Báo Đà Nẵng xuân 2019
Biển và Đà Nẵng
Nói đến Đà Nẵng là nói đến một thành phố nằm bên bờ Biển Đông. Có nhiều thành phố nằm bên bờ Biển Đông nhưng Đà Nẵng vẫn có dáng vẻ riêng khó lẫn và cái dáng vẻ đặc thù độc đáo ấy từng được thể hiện trong lời một ca khúc nổi tiếng: Núi trong lòng thành phố/ Phố trong lòng biển khơi (bài hát Đà Nẵng tình người - nhạc Đình Thậm, thơ Ngân Vịnh).
Ảnh: THÀNH LÂN |
Tuy nhiên dáng vẻ trong lòng biển khơi ở đây không chỉ liên quan tới Đà-Nẵng-đất-liền mà còn liên quan đến Đà-Nẵng-hải-đảo, bởi từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Đà Nẵng được Tổ quốc phó thác sứ mệnh quản lý quần đảo Hoàng Sa. Và Hoàng Sa của tôi ơi/ Chân mây sáng quắc như lời thanh gươm!
Thành phố bên bờ biển không thể không có những địa danh liên quan đến biển. Hoàng Sa ở giữa trùng dương ngút ngàn từng mang tên Định Hải - với tư cách xã đảo thuộc quận Hòa Vang. Một xã nằm ở tả ngạn sông Hàn được những lưu dân xưa gọi tên là Hải Châu chánh xã - vừa gợi nhớ gốc tích cội nguồn Thanh Hóa vừa phù hợp với dáng vẻ trong lòng biển khơi của quê hương thứ hai.
Một xã nằm ở hữu ngạn sông Hàn - quê của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại - cũng được những lưu dân xưa đặt tên là An Hải. Còn vua Minh Mạng vào thăm Ngũ Hành Sơn đã lập ở đây một đài ngắm biển và cho đặt tên là Vọng Hải Đài - vọng là nhìn xa, khác với khán là nhìn gần.
Trong tư duy vọng-hải-đài xa rộng của vua Minh Mạng, Hải Vân Quan thực chất là cũng một Vọng Hải Đài và không phải ngẫu nhiên mà vua Minh Mạng cho đặt tên hòn Hành là đảo Định Hải - ở trên có pháo đài(*), rồi cho đặt tên hòn Chảo là đảo Ngự Hải - ở đó có đài phong hỏa nhằm khi có biến thì đốt lửa báo tin, để cùng với thành Điện Hải, thành An Hải, pháo đài Phòng Hải… trở thành các cứ điểm quan trọng trong hệ thống phòng thủ Cửa Hàn - cảng biển ngoại giao và ngoại thương duy nhất của đất nước thời nhà Nguyễn. Có thể nói với Đà Nẵng, biển gắn liền với chiến tranh vệ quốc, cũng có nghĩa là gắn liền với khát vọng bình an…
Đương nhiên với Đà Nẵng, biển còn gắn liền với khát vọng hội nhập kinh tế quốc tế. Trong thơ Lê Thánh Tông, vịnh Đà Nẵng từng thấp thoáng những Lộ Hạc thuyền: Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền (bài Tư Dung hải môn lữ thứ - Nghỉ chân ở cửa biển Tư Dung). Trong một tấm ảnh/ carte postal chụp vào thời Đà Nẵng còn là Tourane, có dòng chú thích bằng tiếng Pháp: Le “Tourane” des Docks et Houillères des Chalands de Charbon, cho thấy tấm ảnh được chụp trong khoảng thời gian từ năm 1899 đến năm 1907 và việc xuất khẩu than qua cảng Đà Nẵng lúc ấy rất tấp nập sôi động với những sà lan chở than...
Khoảng thời gian từ năm 1899 đến năm 1907 là thời gian hoạt động của La Société des Docks và Houillères de Tourane/ Công ty Bến tàu và Than Tourane. Khi Đà Nẵng còn là tiền cảng của Hội An, giao thương qua Cửa Hàn cũng có thể rất sôi động tấp nập nhưng chưa thể xuất hiện mặt hàng than và chưa thể có sà lan chở than, bởi hồi ấy mỏ than Nông Sơn chưa được khai thác - năm 1881 một công ty người Hoa mới bắt đầu khai thác than Nông Sơn, đến năm 1889 chuyển nhượng cho La Société des Houillères de Tourane/ Công ty Than Tourane, đến năm 1898 Công ty Than Tourane lại chuyển nhượng cho Công ty Bến tàu và Than Tourane.
