Báo Đà Nẵng xuân 2017
Lựa chọn tương lai
Đà Nẵng không chỉ nổi tiếng bởi những cây cầu đẹp bắc qua sông, những công trình hiện đại vươn lên giữa lòng thành phố, những điểm đến hấp dẫn du khách gần xa mà còn bởi sự thịnh vượng của nơi “đất lành chim đậu”. Không ít người trẻ tìm thấy ở mảnh đất này cơ hội tạo dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng...
Asian Tech chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực trẻ để họ có cơ hội phát triển bản thân và tạo dựng ước mơ khởi nghiệp cho riêng mình. |
Sau 12 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, Trương Đình Hoàng (SN 1980), Giám đốc Công ty CP Asian Tech quyết định trở về Việt Nam thành lập công ty chuyên xuất khẩu phần mềm. Là người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất miền Trung, nên những năm tháng sống ở nước ngoài, chàng trai xứ Huế luôn nung nấu ý định quay trở về đóng góp một phần trí tuệ của mình cho quê hương. Năm 2013, khi vừa trở về nước, Hoàng chọn Đà Nẵng là nơi đầu tiên ươm mầm cho ước mơ khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).
Nói về những ngày đầu đến Đà Nẵng lập nghiệp, Trương Đình Hoàng vẫn nhớ như in thời điểm công ty không có khách hàng, đến khi có khách anh lại không tìm được người giỏi làm việc chung, tới lúc tìm được người giỏi, anh lại không có tiền trả lương cho họ. Bằng sự năng động và sáng tạo cộng với kinh nghiệm học tập ở xứ sở “Mặt trời mọc”, người thủ lĩnh này đã lèo lái con thuyền Asian Tech vượt qua nhiều sóng gió để trụ vững và phát triển như hôm nay.
Chỉ hơn hai năm thành lập, từ vài nhân viên nòng cốt, đến nay Asian Tech có đội ngũ khoảng 200 nhân viên với doanh thu tăng trưởng bình quân trên 100%/năm. Thành công lớn nhất của Asian Tech hiện nay là đào tạo được nguồn lao động CNTT chất lượng cao, đồng thời thu hút nhân lực từ hai đầu đất nước và nước ngoài đến làm việc tại Đà Nẵng.
Trước đây, nguồn nhân tài miền Trung không có “đất dụng võ” tại Đà Nẵng nên họ đi tìm việc ở nơi khác. Những năm trở lại đây, với môi trường sống và làm việc được cải thiện, Đà Nẵng lại là nơi họ muốn quay về cống hiến tài năng cũng như tạo dựng cơ hội lập nghiệp.
“Là một ngành mới phát triển tại Đà Nẵng nên khi lựa chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT, chúng tôi có rất nhiều cơ hội nhưng kèm theo đó là không ít rủi ro. Tôi mong muốn phát triển ngành CNTT ở Đà Nẵng lên một tầm cao mới, để nhắc đến ngành kinh tế không khói này người ta sẽ nghĩ ngay đến thành phố ven sông Hàn”, Hoàng chia sẻ. Dự định của Hoàng là hướng dẫn một số nhân viên nòng cốt trong Asian Tech mở công ty riêng để đào tạo thêm nguồn lao động về lĩnh vực CNTT đang rất khan hiếm cho thị trường Đà Nẵng.
Cũng là nơi ươm mầm những người tài trong lĩnh vực CNTT như Asian Tech, Công ty TNHH Hệ thống Nhúng SIOUX Đà Nẵng gây ấn tượng với các đối tác nước ngoài bởi môi trường làm việc chuyên nghiệp dưới sự dẫn dắt của nhiều chuyên gia nước ngoài.
Nguyễn Xuân Huy (SN 1982), Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống Nhúng SIOUX Đà Nẵng cho biết, sở dĩ SIOUX chọn Đà Nẵng làm địa điểm mở chi nhánh đầu tiên tại Việt Nam, cũng là chi nhánh tiềm năng tại châu Á, bởi thị trường công nghệ nơi đây rất lý tưởng. Với riêng Huy, sau thời gian dài sinh sống và làm việc tại Hà Lan, anh chọn Đà Nẵng là nơi dừng chân đầu tiên bởi “mảnh đất này có sức hút nhân tài, nhất là trong lĩnh vực CNTT”.
“Dù thị trường công nghệ ở Đà Nẵng chưa thực sự sôi động so với các thành phố lớn tại Việt Nam nhưng tôi chọn làm việc ở đây vì chọn cho tương lai chứ không phải cho hiện tại”, Huy nói. Sau gần 4 năm mở chi nhánh tại Đà Nẵng, doanh thu xuất khẩu phần mềm của SIOUX tăng bình quân 150-200%/năm với thị trường mở rộng ra các nước châu Âu, Mỹ và Singapore.
Theo Huy, Đà Nẵng đang hướng đến một thành phố khởi nghiệp mà mọi DN đều tìm thấy cơ hội, động lực để phát triển. Vì vậy, bên cạnh chú trọng kinh doanh sản xuất, SIOUX còn đầu tư cho nhiều ý tưởng kinh doanh của các bạn trẻ trong công ty để họ được khởi sự thành công.
Hiện nay, CNTT được xem là lĩnh vực “nóng” được giới trẻ Đà thành thổi “làn gió mới” với nhiều dự án có tính thương mại cao. Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, CNTT là ngành còn khá non trẻ ở Đà Nẵng nên rất cần những người đóng vai trò đầu tàu như Trương Đình Hoàng hay Nguyễn Xuân Huy.
“Chỉ cần vài chục người có tâm huyết theo đuổi đến cùng ước mơ khởi nghiệp, vài năm nữa thôi, thị trường CNTT ở Đà Nẵng không chỉ bắt kịp các thành phố lớn trong nước mà còn vươn ra khu vực. Chúng ta thừa nhận Đà Nẵng hiện đang là điểm đến hấp dẫn trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của các đối tác nước ngoài, thế nhưng nguồn lao động vẫn còn thiếu và yếu nên nhiều dự án “triệu đô” bị bỏ dỡ.
Đà Nẵng thực sự cần những người có tầm và có tâm, không chỉ giỏi chuyên môn mà còn biết cách nâng đỡ những ước mơ khởi nghiệp khác”, ông Thanh nhấn mạnh. Hiện rất nhiều doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố phối hợp với các trường đại học, cao đẳng ươm mầm khởi nghiệp cho sinh viên và những người trẻ đam mê công nghệ. Nhiều cuộc thi về công nghệ như GameJam, Monokon, Starup Runway… tạo sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ thỏa sức sáng tạo với nhiều dự án có tính khả thi.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp bền vững, tiến đến xây dựng thành phố trở thành một trong những trung tâm sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia. Đối với một ngành mới phát triển như CNTT, thành phố ven sông Hàn được xem là mảnh đất tiềm năng cho khởi nghiệp. Con số ấn tượng về doanh thu xuất khẩu phần mềm từ vài trăm nghìn USD những năm 2000 đến gần 50 triệu USD vào năm 2015 không thể không nhắc đến tâm huyết của những người quay trở về cống hiến cho quê hương.
Đối với một ngành mới phát triển như CNTT, thành phố ven sông Hàn được xem là mảnh đất tiềm năng cho khởi nghiệp. Con số ấn tượng về doanh thu xuất khẩu phần mềm từ vài trăm nghìn USD những năm 2000 đến gần 50 triệu USD vào năm 2015 không thể không nhắc đến tâm huyết của những người quay trở về cống hiến cho quê hương. |
HOÀNG HÂN