Doanh nhân và câu chuyện ATM gạo thắm tình yêu thương

.

“Khi Covid-19 bùng phát, thú thực đôi lúc tôi cảm thấy mất tự tin và căng thẳng. Nhưng khi lắng mình lại, tôi xem đây như bao thử thách khác đã gặp trên đường đời. Ở một khía cạnh nào đó, sự cố này để lại nhiều bài học quý cho doanh nghiệp, nhất là bài học về sự sẻ chia”, doanh nhân Trần Mạnh Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP V.B.P.O đã mở đầu câu chuyện bằng sự hóm hỉnh và phong thái tự tin, sắc bén vốn có.

Doanh nhân Trần Mạnh Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP V.B.P.O. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Doanh nhân Trần Mạnh Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP V.B.P.O. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Quyết không để nhân viên mất việc

Đối với thế hệ doanh nhân 7x của thành phố Đà Nẵng ở lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), cái tên Trần Mạnh Huy khá nổi bật khi anh là chủ một doanh nghiệp có nét đặc thù riêng với gần 30% số lượng nhân viên hoạt động tại công ty là người khuyết tật, người yếu thế; có những nhân viên trình độ học vấn chỉ dừng lại ở lớp 3 hoặc lớp 4. Bản thân anh Huy cũng là một người khuyết tật.

Thành lập Công ty V.B.P.O vào năm 2010 với 15 nhân viên hầu hết là người khiếm thị, nhận gia công phần mềm, sửa chữa máy tính đơn giản. Kết thúc năm tài khóa đầu tiên, doanh thu của công ty chỉ đạt vỏn vẹn…15.000 đồng. Sau 10 năm hoạt động, đến nay Công ty CP V.B.P.O đã có gần 1.000 nhân viên, doanh thu năm 2020 đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng với mức tăng trưởng trên 50% so với năm 2019. Đặt trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp lao đao vì đại dịch, nhất là khi thành phố Đà Nẵng từng là “tâm dịch” của cả nước, kết quả nói trên của Công ty CP V.B.P.O được giới doanh nhân đánh là một “cú lướt sóng” đầy ấn tượng.

Bằng sự khiêm tốn, anh Trần Mạnh Huy lý giải, đây là hệ quả của cả quá trình không ngừng tích lũy nền tảng căn cơ mà ban lãnh đạo và tập thể Công ty CP V.B.P.O đã dày công gầy dựng suốt một thập kỷ xây dựng và phát triển. Nhờ đó, ở thời điểm nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động hoặc chấp nhận cho nhân viên nghỉ việc để giảm chi phí, Công ty CP V.B.P.O vẫn duy trì được hoạt động, bảo đảm các chế độ lương, thưởng của hàng trăm nhân viên. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm gia đình duy trì được nguồn thu nhập để vượt qua thời điểm khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh.

“Tôi nhất quán quan điểm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chấp nhận doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp giảm nhưng không để nhân viên mất việc. Thay vào đó, chúng tôi tập trung song song với quá trình tái cấu trúc, doanh nghiệp tổ chức đào tạo cho lực lượng lao động dư thừa. Những người chưa được bố trí công việc sẽ tham gia các chương trình đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng mềm, nhằm đón đầu cơ hội lớn sau đại dịch”, anh Huy chia sẻ.

Sẻ chia với cộng đồng

Cùng với việc tìm ra được giải pháp để lèo lái doanh nghiệp vững vàng vượt qua cơn sóng lớn Covid-19, doanh nhân Trần Mạnh Huy còn tham gia tích cực vào các hoạt động vì cộng đồng. Anh chính là tác giả chế tạo máy ATM gạo miễn phí cho chương trình “Hạt gạo tình thương” do Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng tổ chức vào thời điểm toàn thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội với gần 90 tấn gạo được huy động. Trong đó, riêng Công ty CP V.B.P.O đã đóng góp hơn 50 tấn gạo cho chương trình. Với sự vào cuộc nhanh chóng và kịp thời này đã góp phần chia sẻ bớt phần nào khó khăn với hàng ngàn người dân thành phố trong thời điểm phải thực hiện cách xã hội, thu nhập giảm sút do ảnh hưởng của Covid-19.

Người dân nhận gạo thuộc chương trình ”Hạt gạo tình thương”. Ảnh: XUÂN SƠN
Người dân nhận gạo thuộc chương trình ”Hạt gạo tình thương”. Ảnh: XUÂN SƠN

Là người khá cầu toàn, luôn muốn đem lại những sản phẩm tốt nhất cho cộng đồng, những ngày tham gia chế tạo máy ATM gạo, anh Trần Mạnh Huy có không ít trăn trở. Anh bày tỏ: “Ở đợt triển khai đầu tiên, ban tổ chức đã nhận ra bất cập. Đó là để nhận 2kg gạo có người phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ xếp hàng và chờ đợi, rất tốn công sức của bà con. Rút kinh nghiệm, chúng tôi đã nghiên cứu để cải tiến lại bằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, lập một phần mềm riêng để kết nối, gửi tin nhắn về địa điểm, thời gian đến nhận gạo qua điện thoại của những người dân trong danh sách. Nhờ đó, mỗi người dân chỉ mất từ 10-15 phút để nhận gạo thay vì phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ như trước”. Ngay sau dịch bệnh, khi cả miền Trung oằn mình trong bão lũ, Công ty V.B.P.O tiếp tục quyên góp hàng ngàn suất quà và thực hiện những chuyến hành trình đến với người dân ở nhiều vùng phải chịu thiệt hại vì thiên tai như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình…

Từ bài học để sống còn và vượt qua biến cố đại dịch mang tính toàn cầu như Covid-19 của Công ty CP V.B.P.O để thấy được trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, doanh nhân, doanh nghiệp luôn song hành cùng lúc vừa đón nhận những cơ hội, thời cơ lớn để căng buồm vươn ra biển lớn nhưng cũng phải sẵn sàng đối mặt với không ít khó khăn, rủi ro. Trong đó, Covid-19 được xem là phép thử cho sự bền gan, tầm nhìn chiến lược, nền tảng nhân văn và sứ mệnh của người doanh nhân đối với doanh nghiệp nói riêng, cộng đồng nói chung. 

Chương trình “Hạt gạo tình thương" phát 251 tấn gạo, hơn 122.000 lượt người nhận
Trước khó khăn do Covid-19 gây ra, từ ngày 20-4 đến ngày 16-5-2020, Báo Đà Nẵng đồng hành cùng Hội Doanh nhân trẻ, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố tổ chức chương trình “Hạt gạo tình thương” thông qua hình thức lắp đặt các máy “ATM gạo” ở nhiều điểm trên địa bàn thành phố để chia sẻ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chương trình đã nhận được sự góp sức của nhiều cá nhân, tổ chức với 251 tấn gạo (có tổng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng) được phát ra, tương đương 122.500 lượt người nhận; ngoài ra, có thêm nhiều nhu yếu phẩm như trứng gà, xì dầu, nước mắm... được phát kèm cho người dân. Riêng Báo Đà Nẵng tiếp nhận ủng hộ 10 tấn gạo, tương đương 120 triệu đồng.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.