Báo Đà Nẵng xuân 2017
Vì một "THÀNH PHỐ 4 AN"
Lãnh đạo thành phố thống nhất chọn chủ đề năm 2017 “Năm thành phố 4 an” với mục tiêu xây dựng một thành phố an bình trên cơ sở bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội. Tết đến xuân về, trong niềm mong ước thực hiện thành công mục tiêu đầy nhân văn này, những nhà quản lý, chuyên gia, những người dân bình dị… bày tỏ cảm nhận về “Thành phố 4 an”.
Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng: Không để “nợ” nhân dân!
Để thực hiện được mục tiêu “Thành phố 4 an”, tôi cho rằng cần phải có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không riêng lực lượng Công an. Song với trách nhiệm và là lực lượng nòng cốt, Công an thành phố Đà Nẵng sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Về cơ bản, theo tôi, để bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), an toàn giao thông (ATGT), lực lượng Công an thành phố phải không ngừng nâng cao hiệu quả các mặt công tác, nghiệp vụ cơ bản. Trong đó, phải nỗ lực đấu tranh liên tục, mạnh mẽ, quyết liệt với các loại tội phạm với phương châm không khoan nhượng, không để “nợ” nhân dân bất kỳ vụ án nào.
Điều này không chỉ góp phần làm hạn chế các loại tội phạm, trong sạch địa bàn, góp phần bảo đảm tình hình ANTT mà quan trọng nhất là đem lại niềm tin trong nhân dân.
Để làm tốt hơn nữa việc bảo đảm ATGT, chúng tôi tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung những nội dung như: nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT; tăng cường lực lượng, thường xuyên ra quân tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tập trung điều hòa, hướng dẫn giao thông; sớm hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông… nhằm góp phần bảo đảm trật tự ATGT, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố.
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng: Phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ
Đối với lĩnh vực ATGT, mục tiêu quan trọng đặt ra là phải nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông, giảm mạnh các loại vi phạm về ATGT; bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả.
Để thực hiện điều này, chúng tôi phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông đến từng đối tượng tham gia; tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT.
Đồng thời, chúng tôi tích cực phối hợp với cơ quan Trung ương, các ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực xây dựng, phát triển đồng bộ và có trọng điểm kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, hạn chế vi phạm về ATGT, chống ùn tắc giao thông.
Cùng với đó là rà soát, hoàn chỉnh, triển khai quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất đồng bộ với quy hoạch giao thông vận tải; khai thác nguồn lực triển khai dự án các tuyến giao thông huyết mạch, đường vành đai, các trục giao thông; ưu tiên cải tạo, xây dựng các nút giao khác mức trọng điểm, các bãi đỗ xe khu vực trung tâm; phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân.
TS. KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đà Nẵng: Tạo thói quen sử dụng hệ thống giao thông công cộng
Chọn “Thành phố 4 an” làm chủ đề cho năm 2017 là điều rất có ý nghĩa của thành phố Đà Nẵng, bởi các vấn đề này đều mang tính bao quát, trọng tâm và trực tiếp liên quan tới đời sống của mỗi người dân.
Tôi cho rằng, đề án chống ùn tắc giao thông đang được xây dựng, thông qua và triển khai theo lộ trình là “chìa khóa” quan trọng giải quyết căn cơ vấn đề này. Trước mắt, cần tiếp tục rà soát, phân loại hệ thống giao thông đô thị theo đúng quy chuẩn. Việc này rất quan trọng, bởi đây là cơ sở điều tiết và tổ chức lưu thông cũng như kiểm soát hoạt động đô thị.
Thành phố cần tổ chức phân làn, phân luồng giao thông trên một số tuyến đường chính như: Ngô Quyền, Cách mạng Tháng Tám, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng... theo hướng tách riêng làn vận tải hàng hóa và vận tải hành khách; lập lại trật tự vỉa hè để bảo đảm lối đi dành cho người đi bộ; cải tạo các nút giao thông có nhiều tiềm ẩn tai nạn và có mật độ giao thông lớn theo hình thức nút giao thông khác mức.
