Viết dưới chân thành Điện Hải...

.

Một ngày cuối năm 2018, đứng từ trên cao nhìn xuống thấy thành Điện Hải được trả lại một phần diện mạo, những hồ nước chạy bao quanh tường hào, khu vực công viên, vườn dạo vùng đệm di tích cũng đang được hối hả thi công kịp tiến độ, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tự hào nói: “Đó là thành quả “đấu tranh” không biết mệt mỏi của người dân, của những người yêu văn hóa, lịch sử. Đó cũng là sự tri ân đối với quá khứ, sự kính cẩn trước vùng đất thiêng”.

Từ trên cao nhìn xuống, thành Điện Hải được trả lại một phần diện mạo, những hồ nước chạy bao quanh tường hào, khu vực công viên, vườn dạo ở vùng đệm của di tích cũng đang được hối hả thi công kịp tiến độ. Ảnh: XUÂN SƠN
Từ trên cao nhìn xuống, thành Điện Hải được trả lại một phần diện mạo, những hồ nước chạy bao quanh tường hào, khu vực công viên, vườn dạo ở vùng đệm của di tích cũng đang được hối hả thi công kịp tiến độ. Ảnh: XUÂN SƠN

Từ những món quà quý

Với những cán bộ công tác tại Phòng Sưu tầm – Trưng bày và Bảo quản (Bảo tàng Đà Nẵng), mỗi hiện vật đều có cuộc đời riêng, giá trị riêng, nhưng với hiện vật liên quan đến thành Điện Hải và cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược (1-9-1858) của quân và dân Đà Nẵng, ý nghĩa càng gấp bội bởi số lượng rất ít. Lần giở trong hồ sơ lưu trữ, các hiện vật như súng thần công được phát hiện sớm nhất cũng vào năm 1979 trong khuôn viên thành Điện Hải và lần lượt vào các năm 2005, 2007, 2008, 3 khẩu được phát hiện ở bên ngoài thành Điện Hải (năm 1991), 1 khẩu được phát hiện ở bên kia sông Hàn (năm 1997). Và gần đây nhất là 2 khẩu được phát hiện trong khuôn viên Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng vào năm 2017.

Ngoài súng thần công, hiện vật được xem có giá trị hiện nay về thành Điện Hải là các sắc phong và sắc chỉ. Tấm sắc phong “Thử thủ thành Điện Hải” đã hoen ố, không còn lành lặn nhưng dấu ấn “Sắc Mạng chi bảo” vẫn còn đỏ chót, y nguyên với nội dung: “Sắc thần Cơ doanh, Tiền vệ, Nhật đội, Cai đội Tông… tùng bộ vụ hữu công trạng tư Binh Bộ nghị bổ đề chuẩn nhi thăng Thư Điện Hải Thành Thủ úy… thuộc biền binh tùng cai quản viên kỷ chư công vụ phụng hành nhược khuyết chức phất kiền minh chương cụ tại…

Minh Mạng nhị thập nhất niên thất nguyệt nhị thập tứ nhất”. (Tạm dịch nghĩa: Sắc phong Cai đội, Đội nhất, Vệ tiền Doanh Thần Cơ Tông… có công trạng truy bắt tội phạm, tư cho Bộ Binh nghị bàn chuẩn chi thăng viên này làm Thự Thành Thủ úy thành Điện Hải… thuộc biền binh, cùng viên cai quản các công vụ tuân phụng thi hành, nhược bằng sai sót chức vụ, không cung kính làm rõ… Minh Mạng năm thứ 21, tháng 7 ngày 24”). Người được phong chức trong sắc phong là một người thuộc dòng họ Tôn Thất, tên đã bị khuyết.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng từng khẳng định, sắc phong này là một bằng chứng hiếm hoi chúng ta còn giữ được để khẳng định thành Điện Hải từ triều Nguyễn thường xuyên được quan tâm và có lực lượng bố phòng nhất định ở khu vực này. Cũng khá may mắn khi sắc phong này lưu lạc đến tận Nam Định và có cơ duyên về lại Đà Nẵng. Chuyện là ông Bùi Văn Quang, cán bộ chuyên trách Công đoàn Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định, một chuyên gia nghiên cứu cổ vật ở Nam Định trong một lần đi chợ cổ vật tại khu Nghi Tàm-Nhật Tân (Hà Nội) vào năm 2009, ông mua được nhiều sắc phong, trong đó có sắc phong này. Sau khi nhờ dịch nghĩa, thấy giá trị của nó, ông đã liên lạc với Bảo tàng Đà Nẵng. Và trong dịp vào Đà Nẵng xem lễ hội pháo hoa quốc tế, ông Quang đã mang theo sắc phong này và hiến tặng cho bảo tàng vào năm 2011.

Trong khi đó, Sắc chỉ của vua Tự Đức cử ông Mai Văn Văn làm Dịch thừa trạm Nam Ô hay chiếu lệ khen thưởng của vua ban cho ông Mai Văn Cựu được ông Mai Phước Ngọc (quận Sơn Trà) là người trong họ cất giữ và mang trao tặng cho bảo tàng vào năm 2001. Nhiều năm trôi qua, nhưng hình ảnh những người mang hiện vật có giá trị tinh thần lớn lao của dòng họ, gia đình đến bảo tàng hiến tặng vẫn còn ấn tượng trong tâm trí của những người làm công tác sưu tầm. Chính sự trân quý giá trị lịch sử của những con người như thế mới góp phần nhen nhóm và thúc đẩy sự “đấu tranh” giành lại giá trị di tích thành Điện Hải nhiều năm qua của nhiều nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa, lịch sử.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng thừa nhận, những hiện vật hiến tặng mang giá trị hiếm hoi liên quan đến cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược 1858-1860 nói chung, liên quan đến thành Điện Hải nói riêng đang trưng bày tại bảo tàng. Tuy nhiên, các tư liệu vẫn chưa nói lên hết ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng của triều Nguyễn, khí phách anh dũng, kiên trung của quân và dân Đà Nẵng trong cuộc chiến này, nhất là trong quá trình phục hồi, tôn tạo di tích thành Điện Hải.

