Báo Đà Nẵng Xuân 2021

Nơi hội tụ nhiều di sản

13:51, 14/02/2021 (GMT+7)

Ngũ Hành Sơn - Non Nước trước hết là một danh lam thắng cảnh với những chùa chiền, hang động huyền ảo, với phong cảnh sơn thủy hữu tình, từng làm say lòng bao tao nhân mặc khách. Nữ sĩ Bảng Nhãn từng bày tỏ cảm xúc:

Cảnh trí nào hơn cảnh trí này

Bồng lai âu hẳn cũng là đây

Núi chen sắc lá màu phơi gấm

Chùa nức hơi hương khói lẫn mây

Toàn cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: XUÂN TƯ
Toàn cảnh Ngũ Hành Sơn. Ảnh: XUÂN TƯ

Năm 1837, vua Minh Mạng cho xây Vọng Giang Đài để ngắm dòng sông Cổ Cò uốn lượn phía tây chân núi, xây Vọng Hải Đài để phóng tầm mắt về phía biển cả mênh mông ở phía đông. Từ nơi này, thi sĩ Phan Hầu cảm tác nên vần thơ bất hủ:

Đưa tay ra vẫy ngoài vô tận

Chẳng biết xa lòng có những ai?

Ghi nhận giá trị vô cùng độc đáo của danh thắng này, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt” cho Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Sau đó, Thủ tướng cũng đã ký quyết định lập nhiệm vụ quy hoạch cho danh thắng này.

Những ngày chuẩn bị đón chào năm mới 2021, ngành văn hóa và thể thao và quận Ngũ Hành Sơn đón nhận thêm một tin vui: Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tại di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn, đây là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ hai sau Di sản Nghề đá mỹ nghệ Non Nước với lịch sử gần 400 năm. Lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội dân gian gắn với tín ngưỡng Phật giáo, được tổ chức định kỳ vào tháng 2 âm lịch hằng năm, thu hút hàng trăm ngàn người dân, tín đồ Phật tử và du khách thập phương. Có thể nói rằng, cho đến nay, lễ hội Quán Thế Âm vẫn giữ được tính chất trong sáng, thuần khiết, đúng nghĩa với tính chất của một lễ hội.

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.  Ảnh: XUÂN SƠN
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: XUÂN SƠN

Tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, còn một loại di sản nữa, rất độc đáo, đó là Văn khắc bằng chữ Hán Nôm trên các vách đá. Về thuật ngữ chuyên môn, văn tự được khắc trên vách đá ở sườn núi được gọi là “Ma nhai”. Theo khảo sát của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán ở Huế thì tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, văn bản Ma nhai hiện lưu tại 5 hang động: Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham, Âm Phủ là khoảng 90 văn bản. Theo các nhà nghiên cứu, Ngũ Hành Sơn là địa phương có số lượng Ma nhai nhiều nhất trong cả nước. Nó có giá trị nhiều mặt, nhất là giá trị văn hóa - lịch sử. Đây là những văn bản được khắc bởi vua chúa, cao tăng, văn nhân thi sĩ... qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhất là dưới thời nhà Nguyễn.

Hiện nay, ngành văn hóa và thể thao thành phố phối hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, đã hoàn thành việc khảo sát, hội thảo, lập hồ sơ gửi Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định để trình UNESCO xem xét đưa Ma nhai Ngũ Hành Sơn vào Danh mục Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến cuối năm 2021, UNESCO sẽ xem xét hồ sơ này. Và nếu được thông qua, thì đây sẽ là di sản thế giới đầu tiên của thành phố Đà Nẵng.

Với 6 ngọn núi đá vôi (vua Minh Mạng gom lại 5 ngọn cho phù hợp với thuyết Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) tọa lạc trên diện tích chưa đầy 2km2, nhưng Danh thắng Ngũ Hành Sơn có cả di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản ký ức. Có thể nói, đây là nơi duy nhất ở Đà Nẵng, là nơi hiếm hoi trong cả nước hội tụ cả 3 loại hình di sản văn hóa như vậy.

Một số điểm tham quan tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn
Một số điểm tham quan tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn

Trước Covid-19, Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, với số lượng gần 2 triệu lượt người/năm. Trong niềm vui thì cũng ẩn chứa nhiều nỗi lo. Làm thế nào để Danh thắng này ngày càng thu hút nhiều du khách, tăng nguồn thu cho địa phương; đồng thời, phải bảo đảm không bị xâm hại, không bị hủy hoại. Chỉ có như vậy, giá trị di tích mới được phát huy, và dịch vụ du lịch mới được phát triển một cách bền vững. Phải bảo đảm du khách đến Danh thắng Ngũ Hành Sơn “không để lại gì ngoài các dấu chân, không mang gì về ngoài các tấm ảnh”.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang phối hợp khơi thông sông Cổ Cò để phát triển kinh tế - xã hội.  Trong ảnh: Một đoạn sông Cổ Cò qua địa phận Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: T.QUỲNH
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đang phối hợp khơi thông sông Cổ Cò để phát triển kinh tế - xã hội. TRONG ẢNH: Một đoạn sông Cổ Cò qua địa phận Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: T.QUỲNH

Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt, là “của trời cho”, là di sản của tiền nhân để lại, là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của Danh thắng phù hợp với Luật di sản văn hóa là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

NSND HUỲNH HÙNG

.