Báo Đà Nẵng Xuân 2021

Phải lòng Đà Nẵng

13:41, 12/02/2021 (GMT+7)

Có lẽ với nhiều người, yếu tố làm nên danh xưng “Thành phố đáng sống” của Đà Nẵng, ngoài những lợi thế về du lịch mà thiên nhiên hào phóng ban tặng, còn là những công trình hiện đại, đường phố thênh thang, khu nghỉ dưỡng cao cấp… được xây dựng trong những năm gần  đây.

Ảnh: LÊ HUY TUẤN
Ảnh: LÊ HUY TUẤN

Với riêng tôi, và tôi tin rằng với không ít người khác, sự hấp dẫn của Đà Nẵng còn ở một góc độ khác. Và do vậy, còn có hình ảnh một Đà Nẵng khác trong tôi, được ghi nhận từ những ngày chưa xa lắm…

Không nhớ rõ vào năm nào, nhưng cũng phải khá lâu sau ngày đất nước thống nhất, tôi mới thực sự đặt chân đến Đà Nẵng. Trước đó, tôi chỉ cảm nhận đôi chút về thành phố này nhờ những lần tàu Thống nhất dừng đỗ tại ga Đà Nẵng khoảng hơn một giờ đồng hồ để làm những thao tác kỹ thuật. Thời gian đó đủ để khách xuống ga tắm gội, nghỉ ngơi sau hàng chục tiếng đồng hồ vật vã, chật chội trên những con tàu xuôi Nam, ngược Bắc thời bao cấp. Cũng bởi vậy mà Đà Nẵng để lại trong tôi những cảm xúc khá dễ chịu, cùng ước mong có một lần được tới thăm thành phố lớn nhất miền Trung này. Như vậy, có thể nói lần đầu tôi vào Đà Nẵng là lúc thành phố gần như không còn chút gì của một “căn cứ quân sự khổng lồ” như truyền thông hay nói trước năm 1975. Nghĩa là nó cũng đã phần nào na ná với các đô thị khác trong cả nước, nhất là những khó khăn, thiếu thốn, thậm chí nhếch nhác thời bao cấp.

Trong cái rủi, có cái may. Chính trong cảnh huống ấy, Đà Nẵng lại gây ấn tượng với người phương xa bởi những gì vốn có, không thể thay thế, và chắc sẽ trường tồn của vùng đất này... Giờ thì Đà Nẵng đã có những cây cầu nổi tiếng làm nên thương hiệu của thành phố. Nhưng vào những năm ấy, người Đà Nẵng  bên bờ tây sông Hàn, muốn qua tắm biển Mỹ Khê thường phải đi qua cầu Nguyễn Văn Trỗi, cây cầu cổ nhất của thành phố, được xây dựng từ năm 1965, hiện được giữ gìn như một “kỷ vật” về những giá trị lịch sử, như một chứng nhân của  Đà Nẵng vận động, phát triển từng ngày.

Du khách ngắm nhìn đô thị Đà Nẵng. Ảnh: TRUNG THU
Du khách ngắm nhìn đô thị Đà Nẵng. Ảnh: TRUNG THU

Có lẽ cũng bởi vậy, bên Mỹ Khê dạo ấy còn khá hoang sơ, một tiêu chuẩn để dân “phượt” đánh giá cao những bãi biển bây giờ. Cũng do bản tính thích những gì tự nhiên, nguyên sơ mà cho đến nay, mỗi khi đến Đà Nẵng, kể cả lúc ở trong những resort 5 sao sang trọng, với những bãi tắm được chăm chút kỹ càng, tôi vẫn thấy nhớ nhung và có chút luyến tiếc những bãi biển Mỹ Khê, Non Nước… ngày nào, cùng rặng phi lao xanh mát, viền bên bãi cát trắng mịn cùng làn nước biển xanh trong, có thể nhìn tận đáy khi nước ngập ngang ngực.

Cùng với bãi biển trong xanh và hoang sơ, Đà Nẵng những năm đó còn hấp dẫn tôi, một anh chàng “đang xoan” sống trong chế độ tem phiếu của thời bao cấp, nghĩa là luôn ở trạng thái thiếu chất triền miên bằng những món ăn vô cùng hấp dẫn. Khỏi phải nói những món ăn dân dã của Đà Nẵng, rộng hơn là xứ Quảng hấp dẫn cái miệng muốn ăn ngon, cùng cái bụng rông rỗng của tôi đến mức nào.

