sân, trên cây cột tre nhà bếp. “Sợ mấy đứa cháu cuối năm về không có gì ăn…”, cụ nói vậy khi chúng tôi hỏi thăm. Người bạn đi cùng tặng cụ một trăm ngàn để mua củi. Cụ cười và nói lời cám ơn. “Nhưng chừng ni thì nhiều quá, già sẽ để dành mua cho cháu nó cái áo ấm, ra giêng đi học đỡ lạnh!”, cụ lại nói thiệt thà.

Ở Nghệ An, chị vợ bạn tôi là nông dân từ ngoài ruộng vụ đông xuân trở về nhà. Cái lạnh cuối năm như cắt da mà chị chỉ mặc chiếc áo phong phanh. Lạnh quá, lúa mới sạ không lên nổi lại gặp mưa. Kiểu này phải lo mua giống mới, sạ lại! Chị lo lắng. Trong lúc người chồng, bạn tôi còn lo hơn. Năm nào đến tháng Chạp cũng có cả chục “cái đám”, từ ma chay, tảo mộ, cúng nhà thờ tộc đến cưới hỏi của con em hàng xóm. Mỗi cái, giá chót cũng năm chục đến trăm ngàn! Nghèo như vợ chồng anh bạn, tình cảnh cuối năm như thế này năm nào cũng lặp lại, đành cắn răng chịu. Đến Tết, xã phân cho mấy ký nếp dành cho đối tượng nghèo. Đứa con đầu làm công nhân ngoài phố mang về cân hạt dưa, chai nước mắm của Công đoàn cơ quan tặng. Thế là họ vẫn có một cái Tết, cũng sắm được mâm cỗ đơn sơ cúng ông bà…

Thằng cháu họ nhà tôi có vợ, hai con ở Điện Bàn, Quảng Nam. Chúng nó có hai sào ruộng lúa và vài trăm mét vuông vườn trồng rau, nuôi được cặp heo lai. Một chiều tối tháng chạp tôi ghé thăm. Vợ nó vừa bế con vừa nấu cơm. Nó ra vườn ngắt vội nắm rau lang vào luộc rồi tiện tay bứt thêm mấy nhánh rau răm vào nấu được bát canh cá rô vừa bắt khi dọn ruộng cấy vụ lúa đông xuân. Thêm chén mắm cái, ít ớt bột đặt giữa mâm. Đó là bữa ăn có khách của đôi vợ chồng trẻ nông thôn. Cô vợ kể: “Ngày mùa nên chẳng có thì giờ ra chợ. Nhưng có ra chợ cũng chỉ mua năm bảy ngàn bạc thịt vụn để các con có chút tanh. Còn thì vẫn rau mắm qua ngày”. Chồng nó kể, những lúc nông nhàn, tranh thủ đi làm phụ hồ, chở đất, gánh phân kiếm thêm mua sách vở, thuốc men, tiền học cho con và một ít lo giỗ chạp trong nhà hoặc đi vài cái đám cưới hàng xóm. Hết! Nhiều năm, đến chiều ba mươi Tết vợ chồng còn ở ngoài ruộng… Có lần con ốm, cô vợ phải mượn thẻ bảo hiểm y tế của con một người bạn ở xã bên để đưa con đi bệnh viện huyện!

Có bao nhiêu cảnh của người dân nông thôn như tôi vừa kể trong tổng số gần 90 triệu dân ở xứ mình, tôi không có thống kê. Nhưng chắc rằng đó là con số không nhỏ trong 70% gia đình ở nông thôn nước ta. Họ không tham gia vào thị trường mua bán, sống lặng lẽ ở những vùng quê nghèo khó. Họ chưa biết thế nào là nhà hàng, ô-tô máy lạnh. Ngược lại, họ thiếu nhiều tiện nghi sinh hoạt lẫn phúc lợi xã hội cơ bản…

Những con người và cảnh đời đã gặp trên đây cứ làm tôi bối rối mỗi khi đọc trên báo thấy những dự án ngàn tỉ bị móc ruột, những triệu triệu đô-la nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ, những chỉ số thu nhập bình quân đầu người mấy ngàn đô mỗi năm và những chương trình kích cầu hoành tráng… Dường như họ chưa hề biết đến những điều đó. Họ là những câu chuyện khác, số phận khác trong những ngày đầu năm mà tôi biết…

Dường như cái hào nhoáng thị thành đã che khuất những con người ấy với chúng ta. Và ai có lỗi, cái “ánh sáng kinh kỳ chói chang” ấy hay sự vô cảm của chính ta?

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.