Năm 2016, ngành Du lịch Đà Nẵng đánh dấu bước phát triển bằng những con số ngoạn mục. Trong 5,5 triệu du khách có 1,7 triệu khách quốc tế, đạt tăng trưởng 32%. Cùng với đó, Đà Nẵng cũng ghi tên mình vào bản đồ du lịch quốc tế khi được tổ chức du lịch thế giới World Travel Awards bình chọn là “Thành phố của sự kiện và lễ hội năm 2016”, điều này càng làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Du khách tham quan Bà Nà Hills. Ảnh: THU HÀ |
Những điểm cộng sáng giá
Nhờ đâu du lịch Đà Nẵng tiếp tục tăng trưởng, trong khi các địa phương khác vẫn giẫm chân tại chỗ? Theo tôi, lý do đầu tiên là Đà Nẵng đã kết nối với khu vực và toàn cầu bằng những chuyến bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng. Nếu 20 năm trước, du khách đến Đà Nẵng từ Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội trên những máy bay TU cũ kỹ thì nay, hằng tuần, đã có 23 chuyến bay quốc tế trực tiếp đáp xuống thành phố này. Đặc biệt, du khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… đến Đà Nẵng chỉ trong vòng 4-5 giờ bay. Đường bay rút ngắn giúp các công ty toàn cầu mạnh dạn đưa nhân viên đến Đà Nẵng dự hội nghị, triển lãm hay tham quan, giải trí. Cùng với chính sách ưu đãi dành cho phát triển du lịch, Đà Nẵng đã thu hút các tập đoàn khách sạn lớn đến đầu tư và khai thác như Accor, Starwood, Marriott, Intercontinental, Furama, Hilton, Sheraton…, góp phần tạo nên những mảng màu khác nhau trong lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng.
Nhiều năm qua, tôi cho rằng Đà Nẵng đã đúng khi chọn dịch vụ, trong đó có dịch vụ du lịch trong mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Để thực hiện bước đi này, Đà Nẵng cho xây dựng hàng loạt công trình hạ tầng phục vụ du lịch, những cung đường mới, những cây cầu mới nối trung tâm thành phố với biển, với bán đảo Sơn Trà. Các khu vui chơi giải trí được đầu tư đồng bộ như Công viên Châu Á, Bà Nà Hills, núi Thần Tài, Hòa Phú Thành…, nhiều khu mua sắm mới như Lotte, Vincom, Metro, Parkson...
Bên cạnh đó, sự kiện Đà Nẵng được New York Times bình chọn là một trong những điểm đến lý tưởng trên thế giới, dựa vào các tiêu chí xanh, sạch, đẹp, wifi miễn phí trở thành những điểm cộng sáng giá giúp Đà Nẵng tự tin sánh ngang cùng các thành phố du lịch châu Á khác. Ngoài ra, du khách đến Đà Nẵng còn được hấp dẫn bởi văn hóa ẩm thực phong phú; bên cạnh món ăn quốc tế, họ có thể thưởng thức đặc sản miền Trung như mỳ Quảng, bún Huế, bánh xèo, cao lầu, đặc biệt bê thui và thịt heo cuốn bánh tráng với hương vị mắm nêm mặn mòi, cuốn hút.
Sức hút du lịch của Đà Nẵng càng được khẳng định qua sự trở lại khá thường xuyên của nhiều du khách quốc tế. Đơn cử như ông bà Psutka Dieter, quốc tịch Đức. Khi được hỏi điều gì khiến họ quay lại Đà Nẵng đôi lần mỗi năm, họ bày tỏ: “Với chúng tôi, Đà Nẵng như quê hương thứ hai, gần gũi và vô cùng thân thuộc. Chúng tôi yêu thành phố này qua những bữa cơm gia đình với hương vị nước mắm truyền thống, qua sự hiếu khách của người dân và cả sự thay đổi, ngày một tốt hơn, sau mỗi lần trở lại”. Bên cạnh đó, tình yêu của ông bà Psutka đối với mảnh đất, con người Đà Nẵng còn thể hiện qua việc nhận đỡ đầu một gia đình trẻ tại địa phương này.
