Báo Đà Nẵng Xuân 2021

Chuyển đổi số cho giáo dục

Không phải "tương lai" mà là "hôm nay"

14:18, 10/02/2021 (GMT+7)

Ngành giáo dục phải xác định chuyển đổi số là con đường tất yếu, cần xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu của việc chuyển đối số, và từ đó có chiến lược, lộ trình một cách cụ thể, tạo nền tảng (platform) để kết hợp nguồn lực công-tư.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai phòng thí nghiệm công nghiệp số giữa Đại học Bách khoa -  Đại học Đà Nẵng và Công ty TNHH Hitachi Systems Việt Nam. Ảnh: NGỌC PHÚ
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai phòng thí nghiệm công nghiệp số giữa Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng và Công ty TNHH Hitachi Systems Việt Nam. Ảnh: NGỌC PHÚ

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số để ứng dụng vào tất cả các lĩnh vực của đời sống, nhằm thay đổi cơ bản cách vận hành và cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người sử dụng. Đây là sự thay đổi căn bản về tư duy, đòi hỏi các tổ chức phải định nghĩa lại những mô hình vận hành của mình, thử nghiệm những điều mới mẻ, liên tục cải tiến để vượt qua các thách thức, và chấp nhận thất bại. Bill Gates từng nói: “Chúng ta đã thay đổi thế giới dựa trên công nghệ. Trong đó, chuyển đổi số sẽ làm thay đổi tận gốc rễ nền tảng kinh tế, xã hội và phương thức giao tiếp của loài người”.

Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là nền kinh tế mở dựa trên dữ liệu mở ra những cơ hội mới để hội tụ công nghệ và kinh tế cho các nước đang phát triển như Việt Nam, có thể tận dụng tốt cơ hội để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nhờ vào việc bỏ qua các cơ sở hạ tầng trung gian của thời đại Công nghiệp hóa, sử dụng nguồn kiến thức lan tỏa vô tận từ Internet, tận dụng lợi thế của các thị trường mới được hỗ trợ bởi các nền tảng số (digital platform), và khai thác khả năng sản xuất được hỗ trợ bởi các công nghệ kỹ thuật số (digital technology).   

Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp đã nhanh chóng hòa cùng thời đại, đã triển khai nhiều giải pháp áp dụng để thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động. Tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu Việt Nam gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Chương trình nhấn mạnh người dân là trung tâm của chuyển đổi số. Vì vậy những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày với người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần được ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó có 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện. Đó là: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường và sản xuất công nghiệp.

Riêng về lĩnh vực giáo dục và đào tạo thì các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được chú trọng để chuyển đổi số là “phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình...

Điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo ở bậc đại học, sau đại học và dạy nghề các công nghệ số cơ bản như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và Internet vạn vật... Phổ cập việc thi trực tuyến; công nhận giá trị của các chứng chỉ học trực tuyến; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập; phát triển các doanh nghiệp công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa”.

Sinh viên Đại học Sư phạm- Đại học Đà Nẵng  trong ngày lễ tốt nghiệp.  Ảnh: HUY ĐẰNG
Sinh viên Đại học Sư phạm- Đại học Đà Nẵng trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: HUY ĐẰNG

Từ khi Việt Nam đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cho bộ/ngành và tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng luôn là địa phương dẫn đầu; đặc biệt được bình chọn là Thành phố thông minh nhất năm 2020 (Vietnam Smart City Award 2020). Trong khuôn khổ giải thưởng này, đây được xem là danh hiệu danh giá nhất và duy nhất dành cho nhóm các đô thị, thành phố. Đồng thời, Đà Nẵng cũng được trao 3/4 giải thưởng dành cho các thành phố thông minh gồm: “Thành phố dịch vụ công thông minh”, “Thành phố hạ tầng số thông minh” và “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Vì vậy, không những theo kế hoạch chung của Chính phủ, mà Đà Nẵng cần phải chủ động và mạnh dạn triển khai mạnh hơn, nhanh hơn để xứng đáng với thương hiệu và danh hiệu về công nghệ thông tin danh giá đã nhận được.

Trong thời gian qua, Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt là Đà Nẵng, gây ra nhiều tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội. Bên cạnh sự chuyển động để thích nghi và thành công bước đầu của các ngành y tế, công thương, tài chính ngân hàng… của thành phố thì về giáo dục đào tạo đã cho thấy chuyển đổi số đã mang lại những kết quả rõ nét nhất.

