Báo Đà Nẵng xuân 2016

Thanh Chiêm - nơi phát minh chữ Quốc ngữ

12:35, 14/02/2016 (GMT+7)

Nhớ lại cách đây hơn nửa thế kỷ, khi tôi còn học ở các lớp tiểu học Trường Nam tiểu học Hội An, tôi được các thầy cô dạy rằng: “Chữ Quốc ngữ mà các con đang học đây là nhờ công của Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes)” và với đầu óc thơ ngây hồi đó, tôi cũng như các bạn tiếp nhận và ghi vào trí nhớ như sự đương nhiên, chẳng có gì phải thắc mắc.

Chiều về trên làng quê xứ Quảng.  Ảnh: ĐẶNG NỞ
Chiều về trên làng quê xứ Quảng. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Đến lúc học cao hơn, tiếp xúc được nhiều thông tin hơn, tôi thấy vấn đề “đi tìm nguồn gốc phát minh ra chữ Quốc ngữ” không phải đơn giản như tôi đã nghe, đã học hồi ở bậc tiểu học nữa - nhất là những thập niên cuối thế kỷ XX của đệ nhị thiên niên kỷ - có những công trình nghiên cứu trong và ngoài nước - đáng kể là ngoài nước, do những vị làm luận án tiến sĩ chuyên nghiên cứu sâu về lĩnh vực này, đã phát hiện được thủ bút của những vị tiên khởi tạo ra chữ Quốc ngữ tại Quảng Nam - cụ thể như năm 1995, luận án tiến sĩ của L.m Roland Jacques người Pháp và tác phẩm sau đó của ông cho ta những chứng minh giàu sức thuyết phục.

Về lĩnh vực thu hút sự tham gia của nhiều học giả, các nhà nghiên cứu từ trước đến nay đã có những ý kiến, quan điểm không thống nhất thậm chí trái ngược nhau. Tựu chung có 2 luồng ý kiến cho rằng không phải Rhodes là người đầu tiên nghĩ ra chữ quốc ngữ, mà chỉ là người cải biên thêm chữ Quốc ngữ và luồng quan điểm vẫn giữ quan điểm Rhodes, L.m gốc Pháp mới chính là người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Việc tranh luận này chỉ xảy ra gay gắt nhất vào những năm cuối thế kỷ XX của đệ nhị thiên niên kỷ vừa qua!

Và đồng thời tranh luận chủ đề trên, không ít ý kiến cho rằng nguyên nhân tạo chữ Quốc ngữ nhằm phục vụ mưu đồ chính trị (bành trướng chính sách thực dân của Tây phương lúc chủ nghĩa đế quốc đang thời kỳ phát triển tại Âu châu) mà một số các nhà nghiên cứu như GS. Trần Quang Ngọc, Tiến sĩ Vật lý Hoa Kỳ đăng trong Vietnet và Nguyễn Kha đặt tiêu đề là: “Mục đích sử dụng chữ Quốc ngữ của Giám mục Puginier”, cho rằng Puginier có tư tưởng sử dụng Quốc ngữ làm công cụ chiếm lấy Việt Nam mà ưu tiên là thôn tính Bắc Kỳ trước đã, hoặc Cao Huy Thuần với luận án Tiến sĩ quốc gia – Khoa học chính trị - Đại học Paris: “Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam 1857-1914”, xuất bản tại Paris 1958 (với công trình trên, Cao Huy Thuần được Hội đồng khảo thí chấm hạng ưu)…

Trong bài này, người viết xin được xoáy vào nội dung chính là tìm địa danh mà ở đó, chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự Latinh được hình thành đầu tiên và xác định vai trò đích thực của vị tổ khai sinh chữ Quốc ngữ này, còn những nguyên nhân, những lý do cấu thành việc sáng tạo này, người viết xin giới hạn – trước hết – do nhu cầu truyền giáo, tức nhu cầu truyền đạt thánh ý của đức Chúa Jésus đến với con chiên người Việt tân tòng mà các cha đạo thuở ban sơ không thuyết giảng được bằng tiếng Việt – một trở ngại vô cùng lớn đối với sứ mệnh rao giảng của các vị đảm nhận chức vụ truyền bá đạo Chúa bấy giờ.

