Báo Đà Nẵng Xuân 2015

Người xây những cây cầu

13:34, 10/02/2015 (GMT+7)

Thường xuyên gặp Guillaume Van Grinsven, chuyên gia của Tổ chức Hỗ trợ quốc tế Hà Lan (PUM) ở những hội thảo lớn về du lịch tổ chức tại Đà Nẵng với vai trò là chuyên gia, nhưng mới đây, có cơ hội chuyện trò với ông, tôi mới biết ông có một tình cảm đặc biệt dành riêng cho Đà Nẵng.

Là người nước ngoài nhưng qua đề án thương hiệu “Người xây những cây cầu” cho thấy ông rất tâm huyết với du lịch Đà Nẵng.
Là người nước ngoài nhưng qua đề án thương hiệu “Người xây những cây cầu” cho thấy ông rất tâm huyết với du lịch Đà Nẵng.

Cây cầu của văn hóa và hội nhập

Trước kia, ông Guillaume Van Grinsven chưa bao giờ đến Việt Nam, vì thế Đà Nẵng với ông hoàn toàn xa lạ. Ông không biết điều gì đang chờ đón mình ở thành phố có gần một triệu dân với một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt. Nhưng khi nhận lời mời của Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, ông đặt chân đến thành phố này lần đầu tiên vào năm 2012 để giảng dạy về marketing dịch vụ cho nhân sự du lịch tại Đà Nẵng. Vừa mới bước chân ra khỏi sân bay Đà Nẵng, điều khiến ông ngạc nhiên nhất là có rất nhiều xe máy. Xe máy ở khắp mọi ngả đường. Và trong khoảng thời gian lưu lại Đà Nẵng lần đầu tiên đó, ông rất kinh ngạc bởi tình trạng giao thông của thành phố, nhưng khi những người bạn chở ông đi lại bằng phương tiện này thì ông đã hào hứng mua cả mũ bảo hiểm cho riêng mình.

Ngay lần đầu tiên tiếp cận với du lịch Đà Nẵng, ông Guillaume đánh giá cao về tiềm năng phát triển của du lịch thành phố. Ông nhanh chóng kết nối với những người làm du lịch, tham gia các buổi hội thảo và xây dựng đề án thương hiệu “Người xây những cây cầu” (People who built bridges) vào cuối năm 2013. Ông cho rằng, Đà Nẵng đang ngày càng được nhiều người biết đến và chọn du lịch, nhưng đây cũng là thách thức rất lớn đối với Đà Nẵng, bởi thành phố này đang thiếu những trung tâm hội nghị, hội thảo, những trung tâm mua sắm, vui chơi, giải trí ở gần nhau để tiện cho khách không phải di chuyển nhiều như hiện nay. “Chúng ta cần phải có sự chuẩn bị tốt để đón các dòng khách mới, cung cấp được những dịch vụ tốt nhất cho du khách để họ thấy được thành phố này là điểm xứng đáng để đến”, ông Guillaume chia sẻ. Ông Guillaume cũng hiến kế cho Đà Nẵng là những gì cần xây dựng thành phố nên đưa ra hướng biển để thuận lợi phục vụ cho du khách, còn từ bờ sông Hàn trở vào nên giữ nguyên, giữ lại cái truyền thống, những nét đặc trưng riêng của Đà Nẵng để không chỉ khách đến Đà Nẵng mà những người Đà Nẵng đi xa về vẫn còn thấy được nét thân thuộc của thành phố, quê hương mình.

Trực tiếp làm việc với ông Guillaume để xây dựng Đề án thương hiệu du lịch Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, đánh giá cao kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm về du lịch, thương hiệu cũng như những hiểu biết rộng của ông Guillaume về các điểm đến trên thế giới. Trên cơ sở đó, ông đã có một hình dung tổng quát về những yêu cầu phát triển của du lịch thành phố, một điểm đến rất mới mẻ trong đề án “Người xây những cây cầu”. Đề án thương hiệu này được phát triển dựa trên hình tượng thực tế của những cây cầu nổi tiếng ở Đà Nẵng mà theo chia sẻ của ông Guillaume, đó không chỉ là cây cầu giao thông đơn thuần mà còn là cây cầu nối văn hóa giữa con người với con người, cây cầu của hội nhập, tri thức. Ngay bản thân Đà Nẵng cũng là một cây cầu nối với những địa phương, quốc gia khác trên thế giới.

Trao đổi với đồng nghiệp ngoài giờ lên lớp tại Đại học Duy Tân.
Trao đổi với đồng nghiệp ngoài giờ lên lớp tại Đại học Duy Tân.

“Thành phố này chiếm trọn trái tim tôi”

Khi tôi hỏi đã khi nào ăn Tết truyền thống của Việt Nam chưa, ông tỏ ra tiếc nuối: “Tết là dịp để những người đi xa trở về quê hương, với người thân bên gia đình, Tết truyền thống của người Việt có nhiều phong tục hay như lì xì đầu năm mới, đi lễ chùa… Dù đi và về nhiều giữa Hà Lan-Đà Nẵng nhưng chưa khi nào tôi có cơ hội được ăn Tết ở Việt Nam”. Ngay bản thân ông, sau cuộc trò chuyện với chúng tôi ông cũng lên máy bay để về Hà Lan sum họp cùng gia đình đón Giáng sinh và mừng năm mới.

Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn của ông, ít người biết ông sắp bước sang tuổi 70. Dù chưa một lần được đón Tết ở Việt Nam, nhưng dành nhiều thời gian sống và làm việc tại Đà Nẵng, ông Guillaume van Grinsven gần như đã “phải lòng” thành phố này. Trong bài viết tham dự cuộc thi “Đà Nẵng với bạn bè quốc tế” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đà Nẵng tổ chức năm 2013, ông chia sẻ rất nhiều về những điểm đến của Đà Nẵng, về nét đặc trưng của chợ Cồn, những món ăn đặc sản của người miền Trung. Ông khẳng định: “Chắc chắn rằng tôi sẽ trở lại Đà Nẵng bởi thành phố này đã chiếm trọn trái tim tôi. Tôi phải quay lại để nạp thêm năng lượng cho cuộc sống và tôi biết rằng bạn bè của tôi nơi đây luôn chào đón tôi. Lần trở lại này, bạn bè tôi không cần đón tôi ở sân bay nữa, tôi sẽ tự đi trên cây cầu Rồng mới xây, và tôi không cần chờ đợi họ chạy đến bên tôi nữa, tôi sẽ tìm họ. Thế là chúng tôi đã biết cách tạo dựng nên một nhịp cầu tình bạn giữa chúng tôi, một tình bạn sẽ tồn tại mãi mãi”.

Và ông trở lại, không phải một lần mà rất nhiều lần, bởi hiện nay ông đang là giảng viên của Đại học Duy Tân. Đây cũng là cơ hội để ông tiếp tục theo sát đề án của mình và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho sinh viên và những nhân sự trẻ trong ngành du lịch của Đà Nẵng.

Guillaume van Grinsven, sinh năm 1945 tại Hà Lan, là Giám đốc điều hành tour du lịch lớn nhất tại Hà Lan; thành viên Ban giám đốc Sporthuis Centrum/ Center Parcs (khu làng nghỉ lớn nhất ở châu Âu); chuyên gia cao cấp trong ngành du lịch, khách sạn và giải trí; giảng viên của Đại học Breda, Hà Lan và  Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, Việt Nam…

THU HÀ

.