Từ dòng sông Tranh…

.

Sông Tranh là một nhánh sông của sông mẹ Thu Bồn - bắt nguồn từ đỉnh núi huyền thoại Ngọc Linh - nay là thủ phủ của cây sâm quý mang tên núi rừng Ngọc Linh.

Sông Tranh chảy qua các xã Trà Nam, Trà Cang, qua các bản làng người các dân tộc Cor, Ca dong. Bà con dân tộc ít người gọi sông này là sông Đắc Di, sông Nậm Nin. Trên dòng Nậm Nin có những con suối lớn từ nguồn đổ xuống tạo thành những cái thác dữ, nước réo ì ầm ngày đêm. Sông Nậm Nin chảy đến đồi Gò Mè, hai nhánh sông nhập dòng tạo thành ngã ba sông. Từ đây mới gọi là sông Tranh.

Bộ binh và xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN
Bộ binh và xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Từ năm 1885 đến năm 1887, Nghĩa hội Quảng Nam cùng Thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu, thường gọi cụ Hường Hiệu, bao năm dày công xây một hệ thống phòng thủ kỳ vĩ, chạy từ An Tráng ra Bình Huề đến Phước Sơn... Cùng với bờ thành phòng thủ chống thực dân Pháp là bến thuyền Tân An - bến từng đưa đón bước chân của Thủ lĩnh Nghĩa hội Quảng Nam, gọi là Bến Thuyền Hầu, đáng gọi là di tích lịch sử.
Thời  chống Mỹ cứu  nước, một đường dây giao liên chạy qua bến đò Ba Lức, rồi chạy về bến đò Tân An của thị trấn Hiệp Đức ngày nay... Địch biết đường dây và khu vực bến đò là nơi các chiến sĩ Giải phóng thường xuyên qua lại nên ngày đêm pháo, bom vô cùng ác liệt:

Quế Tiên có dốc Cây Si
Có đò Ba Lức
Có đi không về!

Ngày nay, người người, nhiều nhất là trai trẻ, thích thú cưỡi xe máy, mang balô về phương có dốc núi, có sông sâu, nhiều thác nước - là theo tuyến du lịch sinh thái, là du lịch về nguồn.

Xuân lại về. Chúng tôi về thăm Căn cứ Phước Trà – Căn cứ Khu ủy 5 - nơi vừa đón quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về ‘‘Công nhận An toàn khu cho hai xã Phước Trà và Sông Trà…’’

Căn cứ xây dựng bên bờ con sông Tranh đầy trầm tích, dựa vào  rừng sâu cây xanh, núi cao đá dựng và lòng dân không phôi pha - cả người Kinh và người Thượng làng Phước Trà - một vùng đất, từ tháng 3 năm 1960, của thế kỷ 20, còn đen tối dưới gông cùm và lưỡi lê của Luật 10-59, người dân làng Ông Tía, thôn 6, xã Phước Trà, dưới chân núi Vin, giữa thanh thiên, bạch nhật, với gươm, đao, rựa, chân đất, lưng trần, áp sát chặt đầu bọn tay sai hung ác.

Một lòng yêu dòng sông Mẹ, yêu rừng núi quê hương, những người dân lành trải qua ác liệt, đói nghèo vẫn một lòng vì cách mạng, hết lòng giữ gìn bí mật bảo vệ cách mạng - là chỗ dựa không lung lay!
Thăm phòng trưng bày hình ảnh lịch sử của căn cứ Phước Trà, tôi dừng lại lâu hơn trước bức ảnh Bí thư Khu ủy Võ Chí Công và Tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5. Duyên nợ nào, một người con của xứ Quảng và một người con của xứ Nghệ, lại gặp nhau trong những thời khắc lịch sử có một không hai và gắn bó nhau, với quân, dân, sông, núi dằng dặc Liên khu 5

Sau khi ký Hiệp định Paris 1973, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định chuyển từ căn cứ Nước Oa - Trà Tân về xã Phước Trà, xây dựng căn cứ, làm bản doanh thảo luận và lên kế hoạch hình thành một ‘‘khu chiến’’, thực hiện chiến dịch Thu - 1974 - chiến địch Nông Sơn - Trung Phước và Thượng Đức, mở toang ‘‘cánh cửa thép’’ kèm kẹp vòng ngoài của tỉnh lỵ Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng - căn cứ hải-lục-không quân của Mỹ, mở ra một tình hình mới để Bộ Chính trị quyết định tấn công giải phóng Đà Nẵng…

Khánh thành bia lưu niệm Văn phòng Khu ủy 5 tại Khu căn cứ Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam ngày 25-4-2019. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Khánh thành bia lưu niệm Văn phòng Khu ủy 5 tại Khu căn cứ Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam ngày 25-4-2019. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Tại căn cứ Phước Trà, từ ngày 5 đến 22-12- 1973, diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ 3, có 246 đại biểu ưu tú, đại diện cho 46.000 đảng viên toàn Khu ủy 5 về dự. Đại hội bầu Năm Công - Võ Chí Công làm Bí thư Khu ủy, Hai Mạnh - Chu Huy Mân, làm Phó Bí thư, giữ chức Tư lệnh Quân khu 5.