Và như Giáo sư đã ghi, thời điểm các nhà truyền giáo Tây phương đến xứ Đàng trong (Quảng Nam), sớm nhất là năm 1615. Một trong các nguyên nhân chính là do các vị thừa sai ở Nhật Bản bị chính phủ Nhật - thời Mạc phủ ấy - không cho phép giảng đạo Chúa tại xứ sở của họ và chính phủ Nhật ra nghiêm lệnh cấm dân Nhật không được theo đạo Chúa. Lệnh này rất nghiêm, nên các vị Thừa sai, các thầy dòng bị trục xuất một cách nghiêm ngặt phải rời Nhật, một số qua Ma Cao và một số đến Việt Nam.

Trang đầu cuốn Tự vị Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes, in năm 1651 tại Rooma. (Ảnh tư liệu, A.C chụp lại)
Trang đầu cuốn Tự vị Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes, in năm 1651 tại Rooma. (Ảnh tư liệu, A.C chụp lại)

Tại Quảng Nam, kể từ 1615 trở về sau, lần lượt các vị Thừa sai đến Quảng Nam, tiêu biểu như: - Năm 1615: Francisco Buzomi (Ý); Diego Carvalho (Bồ Đào Nha); Antonio Dias (Bồ Đào Nha); Năm 1617: Francisco de Pina (Bồ Đào Nha); Năm 1618: Manoel Fernandes (Bồ Đào Nha); Christoforo Borri (Ý);  Năm 1624: Gaspar Louis (Bồ Đào Nha); Antonio de Fontes (Bồ Đào Nha); Alexandre de Rhodes (gốc Avignon, sau thuộc Pháp).

Đấy là những vị đến Quảng Nam hoạt động giáo vụ có thời gian lâu hơn đối với một số khác có thể cư trú thời gian ngắn rồi lại chuyển nơi hoạt động. Có điều đông đảo những nhà nghiên cứu cho rằng, vì đột xuất bị chính phủ Nhật trục xuất, trong lúc Chúa Nguyễn đang hùng cứ tại xứ Đàng trong có chính sách nhân hậu, mềm dẻo đối với thần dân của Minh triều khi nhà Minh bị Mãn Thanh thôn tính – điều này họ quá biết – do đó, việc các Thừa sai lúc bấy giờ vào xứ Đàng trong cũng có phần nào yên tâm. Nhưng rõ ràng là họ đến xứ hoàn toàn xa lạ này, họ chưa hề biết tiếng nói để giao thiệp, vậy mà họ vẫn đến!

Điều này có thể giải thích là tại Quảng Nam, nhất là phố thị Hội An, nơi có khá nhiều thương nhân Nhật và thương nhân Trung Hoa có cuộc sống ổn định và cơ sở thương mại hoàn chỉnh với hai dãy phố - phố Nhật và phố người Hoa - chính những thương nhân Nhật - Hoa này không ít người là con chiên của Chúa, trước ngày họ định cư tại Hội An, do đó các thừa sai sở cậy ở họ trong việc phiên dịch khi cần thiết tiếp xúc với dân Việt tại địa phương này rồi dần dần sẽ học thông tiếng nói của người Việt sử dụng cho việc giảng đạo sau này…

Và không cần phải suy luận, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được rằng: tất cả người nước ngoài, không luận chi người phương Tây, ngay những thương nhân vùng Nam Á, khi cho thuyền vào Cửa Đại cũng phải xin phép nhà chức trách ở đấy. Vì vậy khi Francisco de Pina đến cửa Hàn rồi vào Hội An, chắc chắn ông ta phải lên khai báo việc cư trú với chính quyền địa phương tại Thanh Chiêm - thủ phủ của tỉnh Quảng Nam với hình thức như đến đó để xuất trình “visa” làm thủ tục nhập cảnh (mà ngày nay vẫn duy trì thủ tục này).

Theo Giáo sư thì Francisco de Pina lúc đó đang còn là thầy giảng nên ông phải tuân thủ sự cắt đặt của cha bề trên trong việc phục vụ giáo quyền ở địa phương này – có nghĩa là ông phải thực thi chương trình hoạt động do phần hành giáo vụ phân công – chưa có cơ sở làm việc cố định, năng đi lại, khi thì Đà Nẵng, khi thì Hội An, lúc thì Thanh Chiêm, lúc thì Nước Mặn (Quy Nhơn).

Chính trong thời điểm này Pina vừa thực hiện việc học hỏi tiếng Việt ở các nơi ấy qua những con chiên gốc người Nhật, người Hoa và tất nhiên phải có cả người Việt, các Nho gia người bản xứ. Đặc biệt Francisco de Pina  thông minh, có trí nhớ tốt, học tiếng Việt rất nhanh, chỉ trong vòng mấy tháng ông đã giảng kinh Thánh bằng tiếng Việt không cần người thông dịch.