 “Cơ duyên” một lần nữa lại đến, để chuẩn bị cho giai đoạn 2 của dự án phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, UBND thành phố đã đồng ý cử đoàn công tác sang Pháp sưu tầm hiện vật liên quan đến thành Điện Hải.

Ảnh: XUÂN SƠN
Ảnh: XUÂN SƠN

Kể về chuyến đi này, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết, chưa bao giờ đoàn công tác lại cảm thấy trọng trách lớn như thế, bởi đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mệnh với lịch sử, thế hệ cha ông. “Thời gian không nhiều nên trước khi sang Pháp, chúng tôi đã nhờ sự hỗ trợ, giới thiệu của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; các Việt kiều, nhà nghiên cứu, du học sinh tại Pháp trong vấn đề biên, phiên dịch… Do đó, đoàn đã gặp thuận lợi khi đến làm việc với các cơ sở nổi tiếng tại Pháp - nơi đang lưu trữ nhiều tài liệu về Đà Nẵng như: Viện Viễn Đông Bác cổ; Trung tâm Lưu trữ Quân đội Pháp; Bảo tàng Quân đội Pháp, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Pháp, Viện Bảo tàng Louvre”, ông Hùng chia sẻ.

Tại đây, đoàn công tác đã tìm kiếm, sưu tầm và sao chụp hàng trăm trang tài liệu độc đáo, mới mẻ về di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, về cuộc kháng Pháp 1858-1860 của quân dân Đà Nẵng, như: bản đồ chiến sự Đà Nẵng giai đoạn 1858-1860, những mô tả về kiến trúc, bố phòng của thành Điện Hải qua ghi chép của các sĩ quan, binh lính, giáo sĩ Pháp; quá trình khai thác chức năng của thành Điện Hải để xây dựng bệnh viện Tây, xây dựng hệ thống phòng thủ; các báo cáo thường xuyên về tình hình diễn biến cuộc chiến tại Đà Nẵng của tướng lĩnh, sĩ quan Pháp từ chiến trường gửi về…

Ông Huỳnh Văn Hùng cho biết, việc tìm được những hồ sơ gốc về thành Điện Hải lần này rất kịp thời và có ý nghĩa lớn về nhiều mặt; trong đó giải mã được nhiều vấn đề mà các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử còn băn khoăn trong thời gian qua như: các vị trí của cột cờ, kho đạn, bếp, kho lương thực, trại lính; thành Điện Hải có cửa phía tây hay không… Các hồ sơ này còn giúp ích rất nhiều cho đơn vị tư vấn trong thay đổi, điều chỉnh phương án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải (giai đoạn 2) trước khi phê duyệt chính thức.

Nghĩ về thành Điện Hải trong tương lai

80 hộ dân di dời khỏi vùng bảo vệ 2 của di tích thành Điện Hải, 3 cuộc hội thảo mang tầm quốc gia, gần 100 tỷ đồng cho dự án phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, mới đây thành phố tiếp tục đầu tư khu vực phía nam thành Điện Hải với kinh phí gần 30 tỷ đồng… là thành quả “đấu tranh” không mệt mỏi của người dân, của những người yêu văn hóa, lịch sử đối với di tích thành Điện Hải kéo dài từ nhiều năm qua.

Cho đến bây giờ, ông Huỳnh Văn Hùng vẫn tâm đắc với sự thay đổi trong nhận thức về công tác bảo tồn di tích trên địa bàn thành phố. Bởi trong thời gian dài quá trình phát triển đô thị đã xâm phạm, lấn chiếm di tích quốc gia thành Điện Hải.

Chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị di tích thành Điện Hải là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Từ câu chuyện thành Điện Hải, mới thấy chúng ta đã thay đổi trong nhìn nhận về di sản văn hóa. Rồi đây, thành Điện Hải trở thành cái lõi của Quảng trường thành Điện Hải, được phục dựng, cải tạo trở thành một điểm tham quan hấp dẫn; mở đầu cho xu hướng phát triển du lịch bền vững dựa trên khai thác yếu tố văn hóa, lịch sử”, ông Hùng tự hào nói.

Trong những lần trò chuyện, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cũng bày tỏ sự hài lòng, vui mừng với việc trả lại giá trị cho thành Điện Hải, bởi đây là chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc, là biểu tượng về lòng yêu nước, đức hy sinh của người dân Đà Nẵng. Có thể nói, thành Điện Hải là điểm sáng trong đầu tư văn hóa của Đà Nẵng tính đến thời điểm này và người dân kỳ vọng đây không chỉ là địa chỉ đỏ về văn hóa mà còn là điểm tựa tinh thần, giáo dục truyền thống yêu nước sâu đậm cho các thế hệ. Nói như ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng: “Đến với thành Điện Hải, mỗi người như soi mình vào lịch sử để nung nấu, nuôi dưỡng tình yêu nước, yêu quê hương”.

NGỌC HÀ
 

;
;
.
.
.
.
.