Những cây cầu nối đôi bờ sông Hàn như cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý… trở thành nguồn cảm hứng cho thi ca, hội họa, âm nhạc. Bằng sự tài hoa của người nghệ sĩ, những cây cầu càng lung linh hơn, đưa hình ảnh Đà Nẵng bay cao, bay xa trên khắp mọi miền.
Sông Hàn về đêm lung linh hơn bởi những cây cầu. Ảnh: MINH TRÍ |
Dấu ấn cầu Sông Hàn
Trong tiết trời se lạnh cuối đông, bên tách cà-phê ngay tại phòng tranh của mình trong con hẻm nhỏ đường Trần Phú, họa sĩ Tường Vinh có chút bùi ngùi khi tâm sự về nghề. Những năm 1980, khi cuộc sống còn khó khăn, hội họa giúp ông “sống được”. Nhưng để “sống được”, ông phải bán đi nhiều bức tranh mình yêu quý, nhất là những bức vẽ về vùng đất Đà Nẵng. Ông kể, bức tranh đầu tiên ông vẽ khi đặt chân đến mảnh đất Đà Nẵng vào năm 1977 cũng là ấn tượng ban đầu của ông về một thành phố bình yên, hiền hòa. Bức tranh rồi cũng phải bán đi giữa những lo toan cơm áo… Những năm sau đó, ông làm cán bộ Phòng trưng bày, thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố tại 84 Hùng Vương. Dù vẫn dành thời gian cho vẽ tranh nhưng vẽ một cái gì đó về Đà Nẵng vẫn chưa định hình rõ nét, ông cảm giác “nợ” mảnh đất này. Năm 1998, cầu Sông Hàn khởi công, ý tưởng ấp ủ từ lâu bỗng lóe lên và ông bắt tay thực hiện.
Họa sĩ Tường Vinh kể, hồi đó, cầu Sông Hàn là dấu ấn văn hóa của người Đà Nẵng những năm đầu thế kỷ 21. Cây cầu không chỉ nối hai bờ sông Hàn mà còn “nối” khát vọng đổi thay. Bản thân người họa sĩ càng muốn khắc họa khoảnh khắc được xem là “lịch sử” ấy. Để góp nhặt từng “khoảnh khắc”, tranh thủ giờ rảnh, họa sĩ Tường Vinh lại cầm máy ảnh chụp công việc hằng ngày của công nhân xây cầu Sông Hàn. “Tôi phải mất mấy chục cuộn phim, hàng trăm bức phác họa và theo dõi ròng rã gần hai năm trời, từ khi đóng móng trụ cho đến thi công dầm cuối cùng của cây cầu chỉ để chắt lọc những chi tiết cần thiết cho tác phẩm. Đó cũng là tác phẩm sơn mài đầu tiên tôi thực hiện”, họa sĩ Tường Vinh chia sẻ.
Tác phẩm Công trình xây dựng cầu Sông Hàn của họa sĩ Tường Vinh được đánh giá cao tại cuộc thi sáng tác về Đà Nẵng giai đoạn 1998-2000 (cuộc thi do Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh phát động). Sau đó, bức tranh được triển lãm tại Hà Nội và được hỏi mua để trưng bày tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. “Năm 2001, có người hỏi mua với giá 3.100 USD, nhưng tôi từ chối. Năm 2006, khi được hỏi mua để treo tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, tôi còn lưỡng lự vì muốn giữ làm kỷ niệm về công trình cầu Sông Hàn nhưng suy đi tính lại, nếu được trân trọng treo tại đó, đứa con tinh thần của mình mới “sống” được, nhiều người biết đến và góp phần giới thiệu về Đà Nẵng nên tôi gật đầu đồng ý. Sâu thẳm trong tôi, tác phẩm Công trình xây dựng cầu Sông Hàn vẫn luôn là ký ức đẹp nhất trong 40 năm cầm cọ của mình, dù sau này tôi có sáng tác nhiều tác phẩm, thậm chí đoạt giải thưởng cao. Thỉnh thoảng, có người xem bức tranh đó và gọi điện hỏi thăm, tôi vui lắm”, họa sĩ Tường Vinh tâm sự.
