Báo Đà Nẵng Xuân Nhâm Dần 2022

Long lanh một dải sông Hàn

14:29, 29/01/2022 (GMT+7)

Sông Hàn - dòng sông gắn liền với vô vàn kỷ niệm của biết bao người dân Đà Nẵng - là một bộ phận của quê hương thân yêu, là nét đẹp long lanh, là tặng vật thiên nhiên vô cùng quý báu của Đà Nẵng. Gọi sông Hàn là “dải lụa xanh biếc giữa lòng thành phố Đà Nẵng” quả thật không phải là không có căn cứ!

Bình minh trên sông Hàn. Ảnh: NGUYỄN SANH Quốc Huy
Bình minh trên sông Hàn. Ảnh: NGUYỄN SANH QUỐC HUY

Đôi bờ lịch sử

Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu xem tên sông Hàn do đâu mà có?

Sách Đại Nam nhất thống chí viết về nguồn gốc sông Hàn như sau: “Sông Cẩm Lệ có hai nguồn. Nguồn thứ nhất xuất phát từ núi Kiền Kiền, chảy ra xứ nguồn Lỗ Đông, làm thành sông Lỗ Đông. Nguồn thứ hai xuất phát từ núi Vĩnh Phàm, chảy ngang nguồn Lỗ Đông, tạo thành sông Vĩnh Phàm. (Nên nhớ là thời xưa, thường dòng sông chảy qua làng nào thì lấy địa danh của làng ấy đặt tên cho dòng sông). Khi chảy đến làng Đông Cao, hai nguồn hợp nhau. Từ đó, sông chảy 17 dặm về phía đông thì đến làng Bồ Bàn. Nơi đây có sông Yên (trước đó gọi là sông Thạch Bồ), nhập vào nhau, lại chảy xuống phía đông thêm 5 dặm nữa đến xã Cẩm Lệ, làm thành sông Cẩm Lệ; lại chảy chừng 7 dặm nữa, qua xã Hóa Khuê Trung, Hóa Khuê Tây (nay thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) làm thành sông Hàn...” (Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2006, tr. 422).

Nhưng tại sao lại gọi là sông Hàn, vì chẳng có ngôi làng nào mang tên là Hàn cả? Đây là một trường hợp khá đặc biệt, lấy tên nơi sông đổ ra cửa biển để làm thành tên sông. Mà cửa biển ấy, cửa biển Đà Nẵng, có tên là Hàn môn, tên chữ Hán được ghi trên “Bản đồ Hồng Đức”, do đời vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức thứ 21, 1490) cho vẽ lại bản đồ của cả 13 xứ Thừa tuyên, trên đầu bản đồ có ghi rõ “Thuận Hóa Thừa Tuyên Sơn Xuyên Hình Thế Chi Đồ” (nghĩa là: bản đồ hình thế sông núi của Thừa tuyên Thuận Hóa). Hai chữ Hàn môn 瀚門  có nghĩa: môn là cửa; Hàn - viết với bộ thủy - là rộng lớn, bao la; ý để chỉ cửa biển Đà Nẵng rộng lớn. Và vì thế, dòng sông đổ ra cửa Hàn, được gọi là sông Hàn (chữ Nôm viết là  滝瀚 mà chữ Hán viết là Hàn giang 瀚江).

Sông Hàn bắt đầu từ ngã ba sông giữa các quận: Cẩm Lệ, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, là hợp lưu giữa hai con sông Cẩm Lệ và sông Cổ Mân, chảy theo hướng bắc rồi đổ ra vịnh Đà Nẵng tại chỗ giáp ranh giữa quận Hải Châu và quận Sơn Trà. Sông có dòng chảy từ nam lên bắc. Sông Hàn có chiều dài 7,8km, chiều rộng khoảng 400-700m (chỗ rộng nhất 700m, hẹp nhất 300m), độ sâu trung bình 7-10m.

Như vậy, ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng có hai dòng sông chảy dọc theo bờ biển là sông Trường Giang (Quảng Nam) và sông Hàn (Đà Nẵng).

Dải lụa xanh biếc giữa lòng thành phố

Có người đã ví sông Hàn như một dải lụa vắt nhẹ trên bờ vai người thiếu nữ đang xuân. Hình ảnh ấy thật nên thơ! Nhưng chúng tôi nghĩ thực tế hơn, khi cho rằng, sông Hàn như một dải lụa xanh biếc giữa lòng thành phố.