Những cơm gà, mỳ Quảng, cao lầu và đặc biệt là món bánh tráng cuốn thịt heo Khuê Trung có thể nói đã hoàn toàn thu phục cái tâm hồn ăn uống của anh chàng Hà Nội thích ăn ngon và có thể tự hào là cũng biết ăn ngon như tôi. Công bằng mà nói, sự cuốn hút của món ăn này không chỉ ở từ những lát thịt heo hai đầu, sắt khéo bằng những con dao chuyên dụng, mà còn nhờ những gia vị kèm theo, làm nên một tổng hòa ẩm thực tuyệt vời. Chỉ mới nhìn đĩa rau, nghe đâu phải đủ hơn chục loại, mà tôi chưa bao giờ đủ kiên nhẫn để ngồi đếm, cùng hương vị đặc biệt tỏa ra từ bát mắm nêm pha khéo tôi đã  không thể kìm hoãn cái thú được thưởng thức ngay một chiếc cuốn đầu tiên.

Lần đầu trở về từ Đà Nẵng ấy, bên cạnh công thức nhớ nằm lòng về món bánh tráng cuốn thịt heo cẩn thận học được từ bà chủ quán, hành trang của tôi cùng hũ mắm cá cơm, một nguyên liệu không thể thiếu của món bánh tráng cuốn thịt heo, còn có gói khô cá chỉ vàng, khô cá bò… làm quà. Những món nhậu dân dã của Đà Nẵng đã được hoan nghênh nhiệt liệt bởi hội bia hơi mà tôi hay tụ tập trên vỉa hè phố Hàng Vải, một phố cổ Hà Nội, tập hợp toàn những cái miệng sành ăn.

Và không chỉ có hội bia, mà những người thân của tôi cũng vô cùng hoan hỉ khi thưởng thức món bánh tráng cuốn thịt heo, một thứ đặc sản, tất nhiên là với tay nghề của tôi và những thứ gia vị ở Hà Nội, chỉ đạt được già nửa độ ngon ở quán bà Mậu, Khuê Trung. Tuy nhiên, về khoái cảm thì chắc cũng như tôi khi lần đầu được thưởng thức ở Đà Nẵng. Tôi tin là như vậy, bởi đến giờ sau mấy chục năm, các thành viên của gia đình vẫn không thể bỏ qua món đặc sản dân dã này mỗi khi ghé thăm Đà Nẵng.

Ẩm thực là một yếu tố quan trọng làm nên thương hiệu của một vùng đất. Điều ấy thì đã rõ, nhưng suy cho cùng, ẩm thực, những món ăn dân dã là kết tinh của một nền văn hóa, một nếp sống và sự sáng tạo của người bình dân. Vì dường như có một quy luật, những món ăn càng mang đặc trưng của một vùng đất, một quê hương, một cảnh ngộ càng có sức hấp dẫn, hút hồn khách phương xa.

Ảnh: THÁI QUÁN CHÚNG
Ảnh: THÁI QUÁN CHÚNG

Ví như món bánh tráng cuốn thịt heo mà tôi cùng bao người mê đắm. Chắc chắn người thưởng thức món ăn dân dã này sẽ thấy ngon hơn, thú vị hơn nếu biết câu chuyện khởi nghiệp hơn 30 năm trước, lúc cuộc sống còn cơ cực khó khăn, chật vật với chuyện cơm áo gạo tiền của gia đình ông Nguyễn Văn Mậu và bà Lê Thị Hường. Trong một dịp tình cờ, bà làm món bánh tráng cuốn thịt heo đãi bà con hàng xóm, bạn bè… những người đã ủng hộ gánh hàng rong của bà và được họ khen ngon. Thế là ý tưởng kinh doanh món bánh tráng cuốn thịt heo được hình thành. Thời điểm đó, dường như chưa ai kinh doanh món này và với sự khởi đầu tình cờ, ông bà cũng chỉ mong có thể giới thiệu đến mọi người món ăn đặc trưng của quê hương mình.