Với nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Ông Văn Sinh, sông Hàn có ý nghĩa đặc biệt. Bởi ngày ấy, chụp ảnh bằng phim cuộn chứ không bằng kỹ thuật số như bây giờ nên những ai thật sự đam mê mới theo nghề. Ông là một trong số nhiếp ảnh gia hiếm hoi tại Đà Nẵng có bộ sưu tập ảnh đồ sộ về cảnh sinh hoạt của người dân xóm nhà chồ. Dĩ nhiên, sự kiện xây cầu Sông Hàn không nằm ngoài ống kính của Ông Văn Sinh. Ông cho biết, bản thân không nhớ mình mất bao nhiêu cuộn phim để ghi lại hình ảnh cầu Sông Hàn. Ngày “cây cầu thế kỷ” khánh thành, ai ai cũng tranh thủ đi qua để nhìn ngắm, trầm trồ và chụp ảnh lưu niệm, riêng ông thu gọn niềm vui ấy qua ống kính. Rồi những hình ảnh đó được trưng bày tại nhiều triển lãm, in trong sách báo…
“Cầu Sông Hàn giống như nhân chứng cho sự thay da đổi thịt của thành phố. Những bức ảnh năm nào giúp những ai cùng thời với tôi nhớ về ký ức một thời và giúp thế hệ hôm nay trân quý sự sung túc ngày nay”, NSNA Ông Văn Sinh chia sẻ.
Nhịp cầu nối hai bờ yêu thương
Sau cầu Sông Hàn, một số cây cầu độc đáo khác lại tiếp nối dựng xây. Đến nay, Đà Nẵng có 6 cây cầu nối hai bờ đông - tây sông Hàn gồm: cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý và cầu Tiên Sơn. Đó cũng là nguồn cảm hứng cho giới nhiếp ảnh Đà Nẵng. Nhiều tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi những năm gần đây, đa phần có bóng dáng những cây cầu dưới nhiều góc nhìn khác nhau như: Chiều qua phố (Nguyễn Trung Thu), Đường cong sông Hàn (Lê Quang Thiện), Lấp lánh sông Hàn (Đỗ Hữu Tiến), Lưỡng long vọng nguyệt (Nguyễn Trung Thu), Sông Hàn điểm đến (Phan Ngọc Hợi), Cầu Rồng Đà Nẵng (Thân Nguyên), Cánh buồm đỏ (Nguyễn Đăng Đệ)...
NSNA Nguyễn Đăng Đệ chia sẻ, dù mới theo con đường nhiếp ảnh nghệ thuật hơn hai năm nay, nhưng anh cũng có kha khá tác phẩm về sông Hàn và không thiếu tác phẩm về các cây cầu. Năm 2016, tác phẩm Cánh buồm đỏ của anh đoạt huy chương vàng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 21. Trong Cánh buồm đỏ, hình ảnh chiếc cầu Trần Thị Lý như cánh buồm căng gió, phía sau là thành phố đầy sức sống, vươn mình phát triển.
“Mỗi tác giả tìm góc chụp, canh nhiều lần và không ngại mạo hiểm để có tấm ảnh ưng ý về sông Hàn. Riêng tôi, đó không chỉ là niềm đam mê mà còn là tình yêu Đà Nẵng, bởi quê hương mình có những cây cầu đẹp lung linh cần sẻ chia vẻ đẹp đó đến với mọi người”, NSNA Nguyễn Đăng Đệ tâm sự.
Không chỉ xuất hiện trong hội họa, nhiếp ảnh, những cây cầu của Đà Nẵng còn đẹp, gần gũi qua thơ ca, âm nhạc. Ca khúc Đà Nẵng lung linh những nhịp cầu, thơ của tác giả Thân Thanh được nhạc sĩ Nguyễn Đức phổ nhạc là một trong những tác phẩm khắc họa rõ nét điều đó.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức chia sẻ, khi đọc bài thơ của anh Thân Thanh - một doanh nhân có tâm hồn thi sĩ, từng câu chữ như chạm vào trái tim anh. Trong bài thơ, tác giả nhìn đâu cũng thấy thành phố mình đẹp, mà đẹp nhất là những cây cầu. Chỉ những người yêu mảnh đất Đà Nẵng da diết mới viết được như thế.
Khi tìm được những cung bậc âm nhạc trong bài thơ đó, nhạc sĩ Nguyễn Đức bắt tay phổ nhạc trong vòng hai ngày, mất một tuần ghi âm, phối âm và cho ra đời tác phẩm. “Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, lời ca thân thuộc đến nỗi mỗi người như tìm thấy hình bóng chính mình trong đó. Nơi đó có niềm tự hào, có mơ ước, khát vọng về một thành phố yên bình và vươn mình ra biển lớn”, nhạc sĩ Nguyễn Đức tâm sự.
Có thể nói, những chiếc cầu mọc lên cùng sự đổi thay ngỡ ngàng của diện mạo thành phố trong gần một thập kỷ qua mang đến cho người dân Đà Nẵng nhiều cung bậc cảm xúc, gói gọn trong lời bài hát Đà Nẵng lung linh những nhịp cầu: “Chín nhịp cầu thỏa lòng ước mơ/ Khúc ruột miền Trung/Nhịp cầu yêu thương”...
HÀ THU