Cha, con và Báo Đà Nẵng

.

Thế là đã 50 năm - chẵn nửa thế kỷ, ba tôi - nhà báo Trần Văn Anh, ngã xuống bên bờ sông Thu Bồn, con sông thơ mộng như cái tên của nó, chảy giữa lòng đất Quảng quê tôi. Lúc ấy ba tôi là một nhà báo.

Ông Trần Văn Anh (thứ 2 từ trái).(Ảnh tư liệu gia đình)
Ông Trần Văn Anh (thứ 2 từ trái).(Ảnh tư liệu gia đình)

Ngày ba hy sinh vì một mảnh rốc-két, trong hàng ngàn tấn đạn bom máy bay Mỹ hằng ngày dội xuống nơi khi đó là chiến trường, có lẽ tôi đang ngồi đánh vần ê a trong lớp học vỡ lòng, đang chơi đuổi bắt với bạn bè, hoặc vui đùa cùng những chú gà con trong sân nhà ở một miền quê yên ả trên đất Bắc. Năm đó tôi 6 tuổi, còn quá nhỏ để nhận ra những tín hiệu bất thường trong mình. Chỉ có mẹ tôi, sau đó ít lâu, nói rằng những ngày ấy mẹ hay thấy trong lòng bồn chồn như có lửa đốt, chẳng rõ vì lẽ gì, mà không dám dự cảm một sự chẳng lành nào đó. Lúc ấy tôi tin mẹ vì mẹ là mẹ tôi, còn bây giờ khi đã làm chồng, làm cha, tôi biết trạng thái mang tính thần giao cách cảm ấy giữa những người thân yêu là có thật.

Trong suốt 7 năm từ ngày ba hy sinh, tháng 12-1968 cho đến ngày đất nước thống nhất 30-4-1975, các đồng chí, đồng đội của ba không muốn đem tin xấu ụp xuống gia đình tôi nên chỉ nói xa xôi về sự ra đi của ba, như để dành lại cho mẹ con tôi một chút hy vọng nhỏ nhoi vào một điều kỳ diệu còn nhỏ nhoi hơn thế. Ngày đất nước thống nhất, trong niềm vui được trở về quê hương, được sống trong hòa bình, cũng là ngày niềm hy vọng mong manh ấy vụt tắt.

Tấm giấy báo tử đặt trên bàn. Mẹ tôi khóc, nghe các chú Vũ Thành Lê, Hồ Duy Lệ, những nhà báo đồng đội của ba tôi, những người chứng kiến cái chết của ba và trực tiếp chôn cất ba tôi, kể lại cái ngày đau buồn ấy. Trước lúc hy sinh, ba là người gầy dựng, là Tổng biên tập kiêm luôn phóng viên của hai tờ báo Giải phóng (dành cho nông thôn) và Cờ Giải phóng (dành cho đô thị) của Đặc khu Quảng Đà, tiền thân của Báo Quảng Nam-Đà Nẵng sau ngày giải phóng. Niềm tự hào lớn với tôi là trong những câu chuyện các chú kể về ba tôi luôn toát lên sự yêu mến nhân cách, kính trọng tài đức của ba, người thủ trưởng, người đồng chí, người bạn của các chú khi đó.

Ba lên đường để trở lại chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, nơi từ đó ba tập kết ra Bắc, khi tôi mới lên 3 tuổi, tôi không biết nhiều về ba ngoài một vài tấm hình đen trắng và những lời kể của mẹ. Mẹ kể về sự vui tính, hài hước, về tài nấu nướng và sự hết lòng vì gia đình, bè bạn của ba. Rồi ba học Đại học Tổng hợp Văn và đi vào miền Nam làm nhà báo để góp phần cùng các chú giải phóng quân đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược, giành độc lập, tự do cho đất nước. Hai từ “nhà báo” đã trở thành thiêng liêng với tôi từ những ngày ấy, khi tôi chưa đi học, còn ngây thơ đến mức một hôm tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, lớn lên con cũng muốn làm nhà báo giống ba”. Mẹ bảo: “Vậy thì con phải học giỏi để vào được đại học thì mới làm được nhà báo”. Tôi băn khoăn lo lắng: “Nhưng con vào đại học rồi ai mở cửa cho con ra?”.

Câu chuyện ấy sau này mẹ tôi thường vừa cười vừa nhắc lại như một chuyện vui, nhưng lần nào tôi cũng thấy mắt mẹ rớm lệ. Nay, qua lời kể của các chú, tôi biết thêm về cuộc sống, công việc của ba, hiểu thêm về sự lạc quan, đức hy sinh, chịu đựng gian khổ và cao hơn cả là sự dấn thân, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống vì lý tưởng của ba cùng các cô chú đồng đội làm báo ở Quảng Nam-Đà Nẵng trong những ngày kháng chiến… Các chú kể ba vừa hăng say làm báo, vừa miệt mài viết văn. Nhưng ba hy sinh quá sớm, khi mới 36 tuổi, những bản thảo đều thất lạc trong đạn bom, di sản văn học của ba lưu lại được chỉ còn bút ký Đêm Gò Nổi mà thôi.