Quả vậy, sông Hàn chảy dọc theo bờ biển và gần như nằm giữa lòng thành phố Đà Nẵng, tăng thêm vẻ đẹp đáng yêu cho hai bờ tây và bờ đông Đà Nẵng; góp phần tạo cảnh quan độc đáo, thơ mộng và giàu tiềm năng du lịch thành phố bên sông Hàn.

Ở đây, chúng ta sẽ nhìn sông Hàn từ hai góc độ: nguồn lợi kinh tế và cảnh quan thiên nhiên. Sông Hàn mang nguồn nước ngọt của nhiều dòng sông nhỏ khác như sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò và nguồn nước mặn của cửa biển, hòa vào nhau tạo thành dòng nước lợ, có độ mặn biến động theo mùa mưa nắng khác nhau.

Nói đến sông Hàn thì yếu tố cảnh quan môi trường có lẽ còn quan trọng hơn rất nhiều. Sông Hàn không đỏ nặng phù sa như sông Hồng, không dịu dàng trữ tình như sông Hương, không cuồn cuộn bao yếu tố nhân sinh và dữ dội như sông Cửu Long. Sông Hàn xinh đẹp và giàu sức sống, giữ vai trò quan trọng về mặt cảnh quan thiên nhiên và sự phát triển bền vững của môi trường, góp phần quan trọng vào sự phát triển không ngừng của thành phố Đà Nẵng năng động và đáng sống. Ngoài ra, về mặt tình cảm và cả về mặt tâm linh, sông Hàn gắn liền với bao biến cố lịch sử và đời sống tinh thần của cư dân Đà Nẵng.      

Hoàn toàn không phải là chuyện tình cờ của lịch sử, khi cả hai đạo quân xâm lược Pháp và Mỹ đều tấn công và đổ bộ vào Đà Nẵng trước tiên, khi muốn chiếm đóng và áp đặt đường lối cai trị lên đất nước ta.

Chính vì thế, để bảo vệ Đà Nẵng, một địa bàn chiến lược quan trọng, chúng ta không thể không bảo vệ thành phố đáng yêu này về mặt môi trường, trong đó có việc bảo vệ sông Hàn. Nói như ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng: “...Quyết định tạm dừng thực hiện dự án bất động sản và bến du thuyền mang tên Marina Complex tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà để rà soát hồ sơ pháp lý cũng như để tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia;..., (chứng tỏ) những người lãnh đạo Đà Nẵng đã rất quan tâm đến dòng chảy sông Hàn; chẳng hạn, khi mở rộng đường Bạch Đằng ra phía bờ sông, thay vì làm theo cách dễ nhất, ít tốn kém nhất là đổ kè lấn sông, lãnh đạo thành phố đã chọn giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của phần nhô ra sông tới dòng chảy: yêu cầu chỉ được đúc trụ nhằm làm cho dòng chảy ít bị trở lực vì sự mở rộng lòng đường thu hẹp lòng sông này. Đó là ý tưởng sáng suốt của những người lãnh đạo am hiểu quy luật của dòng chảy, nói rộng hơn là quy luật của tự nhiên, xuất phát từ quan niệm... cần hạn chế đến mức thấp nhất những công trình kiến trúc lấn sông; cũng như xuất phát từ nhận thức không gian sông Hàn là tài sản chung của mọi người Đà Nẵng” (Bùi Văn Tiếng, “Đà Nẵng luôn vì lợi ích của cộng đồng và phát triển bền vững”, Báo Đà Nẵng; dẫn lại theo “Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng)

Nói cách khác, phát triển đôi bờ sông Hàn, tạo vẻ đẹp cho khuôn mặt đáng yêu của thành phố du lịch Đà Nẵng, tạo ra một dự án di sản trong tương lai, sẽ là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất cho một thành phố sinh động, không ngừng phát triển về kinh tế, đời sống, mà còn gắn kết chặt chẽ với việc bảo vệ thiên nhiên, mang đúng tầm vóc một thành phố của thế kỷ XXI.

Lại nữa, “là một thành phố ven biển duyên hải miền Trung, Đà Nẵng đã, đang và sẽ nằm trong sự đe dọa nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng nhất thiết phải gắn liền với các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm hướng đến chiến lược phát triển bền vững”. (Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045).

Các vùng đất bên bờ sông Hàn đang biến động từng ngày cần được đón nhận các không gian mới hiện đại và mang tính biểu trưng trong sự gắn kết với quá trình gìn giữ và bảo vệ chất lượng môi trường. Tất cả chúng ta luôn mong ước cùng với những lễ hội gắn với sông Hàn - như lễ hội pháo hoa hằng năm - hai bờ đông và tây sông Hàn sẽ còn cần có thêm công viên, cần nhiều tượng nghệ thuật và nhiều hoa hơn nữa.

