Báo Đà Nẵng Xuân 2021

Một trời tuổi thơ tôi

06:31, 12/02/2021 (GMT+7)

Làng tôi ở giữa hai con đập bổi Trà Đình (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) và An Lạc (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Làng được lập nên khoảng trong thời điểm mọi người chạy Tây về. Trước, chỉ là những cái chòi nhỏ để cho người ta nghỉ lại khi làm ruộng ở cánh đồng. Sau, lập hẳn thành làng. Con đường chạy từ đầu tới cuối làng nối với làng An Lạc vốn cực thịnh từ bao đời ở phía Bắc. Còn phía Nam thì gối vào bờ đê Cá Nhám chạy dọc sông vốn được người dân tự huy động công đắp nên để bảo vệ cả cánh đồng phía trong và bảo vệ nhà cửa trong làng mỗi mùa lũ lụt về.

Nhà nội tôi ở đầu làng. Mộ thành hoàng nằm giữa làng, kề bên sông. Hồi chiến sự ác liệt, dân cả làng phải dời hết qua phía bên bờ sông bên kia có xây thêm cái miếu thờ Thành hoàng, gọi là miếu Ông Tây Trại. Mộ ở làng cũ thành mộ Ông Đông Trại. Cái kiểu chia đôi Thành hoàng chỉ có chiến tranh mới làm được, thật kỳ quặc. Để tưới cánh đồng, nội tôi và mấy người bà con đã dựng cái trạm bơm đầu làng gần bờ đê Cá Nhám.

Tôi nhớ hình như là cái máy Kubota của Nhật Bản thì phải. Tiếng máy bơm nước - hiện thân đầu tiên của văn minh phương Tây đến với cái làng nghèo phát lên đã làm cả xóm ngơ ngác. Rồi nước chảy hết đồng cạn đến ruộng sâu. Ban đêm, ánh điện được “chiết xuất“ ra từ máy bơm nước thắp lên lung linh một góc quê! Ở đó, những người thợ sửa máy, vận hành máy đến, rồi đi, để lại bao mối tình úp úp mở mở không thể nói hết. Có người ở lại hẳn làm cư dân của làng đến tận bây giờ. 

Ảnh: NGUYỄN HỮU QUÝ
Ảnh: NGUYỄN HỮU QUÝ

Đó cũng là lúc “ra đi” của cỗ xe trâu nhà ông ngoại. Phía sau nhà ngoại không xa có cái ao đôi, một lớn, một nhỏ. Sau này tôi mới hiểu ra cái ao nho nhỏ bên cạnh là để ngoại đặt cái xe trâu. Xe gồm một vành gỗ lớn, bên trên đặt các ống tre để khi bánh xe ngập xuống nước các ống tre sẽ vục lấy nước. Khi quay độ nửa vòng, các ống tre chúc xuống thì nước sẽ đổ vào mương, sau đó nước theo mương chảy vào ruộng. Một cái bánh xe khác nằm ngang, gắn vào bánh xe đứng bởi các hàng răng cưa nhằm tạo ra sự truyền lực cho bánh xe đứng có thể quay được.

Kéo các bánh xe là đôi trâu đực cộ, bự nhứt làng. Bữa ấy, người đổ về khá đông. Tôi nhận ra ông T. trong đám đông, không hiểu sao cứ thấy ông là khắp người tôi bủn rủn. Ông hay giúp ông ngoại tôi cày mấy thửa ruộng. Hễ thấy tôi là ông co tay búng vào bụng, hỏi độc một câu: “No hay đói, cu con?”. Mỗi lần bị búng tôi lại rùng mình khiếp hãi. Người ta lần lượt tháo rời các bánh xe gỗ, bắt đầu là cái bánh dựng đứng, sau đó đến lượt cái bánh nằm. Mấy người khác vòng mũi hai con trâu cộ ra cột vào bụi tre.

Tôi đứng xa xa len lén nhìn mọi người làm việc. Phải đến xế chiều công việc mới xong, mọi người lục tục kéo đi. Khi người ta lôi hai con trâu cộ đi, tôi bỗng có cảm mất đi thứ gì thật quý. Và tôi khóc, lúc đầu còn kìm giữ, lúc sau thì bật lên thành tiếng. Ông T. đến bên tôi, cất tiếng rền vang: “Sao lại khóc, cu con?”. Tôi lại càng khóc to hơn, chẳng hiểu vì sao!

Sau mười lăm năm yên ổn, làng bắt đầu “chịu trận”. Sự đầu tiên là cơn bão rồi lụt lịch sử năm Giáp Thìn 1964. Một nửa số nhà ngói trong xóm sụp đổ. Tất cả các nhà tranh bay tan hoang. Hơn một nửa làng bị đói sau cơn bão lụt dữ dằn năm ấy. Một số nhà đã bắt đầu dợm ra đi từ đó. Về Nam. Nhà ông Â. giữa làng rồi nhà bà G…. cuối làng. Cái nhà cuối làng ra đi để lại một khoảng trống mênh mông. Tiếp theo là bởi những trận giao tranh ác liệt hồi những năm 1969 - 1970. Ca nông rồi bom, hầu như ngày nào cũng có. Chiếc máy bay trực thăng của Mỹ bị bắn rơi bên bãi sông Trại hình như là sự khởi đầu của các đợt không kích ác liệt kéo dài mấy tháng trời. Nhà tôi, nhà nội, nhà hàng xóm… oằn trong những đợt bom. Làng bắt đầu trắng từ đầu đến cuối. Dân làng bật khỏi nhà của mình, mỗi người mỗi phương. Mãi đến tháng 3-1975, khi tiếng súng đã yên mọi người mới lục tục trở về.

Bây giờ, làng đã dời hẳn qua phía tây sông Ly Ly. Đó là một làng mới được xây dựng kiên cố, khá đầy đủ tiện nghi. Nhưng, ruộng đất thì vẫn còn ở nơi cũ. Hằng ngày, họ vẫn phải quay về làng cũ để chăm sóc ruộng vườn. Lại phải làm thêm chiếc cầu tre. Lại phải để tạm căn chòi để nghỉ lại mỗi trưa. Có nhà để nguyên căn nhà cũ, làm nhà mới ở khu tái định cư… Mọi thứ chừng như còn đang nửa vời theo kiểu “dời làng” từng tồn tại nơi này nơi khác…

Bây giờ, mỗi lần về lại căn nhà xưa đầu làng tôi cứ tần ngần mãi, không muốn rời đi. Tôi đã bỏ lại ở đó một trời tuổi thơ của mình. Ở đó, tôi đã từng sống bao nhiêu năm, từng lớn lên, vui cái vui của làng, buồn cái buồn của cả làng. Những tiếng cười nói từng vang lên đầu đến đuôi làng mỗi ngày giờ vắng hẳn. Ngôi mộ thành hoàng được tu sửa khá hoành tráng cách đây vài năm, bây giờ vắng đến lạnh người. Cũng đã dạt đi hết rồi những người bao nhiêu tháng năm từng sống ở đó. Chạnh lòng nhớ cái xe trâu ngoại bán đi năm nào.

LÊ TRÂM

.