Báo Đà Nẵng xuân 2019
Ngày xuân xin chữ
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Nếu những món ăn phổ biến ngày Tết vẫn bất biến cùng thời gian thì tràng pháo giờ đã là chuyện của ngày hôm qua và cây nêu dần trở thành của hiếm. Chỉ duy câu đối đỏ vẫn còn không ít người thích xin về chưng bày mấy ngày xuân, gọi là lấy hên cả năm.
Khách du xuân “tấm tắc ngợi khen tài” ông đồ trẻ tại khu Tết xưa – Hội Hoa xuân Đà Nẵng. |
Chữ và nghĩa
Ở Đà Nẵng, ngày càng không thiếu những “ông đồ” xúng xính trong trang phục xưa, nói như cụ Vũ Đình Liên thuở trước là “bày mực Tàu, giấy đỏ” chờ khách du xuân đến “xin chữ” ở các hoạt động vui xuân đón Tết. Có điều, người viết thư pháp chữ Hán giờ quá hiếm nên khách biết thưởng ngoạn thú chơi tao nhã chính hiệu này cũng còn hạn chế. Vì thế, số đông đành chấp nhận cách thể hiện chữ quốc ngữ theo hình thức “biến tấu” từ thư pháp Hán Nôm, tạm gọi là thư pháp Việt.
Nếu “ông đồ” trong thơ Vũ Đình Liên hơn 80 năm trước(1) ngồi “bên phố đông người qua” thì những “ông đồ” của đất Đà Nẵng ngày nay xuất hiện chủ yếu trong các hoạt động văn hóa-nghệ thuật.
Một trong những “ông đồ” như thế là ông Văn Chi, Chi hội trưởng Chi hội Thư pháp (Hội Nghệ thuật hoa viên Đà Nẵng), người có thâm niên hơn 10 năm tham gia loại hình thư pháp ở Hội Hoa xuân hằng năm tại Công viên 29-3.
Từ mồng Một đến hết Hội Hoa xuân (thường là mồng 6 tháng Giêng), khách du xuân ghé lại xin chữ ở gian trưng bày Thư pháp trong khu Tết xưa. Viết thư pháp, hai khổ giấy thường được chọn là 30x80cm hoặc 20x55cm, bởi đã dễ trình bày đẹp mắt lại dễ vận chuyển. Khi được hỏi về chuyện khách xin chữ trả thù lao cho “ông đồ” thì ông Văn Chi cười, nói rằng tùy hỉ, bởi các ông không rắp tâm “bán chữ” và ngày xuân khách cũng không “trả giá”.
Nhiều người thích xin những chữ đẹp như: Phúc, Lộc, Thọ. Mỗi chữ được viết theo lối đại tự ở giữa, bên dưới kèm câu thơ hoặc câu đối minh họa. Trong đó, “Phúc sinh lễ nghĩa gia đường thịnh/ Lộc tấn vinh hoa phú quý xuân” là câu đối nhiều người thích - ông nói, bởi 14 chữ mà chữ nào nghĩa cũng đẹp cả.
Có người thích viết tên của mình hoặc tên người mình yêu, nhất là các nam thanh nữ tú quần là áo lượt du xuân. Họ muốn có một cái gì đó thật ý nghĩa tặng nhau vào đầu năm mới để khắc ghi kỷ niệm.
Một “ông đồ” thể hiện thư pháp về triết lý Sống ở Hội làng giữa phố Hòa Minh tổ chức ở làng Hòa Mỹ. |
Tết năm ngoái có một sinh viên đến ông Chi xin chữ. “Cháu ưng chữ chi”, ông hỏi. “Con ưng Tài Lộc”. “Chữ ni người lớn mới xin, con còn trẻ chọn chữ khác đi”, ông khuyên. Trong lúc chàng trai trẻ còn chưa nghĩ ra chữ gì cho hợp với mình thì ông đã kịp thời “ứng cứu”: Rứa con tên chi? Dạ, con tên Hùng. Tên Hùng à, Hùng thì như ri nè... Dứt lời, ông vung bút viết ngay chữ “Hùng” thật lớn ở giữa, bên dưới có 4 chữ nhỏ hơn “Đương nhân bất nhượng”.
Để cho Hùng thắc mắc một hồi, ông mới cắt nghĩa: “Đương nhân bất nhượng” nghĩa là gặp chuyện nhân nghĩa nên làm thì dũng cảm gánh vác, quyết không nhún nhường. Thành ngữ này là cách viết tắt lời dạy của Khổng Tử “Đương nhân bất nhượng ư sư”, nghĩa là làm điều nhân thì dẫu thầy mình, mình cũng không nhường!
Đó là nói chuyện xưa bên Tàu, còn ở nước mình, cụ Nguyễn Đình Chiểu trong truyện Lục Vân Tiên cũng có hai câu tương tự: Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng. Nhớ đó, thấy việc nghĩa mà không làm thì không đáng mặt anh hùng, Hùng nghe!