Hay như ông Roething Dirk, chủ một công ty vận chuyển tàu biển tại Hà Lan đã chọn Đà Nẵng làm nơi thư giãn sau chuỗi ngày bộn bề công việc. Và, cũng vì trót yêu những giây phút được đắm mình trong làn nước biếc xanh hay tản bộ trên bờ biển yên tĩnh, hiền hòa mà mỗi năm ông Roething Dirk đều dành cả tháng trời quẩn quanh với biển Đà Nẵng. Hiện nay, trong khu vườn nhiệt đới ở Furama Resort, có một cây phượng vỹ gắn tên ông đang chờ ngày đơm hoa kết nụ. Cây phượng do chính tay ông trồng nhiều năm trước đã trở thành sợi dây vô hình gắn kết tình bạn giữa ông và Đà Nẵng.
Kỳ vọng sự đột phá trong tương lai
Tháng 5-2017, Đà Nẵng được Hiệp hội Các tổ chức du lịch golf quốc tế - IAGTO chọn tổ chức hội thảo và triển lãm golf châu Á. Đây thực sự là tin vui với cộng đồng du lịch thành phố. Ông Peter Walton, đại diện Ban tổ chức cho biết, chọn Đà Nẵng vì ở đây hội tụ đủ các điều kiện để thực hiện chương trình MICE (Meetings - Incentives - Conventions - Exhibitions/Events). Cụ thể, Đà Nẵng nằm giữa những sân golf cực kỳ thú vị là sân Đà Nẵng, sân Montgomerie Links, sân Bà Nà Hills, sân Laguna Lăng Cô, đồng thời có phòng hội nghị Ariyana sức chứa gần 2.500 chỗ ngồi, bên cạnh khu triển lãm các thiết bị, dụng cụ phụ trợ cho môn đánh golf. Ngoài thời gian hội họp, các nhà kinh doanh dụng cụ golf, các golfers có thể thư giãn nghỉ ngơi bên bờ biển, mua sắm hoặc thăm thú các di sản văn hóa, thiên nhiên ở khu vực miền Trung quanh thành phố Đà Nẵng.
Khi nói về Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Đà Nẵng năm 2017, tôi nghĩ rằng khó có cơ hội thứ hai để thành phố giới thiệu cơ hội đầu tư và tiềm năng du lịch cho 21 thành viên nền kinh tế lớn nhất thế giới, hơn 1.000 doanh nhân toàn cầu cũng như đội ngũ truyền thông quốc tế đặt chân đến Đà Nẵng trong thời gian diễn ra sự kiện đặc biệt này. Nếu biết tận dụng, tôi tin rằng Đà Nẵng sẽ cất cánh trong tương lai không xa. Ngay thời điểm này, Đà Nẵng cần học hỏi một số nước như Hàn Quốc (địa phương tổ chức APEC Busan 2005) hay Nhật Bản (APEC Osaka 1995) bởi họ đã tận dụng khá tốt cơ hội để làm nền tảng khai thác du lịch dịch vụ trong suốt những năm sau này.
Cũng cần nói thêm, dù hiện nay Tuần lễ cấp cao APEC 2017 chưa diễn ra nhưng thị trường bất động sản ở Đà Nẵng đã rục rịch tăng trên 30%, khách sạn chào giá tăng gấp rưỡi cho năm 2017. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư Mỹ, Ấn Độ, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản… đã đổ xô tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là du lịch Đà Nẵng đã hoàn thiện bức tranh của mình. Trong một lần trò chuyện cùng chúng tôi, ông Kitamoto Satoshi, doanh nhân Nhật Bản thẳng thắn chỉ ra rằng, dù thu hút một lượng lớn du khách nhưng cuộc sống ở đây khá buồn tẻ. Đà Nẵng đi ngủ quá sớm so với các thành phố du lịch khác trên thế giới. Đà Nẵng thiếu các địa điểm mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí về đêm như Phuket, Bali, Genting… nên chưa thể “móc túi” khách hàng để mang về nguồn thu đáng kể cho thành phố. Ông Kitamoto bày tỏ sự quan tâm của mình khi ngày càng nhiều nhà hàng, khách sạn mọc lên hai bên sông Hàn và ven biển. “Hãy nhớ rằng khi môi trường bị xâm lấn thì cũng là lúc du khách không còn đến với các bạn nữa. Kinh nghiệm Pattaya (Thái Lan) là một bài học quý để các bạn không phải hối tiếc sau này”, ông Kitamoto Satoshi khuyến cáo.
Thành phố Đà Nẵng được biết đến là nơi đầu biển cuối sông với nhiều tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ. Trước thềm năm mới, cùng với kỳ vọng về sự phát triển mang tính đột phá trong tương lai, chúng ta hy vọng rằng, Đà Nẵng luôn là điểm đến thu hút trong lòng du khách gần xa.
HUỲNH TẤN VINH