Không phải ngẫu nhiên mà trong Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Chính trị (khóa IX) lại xác định Đà Nẵng là thành phố cảng biển. Nhiều thành phố có biển mà không có cảng, hoặc cũng có cảng nhưng là cảng sông chứ không phải cảng biển - như trường hợp cảng Sài Gòn nằm trên sông Sài Gòn hay cảng Hải Phòng nằm trên sông Cấm… Thực ra ban đầu cảng Đà Nẵng cũng nằm trên sông Hàn rồi mới tiến dần ra phía vịnh Đà Nẵng với cảng Tiên Sa và sắp đến là cảng Liên Chiểu. Có thể nói trời cho Đà Nẵng một vịnh biển rất lý tưởng để hình thành các cảng biển…
Một làng chài ven vịnh Đà Nẵng là làng Nam Ô cũng sớm được tiếp cận với nghệ thuật thứ bảy và cũng có thể nói là sớm nhất so với bất kỳ làng chài nào ở Việt Nam: chỉ sau một năm khi hai anh em Auguste Lumière và Louis Lumière sáng chế ra máy quay phim, họ đã gửi Gabriel Veyre đến Đông Dương để quay phim ở vùng này. Và phim đầu tiên Gabriel Veyre thực hiện tại Việt Nam có tựa đề Le Village de Namo - Panorama pris d’une chaise à porteurs quay năm 1896 ở làng Nam Ô Đà Nẵng. Trong phim này, Gabriel Veyre đã quay cảnh các trẻ em chạy chung quanh ông lúc đang ngồi trên kiệu cầm máy quay phim vào làng…
Bãi biển Mỹ Khê của Đà Nẵng không chỉ được một tạp chí Mỹ - tờ Forbes vinh danh vào năm 2005 là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, mà còn được một tạp chí Australia - tờ Sunday Herald Sun bình chọn vào năm 2009 là một trong 10 bãi biển đẹp nhất châu Á. Việc bãi biển Mỹ Khê được đánh giá cao trên báo chí quốc tế như thế càng làm cho thương hiệu biển Đà Nẵng thêm danh giá, nhưng có lẽ danh giá nhất là khi bãi biển Non Nước của Đà Nẵng được chọn làm đấu trường cho cuộc thi trượt sóng/surfing quốc tế năm 1993 với sự tham gia của 40 vận động viên đến từ nhiều nước trên khắp các châu lục…
Một kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang công bố vào năm 2015 cho thấy chưa tính vùng biển Đà-Nẵng-hải-đảo, chỉ riêng vùng biển Đà-Nẵng-đất-liền đã có đến 104,6ha rạn san hô; 26,2ha thảm rong biển và 10ha thảm cỏ biển, tập trung ở khu vực Hòn Sụp, Bãi Bụt, Bãi Nồm, Hục Lỡ, Vũng Đá… phía nam bán đảo Sơn Trà. Như vậy thương hiệu biển Đà Nẵng không chỉ quyến rũ bởi những con sóng trên mặt biển mà còn quyến rũ bởi những rạn san hô/ thảm rong/ thảm cỏ dưới đáy biển.
TS. Michael Waibel đến từ Trường Đại học Hamburg - chủ biên cuốn sách ảnh Đà Nẵng: Thành phố Biển/ Đà Nẵng: Coastal City xuất bản năm 2016 đã nhận xét rất tinh tế trong lời nói đầu: “Mở rộng không gian về phía biển chắc chắn là dự án phát triển đô thị quan trọng nhất trong hai thập niên qua của thành phố, bởi vì dự án đã biến Đà Nẵng trở thành một thành phố biển. Đà Nẵng trước kia chỉ là một khu định cư bên bờ biển, nhưng biển chỉ dành cho ngư dân và hầu như không có chức năng kết nối nào tới trung tâm thành phố”. Xin nói thêm: Người Đà Nẵng luôn ý thức rằng một thành phố biển phát triển bền vững không thể không dành biển cho ngư dân!
Biển chỉ dành cho ngư dân, quay lưng với biển và thiếu tầm nhìn hướng biển là câu chuyện của một thời chưa xa. Đà Nẵng đã vượt qua cái thời ấy một cách ngoạn mục như ghi nhận của TS. Michael Waibel. Nhưng biển không thể không gắn với ngư dân, không thể không có những ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ ngày đêm đối mặt với sóng gió biển khơi không chỉ để mưu sinh mà còn để góp phần khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông. Và một thành phố biển dẫu hiện đại đến mấy cũng không thể không có những làng chài. Vì thế Đà Nẵng không chỉ phải dành biển mà còn phải giành biển cho ngư dân của mình trước bao nhiêu là tham vọng…
Bùi Văn Tiếng
(*) Không chừng địa danh Định Hải dùng đặt tên cho quần đảo Hoàng Sa năm 1961 có nguồn gốc từ địa danh Định Hải dùng đặt tên cho hòn Hành năm 1823.