Những ngày tôi còn học cấp 2, cấp 3 rồi đại học ở Đà Nẵng, các cô, các chú là bạn bè, đồng chí với ba hồi kháng chiến, hiện công tác ở Đà Nẵng, thường ghé thăm nhà. Có đôi khi là các cô chú sau giải phóng làm việc ở những địa phương khác, đến công tác ở Đà Nẵng ghé qua. Chú Lê, chú Lệ làm việc ở Báo Quảng Nam-Đà Nẵng nói tôi lúc rảnh cứ ghé tòa báo chơi, như là người nhà. Tôi vẫn nhớ lời chú Lệ nói: “Con đừng có ngại gì hết, hãy như ba con đó, ổng sống trọn nghĩa vẹn tình lắm”.

Tôi hiểu tình cảm chân thành của các chú đối với gia đình tôi, nhưng chỉ đến lúc tốt nghiệp đại học, ra đi làm rồi tôi mới đủ lớn, đủ mạnh dạn để làm điều đó. Những năm 1986-1990, tôi thường ghé tòa soạn Báo Quảng Nam-Đà Nẵng trên đường Yên Bái (có lúc là trên đường Lê Hồng Phong), vừa để chuyện trò cùng các chú, vừa tò mò muốn biết công việc ở một tòa soạn báo ra sao... Rồi tôi tập tành làm thơ, gửi cho báo. Ngày đó, có lẽ với sự “châm chước” nhất định, tôi có được ba bài thơ đăng trên báo, trong đó có bài thơ ngắn Nụ hôn được chọn đăng trên số báo Xuân năm 1988.

Những năm tôi sống và làm việc tại Đà Nẵng, mối liên hệ giữa tôi với Báo Quảng Nam-Đà Nẵng là như thế, không thường xuyên nhưng gần gũi, ấm áp.

Năm 1990, những biến động trong đời sống, công việc dẫn đến một bước ngoặt trong cuộc sống của tôi. Gia đình tôi quyết định chuyển vào sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Những ngày sắp dời đi, tôi có tới tòa soạn báo tìm các chú, các cô để chào tạm biệt... Mối liên hệ giữa tôi với Báo Quảng Nam-Đà Nẵng cũng gián đoạn từ đấy.

Tiếp theo là những năm tháng vất vả mưu sinh nơi xa quê. Điều kiện giao thông đi lại khó khăn, phương tiện liên lạc nghèo nàn, tôi ít có dịp về lại Đà Nẵng, nơi tôi đã có 15 năm sống, học tập và làm việc cùng biết bao chuyện buồn vui. Nếu có thì cũng về rồi đi trong những khoảng thời gian ngắn ngủi. Rồi đất nước đổi mới, kinh tế phát triển mạnh mẽ, xã hội cũng nhiều biến động thay đổi đến không ngờ. Ở nơi xa, tôi vui mừng và tự hào khi thấy thành phố Đà Nẵng quê hương ngày càng phát triển to đẹp, vang danh là thành phố đáng sống. Phương tiện giao thông dễ dàng, thông tin liên lạc thuận tiện, tôi thường xuyên trở về thăm quê hương hơn, thường xuyên được ghé thăm mộ phần ba tôi và thắp những nén nhang tưởng nhớ ba cùng bao đồng chí, đồng đội đã hy sinh khác, trong Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn đẹp đẽ khang trang.

Song, cùng với sự phát triển đổi thay đó, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũng được tách làm hai: thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Các cơ quan theo đó cũng tách ra làm hai, trong đó Báo Quảng Nam-Đà Nẵng tách ra để trở thành Báo Đà Nẵng và Báo Quảng Nam. Các cô các chú làm báo cùng thời với ba tôi thì đã nghỉ hưu từ lâu, thậm chí có người đã mất. Đội ngũ làm báo ở Đà Nẵng hiện tại có lẽ là lớp cùng lứa với chị em tôi và nhỏ hơn rất nhiều, công việc báo chí ngày nay cũng có nhiều thay đổi, biết bao bộn bề. Với tôi, đã gần 50 năm trôi qua từ ngày ba tôi ngã xuống, nghĩa tình những người làm báo đất Quảng dành cho ba và gia đình tôi như thế cũng đã là trọn vẹn, tôi không có đòi hỏi gì hơn.

Thế rồi, vào một ngày tháng 7-2017, vợ tôi từ cơ quan của cô ấy gọi điện thoại cho tôi kể lại, giọng nghẹn ngào xúc động: “Các anh chị ở Báo Đà Nẵng vừa gọi cho em, họ nói mấy năm nay tìm cách liên lạc với nhà mình mà không sao tìm được. Hôm nay, các anh chị ấy đến Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn thắp nhang viếng ba mình, tình cờ xin được số điện thoại của em từ người quản trang mà dạo trước em đưa cho ông ấy để có việc gì liên quan đến phần mộ của ba thì báo cho mình biết. Các anh chị ấy bảo tìm được nhà mình rồi, mừng lắm”…

Từ ngày hôm đó tôi hiểu ra rằng, cái từ “trọn vẹn” thường dùng để chỉ sự xong xuôi, hoàn tất của một sự việc nào đó, nhưng với nghĩa tình thì trọn vẹn có nghĩa là không bao giờ chấm dứt.

Và hôm nay, tròn 50 năm ngày ba tôi nằm xuống, tôi viết những dòng này để thưa với ba rằng: “Ba ơi, những người làm Báo Đà Nẵng ngày nay, giống như ba ngày trước, vẫn luôn sống trọn nghĩa, vẹn tình”.

Trần Nùng
 

;
;
.
.
.
.
.