Thời gian đầu bánh tráng thịt heo bà Mậu cũng chỉ bán cho bà con quanh xóm. Nhưng nhờ bàn tay khéo léo của bà Hường, cộng với chút “tài” nêm nếm, chế biến, món ăn dân dã này được nhiều người biết đến, truyền tai nhau. Rõ ràng câu chuyện khởi nghiệp của ông bà chủ đã làm thêm đậm đà món ăn mà họ sáng tạo, nâng cấp bánh tráng thịt heo Mậu thành thương hiệu nổi tiếng khắp Đà Nẵng với thịt ngon, rau tươi, mắm mặn và tài nêm nếm, pha chế của người sáng tạo ra nó.

Phải lòng Đà Nẵng từ những cảnh vật tự nhiên, món ăn dân dã, tôi dần dà có mối thân quen với người Đà Nẵng. Và cũng nhờ những người bạn ấy mà tôi biết làm những cái cuốn thật khéo, biết người xứ Quảng không chỉ ăn bánh tráng cuốn thịt heo, mà còn cuốn những con cá nục nhỏ tươi rói vừa tầm ngón tay, hấp chín kèm với rau sống cùng nước chấm với hương vị vô cùng đặc biệt. Tôi cũng biết cách ăn mỳ Quảng không dùng thìa, một tay cầm đũa, tay kia là trái ớt xanh mà mỗi khi cắn vừa cho một âm thanh giòn giòn vui tai, vừa cho vị cay dịu mà thơm nồng. Kiểu ăn bộc lộ tính cách chân chất, thật thà mà thân thiện của người Đà Nẵng…Từ những mối tâm giao trong bạn bè, đồng nghiệp, dần dà tôi cảm nhận được sự chân chất, thân tình của người Đà Nẵng, qua những món ăn mà họ đãi bạn phương xa. Mắm mặn, ớt cay, rau thơm ngát… phải chăng cũng góp phần thể hiện một nét tính cách của người Đà Nẵng?

Giờ thì ở Đà Nẵng tôi đã có những người bạn tôi thân đến  mức, ngoài những câu chuyện tâm tình, có thể nhắn nhe xin một túi ớt xanh, một hũ mắm cá hiệu Dì Cẩn, một xấp bánh tráng Đại Lộc, những thức gia vị mà tôi luôn muốn có trong nhà. Cũng có nghĩa là có thể nói mà không sợ quá lời, với những điều vô cùng bình dị ấy thiên nhiên, ẩm thực, con người xứ Quảng đã để thương dể nhớ trong tôi cùng bao du khách khắp mọi miền đất nước.

Một số món ăn của Đà Nẵng được du khách yêu thích khi đến du lịch tại thành phố xinh đẹp này. Ảnh: A.D
Một số món ăn của Đà Nẵng được du khách yêu thích khi đến du lịch tại thành phố xinh đẹp này. Ảnh: A.D

Sau gần nửa thế kỷ đất nước được hoàn toàn giải phóng, từ một căn cứ quân sự khổng lồ trong chiến tranh, Đà Nẵng đã trở thành một thành phố hòa bình, đáng sống. Cũng như bao người, tôi vô cùng khâm phục những thành tựu dựng xây, phát triển, những tòa nhà cao vút, những đại lộ thênh thang, những khu nghỉ dưỡng, sân golf được xếp hạng thế giới. Song trong sâu thẳm đáy lòng, tôi vẫn mong cùng với những gì được xem là biểu hiện của cuộc sống văn minh, hiện đại, những điều mà rất nhiều nơi có thể làm được ấy, Đà Nẵng của tôi và của chúng ta vẫn giữ nguyên những nét bình dị, thân thiện riêng có của mình, những nét ẩm thực dân dã được tạo nên bởi những con người chất phác thân thiện, những cảnh bãi biển nguyên sơ…

Bởi đó mới chính là những gì làm nên bản sắc, khiến Đà Nẵng không lẫn với bất cứ một đô thị nào khác, làm cho Đà Nẵng càng thêm đáng sống, và cũng làm nên nét duyên dáng của thành phố bên bờ Biển Đông này.

TẠ VIỆT ANH

.