Báo Đà Nẵng Xuân 2015
Tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng chấp pháp
Những ngày cuối tháng 5-2014, tại khu vực sửa chữa tàu của Nhà máy X.50, Tổng Công ty Sông Thu (đóng tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), hàng trăm kỹ sư, công nhân tất bật cả ngày lẫn đêm để tiếp nhận, sửa chữa tàu kiểm ngư (KN) và tàu cảnh sát biển (CSB) bị hư hại để kịp trở lại làm nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981.
Các kỹ sư, công nhân của Nhà máy X.50, Tổng Công ty Sông Thu tất bật sửa chữa những con tàu kiểm ngư và tàu Cảnh sát biển bị hư hại. |
Anh Nguyễn Khắc Tiến (SN 1978, quê Nghĩa Đồng, Tân Kỳ, Nghệ An), tổ trưởng tổ gò hàn 2, phân xưởng vỏ tàu, đã gắn bó với nghề 12 năm. Anh Tiến ở khu tập thể nhà máy, cách nơi làm việc chưa đầy 1km, nhưng trong đợt tàu KN hay tàu CSB về sửa chữa, anh không về nghỉ trưa mà tranh thủ từng giờ, từng phút ăn uống tại chỗ và làm tăng ca để hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Thời điểm đó, thời tiết nắng nóng, khí hậu khắc nghiệt, lại phải làm liên tục nên vấn đề sức khỏe là điều lo lắng nhất đối với chúng tôi. Một vài anh em bị say nắng, phải cấp cứu tại chỗ nhưng mọi người đều nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ”, anh Tiến cho biết.
Anh Bùi Đức Cường (SN 1978, quê Hoàng Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa) cũng có 10 năm gắn bó với Nhà máy X.50 và hiện là Phó phòng Kỹ thuật sản xuất. Không những chỉ đạo trực tiếp công tác kỹ thuật mà anh còn xắn tay cùng tham gia sửa chữa với công nhân để góp phần đẩy nhanh tiến độ công việc. Theo anh Cường, mỗi lần tàu KN hay tàu CSB bị hư hỏng nặng được đưa vào bờ thì anh em tập trung tăng ca, tăng kíp và cùng nhau đưa ra những sáng kiến mới để xử lý công việc.
“Với mỗi con tàu bị hư hỏng ở vị trí hay mức độ khác nhau thì phải có cách làm khác nhau. Chẳng hạn, tàu KN 762, KN 763 bị hư hỏng, phải cắt phần cabin, làm be, làm boong, che chắn hệ thống điện, hệ thống loa tâm lý… thì công việc phức tạp hơn nhiều. Do đó, điều quan trọng là mình phải bàn bạc cụ thể làm sao để cùng anh em thống nhất một ý tưởng hay, sát khoa học, tiết kiệm và rút ngắn thời gian sửa chữa, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và hiệu quả hoạt động của trang thiết bị và con tàu”, anh Cường kể.
Tàu Trung Quốc bao vây, uy hiếp tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam cung cấp). |
Khi được hỏi về những khó khăn trong thời gian gấp gáp đó, anh Cường chỉ cười: “Chúng tôi là những người lính Bộ đội Cụ Hồ, trong thâm tâm của không riêng tôi mà hầu hết anh em đều luôn ở tâm thế sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ, dù ở hoàn cảnh nào”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Duy Thông (SN 1973, quê huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) là một trong 8 “bác sĩ” có chuyên môn kỹ thuật lành nghề nhất nhà máy được tin tưởng, chọn lựa để tham gia đội cơ động đi theo tàu KN làm nhiệm vụ “chữa bệnh cho những con tàu” trên vùng biển thực địa Hoàng Sa. Đối với anh, đó là khoảng thời gian đặc biệt và có quá nhiều kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời người thợ của mình. Vì thế, khi nhắc đến quãng thời gian gần 20 ngày bám biển ở Hoàng Sa (từ 10-5 đến 28-5-2014), nét mặt anh luôn rạng rỡ.
Anh Thông cho hay, ngay sau khi được giao nhiệm vụ, không chỉ anh mà hầu hết anh em trong chuyến đi này đều không giấu sự lo lắng bởi chưa ai hình dung thời gian tiếp theo trên biển sẽ ra sao. Sau khi được “quá giang” trên con tàu chở dầu ra thực địa Hoàng Sa, anh Thông cùng các đồng đội được chuyển qua tàu KN 957 để làm nhiệm vụ cơ động trên biển.
“Khi lên đường, chúng tôi được yêu cầu mang theo đầy đủ các dụng cụ sửa chữa (máy hàn, bình oxy, máy cắt…) và vật tư (tôn, nhôm, gỗ…) để bảo đảm việc sửa chữa dài ngày trên biển nên khối lượng rất nhiều và nặng. Ngoài khó khăn về việc hạn chế sử dụng nước ngọt trên tàu KN, điều vất vả nhất là những lần anh em phải chuyển dụng cụ và vật tư cồng kềnh sang tàu. Có những tấm tôn to và dày, nặng hơn 200kg, rồi máy hàn, bình oxy… cũng nặng vài trăm kg/cái, bình thường trên bờ thì chúng tôi dùng cẩu “nhấc cái rẹt” nhưng ở ngoài biển không có cẩu nên tất cả đều phải vận chuyển bằng sức người. Khi trở về lại phải chuyển sang tàu chở dầu bằng sức thủ công như thế. Vậy mà anh em lúc ấy ai cũng như khỏe hơn ngày thường”, vị kỹ sư của phòng Thiết kế công nghệ, Nhà máy X.50 kể.
Anh Nguyễn Khắc Tiến, anh Bùi Đức Cường và anh Nguyễn Duy Thông chỉ là 3 trong số hơn 200 “bác sĩ” của “Bệnh viện X.50” góp phần quan trọng vào nhiệm vụ chung của toàn dân tộc.
Trung tá Lê Văn Cường, Chủ nhiệm Chính trị Nhà máy X.50, cho biết ngoài việc thành lập đội cơ động theo tàu làm nhiệm vụ trên biển, đơn vị cũng chuẩn bị tốt máy móc, thiết bị, vật tư, phụ tùng và thành lập đội cơ động gồm 2 đợt với 12 người tham gia sửa chữa - cứu kéo cơ động tại khu vực đảo Lý Sơn. Bên cạnh đó, có lực lượng làm nhiệm vụ sửa chữa đột xuất theo yêu cầu nhiệm vụ trên hệ thống vũ khí, khí tài, điện tử của các tàu Hải quân ở vùng 3. Đặc biệt, trong đợt sửa chữa đột xuất bảo đảm kỹ thuật phục vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đơn vị đã tiếp nhận 78 lượt tàu KN làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển trở về bảo dưỡng, sửa chữa tại nhà máy.
“Với khẩu hiệu “Sửa chữa bảo đảm kỹ thuật nhanh nhất, chất lượng tốt nhất vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, những người thợ ở Nhà máy X.50 đã cống hiến hết sức mình”, Trung tá Cường nhấn mạnh.
ĐẮC MẠNH