Có mấy sự kiện dưới đây xác minh Francisco de Pina chính thức được phong Linh mục, có trách nhiệm cai quản sở đạo Thanh Chiêm (Kẻ Chàm), rất giỏi tiếng Việt:

1- Theo ghi chép của Antonio de Fontes: Hiện nay chúng tôi có 3 cơ sở mà trong hai số này (Hội An – Nước Mặn) đã hoàn thành (theo giáo luật) còn cơ sở thứ ba tại “thủ phủ” quan “trấn thủ”, nơi lúc này tôi (đang tạm trú), có 3 Linh mục định cư: L.m Francisco de Pina biết tiếng (Việt) khá lắm, làm bề trên và là giáo sư (dạy tiếng Việt), và các L.m Đắc Lộ cùng Antonio de Fontes là thuộc viên và học viên (tr.33 “Lịch sử chữ Quốc ngữ” – Đỗ Quang Chính – Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1972).

2- Theo nghiên cứu của L.m Đỗ Quang Chính ghi lại trong “Lịch sử chữ Quốc ngữ” (tr.79 Sđd):

“Khi vừa tới Đàng trong, Đắc Lộ thấy hai L.m Francisco Buzomi và Emanuel Fernandes còn phải dùng thông ngôn để giảng, tuy nhiên ông sung sướng thấy một Linh mục khác tức là Francisco de Pina đã nói thành thạo tiếng Việt. Đắc Lộ được bề trên cho ở cùng nhà với Pina tại Thanh Chiêm để Pina dạy tiếng Việt cho ông”.

3- Năm 1651 khi in ấn từ điển “Annam – Lusitan – La tinh” chính Alexandre de Rhodes đã khẳng định ngay trong lời nói đầu “Ad Lectorem” (Cùng độc giả) và quý L.m Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính dịch ra quốc ngữ, Nxb Khoa học Xã hội ấn hành, có đoạn: “Ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, thuộc Hội dòng Giê-su nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn…”.

Và Rhodes tiếp: “… Tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng một Hội dòng, nhất là của cha Gaspar de Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng Annam, ông sau bằng tiếng Bồ Đào Nha, nhưng cả hai ông đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng Latinh theo lệnh các Hồng y đáng tôn, vì ngoài những tiện lợi khác, nó còn giúp ích cho những người bản xứ học tiếng La tinh…” (d.19-21, tr.3 sđd).

4- Trong bài tham luận đọc trước buổi Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 2 tại Hội trường Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh (14 đến 16-7-2004), nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương, sau khi tổng kết các tư liệu từ trước đến nay, rút ra được một nhận định về khả năng sử dụng tiếng Việt của A. de Rhodes và các nhà truyền giáo hồi ấy như sau:

“… Trong khoảng 30 Giáo sĩ Dòng tên thay nhau đến truyền đạo ở Đàng trong lẫn Đàng ngoài của Đại Việt vào đầu thế kỷ XVII, chỉ có 7, 8 người biết tiếng Việt ở trình độ khác nhau, trong đó chính Alexandre de Rhodes là người bị đồng nghiệp dị nghị về sự hiểu biết tiếng Việt, đồng thời ông Tương xếp một số Giáo sĩ phương Tây thông tiếng Việt, đáng kể ở thời điểm ấy ngoài Francisco de Pina, là người đã biên soạn sách “Từ vựng và các thanh tiếng An Nam”, “Ngữ pháp tiếng An Nam” trước ngày A. de Rhodes đến Quảng Nam.

5- Hoạt động của Francisco de Pina từ 1617 đến 1623 (trước khi A.de Rhodes đến Hội An, Thanh Chiêm) được xác nhận: “Các nhà truyền giáo đến Việt Nam thời ấy, đều phải học tiếng Việt mới có thể tiếp xúc với người Việt Nam. Theo chúng tôi biết thì L.m Francisco de Pina là người Âu châu đầu tiên nói thạo tiếng Việt. Pina sinh 1585 ở Bồ Đào Nha.

Ông tới Đàng trong năm 1617. Lúc đầu Pina sống ở Hội An, sang năm 1618 ông ở tại Nước Mặn với Buzomi và Borri. Hai năm sau ông trở lại Hội An, rồi năm 1623 Pina đến ở tại Thanh Chiêm, thủ phủ Quảng Nam dinh. Pina chết đuối ở bờ bể Quảng Nam ngày 15-12-1625… Sau đó người ta vớt được xác Pina đem về Hội An làm lễ trọng thế” (Đỗ Quang Chính dịch trong “Annua da Missam de Annam” của Antonio de Fontes viết tại Hội An ngày 1-1-1626, tr.22 Sđd).

