Vạt cà dược của mẹ

.

Tôi viết bài báo này ngay ngày giỗ mẹ tôi, 14 tháng Mười một âm lịch. Mẹ đã đi xa hơn 30 năm nhưng ký ức mùa xuân về mẹ trong tôi nay vẫn còn hiển hiện.

Ngày trước, vườn nhà tôi rộng, trồng đủ thứ cây cỏ hoa trái. Mít, tre, xoan, bạch đàn, duối, lêkima, ổi, mãng cầu, dứa, chuối, sắn, khoai, rau, cải…, quanh năm ngát xanh. Trước nhà là cánh đồng lúa mát mắt. Tầm đầu tháng 11 âm lịch, chị em tôi bắt đầu cắm vạn thọ, thược dược, cúc nhánh vào chậu, bón phân tưới nước kỹ lưỡng để chờ ngày đón Tết. Một khoảnh đất nhỏ ở góc vườn cũng được lên luống, gieo hạt hành, ngò, cải, xà lách… rồi lấy rào tre vây lại, sẽ đủ ăn Tết cho tới ra Giêng. Tuổi thơ tôi lớn lên với cây trái quanh nhà cùng những mùa xuân chẳng bao giờ thiếu màu vàng rực của mấy bụi vạn thọ trước sân và dăm luống cải trổ ngồng sau hè đu đưa trong gió Giêng hai.

Ấy vậy mà, điều lạ là vườn nhà tôi chưa bao giờ thấy hoa mai nở. Có lần tôi hỏi ba tôi vì sao, ông lặng im không nói… Năm ấy, chừng 10 tuổi, tôi theo mấy người chăn bò lên núi, tìm bứng vài gốc mai rừng về trồng. Nhưng cây chỉ xanh được vài tuần rồi lá rụng dần. Mấy người đi phong ngạn (săn tổ ong rừng lấy mật) bảo mai núi là loài linh mộc, hễ rời chốn thâm sơn cùng cốc thì khó mà sống. Không nản, tôi tìm vựa cây giống, mua mấy bầu mai về, ươm bên giếng; khi cây đã cứng cáp, tôi đem trồng dọc bờ sân, lòng phơi phới nghĩ một ngày nào đó mai sẽ nở vàng tươi cả một góc vườn nhà, đem may mắn, tài lộc về quanh năm.

Nhưng rồi hàng mai cũng héo, lá rụng hết, thân khô hẳn. Chỉ một cây còn sống, nứt nhánh, lá mọc nhiều nhưng kém xanh dù được chăm bón kỹ. Cứ chờ xem sao… Tết năm ấy, cây mai chẳng chớm một nụ nào. Tôi thấy một đàn ong bay về, lượn trong vườn tôi một hồi rồi kéo hết qua nhà bên, quyến lấy những dề mai đang nở thắm mà hút mật. Thật kỳ lạ, cũng thổ nhưỡng ấy, cũng khí hậu ấy, cũng thời tiết ấy mà sao nhà bên, là chú ruột tôi, mai Tết năm nào cũng nở bung, còn mấy nhà xung quanh hầu như nhà nào cũng trồng được mai và có mai vườn chưng Tết?

Tôi lại hỏi ba tôi vì sao “cố ý trồng mai, mai chẳng nở?”, ông tiếp tục lặng im.

Những năm sau, và sau nữa, cứ vào những ngày cuối đông, nhìn người ta hăm hở tuốt lá mai mà lòng tôi xao xác buồn…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mẹ tôi dường như thấu cảm điều đó, nhiều khi muốn nói ra nhưng lại thôi, cố giấu một điều gì trong lòng. “Không có mai thì có hoa khác, đầy ngoài vườn đó con ơi! Bánh mứt, thịt thà, dưa mắm có đầy trong gạc-măng-rê, tha hồ mà ăn Tết”, mẹ tôi động viên.

Mẹ nói “có đầy” và “tha hồ” nhưng kỳ thực chẳng là bao. Nhà khó, đông con, mẹ bệnh quanh năm, mỗi lần sắp Tết là mẹ trở thành người cơ cực nhất nhà, vài khi tôi bắt gặp mẹ lén thở dài. Những lúc nhìn mẹ ngồi lặt mớ lọng kiệu nhổ về từ đầu tháng Chạp, thỉnh thoảng buông mắt nhìn ra khoảng đồng xa xăm, tôi thấy thương mẹ vô cùng. Mà có lẽ người mẹ nào cũng thế và đứa con nào cũng thế, Tết nhất về là mẹ đêm ngày nhằn nhọc làm sao: “Tết đến me tôi vất vả nhiều/ Me tôi lo liệu đủ trăm chiều…” (Nguyễn Bính, Tết của me tôi).