Đồng thời, tổ chức đưa đón học sinh tập trung bằng ô-tô có kích thước nhỏ, trung bình (loại 16-24 chỗ); khuyến khích cán bộ, công nhân, viên chức làm việc tại Trung tâm Hành chính thành phố sử dụng xe buýt có trợ giá, tạo thói quen cho người dân sử dụng hệ thống giao thông công cộng - một loại hình giao thông tất yếu trong tương lai.
TS Nguyễn Gia Như, Phó khoa Sau đại học, Trường Đại học Duy Tân: Chú trọng yếu tố nhân văn trong đào tạo
Trong kế hoạch xây dựng và phát triển tương lai, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần được quan tâm và định hướng theo đúng tầm nhìn. Đà Nẵng đã chọn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 hướng đột phá.
Tuy nhiên, mối liên kết giữa đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển “Thành phố 4 an” theo tôi nằm ở những môn học rèn luyện đạo đức, kỹ năng. Đạo đức xã hội đang trở thành nỗi lo của mọi gia đình. Chính vì thế, vai trò của các cơ sở đào tạo trong việc rèn luyện kỹ năng, trau dồi đạo đức là hết sức quan trọng.
Hiện nay, bộ môn Đạo đức nghề nghiệp đang được nhiều cơ sở đào tạo áp dụng, trở thành môn học chính. Một công dân, một người lao động nếu có tài nhưng không có đức sẽ trở nên rất nguy hiểm. Một thành phố phát triển văn minh, bền vững, ắt phải có những công dân tài, đức vẹn toàn.
Luật sư Lê Cao, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng: An toàn mâm cơm của người dân
Chính quyền thành phố Đà Nẵng đang tiếp tục khẳng định một chính quyền vì dân khi huy động cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện 4 mục tiêu lớn trong chương trình “Thành phố 4 an”. Trong đó, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) theo tôi là cần thiết hơn cả, bởi vấn đề này thể hiện và ảnh hưởng qua từng bữa ăn của mọi người.
Để có một bữa ăn an toàn, cần xuất phát từ ý thức bảo đảm ATVSTP của cả ba phía: người tiêu dùng, nhà cung cấp thực phẩm và cơ quan quản lý Nhà nước. Bảo người tiêu dùng phải tự chọn thực phẩm sạch để dùng, họ tất nhiên rất muốn, nhưng thực phẩm sạch ở đâu, làm sao họ biết được.
Trong khi đó, đòi hỏi người sản xuất có lương tâm thì rõ ràng vô cùng khó. Không phải ở xã hội chúng ta, mà bất kỳ đâu, thiên hướng ham lợi cũng làm nhiều nhà sản xuất dễ dàng “quên mất” lương tâm của mình.
Việc xử lý hành vi vi phạm ATVSTP theo tôi không phải ở chế tài, mà là quy định của luật có được thực thi trên thực tế không. Chúng ta tập trung nhiều về con người vật chất cho đấu tranh các tệ nạn khác nhau, nhưng dường như chưa có một bộ máy đủ mạnh để quản lý an toàn mâm cơm cho người dân.
Có luật rồi nhưng có lực lượng giám sát, kiểm tra thường xuyên không, có sử dụng luật để xử lý các vi phạm không, có mạnh tay sử dụng chế tài hình sự đối với các vi phạm nghiêm trọng không… Đó là câu chuyện chúng ta cần đặt ra cho các nhà quản lý.
Anh Nguyễn Văn Duy, Tổ trưởng Tổ liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm, UBND thành phố Đà Nẵng: Nâng cao nhận thức của thanh-thiếu niên
Qua thực tiễn 20 năm phát triển đô thị của Đà Nẵng, kinh nghiệm cho thấy, các chủ trương lớn có thành công được hay không là nhờ sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, trong đó đối tượng thanh niên rất quan trọng, vì họ là lực lượng chính sử dụng dịch vụ của đô thị và là nhóm công dân chiếm số đông.
Như vậy, muốn đạt được sự đồng thuận lâu dài như đã thành công từ trước đến nay, chúng ta phải có kênh tương tác để nâng cao nhận thức của các thành viên trong đô thị. Nâng cao nhận thức sẽ tiến tới việc hình thành hành vi tích cực thường ngày qua nếp ăn, nếp ở. Một thành phố an toàn, đáng sống hay văn minh đều đến từ hành vi của những thành phần sống trong thành phố đó. Vì vậy, nâng cao nhận thức của lực lượng thanh-thiếu niên là điều rất quan trọng.