Bia tại làng Thanh Chiêm (Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) có ghi dòng chữ “Chữ Quốc ngữ khai sinh, Thanh Chiêm thánh địa, công đầu giáo sĩ Pina”. Ảnh: ANh Chung
Bia tại làng Thanh Chiêm (Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) có ghi dòng chữ “Chữ Quốc ngữ khai sinh, Thanh Chiêm thánh địa, công đầu giáo sĩ Pina”. Ảnh: ANh Chung

Qua 5 sự kiện vừa nêu, có mấy điều đáng để chúng ta lưu ý:

1- Tuy Francisco de Pina đặt chân đến Quảng Nam từ năm 1617, nhưng đến năm 1623 ông mới ổn định cư sở làm việc tại Thanh Chiêm thủ phủ tỉnh Quảng Nam thời đó. Điều này cho ta xác định việc ông được thụ phong Linh mục cũng là vào thời điểm này tức là năm 1623 như L.m Đỗ Quang Chính nhận định trên.

Nếu vậy thì thời điểm này, Francisco de Pina mới có đủ điều kiện và thời gian hệ thống hóa, biên soạn lại những gì mà ông đã thu nhập được trước đó để sáng tạo ra chữ quốc ngữ tại cư sở Thanh Chiêm này và cũng tại Thanh Chiêm, Francisco de Pina viết bức thư gửi cho Cha bề trên ở Ma Cao Jéromino Rodriguez báo cáo việc ông đã biên soạn được một chuyên luận nhỏ về từ vựng và các thanh của ngôn ngữ này (tiếng Việt) và ông đang bắt tay viết về ngữ pháp…”. Dĩ nhiên lá thư ấy chỉ được gửi đi theo con đường duy nhất là từ Hội An, theo các thương thuyền về Ma Cao, chứ không hẳn Francisco de Pina viết tại Hội An.

2- Theo nghiên cứu của Roland Jacques cũng như một số nhà nghiên cứu khác, cho rằng chính các vị giáo sư người Bồ Đào Nha hồi ấy trong Hội dòng Tên hoạt động sớm và tích cực có sự hỗ trợ của con chiên người Nhật và người Hoa tại Quảng Nam nên trong giao thiệp, tiếng Bồ Đào Nha rất có ảnh hưởng đối với việc sáng tạo chữ quốc ngữ (lúc ban đầu chưa tiếp xúc với giáo sĩ Pháp, chưa có sự liên hệ nào với chữ Latinh).

Và trên thực tế, chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam hồi đó có nhiều chữ viết dùng theo chữ viết của Bồ mà ta có thể nghiệm thấy rõ trong chứng minh của nhiều nhà nghiên cứu như tác phẩm của L.m Đỗ Quang Chính… (chẳng hạn, trong mẫu tự La tinh không có dấu “~” (dấu ngã), trong chữ Bồ và chữ Việt có dùng dấu đó).

3- Sau ngày bị nạn tại biển Hội An, (15-12-1625) tất cả công trình nghiên cứu chữ Quốc ngữ của L.m Francisco de Pina, không thể để ngoài cư sở Thanh Chiêm, nơi đó cũng là nơi ăn ở và làm việc của Alexandre de Rhodes (như tài liệu của L.m Đỗ Quang Chính đã ghi lại trước) thì không còn nghi ngờ gì là những tài liệu đó được tập trung vào tay A. de Rhodes, giúp cho Rhodes sử dụng cùng với những tài liệu của các Giáo sĩ dòng Tên khác của thời đó viết nên từ điển: Annam-Lusitan-La tinh năm 1651.

4- Từ những sưu khảo cẩn trọng với các chứng cứ thuyết phục trên, Roland Jacques thẳng thắn cho rằng: “… Ngay cả, mặc dù mọi nhận xét cho là do sự nghiệp của cá nhân Alexandre de Rhodes, người duy nhất của nền văn minh Pháp tham gia vào công việc này thì cũng phải nói rằng chữ Quốc ngữ không hàm ơn gì hết đối với tiếng Pháp, vả lại Alexandre de Rhodes không hề làm một tham cứu nào tiếng mẹ đẻ của mình trong sự mô tả ngữ âm mà ông đã xuất bản” (có nghĩa, việc A. de Rhodes không có một tham cứu nào từ tiếng mẹ đẻ của mình… thì ông đâu có cái công sáng tạo mà chỉ là hệ thống hóa những công trình của người đi trước mà thôi).

