Tết ở nhà ngoại

.

Những chuyện về Tết nhà ngoại ngày xưa khi cậu tôi, mẹ tôi còn là những đứa trẻ, tôi đã nghe mẹ tôi kể, lúc tôi phụ mẹ chuẩn bị Tết và thuộc đến mức tôi có thể kể lại vanh vách từng thứ, từng việc phải làm, để đến chiều ba mươi mọi thứ trong nhà phải tươm tất trước khi rước ông bà tổ tiên về ăn Tết. Những cái Tết xưa ấy trong nhà ngoại qua lời kể của mẹ vẫn đến hẹn lại lên, vẫn những soạn sửa, chuẩn bị kỹ càng các thứ khi các cậu, mẹ cùng các dì đã trưởng thành và nên gia thất.

Ảnh: KIM EM
Ảnh: KIM EM

Quê ngoại tôi ở làng Thanh Chiêm, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), vùng đất mà Chúa Nguyễn Hoàng đã chọn làm thủ phủ thứ hai ở xứ Đàng Trong sau kinh đô Phú Xuân ở Huế. Ông bà ngoại tôi tuy sống bằng nghề nông nhưng ông có chân trong chức việc của làng xã nên người làng gọi là ông Cửu Thạc.

Tôi sinh sau đẻ muộn nên không biết mặt ông bà ngoại, bởi ông bà đã về với tổ tiên khi tôi còn chưa nên hình hài. Nhưng từ khi biết đi, rồi lon ton chạy theo đôi quang gánh của mẹ từ nhà mình ở Hội An về nhà ngoại những ngày giỗ chạp, những mùa Tết, tôi thấy mình gắn bó với quê ngoại. Tình yêu của tôi với quê ngoại rất cụ thể qua những món ăn ngày giỗ, ngày Tết, qua những lần té nước tắm mương, rồi tập leo lên lưng trâu xong ngã bình bịch xuống cỏ. Hay những lần bẻ trộm bắp bên sông và gom củi nướng khoai, nướng sắn ăn giữa trời mưa rét với đám trẻ mục đồng là con dì, con cậu - những đứa bạn chơi từ thời thơ bé mà khi lớn lên và nhớ về, vẫn đọng lại trong tôi một niềm yêu thương vô bờ bến.

Và ngôi nhà mà ông bà ngoại tôi xây dựng từ những tháng năm làng Thanh Chiêm hình thành nên tên gọi dinh trấn hiểm yếu của xứ Đàng Trong - đã ghi dấu biết bao ký ức ngọt ngào về những cái Tết đầm ấm, đầy đủ ở quê ngoại của anh em chúng tôi. Những đứa trẻ ngày xưa ấy, bây giờ tóc đã phai màu, có người ở xa nửa vòng trái đất, nhưng kỷ niệm về Tết ở nhà ngoại thì vẫn nguyên một trời nhung nhớ.

Cứ đến giữa tháng mười một, khi những cơn gió bấc se sắt thổi làm giấc ngủ giữa đêm về sáng như lạnh hơn và những cơn mưa cuối mùa nhẹ hạt dần đi, trong cơn mơ chập chờn, tôi vẫn như nghe thấy tiếng cậu Hai tôi bàn với mẹ: Mai trời tạnh mưa, hai anh em mình ra cuốc cái sân trồng rau nghe cô Tám, trồng kịp cho sắp nhỏ về ăn Tết. Và tôi như lại thấy một con bé con là tôi ngồi ở ngạch cửa nhà ngoại ngó ra khoảnh sân, nơi mà cậu và mẹ cặm cụi cuốc, xới và lên liếp cho từng luống đất để chuẩn bị trồng vụ rau Tết.

Trên khoảnh sân nhà ngoại, trong mưa phùn gió bấc, những liếp xà lách, cải con, rồi hành, tỏi, rau răm, rau húng, tần ô… chỉ sau một tuần gieo hạt đã nhú những mầm non đầu tiên, rồi trổ lá, vươn ngọn, trải một màu xanh mướt mát trên màu đất nâu non.

Chừng giữa cuối tháng Chạp, khi những tia nắng cuối đông hửng dần thay thế cho những màn mây xám xịt của mùa đông rét mướt, thì nhà ngoại tôi - ngôi nhà ba gian hai chái với mái ngói âm dương được xem là một trong những ngôi nhà cổ nhất trong làng, còn nguyên vẹn sau bao dâu bể đổi thay - như khoác một màu áo mới, màu của mùa xuân xanh, của cái Tết ấm áp đang cận kề với màu hoa cải, hoa tần ô nhuộm vàng cả khoảnh sân rộng. Và trong nhà ngoại tôi bắt đầu rộn ràng lo Tết...

Cậu mợ, mẹ và các anh tôi tất bật mỗi người mỗi việc. Quét dọn nhà trên, lau chùi bàn thờ gia tiên và dẫy cỏ, quét vôi mồ mả ông bà là việc của cậu tôi và các anh. Mợ và các dì thì xúm xít dưới bếp lo các loại bánh trái, chuẩn bị các thức nấu để làm mâm cơm cúng rước ông bà ngày ba mươi về ăn Tết cùng con cháu.