Chị Nguyễn Thanh Tú, 32 tuổi, Hà Nội: Cảm giác yên bình khi đến Đà Nẵng
Tôi có ít nhất 6-7 lần đến Đà Nẵng, kể cả đi công việc và du lịch. Tôi nhận thấy tình hình an ninh trật tự ở Đà Nẵng rất tốt. Đặc biệt, khi tiếp xúc với lực lượng Công an, từ phường đến quận, tôi luôn thấy ở các anh sự gần gũi, thân thiện, nhất là tinh thần, trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ.
Thực sự, sau lần bị cướp điện thoại trên đèo Hải Vân (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) tháng 11-2016, tôi có chút giật mình và tôi cũng không nghĩ sẽ tìm lại được tài sản. Tuy nhiên, khi tôi nhờ người dân gọi điện báo Công an phường, 5 phút sau các anh đã có mặt.
Và chỉ 4 giờ sau, tôi nhận lại tài sản là chiếc điện thoại iPhone 6s. Biết tôi là khách du lịch ở xa, phải về có công việc gấp nên các anh Công an làm việc rất tích cực để bàn giao lại tài sản cho tôi ngay trong đêm đó. Điều này làm tôi vô cùng cảm động và biết ơn các anh Công an nói riêng cũng như người dân Đà Nẵng nói chung.
Chính những điều này cho tôi thêm ấn tượng đẹp đối với Đà Nẵng và con người thân thiện nơi đây. Tôi thực sự có cảm giác yên bình khi đến thành phố Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng: Bảo vệ và nâng cao đời sống người dân
Năm 2017, Đà Nẵng chọn chủ đề “Thành phố 4 an”, trong đó có vấn đề an sinh xã hội (ASXH). ASXH ở đây có hai ý nghĩa. Thứ nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, chẳng hạn như thu nhập của người lao động…
Thứ hai là bảo vệ để những tác động bên ngoài không làm giảm mức sống của người dân. 2017 là năm bản lề của cả giai đoạn thực hiện đề án “Thành phố 4 an” (2017-2020) bởi tất cả các nguồn lực phải tập trung trong năm đầu tiên để tạo cú hích.
Đối với lĩnh vực ASXH, trong năm đến, tôi cho rằng cần tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị quyết số 76 của Chính phủ; đồng thời cần phát triển Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng thành trường chất lượng cao đến năm 2020 và định hướng cho việc đào tạo nghề sắp đến.
Song song với đó, thành phố cần tập trung đầu tư cho một số ngành nghề đạt chuẩn quốc gia và quốc tế. Hoạt động giao dịch việc làm cũng nên được tăng cường, nâng lên 4 lần/tháng (hiện nay là 3 lần/tháng) để kết nối thông tin thị trường.
Việc thành lập Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề theo tôi rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, thương mại của khu vực miền Trung nên thành phố cần sớm có trung tâm này để hạn chế thấp nhất tình trạng nơi thừa, nơi thiếu lao động.
Chị Huỳnh Thị Thương, nhân viên Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng: Giúp người nghèo có động lực vươn lên
Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo mấy năm nay, 5 đứa con vẫn còn trong độ tuổi ăn học. Chồng tôi làm thợ nề, thu nhập bấp bênh nên cho các con cắp sách đến trường là khó khăn không nhỏ của gia đình tôi. Thế nhưng nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của bà con lối xóm, tổ dân phố và địa phương, cứ đến đầu năm học mới, các con của tôi lại có suất học bổng, có sách vở, quần áo mới.
Nhất là vào những ngày Tết, năm nào tổ dân phố và phường cũng quan tâm chu đáo như tặng gạo, bánh kẹo, áo mới để cái Tết thêm ấm cúng. Chính tinh thần “lá lành đùm lá rách” đó đã giúp những người nghèo như tôi có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Tôi sẽ cố gắng nuôi con ăn học nên người để trở thành người có ích, đóng góp cho thành phố ngày càng giàu đẹp hơn.
Đ.MẠNH - P.CHUNG - P. TRÀ thực hiện