Vậy là đã quá rõ để ngày nay chúng ta tôn vinh: “cái nôi” khai sinh ra chữ Quốc ngữ là thủ phủ Thanh Chiêm – tỉnh Quảng Nam và tôn vinh vị Thủy Tổ phát minh ra chữ Quốc ngữ là người Bồ Đào Nha có tên là: Francisco de Pina.

Lại cũng cần thêm một thông tin gắn liền với hai sự kiện này là Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam còn là nơi có trường dạy chữ Quốc ngữ Việt Nam đầu tiên với duy nhất hai học trò: Alexandre de Rhodes và Antonnio de Fontes gốc người phương Tây do một giáo viên người Bồ Đào Nha: Francisco de Pina giảng dạy.

Vào ngày 2-8-2005, người viết bài này cùng vài anh chị nghiên cứu địa phương Nguyễn Phước Tương, Nguyễn Thiếu Dũng và Châu Thị Yến Loan, được L.m Nguyễn Trường Thăng (Cha nhà thờ Giáo xứ Thanh Bình- 24 Cao Thắng, Đà Nẵng) giới thiệu và chúng tôi có buổi trao đổi non ba tiếng đồng hồ quanh đề tài “phát minh chữ Quốc ngữ” với Tiến sĩ L.m Roland Jacques nhân lúc L.m ghé Đà Nẵng.

Thật là một cuộc gặp gỡ bổ ích cho việc nghiên cứu của chúng tôi. Chúng tôi có thêm một số tin tức nghi vấn mà theo ý L.m Jacques và L.m Thăng thì chỉ có thể L.m Francisco de Pina chết tại biển Đà Nẵng và chôn tại Đà Nẵng hoặc được chôn tại giáo xứ Hội Yên (ngược dòng sông Cu Đê về phía thượng nguồn).

L.m Jacques tự nhận mình rất trân trọng Tổ quốc Việt Nam và tự xem mình là người bạn tốt của Việt Nam. Chính ông đã từng cư trú tại thủ đô Hà Nội đến mấy năm (1995) học tiếng Việt và lấy tên Việt là Dương Hữu Nhân. Do đó, ông nói tiếng Việt theo giọng Bắc.

Ông tâm sự công trình chữ Quốc ngữ của ông từ lúc thực hiện cho đến lúc hoàn thành gặp rất nhiều khó khăn – kể cả khó khăn đối với người Pháp đồng hương với ông – nhưng ông vẫn luôn giữ lập trường “sự thật là sự thật, đã là sự thật thì không thể nói khác được…”.

Nhân đây, ông có cho biết là ông cũng từng tìm đầy đủ tài liệu về Andre Phú Yên bị tử vì đạo tại Thanh Chiêm thủ phủ của tỉnh Quảng Nam hồi ấy ở phía Bắc sông Thu Bồn… và nhân buổi gặp gỡ này, L.m Jacques có cho chúng tôi hai tài liệu, một bằng chữ Pháp và một bằng chữ Quốc ngữ do chính ông trực tiếp viết ra, đó là bài “Gặp gỡ người Việt qua lịch sử và giữa lòng cuộc sống”. Bài này ông viết rất trung thực mà bạn đọc đến sẽ thấy ngay tình cảm của ông đã dành cho người Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam.

Có điều đặc biệt người viết bài này ghi nhận được trong câu chuyện trao đổi với L.m Roland Jacques đêm đó, có đến mấy lần ông nhấn mạnh rằng: chữ Quốc ngữ của ta có được là nhờ công đầu tiên của Giáo sĩ Francisco de Pina người Bồ Đào Nha sáng tạo, còn Alexandre de Rhodes có công bồi đắp, hoàn thiện – đó cũng là công đáng kể. Ông cho biết, chuyến đi này đến Việt Nam để trao đổi với Bộ Văn hóa Việt Nam, ấn hành luận án của ông năm 1995 và tác phẩm ông viết sau đó, dịch ra quốc ngữ…

Roland Jacques - một Tiến sĩ, một linh mục người Pháp nhưng nhất quyết không cho rằng người Pháp có công đầu trong việc tạo ra chữ Quốc ngữ, dù bị dư luận người trong nước ông chống đối - chỉ vì ông muốn trung thực với lịch sử - đây là trường hợp đặc biệt chưa từng xảy ra trong phạm trù “đi tìm nguồn gốc chữ Quốc ngữ” vậy.

Thy Hảo Trương Duy Hy

.