Vào lúc 22 giờ đêm ngày 28-3-1975, nhận được tin Ngô Quang Trưởng, Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 1, tại Đà Nẵng bỏ nhiệm sở, bay ra hạm đội 7 tìm đường thoát thân, tức thì, Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, Bí thư quận Nhất Trần Hưng Thừa, liền gửi thư hỏa tốc cho giao liên chạy honda ra phái Nhì xã Điện Hòa báo cho Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà và đề nghị đưa lực lượng vào giải phóng thành phố ngay.

Nhận được thông tin vô cùng quan trọng này của Trần Thận, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, tại căn cứ Phước Trà, Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công và Tư lệnh Quân khu 5 Chu Huy Mân, hạ lệnh cho các mũi quân tiến vào Đà Nẵng!

Sáng sớm ngày 29-3-1975, tại số nhà 245 đường Phan Châu Trinh - Đà Nẵng - ngôi nhà của gia đình bà Nguyệt Ánh, ông Trần Hưng Thừa phát lệnh khởi nghĩa trong nội thành Đà Nẵng.

 Vào lúc 11 giờ 45 phút ngày 29-3, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn đã có mặt tại Sở Chỉ huy Quân đoàn 1. Tại phòng của tướng Tư lệnh Vùng 1 Ngô Quang Trưởng, quân của Nguyễn Chơn thu một lá cờ của Quân đoàn 1, một lá ‘‘cờ chiến thắng Mậu Thân’’, một lá ‘‘cờ chiến thắng Quảng Trị’’, một khẩu súng ngắn bỏ túi của Ngô Quang Trưởng sản xuất tại Canada.

Trên bản đồ tác chiến, Ngô Quang Trưởng vẫn xác định hướng Bắc là hướng chủ yếu. Nhờ chớp thời cơ, dốc hết lực lượng đánh nhanh, ta biến hướng Nam - hướng quan trọng, thành hướng chủ yếu đánh chiếm Đà Nẵng.

Tại Sở chỉ huy Quân đoàn 1 Đà Nẵng, Sư trưởng Nguyễn Chơn cử Trần Suyền trợ lý tác chiến mang con dấu của Ngô Quang Trưởng về Sở chỉ huy tác chiến của Quân khu 5 đang dừng chân ở Thanh Quýt, Tứ Câu, báo cáo cho Võ Chí Công và Tướng Hai Mạnh. Tướng Hai Mạnh muốn xác định thật chính xác, hỏi quân ta đã đến Đà Nẵng thật chưa hay mới đến Vĩnh Điện?

Sau bao năm dằng dặc, xông pha trận mạc, vừa dừng chân trên vùng đất từng đi qua, bỗng nhắc đến hai từ thân yêu Vĩnh Điện, lòng rưng rưng, có thể vị tướng xúc động vì sắp đến mục tiêu Trung ương giao, hay nhớ về một kỷ niệm không phôi pha! Liệu trong đoàn quân đang dừng chân ở Thanh Quýt, Tứ Câu, ngoài Năm Công, ai hiểu Tướng Hai Mạnh đang nghĩ gì?

Chuyện rằng: Do hoạt động cách mạng và duyên nợ, ông Hai Tường, tức Võ Văn Đặng, và ông Nguyễn Tấn Ưng là dân làng Mộc - Kim Bồng - Hội An, cùng hoạt động cách mạng, trở nên thân thiết rồi ông Tấn Ưng thành người bạn hiền trăm năm với  bà Võ Thị Siêng - em gái của ông Võ Văn Đặng. Khi ông Võ Văn Đặng bị giặc Pháp bắt giam ở nhà lao Vĩnh Điện thì bà Võ Thị Siêng thường lên thăm mang thức ăn, thuốc uống cho anh Hai. Qua những lần thăm nuôi, tranh thủ lúc không có lính canh giữ, ông Hai Tường nói cho em gái biết đã từng làm quen và tìm hiểu một người tù xứ Nghệ vượt ngục đang tá túc trong nhà người bà con ở Vĩnh Điện - Người tù ấy, ở một ngôi nhà gần nhà lao tỉnh, ngày ngày đi bán kẹo đậu phụng...

Theo hướng dẫn của anh Hai Tường, bà Võ Thị Siêng theo đò từ Cẩm Kim, lên thị trấn Vĩnh Điện, lội tìm người bán kẹo đậu phụng có tên là Hai Lạc. Sau một buổi vừa đi, vừa hỏi thăm, bà Siêng tìm ra nhà bà Đức Long làm kẹo đậu phụng. Qua bà Đức Long, bà Siêng tiếp xúc được anh Hai Lạc. Sau khi giới thiệu là em gái của anh Hai Tường thì anh Hai Lạc đón nhận bà như người em gái trong gia đình. Bà Siêng trở thành người liên lạc thân cận của anh Hai Tường và anh Hai Lạc. Để giữ bí mật, bà Siêng gọi anh là Hai Đậu. Cũng từ những chuyến liên lạc, gặp nhau này mà ông Tấn Ưng biết, quen thân rồi cùng cô Siêng nên vợ nên chồng sống đến trăm tuổi.

