Nắng yêu thương

.

Năm 2020 trôi qua đầy biến động nhưng khi chồi non báo hiệu mùa xuân mới, những cánh én yêu thương vẫn tiếp tục hành trình mang Tết đến với mọi người, mọi nhà…

Bà Nguyễn Thị Trà Liên trong một lần “mang Tết” đến vùng cao. Ảnh: L.P
Bà Nguyễn Thị Trà Liên trong một lần “mang Tết” đến vùng cao. Ảnh: L.P

1. “Con tên là Trịnh Thị Kim Út, năm nay con 11 tuổi. Con đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Đây là bức tranh con vẽ gia đình đang chúc Tết bà nội. Con mong năm nào cũng khỏe mạnh để cùng ba mẹ đi chúc Tết bà, con mong bà sống lâu, mạnh khỏe”. Những dòng chữ thẳng tắp, đều đặn được cô bé Kim Út viết sau bức tranh mình vừa vẽ xong trên giường bệnh. Bức tranh tươi vui, nhiều màu sắc, trong đó Út mặc chiếc áo dài màu vàng đứng cạnh ba mẹ, tay trao phong bao mừng tuổi cho bà. Bức tranh được em đặt tên: “Nắng may mắn”. Út nói rằng với những bệnh nhi như em, mong muốn lớn nhất lúc này là được mạnh khỏe để tiếp tục theo đuổi giấc mơ đến trường và em mong may mắn đó sẽ đến.

“Nắng may mắn” của Kim Út là một trong nhiều bức tranh do bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vẽ, in trên phong bao lì xì năm nay. Chương trình do dự án thiện nguyện “Ngày mai có nắng” thực hiện và toàn bộ số tiền bán phong bao sẽ được dự án sử dụng vào việc hỗ trợ các bệnh nhi. Anh Lê Văn Ánh, quản lý dự án “Ngày mai có nắng” cho biết đây là năm thứ hai dự án thực hiện in phong bao lì xì do chính các bệnh nhi vẽ để tiếp thêm nguồn kinh phí điều trị. “Nó không đơn giản là chiếc phong bao mà chứa đựng thật nhiều niềm vui, sự ngây thơ, là hy vọng của chính các em trong hành trình chống chọi với bệnh tật”, anh Ánh nói.

Bạn trẻ Đào Văn Vĩnh (hàng sau, giữa) cùng nhóm bạn trong một chuyến thiện nguyện đến với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Ảnh: L.P
Bạn trẻ Đào Văn Vĩnh (hàng sau, giữa) cùng nhóm bạn trong một chuyến thiện nguyện đến với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Ảnh: L.P

Những bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã không đơn độc trong hành trình của mình và chính “Ngày mai có nắng” của Ánh cũng không đơn độc khi liên tục nhận được sự đồng hành từ cộng đồng xã hội. “Có lần, một ông bố còn khá trẻ liên lạc với tôi để gửi tặng chiếc váy mới cho bất kỳ cô bé nào tầm 3 tuổi đang điều trị tại đây. Anh nói anh cũng có một cô con gái 3 tuổi, anh rất thương con và trong lúc chọn mua chiếc váy mừng sinh nhật con gái, anh quyết định chọn thêm một chiếc tương tự và nhờ tôi tặng cho bất kỳ cô bé nào 3 tuổi đang điều trị tại bệnh viện. Chính những điều dễ thương và vô cùng ấm áp ấy đã tiếp sức cho chúng tôi duy trì dự án này”, anh Ánh chia sẻ.

Lê Văn Ánh vốn là thành viên CLB Máu nóng tay yêu thương. Sau nhiều năm đồng hành cùng bệnh nhi, anh quyết định tập trung vào dự án thiện nguyện “Ngày mai có nắng” để mang thêm những yêu thương đến bệnh nhi nghèo. Trong đó, phải kể đến “Ngôi nhà nắng” rộng hơn 20m2 tại tầng 10 Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, nơi Ánh đã dày công chuẩn bị từng hộp màu, từng quyển sách hay những chiếc ô-tô trò chơi, búp bê, vật dụng nhà bếp cho các bé đến vui chơi. Hằng ngày, “Ngôi nhà nắng” đón hàng chục bệnh nhi đến chơi, tạm quên đi những cơn đau đang giày vò cơ thể.

Anh Lê Văn Ánh (giữa) cùng dự án thiện nguyện “Ngày mai có nắng” hỗ trợ bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh H.L
Anh Lê Văn Ánh (giữa) cùng dự án thiện nguyện “Ngày mai có nắng” hỗ trợ bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh H.L

2. Giữa lúc khó khăn, người dân Đà Nẵng không chịu đứng ngoài cuộc chiến chống dịch bệnh. Có thể kể đến những cái tên quá quen thuộc với người dân Đà Nẵng, như: CLB Xe bán tải thành phố Đà Nẵng, CLB Bếp cơm Vạn Tình, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Hương Lam, CLB Máu nóng Hiểu và Thương, CLB Máu nóng Tim Yêu Thương, Nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng...