Thật vậy, thành phố có 180 cơ sở giáo dục, khoảng 280.000 học sinh, sinh viên, toàn bộ giáo viên, giảng viên đại học được gắn mã định danh và được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành; các cơ sở giáo dục đã áp dụng giảng dạy trực tuyến kịp thời, không bị gián đoạn trong suốt thời gian phòng chống Covid-19. Đa số các trường (nhất là các đại học) đều có hệ thống quản lý học tập trực tuyến LMS (Learning Management System), ứng dụng MS Teams, Office 365 của hãng Microsoft hay Zoom… Hạ tầng CNTT được đầu tư bài bản, mạng Internet phủ sóng toàn bộ thành phố với tốc độ nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập.

Các thầy cô ở các cơ sở giáo dục từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT cùng với học trò; giảng viên đại học cùng với sinh viên đã nỗ lực biến thách thức thành cơ hội, từng bước thay đổi nhận thức về chuyển đổi số. Nhờ vậy, mặc dù dịch bùng phát mạnh vào đúng mùa thi THPT, nhưng năm học 2019-2020, ngành giáo dục đào tạo thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho học sinh, giáo viên, sinh viên, giảng viên.

... Thành phố có 180 cơ sở giáo dục, khoảng 280.000 học sinh, sinh viên, toàn bộ giáo viên, giảng viên đại học được gắn mã định danh và được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành; các cơ sở giáo dục đã áp dụng giảng dạy trực tuyến kịp thời, không bị gián đoạn trong suốt thời gian phòng, chống Covid-19. Đa số các trường (nhất là các trường đại học) đều có hệ thống quản lý học tập trực tuyến LMS (Learning Management System), ứng dụng MS Teams, Office 365 của hãng Microsoft hay Zoom…

Năm 2021 đang chờ đón một cuộc cách mạng về giáo dục, hướng đến giáo dục 4.0 của Việt Nam nói riêng và của cả thế giới nói chung. Rõ ràng, Covid-19 đang thúc đẩy nhanh nhu cầu chuyển đổi số trong tất cả các ngành nghề, trong đó có giáo dục ở khắp mọi nơi với tốc độ chóng mặt. Như giám đốc điều hành Microsoft, Satya Nadella phát biểu trong hội nghị báo cáo tài chính trực tuyến của công ty tháng 4-2020: “Chúng ta đã chứng kiến kết quả của chuyển đổi số 2 năm trong vòng chỉ có 2 tháng”. Đứng trước thách thức đó, ngành Giáo dục Việt Nam xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần chú trọng triển khai thực hiện những năm tới đây. Cùng với những kết quả và kinh nghiệm trong thời gian triển khai vừa qua, ngành Giáo dục thành phố Đà Nẵng phải xác định chuyển đổi số là con đường tất yếu, cần xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu của việc chuyển đối số, từ đó có chiến lược, lộ trình một cách cụ thể, tạo nền tảng để kết hợp nguồn lực công-tư.

Chúng ta cần thúc đẩy một số nền tảng cơ bản quan trọng phục vụ Giáo dục như: hạ tầng kết nối (5G, mạng lưới viễn thông, ...) và hành lang pháp lý về an toàn thông tin; chính sách về giáo dục hướng đến đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực số; tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái các công ty đầu tư về công nghệ giáo dục (EdTech): sự tập trung vào việc sử dụng công nghệ trong giáo dục như AI, ML, Blockchain, … sẽ mang lại thành công lớn trong việc giải quyết những thiếu sót đang ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục hiện nay ở Việt Nam. Chính vì thế, cần khuyến khích các công ty khởi nghiệp EdTech để tạo ra các giải pháp sáng tạo không chỉ hỗ trợ cho tình trạng “bình thường mới” - học tập ở nhà thời kỳ hậu Covid mà còn thúc đẩy khả năng tiếp cận và cung cấp chất lượng giáo dục bình đẳng cho tất cả các đối tượng không phân biệt giàu nghèo hay vị trí địa lý. 

Cuối cùng, chúng ta cũng nên nhớ rằng, “Chuyển đổi số” không phải là cây đũa thần để giải quyết mọi vấn đề giáo dục chúng ta đang gặp phải. Những căn bản cốt lõi của giáo dục vẫn còn nguyên giá trị, những tài nguyên cũ vẫn hiện diện, hiệu quả, đã được thử nghiệm và đúng! Hình ảnh người thầy, người cô viết bảng và bụi phấn rơi rơi vẫn là hình ảnh đáng trân trọng của giáo dục Việt Nam qua bao thế hệ hôm nay và mai sau...

GS.TS TRẦN VĂN NAM

.