Bất chợt cơn ho kéo đến, mẹ ôm ngực, bước vội ra vườn, đi không vững…

Mẹ tôi bị hen từ thời còn trẻ, nghe kể là do lao lực và sinh nhiều con. Bệnh kinh niên kéo dài, không thuốc nào trị dứt, mẹ phải hàng chục năm chiến đấu với những cơn ho bất chợt khi đàm kéo lên chặn đường thở, hoặc khi ngửi phải những mùi gây kích ứng như phấn hoa, mạt bụi, khói… và cả mùi hành, mùi kiệu cay nồng. Mỗi lần như vậy, tôi hoặc chị tôi đấm lưng cho mẹ để “thông phổi”; còn mẹ thì tay run run với lấy gói lá đã phơi khô, vấn thành điếu, châm lửa, hút lấy hút để.

Đấy là lá cà dược.

Thì ra, mỗi lần mẹ ho, ôm ngực đi vội ra vườn sau, là để ghé vạt cây cà dược, bứt mấy lá hoặc hoa đã héo khô sắp rụng, vấn điếu và hút để cắt cơn hen. Bài thuốc dân gian này được truyền đời ở làng tôi; và cô dược sĩ duy nhất ở địa phương cũng bảo thuốc tây trị hen phế quản khó tìm nên “thím Ba” (mẹ tôi) cứ theo đó mà làm.

Mà, cà dược - tên đầy đủ: cà độc dược - là loại cây độc, có độc tính rất cao. Trớ trêu ở chỗ là phải trồng một loài độc dược trong vườn để sử dụng vào mục đích cứu người!

Vạt cây cà dược, thân thảo, giống cây cà chua, hình dạng lá giống lá khoai lang, màu xanh xám, sống quanh năm ở một góc vườn. Ba tôi tranh thủ những ngày nắng cắt lá đem phơi để dành cho mẹ. Những đêm mưa gió, giữa khuya mà mẹ lên cơn ho, không kêu được thầy thuốc, nếu chẳng có mớ lá cà dược thì chẳng biết phải làm sao. Vì thế, gia đình tôi xem vạt cà dược như “ân nhân cứu mạng”, nên ngày ngày chăm bón ân cần.

Cây lá chẳng hề vô cảm, một ngày xuân kia, vạt cà dược trổ hoa đồng loạt…

Từ những nách cây nhú lên vô số búp hoa trăng trắng. Búp bung dần, hình phễu, và thú vị chưa, không chỉ có hoa trắng, có cả những bông màu vàng chen giữa cả vạt hoa cà dược mơn mởn kia.

Ba tôi nói: “Thiếu hoa mai thì có bông cà dược thay thế, lo chi…”.

Lời của ba tôi bổ sung thêm cho câu chuyện ông từng tâm sự với tôi trước đó, rằng mai là loài “khó tính”, hễ nhà nào trồng cà độc dược thì không trồng mai được. Mà nhà mình thì chẳng thể nào bỏ vạt cà dược ấy đi (!).

Chẳng biết dân gian truyền miệng như thế có đúng không, chẳng biết có phải ba tôi giải thích cho qua chuyện hay không, song trong tôi kể từ ấy cho đến giờ, những đóa hoa cà dược năm nao cũng chẳng khác gì những cánh hoàng mai rực rỡ mà tôi mong có mỗi độ xuân về.

Nay, vườn xưa đã khác, cảnh cũ không còn, nhưng mỗi lần về nhà ăn Tết, thả bước ra sau hè, tôi lại mường tượng hình bóng mẹ tôi lom khom bên vạt cà dược nở đầy hoa trắng, hoa vàng trong nắng mới.

Mẹ ơi! Một sớm thăm hoa rụng
Nhặt giữ giùm con dăm cánh thôi.

(Nguyễn Bính, Tết biên thùy)

TRÀ KIỆU TÂY

;
;
.
.
.
.
.