Báo Đà Nẵng xuân 2019
Mùi của Tết
Bước qua rằm tháng mười một, khi những cây mai trong vườn bắt đầu được trảy hết lá để kịp bung nụ, nở hoa đón năm mới thì mùi của Tết cũng thoáng qua trong không gian và trong nhịp thở gấp gáp của thời gian. Tết cận kề với những lo toan, sắm sửa của mẹ, với niềm háo hức của những trẻ thơ và niềm vui sum họp của biết bao gia đình đang sống trên dải đất hình chữ S này.
Những bức tường vôi loang lổ nước mưa, cũ xì vì nắng gió được cạo sạch và khoác lên tấm áo mới. Mùi vôi mới quyện với mùi sơn, mùi gỗ tạo thành một thứ mùi hỗn hợp vốn quen thuộc vào những ngày dọn nhà đón Tết. Tủ giường, bàn ghế được lau chùi tinh tươm, bóng loáng. Thay cái rèm cửa, cái bóng đèn bị cháy từ những ngày mưa bão tất bật không kịp nhớ.
Rồi chiếu chăn, mền gối cũng được đem ra giặt giũ, phơi phóng dưới cái nắng hanh hao của tháng Chạp, để bay bớt mùi ẩm mốc và đậm chút hương của gió, của nắng cuối đông. Sân trước nhà được dọn cho phong quang để rước thêm những chậu cây, chậu hoa về chưng Tết, để chào đón những đứa con đi xa trở về nhà.
Mùi Tết bắt đầu quyện rõ với sự tất bật mua sắm ở chợ. Những chuyến xe chất đầy gạo, nếp, lá chuối, lá dong, củ kiệu, củ cải…, mang hơi hướng Tết từ các vùng quê ùn ùn đổ về các nẻo chợ. Lựa ngày được nắng, các bà, các cô đi chợ sớm, mua mớ củ kiệu, củ hành về ngâm tro qua đêm cho trắng rồi hong cho giòn. Mấy củ cà rốt được tỉ mẩn khắc hoa cho đẹp ngâm chung với củ cải rồi rải ra nong, nia phơi trước hàng hiên.
Tới hàng quen lựa vài chai nước mắm ngon thiệt ngon để sẵn, mua mớ ớt trái về xắt mỏng, chờ mớ củ kiệu, củ hành hơi heo héo là trộn hết các thứ đã chuẩn bị sẵn vào hũ. Hũ dưa món làm xong cất vào góc bếp để Tết ăn kèm với bánh tét. Sau hăm ba tháng Chạp thì ra chợ mua thêm mớ hành củ về muối hũ dưa hành nữa là đủ vị. Mùi hăng hăng của kiệu, cay nồng của hành củ; mùi thơm ngào ngạt của chảo mứt gừng đang rim trên bếp, theo gió tan loãng vào cái lạnh se sắt của những ngày cuối đông đem lại sự háo hức cho những đứa trẻ con đang từng ngày mong đến Tết.
Mùi Tết kéo các bà nội trợ ra chợ. Dường như mua sắm Tết chưa bao giờ là đủ. Áo quần, giày dép mới cho bọn trẻ đã sắm sửa đủ đầy từ tháng trước nhưng những ngày này, bước ra chợ thấy cái gì cũng muốn mua, muốn sắm. Dưa món đã làm xong. Mấy chảo mứt gừng, mứt dừa cũng rim xong và cho vào lọ. Giò chả, nem tré đã đặt cho hàng gói. Còn mua thêm mấy ký thịt heo về luộc ngâm nước mắm, làm mớ bắp bò luộc ngâm dấm để khách tới thăm nhà có cái tiếp đãi.
Và thế là những súc thịt tươi rói, những mớ rau củ tươi mởn, nõn nà trên các sạp hàng được cho vào giỏ và trả tiền ngay chứ không kì kèo trả giá như ngày thường. Gói bánh, hộp trà với bao bì bắt mắt để riêng về quê thắp hương nhà thờ. Gói mứt mãng cầu mềm dành cho bà ngoại thích ăn ngọt. Hộp bánh quy bơ để dành bà nội. Tết thì ai trong nhà cũng có quà, có phần. Túi nọ, xách kia nặng trĩu tay nhưng bước ra khỏi chợ nét mặt ai cũng hớn hở.
Mùi Tết ở chợ theo chân bà nội trợ về nhà, đem lại cho không gian căn bếp ấm ấm hơn. Mẹ bày các thứ trong giỏ ra, thứ này nấu cỗ cúng, thứ kia để dành tiếp đãi khách. Con gái phụ mẹ lau lá chuối, ngâm nếp nấu bánh tét. Cả nhà lăng xăng, bận rộn nhưng ai cũng vui. Mùi tiêu trong nồi đậu xanh hông làm nhưn bánh quyện với mùi riềng, mùi sả mẹ làm dưa chuối như đánh thức khứu giác ngủ quên sau mùa đông dài đằng đẵng.
Mùi Tết gợi cho người ở nhà sự mong đợi và người ở xa sự náo nức trở về. Nó như chất keo kết dính tình cảm gia đình. Càng gần đến Tết, những đứa con xa nhà lại cố chen chúc nhau mua cho được tấm vé tàu, vé xe để về quê. Có người phải mất cả ngày để xếp hàng, thậm chí dành cả tháng lương chỉ để có được chiếc vé về quê ăn Tết mới thấy Tết với rất nhiều người Việt vẫn luôn là sự mong chờ.
Chỉ có Tết mới kéo được người đi xa quay trở về quê nhà, chăm chút cho bàn thờ tổ tiên ấm cúng ba ngày Tết. Dù nghèo hay giàu, đến Tết ai cũng để dành tiền sắm sửa trong ngoài, mua thêm mấy chậu cây, chậu hoa, nấu nồi bánh tét…, những thứ không thể thiếu trong nhà trong mấy ngày Tết.
Những tất bật, lo toan của cả năm cũ như bỏ lại phía sau. Ai cũng xắn tay dọn nhà đón năm mới, chuẩn bị cho mình bộ quần áo mới thật tinh tươm để 3 ngày Tết đi chúc Tết, thăm hỏi họ hàng. Rồi cả nhà quây quần bên nhau trong bữa cơm cúng rước ông bà chiều ba mươi Tết trong mùi nhang trầm thơm ngát, nhớ về những tháng năm đã qua và trông vọng một năm mới nhiều may mắn, đủ đầy.
Mùi Tết là mùi của sum họp, của yêu thương gia đình, là một góc kỷ niệm của những người tha hương. Vì thế, Tết luôn là sự mong ngóng, trông chờ.
KIM EM