Sông Hàn - dòng sông gắn liền với vô vàn kỷ niệm của biết bao người dân Đà Nẵng - là một bộ phận của quê hương thân yêu, là nét đẹp long lanh, là tặng vật thiên nhiên vô cùng quý báu của Đà Nẵng. Vẻ đẹp của nó đã góp phần tô điểm cho thành phố Đà Nẵng đáng sống. Gọi sông Hàn là “dải lụa xanh biếc giữa lòng thành phố Đà Nẵng” quả thật không phải là không có căn cứ!

Đồ họa: ANH DUY
Đồ họa: ANH DUY

Lời nhắc nhở của dòng sông

Đà Nẵng với diện tích 1.255,53km2, dân số 1.134.000 người, có dòng sông Hàn xanh biếc, long lanh, là nơi mỗi chúng ta đang từng ngày góp phần xây dựng, phát triển.

Chúng ta cũng không quên dòng sông Hàn là một trong rất hiếm hoi những dòng sông chảy song song với bờ biển, chảy trong lòng thành phố Đà Nẵng - phố Hàn - là dòng sông lịch sử đã thấm đẫm dòng máu yêu nước của ông cha ta từ ngay trận thủy chiến oanh liệt, dưới chân thành Điện Hải vào ngày 1 tháng 9 năm 1885, với danh tướng Nguyễn Tri Phương trong trận đầu chiến thắng Pháp xâm lược

Sông Hàn xinh đẹp và giàu sức sống, giữ vai trò quan trọng về mặt cảnh quan thiên nhiên và sự phát triển bền vững của môi trường, góp phần quan trọng
vào sự phát triển không ngừng của thành phố Đà Nẵng năng động và đáng sống. Về mặt tình cảm và cả về mặt tâm linh, sông Hàn gắn liền với bao biến cố lịch sử và đời sống tinh thần của cư dân Đà Nẵng”

Còn hiện nay, thành phố Đà Nẵng, với công cuộc xây dựng vững vàng, đầy tinh thần sáng tạo, đang hướng ra biển, mở ra con đường tiến ra biển; đồng thời, cũng muốn kéo thế giới đa cực lại với mình, trong các lĩnh vực kinh tế - chính trị và văn hóa - du lịch, là bước đi quan trọng, mang tầm chiến lược. Chúng ta vui mừng vì Đà Nẵng được đánh giá cao, như Báo New York Times đã từng nhận định Đà Nẵng là “điểm đến lý tưởng trên thế giới”, với những bãi biển vào loại đẹp và trong xanh nhất. Hay như mới đây, trang web The Richest (Canada) xếp Đà Nẵng vào hàng thứ 6 trong top 10 thành phố tiến bộ nhất thế giới mà du khách nên đến tham quan.

Còn tôi, là đứa con của xứ Quảng phải sống xa quê, lòng tôi dù qua bao năm tháng, dù cho cuộc đời có đổi dời nhiều phen, thì vẫn như một đứa trẻ nhất thiết phải cần đến bầu sữa mẹ, không thể nào không quay về với mảnh đất hào hùng và đậm chất nhân văn bên bờ sông Hàn.

Mỗi lần trở về, tôi thường ra ngồi một mình ở cái quán cà phê bên bờ sông Hàn. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều bên bờ sông lộng gió ấy… Và nhờ sông Hàn, tôi đã kịp nhận ra rằng, trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, chỉ có hai câu hỏi quan trọng là, ta thực sự có được niềm vui hay không? Và ta có mang được niềm vui đến cho người khác hay không? Trả lời được hai câu hỏi ấy là ta đã thực sự có hạnh phúc, thực sự cảm nhận được cái ý nghĩa sống đích thực cho cuộc đời ta.

Và, dòng sông Hàn, như một dải lụa xanh biếc giữa lòng thành phố Đà Nẵng, còn nhắc nhở chúng ta điều này: Nếu một giọt sương long lanh có thể chứa đựng cả bầu trời xanh, thì một hành động nhân ái chắc chắn sẽ là phản quang của một tâm hồn cao quý, vị tha.

Cảm ơn lời nhắc nhở của dòng sông quê nhà, khi mùa xuân đang tới!

Nơi con sông Hàn theo về với biển. Ảnh: NGUYỄN SANH Quốc Huy
Nơi con sông Hàn theo về với biển. Ảnh: NGUYỄN SANH QUỐC HUY

TẦN HOÀI DẠ VŨ

.