Phát huy vai trò động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

.

Sau hơn 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phát triển của Đà Nẵng mang dấu ấn của một thành phố trẻ, năng động, với niềm tự hào là thành phố đáng sống.  

Nhộn nhịp cảng Tiên Sa.  Ảnh: XUÂN TƯ
Nhộn nhịp cảng Tiên Sa. Ảnh: XUÂN TƯ

Thật vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng giai đoạn 2010-2017 là 8,64%, cao gấp 1,45 lần, thu nhập GRDP/người cao gấp 1,4 lần mức bình quân của cả nước. Quá trình phát triển đô thị của Đà Nẵng có những bước tiến vượt bậc; cảnh quan và nếp sống đô thị đang hình thành theo hướng văn minh; môi trường được bảo vệ; hệ thống hạ tầng giao thông đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thông nội đô và kết nối liên vùng. Đà Nẵng đã và đang là “điểm đến” du lịch của khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, so với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung, một “đô thị sống tốt”, có sắc thái riêng, mang tầm vóc quốc tế vẫn đang là thách thức lớn trước mắt cũng như lâu dài trong bài toán phát triển của Đà Nẵng.

Những vấn đề đặt ra

Trong quá trình đó, những vấn đề đặt ra cho thành phố Đà Nẵng là:

Thứ nhất, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn nhiều vấn đề hạn chế cản trở mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch chậm, không có sự khác biệt với cơ cấu ngành của các địa phương trong vùng. Tỷ trọng các dịch vụ cao cấp, sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học-công nghệ, giá trị gia tăng cao và yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế.

Thứ hai, tình trạng quy hoạch không đồng bộ và theo quy trình các loại quy hoạch. Nhìn chung không gian kiến trúc Đà Nẵng như sự cộng lại các công trình kiến trúc, dự án riêng lẻ hơn là tính tổng thể hài hòa mang một triết lý phát triển riêng biệt của một đô thị mới nổi, năng động.

Thứ ba, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của một thành phố đẳng cấp; hạn chế về nguồn lực ảnh hưởng đến năng lực đầu tư phát triển, năng lực cung cấp các dịch vụ đô thị có chất lượng của thành phố; tắc nghẽn giao thông cục bộ, quá tải sân bay... là những vấn đề rất nổi bật trong thực trạng gần đây. Nếu dân số thành phố tiếp tục tăng, đạt 2,5 - 3 triệu người mà cấu trúc đô thị, các nguồn tài nguyên vẫn như hiện nay... thì Đà Nẵng sẽ không tránh khỏi sự giảm sút về môi trường sống, vị thế điểm đến du lịch của cả khu vực miền Trung.

Thứ tư, vấn đề liên kết và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng dùng chung đã được thảo luận nhiều nhưng chưa mang tính đột phá, vai trò trung tâm của Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) chưa được thể hiện hiệu quả để tạo lợi ích chung cho tất cả các địa phương trong kết nối để cùng hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Thứ năm, những bất cập về cơ chế chính sách và mô hình quản lý chính quyền địa phương. Là một đô thị trẻ, năng động  nhưng nền hành chính địa phương thành phố Đà Nẵng cơ bản vẫn không thay đổi so với 20 năm trước.

Nhìn chung, Đà Nẵng hiện nay, động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua không còn nhiều dư địa để huy động: doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân chưa có sức thu hút; các nhân tố chiều rộng như đầu tư, đất đai, chi tiêu công, ngành công nghiệp và dịch vụ truyền thống, thị trường hạn chế và cơ chế chính sách cũ không phù hợp với nền kinh tế  đô thị. Trong khi đó, các cơ chế tài chính, ngân sách ưu đãi cũng như các chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, đầu tư, phân cấp quản lý… nhìn chung chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực và sức bật cần thiết để Đà Nẵng tăng tốc phát triển nhanh, bền vững. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát huy vai trò Đà Nẵng là một cực phát triển kinh tế của miền Trung.

Do vậy, thành phố cần những động lực mới để phát triển nhanh hơn, tạo lan tỏa và dẫn dắt phát triển cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Nhiều vấn đề đã hình thành và tích tụ cùng với quá trình phát triển đã bộc lộ thành những “điểm nghẽn”, những “nút thắt” phát triển làm cho Đà Nẵng không thể phát huy tác dụng đầu tàu tăng trưởng, khó bứt phá để vượt lên, cho dù môi trường đầu tư của Đà Nẵng thuộc nhóm cao nhất cả nước. Chức năng, vai trò dẫn dắt phát triển, động lực tăng trưởng của thành phố vì thế có dấu hiệu suy yếu.

4 trụ cột kinh tế chính

Trong mối quan hệ phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng có lợi thế cạnh tranh với 4 trụ cột kinh tế chính:

(1) Dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; bao gồm việc quy hoạch và đầu tư xây dựng vịnh Đà Nẵng với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành nên cần sự đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lý, quy hoạch động trên cả 4 lĩnh vực: lưu trú (bao gồm bất động sản nghỉ dưỡng); vận chuyển (đường không, đường bộ, đường sắt, đường thủy); dịch vụ (vui chơi giải trí, ẩm thực) và mua sắm.

(2) Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics. Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm dịch vụ logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trở thành đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung, trong đó lấy thành phố Đà Nẵng là trung tâm logistics với hệ thống các cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, với các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế.  

(3) Phát triển công nghệ cao, gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp. Trên cơ sở thực hiện Nghị định số 04/2018/NĐ-CP ngày 4-1-2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, nghiên cứu bổ sung, đề nghị Chính phủ cho Đà Nẵng thí điểm về chính sách và cơ chế đặc biệt ưu đãi và có sức cạnh tranh với các đô thị sáng tạo khác trên thế giới trong việc thu hút các doanh nghiệp và chuyên gia, lao động trong lĩnh vực công nghệ cao hoạt động trong “khu đô thị sáng tạo”; gắn việc sản xuất ra các sản phẩm công nghệ cao với việc sáng tạo ra công nghệ.

(4) Công nghiệp công nghệ thông tin.  Cần có giải pháp đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư đủ sức thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp phần mềm lớn vào Đà Nẵng, làm xương sống và động lực để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp địa phương, từng bước thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với vai trò hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và gắn kết với sự phát triển của Tây Nguyên, trong 10-15 năm tới, cần có chính  sách tạo động lực để phát huy 4 trụ cột kinh tế, đưa tốc tộ tăng trưởng GRDP bình quân trên 10%/năm, cần xem đây như một quyết tâm chính trị, thể hiện khát vọng phát triển của Đà Nẵng.

Trong mối liên kết Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cần tập trung vào 4 lĩnh vực: phân bố lực lượng sản xuất; xây dựng giao thông kết nối; đào tạo nguồn nhân lực và thị trường lao động chung và bảo vệ môi trường chung.

Cần ưu tiên quy hoạch Vùng đô thị Đà Nẵng nhằm hình thành chuỗi đô thị từ Lăng Cô đến Dung Quất, trong đó trọng tâm là tam giác: Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An. Xây dựng cơ chế liên kết phát triển giữa Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai.

Bước vào năm mới Kỷ Hợi-2019, hy vọng những vướng mắc của Đà Nẵng trong năm cũ sẽ qua đi, niềm tin và khát vọng phát triển của người dân Đà Nẵng sẽ tiếp tục là động lực, là sức sống  để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững.

TS. TRẦN DU LỊCH
 

;
;
.
.
.
.
.