Nghe ông giảng nghĩa về cái tên cha mẹ đặt cho mình, sinh viên Hùng thấy quá đã, hẹn Tết này sẽ đưa người yêu đến ra mắt và xin ông thêm mấy chữ!
Mùa chữ nghĩa lên ngôi
Một số người làm thơ xuân, nhờ các “ông đồ” viết thơ của mình, tùy nội dung mà thêm hình minh họa như: cây đa, bến nước, sân đình, cành đào, cành mai... dưới cùng ghi tên tác giả. Một ông khách gần như năm nào cũng đi Hội Hoa xuân, ông bảo thời buổi này rất chuộng hình thức, mình có làm được thơ, câu đối chi ưng ý mà muốn Tết nhứt cho màu sắc chút thì phải đi xin chữ, bởi chữ mình thì viết làm sao bằng các “ông đồ” chuyên nghiệp được.
Mấy năm trước, ở khu Tết xưa Hội Hoa xuân Đà Nẵng có “ông đồ” Nguyễn Tiến Lãng chuyên viết chữ Hán. Ông bảo, cái lệ hái lộc đầu xuân chừ không hợp rồi, người ta chọn cái “lộc” bằng chữ nghĩa, vừa đẹp, vừa hay. Vì thế, ông tập trung “luyện” chữ Lộc theo kiểu thư pháp chữ Hán.
Bên trái (hoặc bên phải, tùy cách trình bày) chữ Lộc đại tự, ông viết thêm bốn hoặc tám câu thơ, tất cả đều bắt đầu bằng “Lộc tiến vinh hoa”. Ông bảo, tất cả những điều tốt lành về sau này đều được khởi thủy từ 4 chữ làm nền có ý nghĩa cao đẹp đó. Câu thứ hai thì người nào ông cho chữ nấy. Người đang có ý trung nhân: “Tình yêu hy vọng”; người đã có gia đình: “Gia đình hạnh phúc”; thương nhân: “Kinh doanh thuận lợi”; học sinh sắp thi: “Thi tài đỗ đạt”...
“Ông đồ” Văn Chi và bức thư pháp chữ “Phúc”. |
Nhà thư pháp Hồ Công Khanh cũng xác nhận rằng, khi đến với thư pháp, mỗi giới thường chọn cho mình một chữ riêng. Tết năm nào anh triển lãm thư pháp và “cho chữ” ở quán cà-phê Trúc Lâm Viên trên đường Trần Quý Cáp. Giới cao niên thường chọn những chữ cổ điển như: An khang thịnh vượng; Đắc tài đắc lộc... Người muốn tỏ đạo Hiếu ngày đầu năm thì chọn những câu ghi khắc ơn nghĩa sinh thành như: Dù đi khắp vạn nẻo đường/ Cũng không ra khỏi tấm lòng mẹ tôi...
Năm rồi, ông Khanh kể, có một sếp đứng đầu một sở ở Đà Nẵng, đến nhờ ông viết một câu... không đụng hàng - Vợ là số một. Mấy chục năm làm “ông đồ”, lần đầu tiên ông gặp một ông khách quá độc đáo. Hỏi, thì ông khách bảo, “vợ tui giỏi lắm, lĩnh vực mô bả cũng làm được mà làm rất OK, Tết tặng bả một câu cho bả... sướng!”.
Không ít người ưa chọn cho mình mấy chữ rất độc như thế. Người năm cũ có lắm chuyện không vui, năm mới bèn rinh hai chữ Thôi kệ về chưng phòng khách, coi như “xả xui” một phen. Thanh niên trai trẻ không chọn chữ các cụ xưa, vì cho là quá già, cứ an nhiên mà chọn mấy câu rất... dễ hiểu như: Vui thôi mà; Rứa mới đã...
Ở các hội làng diễn ra vào mùa xuân, đôi lúc có các cuộc thi viết câu đối, bài thơ theo hình thức thư pháp. Những “ông đồ” thời hiện đại, có khi mặc quần jean, áo phông, nhưng những gì họ thể hiện trên giấy dó vẫn gợi lên không khí Tết nhứt xưa cũ. Như ở Hội làng giữa phố Hòa Minh tổ chức ở làng Hòa Mỹ (quận Liên Chiểu) vào ngày 12 tháng Giêng, gần chục “ông đồ” thi thố tài năng, trong đó có một “ông” khoảng dưới 30 tuổi viết một câu thư pháp đầy triết lý: Sống là động mà không xao động. Sống là thương mà chẳng vấn vương. Sống hiên ngang danh lợi ta coi thường.
Khi cuộc sống ngày một khá giả, việc thưởng xuân vui Tết ngày càng được nâng tầm cả về chất lẫn lượng. Trong muôn tía nghìn hồng những loại quà Tết đẹp đẽ, trang nhã, những năm gần đây người ta quay về với thú chơi tao nhã ngày xưa. Vì thế, không ngoa khi nói Tết đến xuân về là mùa chữ nghĩa lên ngôi.
VĂN THÀNH LÊ