Báo Đà Nẵng Xuân 2015
Không bài chòi, không ra Tết
Bài chòi ngày Tết thu hút đông đảo người tham gia, cổ vũ nhờ sự dân dã, mộc mạc và vui nhộn trong mỗi câu hô, hát.
Hội bài chòi thường được mở vào dịp lễ hội, Tết Nguyên đán và thu hút người dân tham gia. Ảnh: NGỌC HÀ |
Chính sức sống mãnh liệt của trò chơi dân gian này nên năm 2014, Bộ VH-TT&DL quyết định xây dựng hồ sơ “Tục chơi bài chòi mùa xuân của người Việt” trình UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
1.
Những năm gần đây, chơi bài chòi phát triển rầm rộ trở lại ở vùng ven Đà Nẵng trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Đối với những nghệ nhân trót lòng mê 30 con bài chòi, đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Theo nghề đã mấy chục năm nhưng nghệ nhân Thế Dân (CLB bài chòi Sông Yên, huyện Hòa Vang) vẫn vẹn nguyên sự háo hức mỗi khi xuân về. “Tâm trạng của tôi giống như đứa trẻ chờ mặc đồ đẹp đi chơi và được nhận lì xì. Biểu diễn suốt mấy ngày Tết tại Công viên 29-3, diễn ở các xã, rồi lễ hội đình làng Túy Loan, kéo dài hết tháng Giêng nhưng không thấy mệt”, nghệ nhân Thế Dân bày tỏ.
Theo nghệ nhân Huỳnh Tấn (đội hát bài chòi đình làng Hòa Mỹ), thực tế nhiều năm qua, bài chòi ở Đà Nẵng vẫn mang tính tự phát. Anh em trong các đội bài chòi hầu như mưu sinh bằng công việc lao động phổ thông như: buôn bán, làm nông… Đối tượng thưởng thức cũng chủ yếu là người lao động nên chỉ vào dịp lễ hội, Tết thì mới rảnh rỗi để chơi bài chòi. Nét độc đáo của bài chòi là không chỉ người chơi mà người diễn xướng cũng mê bài chòi. Được làm anh hiệu, được hát cho bà con trong dịp Xuân là cái thú của nghệ nhân bài chòi.
Tham gia chơi bài chòi nhiều nhất vẫn là các cụ già. Họ kể rằng, những câu hô hát bình dị ấy đã thấm vào lòng từ khi còn bé. Hồi đó, không có nhiều loại hình giải trí nên bài chòi rất được ưa thích. Sau này, vì nhiều lý do, bài chòi bị gián đoạn thời gian dài. Mấy năm gần đây, người ta mới tổ chức chơi bài chòi trở lại.
2.
Vì sao bài chòi hấp dẫn như vậy? Thử tham gia trò chơi này, chúng tôi mới cảm nhận được cái gọi là không gian diễn xướng dân gian. Nơi đó, anh hiệu đóng vai diễn viên, người chơi là khán giả. Những câu hát của anh hiệu gắn với cảnh đẹp, đặc sản, đời sống địa phương, đôi khi dí dỏm, hồn nhiên và đầy ngẫu hứng. Bất kỳ đề tài gì cũng có thể được anh hiệu đưa vào điệu hát bài chòi. Những ai sành chơi có thể hát theo, những ai mới biết cũng gõ con bài hòa nhịp.
Ông Đỗ Hữu Quế, Chủ nhiệm CLB bài chòi Sông Yên, giải thích bản chất của bài chòi là hô, hát. Từ chỗ chỉ hô tên các con bài, qua năm tháng, sự sáng tạo của các nghệ nhân dần nâng lên một bậc về nghệ thuật với những làn điệu xuân nữ, xàng xê, hò Quảng… Hơn nữa, hát nguyên một ngày từ sáng đến tối với việc nhắc đi nhắc lại 30 con bài thì phải thay đổi lời hát liên tục để người xem không ngán.
Tham gia chơi bài chòi ngày xuân, người chơi tận hưởng không khí rộn ràng trong chính những câu ca bài chòi như: Ta đi lễ hội mừng xuân/ Cờ hoa, trống giục, thuyền giong reo hò/ Ta đi, đi giữa lòng người/ Hòa trong trống, phách khắp nơi ầm ầm (nói về cây ầm ầm). Và những câu ca đánh trúng tâm lý của người dân lao động: Dầu nghèo nhưng ráng đón xuân/ Bông hoa, dưa, mứt tượng trưng cũng được rồi/ Thắp hương khấn vái đất trời/ Cầu mong lộc đến, cuộc đời đổi thay/Tháng ngày chai sạn đôi tay/Bây giờ lộc đến từ đây thoát nghèo (nói về Cây nhì nghèo).
Rồi cười vui với câu ca dí dỏm, đậm chất Quảng: Lấy chồng từ thuở mười lăm/ Chồng chê em nhỏ không nằm với em/ Bây giờ mười tám đẹp xinh/ Em ngủ dưới đất chồng rinh lên giường/ Một rằng thương, hai rằng thương, ba bốn cũng nói rằng thương/ Huớ anh ơi! Thương chi hung rứa? Có bốn cẳng giường gãy 1 còn 3 (nói về cây Tứ cẳng)…
Dù cái tên bài chòi có gắn hai chữ “chơi bài” nhưng người chơi không đặt nặng tính ăn thua mà chủ yếu để tìm thấy niềm vui trong ngày Tết, như câu ca của anh hiệu mời gọi người chơi: Trò chơi đâu phải ăn thua/ Trò chơi nhằm để xua đi nhọc nhằn/ Mua vui với hội bài chòi/ Nghe câu ca truyền thống của người đời xưa.
Thế mới hiểu câu đúc kết “Không bài chòi, không ra Tết” là vậy.
NGỌC HÀ