Hai Lạc có tên là Chu Văn Điều, sinh ngày 17- 3-1913, người xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên, thành phố Vinh, Nghệ An. Tham gia cách mạng từ năm 1929, gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, trong cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, ông ẩn mình với các tên Vũ Chân, Lê Thế Mỹ, Trần Thanh Lạc, Hai Mạnh..

Từ năm 1937, Hai Lạc bị Pháp bắt giam nhiều lần ở nhà lao Vinh. Đến năm 1940, Chu Văn Điều lại bị giặc Pháp bắt đưa vào giam ở các nhà lao Đắc Lay, Đắc Tô, Kon Tum. Khi vượt ngục, Chu Văn Điều không về quê mà tá túc ở Vĩnh Điện.

Để che giấu nhân thân và tránh sự truy lùng gắt gao của địch, khi về đến đất Quảng Nam, ông lấy tên là Lạc, ngày ngày đi bán kẹo đậu phụng và tranh thủ lúc nắng, ngày mưa, ra khu đất vườn rộng sau nhà của bà Đức Long, cuốc đất trồng rau, cũng là nơi thường xuyên tiếp xúc với anh Hai Tường....

Sau khi biết rõ tông tích, ông Võ Văn Đặng mời anh Hai Lạc vào tổ chức Việt Minh của Quảng Nam. Đầu năm 1945, sau khi họp Tỉnh ủy lâm thời ở Vân Trai - Tam Kỳ, ông Tấn Ưng về Hội An họp bàn khôi phục lại tổ chức Đảng, đang triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy Lâm thời cho các đồng chí ở Hội An thì được thư của ông Võ Văn Đặng giới thiệu, ông Tấn Ưng liền lên Vĩnh Điện tiếp xúc với anh Hai Lạc và báo cáo với Tỉnh ủy mời Hai Lạc vào tổ chức Tỉnh và Ban bạo động khởi nghĩa.

Tác giả (thứ hai từ trái)  tại Khu di tích Nước Oa.
Tác giả (thứ hai từ trái) tại Khu di tích Nước Oa.

Trong khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, có hai lần Bí thư Võ Chí Công – Võ Toàn nhắc đến tên gọi Hai Lạc: Lúc 3 giờ chiều ngày 13-8-1945, tôi về đến Hội An thì anh em nói đồng chí Ưng đã lên Bích Trâm xin ý kiến của Tỉnh ủy về việc bạo động ở Hội An... Sau khi cướp được chính quyền ở Hội An, chúng tôi họp các đồng chí có trách nhiệm lại, nhắc nhau một số công việc làm gấp là ổn định trật tự trong thành phố, truy bắt bọn Việt gian bán nước, tổ chức lực lượng vũ trang, ra sức bảo vệ chính quyền... Phần tôi – Võ Toàn - tôi lấy 70 anh em tự vệ có vũ khí đầy đủ, huy động 7 ô-tô chuyển tiền bạc và tài liệu lên Duy Xuyên để sẵn sàng đưa lên căn cứ theo đúng kế hoạch của Tỉnh ủy. Khi xe qua Vĩnh Điện, tôi thấy ở đây họ đã sắp sẵn súng đạn xin giao nộp cho cách mạng. Ra khỏi cửa hữu thì gặp đồng chí Lạc. Tôi bàn với đồng chí Lạc cần huy động quần chúng cướp chính quyền ngay ở Phủ đường Điện Bàn, chúng tôi tiếp tục lên đường...

Từ ngày 1-9-1945, đồng bào các phủ huyện thị trong toàn tỉnh được huy động đông đảo tập trung về Hội An chuẩn bị tham dự ‘‘lễ mừng độc lập’’.

Ngày 2-9-1945, hơn 10 vạn người chia thành từng đoàn biểu tình rất trật tự, mang theo cờ, băng, khẩu hiệu, ảnh Hồ Chủ tịch, có lực lượng tự vệ vũ trang đi đầu tiên vào sân vận động Hội An để chứng kiến một sự kiện trọng đại: ngày tuyên bố độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 Một lễ đài được dựng lên trên nền đất trống phủ cỏ xanh, có nền phông trắng, trên cao là khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm, dưới là cờ đỏ sao vàng với bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm. Ông Hai Lạc, Trưởng ban tổ chức buổi lễ trịnh trọng giới thiệu mấy lời trước đồng bào rồi mời ông Nguyễn Xuân Nhĩ, người làng Bích Trâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh đọc diễn văn...

Buổi chiều muộn, mùa Xuân 1975, Võ Chí Công và Chu Huy Mân… có mặt tại Đà Nẵng – Thành phố ngự trị ở cuối sông Thu Bồn nhìn ra Biển Đông…

Hồ Duy Lệ

;
;
.
.
.
.
.