Trong số đó, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với bà Nguyễn Thị Trà Liên (SN 1965, trú quận Hải Châu), Phó nhóm Thiện nguyện Hiếu Hạnh - Chùa Quán Thế Âm Đà Nẵng với hành trình 45 ngày ngược xuôi hỗ trợ tuyến đầu. Xuyên suốt 45 ngày ấy, bà Liên phối hợp với CLB Bếp cơm Vạn Tình, Nhóm tình nguyện trẻ Đà Nẵng nấu và cung cấp trung bình 1.500 suất cơm mỗi ngày cho các bệnh viện, trung tâm y tế. Hằng ngày, bà Liên cùng các tình nguyện viên bắt đầu công việc từ 3 giờ sáng và thường kết thúc vào cuối giờ chiều.

Từ nấu cơm, sơ chế thực phẩm, chế biến món ăn, cho đến chia phần, chuyển lên xe rồi quay về dọn dẹp, chuẩn bị thực phẩm cho ngày tiếp theo, việc nào cũng có bàn tay bà Liên tham gia. Những suất cơm cho tuyến đầu cứ tăng dần, từ 700 suất lên 1.000 suất, rồi 1.400 suất, có những ngày cao điểm nhóm nấu đến 1.700-1.800 suất nhưng vẫn không đủ để cung cấp. “Có những ngày phát cơm trở về, ai nấy đều đói lả, mệt bơ phờ, phải vét cơm cháy, nấu mì gói để ăn vì không còn dư suất cơm nào. Cực rứa nhưng không thể dừng lại được”, bà Liên chia sẻ.

Cũng chính trong những ngày Đà Nẵng tập trung chống dịch, chàng trai trẻ Đào Văn Vĩnh (SN 1992, trú quận Cẩm Lệ) ngày ngày đến chợ Đầu mối Hòa Cường mua thực phẩm, gia vị về chia thành từng phần nhỏ phục vụ “Quầy hàng 0 đồng” mà anh cùng nhóm bạn lập nên trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Văn Ơn, quận Cẩm Lệ.

Sớm mồ côi cha mẹ, tuổi thơ thiếu thốn giúp Vĩnh hiểu được giá trị của tình yêu thương, sự chia sẻ trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Vĩnh nói, nhìn những cô chú lượm ve chai, bán vé số đạp chiếc xe cọc cạch đến nhận một phần hỗ trợ, Vĩnh không cầm được nước mắt và càng quyết tâm duy trì quầy hàng. Đối với những trường hợp không có phương tiện di chuyển, Vĩnh và tình nguyện viên sẵn sàng “ship” đến tận nơi. Với hình thức này, mỗi ngày “Quầy hàng 0 đồng” của Vĩnh hỗ trợ hàng trăm suất thực phẩm giúp bữa cơm của các em sinh viên, lao động nghèo đầy đủ hơn trong mùa dịch.

Những chiếc phong bì chúc Tết mang nhiều yêu thương của những bệnh nhi trong dự án “Ngày mai có nắng”. Ảnh: HL
Những chiếc phong bì chúc Tết mang nhiều yêu thương của những bệnh nhi trong dự án “Ngày mai có nắng”. Ảnh: HL

3. Hành trình của yêu thương không dừng lại bởi Tết này, những người như anh Ánh, bà Liên hay Vĩnh vẫn miệt mài kết nối những tấm lòng thiện nguyện, sẻ chia tấm lòng cùng hoàn cảnh khó khăn. Những phần quà gồm bánh, kẹo, hạt dưa mang hương vị ngày Tết đã được chuẩn bị từ nhiều nguồn hỗ trợ. Như cách nói của bà Liên, là hơn chục năm nay, không năm nào bà quên chuẩn bị những suất quà xuân cho người nghèo. Bởi theo bà, Tết ai chẳng muốn được nhận quà, nhận lì xì, dù là già trẻ lớn bé; Tết ai chẳng thèm mùi mứt gừng, bánh tét, bánh chưng, ai chẳng ước có vài đồng để mua cân thịt, cân giò. Với những người nghèo khó, già cả neo đơn, họ lại càng mong có chút quà Tết để có được không khí Tết.

“Con cảm ơn cô chú đã mang đến mùa xuân cho tụi con và mong rằng cô chú cũng nhận được thật nhiều “nắng” đến cho mình và gia đình”. Đọc câu chữ trong trẻo của một bệnh nhi ghi phía sau chiếc phong bao lì xì rực rỡ, mới thấy sự động viên, yêu thương dành cho các em là liều thuốc tinh thần vô giá. Để rồi, “Nắng yêu thương”, “Nắng an khang”, “Nắng đoàn viên”, “Nắng bình yên”, “Nắng hạnh phúc”… sẽ sưởi ấm mọi con tim như chính tên gọi mà các bệnh nhi đặt cho những bức tranh ngày Tết của mình.

HUỲNH LÊ - LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.