Báo Đà Nẵng xuân 2016

Xây dựng chỗ đứng vững chắc trong lòng dân

19:32, 03/02/2016 (GMT+7)

Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, ngày 6 tháng 1 năm 1946, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái, trai, giàu, nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, miễn là từ 18 tuổi trở lên đều nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội khóa I, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của chính quyền nhân dân.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử này với sự ra đời của bản Hiến pháp tiến bộ năm 1946 đã mở ra một trang sử mới của dân tộc ta, đất nước ta có một hệ thống chính quyền thống nhất, hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về mặt đối nội và đối ngoại.

Ảnh: VÕ TRIỀU HẢI
Ảnh: VÕ TRIỀU HẢI

70 năm là chặng đường dài rất vẻ vang, Quốc hội đã xây dựng chỗ đứng vững chắc trong lòng nhân dân, không ngừng lớn mạnh, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Quốc hội đã khơi dậy ý chí, tinh thần đoàn kết toàn dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Từ khóa I đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp và trên 1.000 luật, bộ luật, pháp lệnh. Điều này thể hiện trí tuệ, sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội; đồng thời phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội khóa I với bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 kéo dài gần 15 năm, hoạt động trong điều kiện cả nước vừa phải hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, vừa thực hiện từng bước cải cách dân chủ, góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, làm chấn động địa cầu, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Ngay từ Quốc hội khóa I đã thể hiện tinh thần dân chủ một cách sâu sắc.

Tại phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội Việt Nam diễn ra tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với toàn bộ các thành viên của Chính phủ đã trả lời trước Quốc hội hơn 80 câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn này đã diễn ra một cách rất dân chủ, tập trung vào việc thực hiện các chính sách của Nhà nước trong những ngày đầu độc lập.

Điều rất đặc biệt là phiên chất vấn này kéo dài đến tận nửa đêm mới kết thúc. Chính tinh thần dân chủ, thẳng thắn và quyết liệt này là tấm gương để các nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo học tập và noi theo.

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa trò chuyện thân mật với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: HỮU HOA
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa trò chuyện thân mật với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: HỮU HOA

Quốc hội khóa II, III, IV, V được tổ chức theo Hiến pháp năm 1959, hoạt động trong thời kỳ “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, đã có những đóng góp to lớn vào việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, khôi phục kinh tế ở miền Bắc, tạo dựng một hậu phương vững chắc để đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng ta đã tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa VI - là Quốc hội chung cho cả nước Việt Nam thống nhất. Quốc hội khóa VI cũng đã thông qua bản Hiến pháp mới năm 1980.

Sự kiện lịch sử có ý nghĩa rất trọng đại này đã mở đầu cho bước phát triển mới trong quá trình đi lên của đất nước. Từ đây, Quốc hội bước vào xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất để xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

Quốc hội khóa VII, khóa VIII cũng được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp 1980, đã góp phần quan trọng chèo lái con thuyền đất nước vượt qua những khó khăn, thăng trầm của lịch sử trong nước và quốc tế. Thành tựu nổi bật nhất của Quốc hội khóa VIII là đã thông qua bản Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới phù hợp với thực tế, đặc điểm, hoàn cảnh đất nước và xu thế tiến bộ của thời đại.

Quốc hội khóa IX, X là Quốc hội của thời kỳ đổi mới, đã phát huy tốt những thành tựu đạt được của các khóa trước, tiến hành tương đối đồng bộ, khẩn trương và có hiệu quả trên quy mô rộng lớn các hoạt động nhằm thực hiện chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ do Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội quy định trên các mặt lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước.

Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số vấn đề về tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước liên quan đến Hiến pháp 1992 để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn bộ máy Nhà nước.

Quốc hội khóa XI đã có những đổi mới quan trọng. Số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách được tăng lên đến 25% và lần đầu tiên được quy định rõ trong Luật. Quy trình xây dựng pháp luật cũng được quan tâm, đổi mới theo hướng vừa nâng cao chất lượng các luật, vừa giảm được thời gian thông qua các dự án luật tại kỳ họp Quốc hội.

Đồng thời tăng cường các hoạt động nhằm mở rộng quan hệ với Quốc hội các nước, các tổ chức quốc tế vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác, phát triển.

