Báo Đà Nẵng Xuân 2015

Quảng Đà, không bao giờ quên

07:48, 20/02/2015 (GMT+7)

Đơn vị tôi hành quân đến đất Quảng Nam - Đà Nẵng vào tháng cuối cùng của năm 1968. Khi ấy chiến trường Quảng Đà nổi tiếng ác liệt.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cánh lính trẻ chúng tôi hầu hết chưa anh nào biết gì về đất và người xứ Quảng. Trong những đợt hành quân qua các trạm giao liên, đến xứ Quảng, được đường dây thông báo là “chúng ta đang hành quân trên đất Quảng Đà…” .

Và tới đây, tôi thấy có những cô, những chị giao liên của các binh trạm có đặc điểm nổi bật, ấy là ai cũng hút thuốc lá quấn (rất ít người không) và khỏe. Các nữ giao liên Quảng Đà ai cũng khỏe, nhanh và nhiệt tình hết cỡ. Các đội nữ thanh niên xung phong, tức là các đội thồ, chị nào chị ấy gùi những gùi hàng cao vượt quá đầu người. Mỗi lần nghỉ giữa dốc, nơi hậu cứ, các chị ngồi nói chuyện với nhau “như chim” và hút thuốc khói um, cười vang rừng.

Vì hồi đó chúng tôi đa số mười bảy, mười tám tuổi, nên thấy các nữ thanh niên xung phong đều có vẻ lớn hơn mình. Kỳ thực, sau này tôi mới biết, họ lớn hơn khỏe hơn, nhưng tuổi thì cũng sàn sàn mười bảy, mười tám cả. Hồi năm cuối cấp III của tôi có cô giáo vừa về thực tập tên Nông, cũng người Quảng Nam. Nhưng cô nói giọng Bắc, tính tình hiền khô, dễ gần và rất hay kể chuyện quê cô có nhiều hải sản. Trong ký ức của cô chỉ nhớ biển và biển! Và tôm cá!

Sau này, về đơn vị, tôi tiếp xúc với người đầu tiên, cũng là người Quảng Nam. Ấy là ông Hào, huyện đội trưởng. Thủ trưởng Hào của chúng tôi cao to, xòe bàn tay gân guốc ra đón mấy thằng lính trẻ mới toanh, vừa từ Bắc vào.

Ông bảo, mấy em chịu khó ăn củ mì nha. Ở đây không có gạo, ăn củ mì là chính (Hồi ấy, vô đến Quảng Đà, nghe người ta gọi củ sắn là củ mì). Nói rồi ông quay vào bếp bê ra một cái rá. Trong rá gọi là rá cơm, nhưng chả có hạt cơm nào. Toàn sắn luộc đánh tơi. Bên cạnh rá “cơm” có gói lá, ông mở ra, đó là gói lá đựng muối hầm trộn với thứ gì xanh xanh, ăn vào mới biết là sả cùng với mấy quả ớt.

“Ăn đi mấy em”, ông nói rồi lấy cái bi đông US đeo bên sườn ra, có cái ca US ở dưới và thìa US ra khua rổn rảng. Sau này mới biết, những anh lính kỳ cựu ở đây mới sắm được mấy thứ của quý ấy từ chiến lợi phẩm. Còn chúng tôi thì mở bát sắt của mình ra “ăn cơm”. Bữa “cơm” đầu tiên vào đến đơn vị ở chiến trường của chúng tôi như thế đấy. Không thích cũng phải làm quen mà thích. Ăn là nạp năng lượng, không nạp được ngay thì nạp dần dần. Rồi đâu cũng vào đấy.

Bây giờ tuổi đã cao, ngồi nhớ lại thời tuổi trẻ của mình, tôi toàn nhớ chuyện loanh quanh với ba bữa ăn “cơm” độn sắn, độn canh lá sắn luộc muối chua, ăn canh rau môn thục, môn dóc, nấu với ốc suối. Thi thoảng bắn được con thú rừng, con chim rừng, con cá suối cải thiện. Các chị thanh niên xung phong thuở ấy chừ ra răng hề?

Chiến tranh đã trôi qua ba bốn chục năm rồi, chừ già toàn nghĩ, toàn nhớ, nhớ đến cồn cào, thương đến cồn cào những bữa ăn, những cuộc hành quân, những ngày chạy địch càn. Nhớ mấy em mấy chị giao liên ngồi nghỉ dọc đường, quấn thuốc hút, nói chuyện với nhau ríu ran như chim, chừ “mấy chị, mấy em” ra răng hề? Có chị đã chết vì tật bệnh, vì di chứng sau chiến tranh. Có chị may mắn có chồng có con, thành bà nội, bà ngoại. Có chị ở không, ở giá cả đời. Có chị đau lên, ốm hoài bịnh hoài, chừ ra răng hề?

Ôi, mấy chục chị một đội thồ (gùi vai). Rồi mấy trăm chị một đội thồ, thồ xe đạp. Rồi hàng ngàn chị trong khắp các cánh rừng chiến khu, mỗi người mỗi việc. Việc ở phía trước trực tiếp cầm súng chiến đấu như những người lính Nam thực thụ. Có nhiều chị làm y tá, cứu thương, phục vụ trong các đội phẫu phía trước. Có nhiều chị thâu đêm suốt sáng chăm lo cho các thương bệnh binh ở trong các bệnh xá, bệnh viện, các trạm điều dưỡng v.v… Chừ mỗi chị một số phận, một hoàn cảnh. Có thể mọi người chúng ta mải bận trăm công ngàn việc mà có lúc quên những cánh rừng âm u, những người chị gái, em gái trong những trận mưa rừng sùng sũng nước, những ngày nắng lửa đêm trường dưới ánh sáng đèn dù…

Mấy chục năm xây dựng quê hương đất nước thanh bình, chúng ta đã có nhiều thành tựu. Đà Nẵng thành phố trẻ vươn mình, vượt trội, ngày một khang trang. Tất cả đều do tính cách quyết liệt chịu thương chịu khó lam làm của người xứ Quảng quê ta. Xưa đất Quảng quê ta có các danh sĩ như cụ Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Nay ta có những người lính tiên phong như Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Sự… họ là những người con xứ Quảng sinh ra và lớn lên, lăn lộn với quê hương từ thời chiến qua thời bình. Làm ăn có lúc thăng khi trầm, nhưng cái được ấy là cái được của tính cách mạnh mẽ dám khám phá tìm tòi làm giàu cho kho tàng văn hóa xứ mình, quê hương mình.

Câu ca ngàn năm xưa chừ vẫn hay, vẫn đúng: 

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say
Đối với ai ơn trọng nghĩa dày
Một hột cơm cũng nhớ
Một gáo nước đầy vẫn chưa quên.

Tôi nay mỗi lần về Đà Nẵng, mỗi khi ghé qua Đà Nẵng là một lần nhớ tới các chị giao liên, những người nữ chiến sĩ xe thồ, những cánh rừng miền Tây Quảng Nam với những cái tên Trà My, Nước Oa, Nước Ồ, những cánh rừng chiến khu, những con đường mòn sâu hun hút trong rừng núi và bóng dáng những bà con dân tộc cùng chúng tôi trong những cánh rừng võng dăng dăng khắp các nẻo ra chiến trường. Những người anh, người chị, những người đồng đội như Chu Cẩm Phong, Nguyễn Hồng đã ngã xuống để có hôm nay. Một hột cơm cũng nhớ, một gáo nước đây vẫn chưa quên…

TRUNG TRUNG ĐỈNH

.