Ngoài khoảnh đất nhỏ cuối sân, ngay dưới gốc cây rơm - chỗ mà mẹ tôi bắc lò để rang nếp làm bánh nổ, bánh in - là nơi tôi và đám em con cậu, con dì hái hoa cải chơi đồ hàng, chờ người lớn rang nếp làm bánh nổ, bánh in là xúm vô nhặt hạt nổ rơi vãi và ăn ké bánh bể, bánh vụn.

Nhiều năm tháng trôi qua, tôi lớn lên và đi nhiều nơi, dù đã nếm rất nhiều loại bánh ở các vùng miền, nhưng tôi chắc rằng, không nơi nào làm được loại bánh in bột nếp nhân đậu phụng mà ngon như bánh in nhà ngoại tôi làm vào dịp Tết. Cũng là nếp rang rồi giã nhuyễn, rây thật mịn, xong cạo đường bát rồi trộn bột với đường vào nhau thành một hỗn hợp vừa tay. Đậu phụng rang chín, giã nhỏ sên với đường cát.

Khi in bánh bằng khuôn đồng thì cho nhân đậu vào giữa hai lớp bột đã nhào mịn, xong sấy khô trên than hồng. Mẻ bánh đầu tiên bao giờ cậu tôi cũng dặn làm thật kỹ và sấy trên than không để sém lửa. Mẻ bánh đó cậu cho vào cái hộp thiếc (hộp đựng bánh cũ) cất riêng vào cái rương gỗ ở nhà trên và để dành cúng ông bà.

Tôi vẫn nhớ cái cảm giác sung sướng mỗi lần cậu lấy bánh soạn ra đĩa cúng xong, lại nhón cho tôi một cái và dặn ra sau hè ăn đi, đừng cho mấy đứa kia thấy. Món bánh in nhà ngoại làm để ăn Tết nhưng đến rằm tháng Giêng vẫn còn giòn tan như mới vừa sấy xong trên than hồng. Món bánh mà tuổi thơ tôi luôn thèm thuồng, chỉ mong Tết để về nhà ngoại được ăn.

Các loại bánh in, bánh nổ, bánh da… luôn được làm xong trước ngày cúng đưa ông Táo về trời, để mợ và mẹ còn lo gói bánh tét và mổ heo, chia thịt heo cho hàng xóm và lấy đầu heo cúng rước ông bà. Con heo cỏ được mợ nuôi vỗ béo từ dạo tháng sáu để kịp Tết làm thịt và chia cho hàng xóm mỗi người một đùi (một phần tư), riêng nhà cậu đông con cháu nên giữ lại nửa con và cái đầu heo. Ngày hai chín Tết là ngày rộn ràng nhất mà đám con nít chúng tôi luôn chờ đợi, bởi nhà ngoại mổ heo và nấu bánh tét.

Chúng tôi háo hức chờ được ăn cháo lòng heo và nếm những cái bánh ú mà người lớn gói riêng cho mỗi đứa vớt từ trong nồi ra còn nóng hổi.

Sáng Ba mươi Tết, mợ tôi, mẹ tôi và các dì xúm xít dưới bếp chuẩn bị mâm cơm cúng rước ông bà. Ở nhà trên, cậu đã bày biện xong hương hoa, trà bánh trên bàn thờ và soạn sửa các thứ để chờ cúng. Trước hiên nhà, mấy chậu cúc vạn thọ được cậu trồng và chăm chút tỏa hương thơm ngát. Cậu mặc áo dài the đen, trên đầu vấn khăn đóng, đi đôi guốc mộc lộc cộc mà ngày thường cậu để trên kệ bởi đi làm đồng chỉ đi chân đất.

Trong bộ trang phục ấy nhìn cậu thật uy nghiêm. Cậu thắp hương, đèn và lầm rầm khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, mời ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, tôi như nghe thấy tiếng ngày xưa vọng về, thấy bóng ông bà ngoại đĩnh đạc bước vào nhà, hỏi thăm các cậu, các dì và vò đầu từng đứa cháu mà dặn dò phải lo học hành, phải biết giữ nếp nhà để làm ông bà vui.

Bây giờ, mỗi lần Tết đến, dẫu cậu mợ, mẹ tôi và các dì dần khuất núi nhưng tôi vẫn về nhà ngoại, chăm chút bàn thờ, thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên. Rồi tôi lại ngồi nơi ngạch cửa cũ nhìn ra sân, như thoáng thấy bóng cậu, bóng mẹ lúi húi chăm vườn rau để có cái cho đám nhỏ về ăn Tết và bỗng dưng thấy mắt mình cay cay. Tôi nhớ cậu mợ, nhớ mẹ, nhớ các dì, và “…những người muôn năm cũ ấy…” luôn hiện hữu trong tôi mỗi lần xuân về, Tết đến.

KIM EM

;
;
.
.
.
.
.