Quốc hội khóa XII tiếp tục tăng cường đổi mới về phương thức và nội dung hoạt động. Cơ cấu tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày càng hoàn thiện. Hoạt động giám sát của Quốc hội được đẩy mạnh, tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực nhạy cảm, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Công tác đối ngoại của Quốc hội được đẩy mạnh, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng đồng thời là Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2009-2010. Quốc hội Việt Nam cũng đã đăng cai tổ chức thành công phiên họp Đại hội đồng AIPA-31 tại Hà Nội. Đây là sự khẳng định vị thế chính trị ngày càng lớn mạnh của Quốc hội Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Quốc hội khóa XIII có rất nhiều điểm đặc biệt. Đó là lần đầu tiên nước ta tổ chức một cuộc bầu cử quy mô lớn nhất từ trước đến nay, bầu một lần đủ 500 vị đại biểu Quốc hội. Kết quả này đã khẳng định bước tiến mới trong quá trình sinh hoạt dân chủ của nước ta, thể hiện rõ ý thức chính trị, trách nhiệm công dân, trình độ dân trí, sự gắn bó và niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Đặc biệt, bản Hiến pháp mới năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã thể hiện đầy đủ ý Đảng, lòng dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Đó là tiếp tục đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ và bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu trong Hiến pháp. Đây vừa là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946, vừa thể hiện nhận thức mới trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Bản Hiến pháp này là cơ sở để Quốc hội khóa XIII đẩy mạnh công tác lập pháp, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về đổi mới hoạt động của chính mình; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ được Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, nhân dân cả nước đã chứng kiến những đổi mới trong hoạt động chất vấn, thể hiện tính dân chủ cao nhất của Quốc hội Việt Nam. Đại biểu Quốc hội có thể chất vấn Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành một cách tổng thể về việc thực hiện những cam kết của họ trước Quốc hội trong cả nhiệm kỳ.

Đặc biệt, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 được tổ chức tại Hà Nội tháng 3 năm 2015 được các nước bạn đánh giá là một trong những kỳ Đại hội đồng được tổ chức tốt nhất trong hơn 30 năm qua, trong đó nước chủ nhà Việt Nam không chỉ đóng góp tích cực về công tác tổ chức mà còn tham gia đề xuất nhiều chủ đề quan trọng của hội nghị, nổi bật nhất là bản Tuyên bố Hà Nội về hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đang xây dựng đến năm 2030.

Trong thành tựu chung 70 năm qua của Quốc hội Việt Nam, có sự đóng góp to lớn của nhiều vị đại biểu Quốc hội quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây và thành phố Đà Nẵng hiện nay. Đó là các đồng chí Lê Văn Hiến, nguyên Chủ tịch UBND cách mạng thành phố Đà Nẵng năm 1945, là một trong số 7 thành viên của Ủy ban dự thảo Hiến pháp năm 1946, đã từng giữ các chức vụ quan trọng của Nhà nước như Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao, Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ trưởng Bộ Tài chính; nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, Mai Thúc Lân; Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn...

Đó còn là các tên tuổi đã đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu noi theo như các đồng chí Lê Thị Xuyến, Lâm Quang Thự, Trần Tống, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Xuân Nhĩ, Trần Đình Tri...

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII của Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng cũng là một nhiệm kỳ có nhiều điểm nổi bật. Đoàn có 6 vị đại biểu Quốc hội thì cả 6 vị đều được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, được thăng quân hàm cao hơn lúc ứng cử. Đặc biệt, do yêu cầu công tác cán bộ, có 3/4 vị đại biểu công tác tại địa phương được điều động về các cơ quan Trung ương ở Hà Nội. Mặc dù vậy, Đoàn ĐBQH thành phố đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị hằng năm và cả nhiệm kỳ, tạo dấu ấn tốt đẹp ở nghị trường và trong lòng cử tri, nhân dân thành phố và cả nước.

Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH thành phố đã tích cực nghiên cứu, thảo luận, biểu quyết thông qua Hiến pháp mới năm 2013, 122 dự án luật và 30 nghị quyết. Các đạo luật cơ bản của quốc gia như Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… đều được các vị ĐBQH trong Đoàn nghiên cứu, tham gia phát biểu sôi nổi, tâm huyết; đề ra nhiều ý tưởng mới có tính đột phá; kiến nghị đưa vào luật những nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo tính pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ trong việc bổ nhiệm, thi tuyển, nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức quốc gia…

Nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH thành phố đã tổ chức giám sát độc lập trên địa bàn thành phố 26 chuyên đề và tham gia 27 Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về giám sát tại thành phố; đã tiếp 801 lượt công dân, tiếp nhận và xử lý 1.476 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức; thực hiện 126 cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn thành phố; đã ban hành văn bản chuyển Ủy ban Thường vụ Quốc hội 377 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành Trung ương; chuyển Ủy ban nhân dân thành phố, quận, huyện, sở, ngành đề nghị xem xét, giải quyết 471 kiến nghị.

Đến nay, hầu hết các kiến nghị của cử tri thành phố đều được giải quyết, trả lời. Đặc biệt, một số kiến nghị xác đáng của cử tri được tiếp thu, đưa vào chỉnh sửa chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Với ý chí kiên cường và niềm tin sắt đá, Đoàn ĐBQH thành phố cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, truyền thống quê hương Đà Nẵng anh hùng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp đến, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đã đề ra, cải tiến lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, xây dựng thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

HUỲNH NGHĨA

.