Khói bếp quê nhà

.

Người Việt ta, ai không có một vùng quê neo đậu thẳm sâu trong tim mình? Không quê nội thì quê ngoại, không quê chồng quê vợ, thì quê bạn quê bè... Kiểu gì, vùng cây cỏ, sông nước ao hồ, biển cả, rừng núi với những phiên chợ xúm xít, những món ăn dân dã giản dị, những tiếng chào hỏi í ới, những đụn khói bếp bảng lảng chiều hôm cũng nằm trong ngăn ký ức như một “của để dành” vô giá. Năm đôi ba lần, đời người dăm ba bận, ai không ước mong tìm về, để tưới tắm cho tươi xanh lòng mình bởi ít nhiều khô cằn, chênh vênh, bộn bề thường nhật?

Ảnh: ÁNH HỒNG
Ảnh: ÁNH HỒNG

“Sắp Tết rồi, em thèm nhìn và ngửi mùi khói bếp ở quê quá chị”. Nơi xứ xa, những ngày đầu đông giá lạnh, em gái gửi những dòng tin, không dưng tôi nghe như có ai nhẹ nhàng luồn bàn tay vào sâu nơi ngực trái mình bóp mạnh. Tim thắt lại. Tôi hình dung cái bóng nhỏ bé của em trên con đường dài từ nhà ra trạm xe buýt. Xung quanh thưa vắng người. Không một hòn sỏi lá cây nào có tên trong những tinh sương em tôi dò dẫm từng bước chân dài bằng gang tay người lớn, lủi thủi đến trường, nói chuyện với con chuồn chuồn ớt đỏm dáng chờn vờn bay lên đậu xuống, làm bạn với cơ man nào là những bông cỏ xum xuê chỉ chực cọ vào tay vào má như một người lớn hay nựng trẻ con. Không một giọng nói nào loáng  thoáng bên tai, giật mình ngỡ mẹ gọi về tắm táp ăn cơm. Không một đụn khói hăng hăng nồng nồng, bạc màu mềm mại nương theo từng kẽ lá, uốn mình theo gió bay lên, bay cao, bay xa…

Khói bếp quê nhà, đã bao lần làm cay xè mắt bạn trong những ngày mưa dầm ủ ê, miệng thổi phù phù bụng sôi réo rắt, hóng chờ cơm chín? Đã bao lần ủ ấm đôi tay bạn khi gian nhà xiêu vẹo, tứ bề trống hoác, oằn mình run rẩy trong cơn gió mùa lùa về, róng rít như một kẻ đòi nợ rát? Đã bao lần bạn ngồi nhìn những cành củi dừa, củi tre, củi tràm… héo khô còm cõi không còn chút dấu hiệu nào của sự sống chậm rãi, tí tách bắt lửa rồi phừng phừng cháy, sáng, nóng rực cả một góc nhà, nghĩ về sự kỳ diệu ở đời, ngẫm về sự lớn lao không ngờ của những thứ tưởng chừng như chẳng có một chút giá trị nào? Đã bao lần, bạn ngồi đợi chín một củ khoai củ sắn lùi, nơi tranh sáng tranh tối ấy, mơ về một vùng trời khác?

Vùng trời nào đó bạn thấy trên phim, qua lời kể hay hiển hiện bằng vài lần ùa về thăm quê hào nhoáng của những người con tha hương trong làng trong xóm. Vùng trời ấy, hấp dẫn vẫy tay gọi bạn suốt một thời ấu thơ cho đến ngày cứng cáp, có thể tự tung cánh bay đi để một lần được trải nghiệm cho thỏa. Ở vùng trời ấy, chắc hẳn quần áo không ám mùi khói, tay chân không lem luốc vì muội than, bụng không lỏng bỏng vì chén cơm còm cõi mùa mưa lũ… Nơi ấy, bạn đâu biết rằng sẽ chẳng còn có đụn khói bảng lảng chiều hôm. Chẳng có những tiếng tí tách, có vùng ánh sáng ấm sực, soi rõ tóc bà tóc mẹ, soi rõ cả những đốm nâu chi chít trên hai gò má nhăn nhúm tựa quả cà chua chần qua nước sôi của họ? Nơi ấy, bạn sẽ cúi mặt nhận ra một quy luật lạnh lùng, rành mạch: mọi thứ ở đời đều có giá! Chỉ là ít hay nhiều, đáng hay không mà thôi!

Mùa giáp Tết, trong tiết trời se se lạnh, trong ánh mắt thảng thốt của mọi người, kiểu biết rõ sự việc, nhưng khi nó đến vẫn không thôi ngỡ ngàng, nên đành bật thành tiếng xuýt xoa: “Tết rồi, mới đây mà lại Tết! Nhanh ghê!”, trong cái tâm trạng có phần uể oải, mông mênh không gọi tên hay lí giải được của lòng mình, tôi nghĩ về đời người. Có cái gì đó giống như một con đường. Ông, cha, bản thân mình rồi đến con đến cháu chắt mình, người trước kẻ sau lần lượt đều sẽ đặt chân đi. Đoạn đường có thể dài ngắn khác, cách thức có thể khác, đôi giày, hành lí mỗi người mỗi thế hệ có thể khác. Nhưng rốt cuộc, tất cả, đến một lúc nào đó, sẽ rơi về đúng điểm của các tiền nhân đã rơi. Nước mình, quê mình, nhà mình, gò đất, gốc cây, tiếng gà, khói bếp… chính là điểm rơi đó. Nó là cái bến, neo đậu biết bao tâm hồn con người.

Làng quê mình bây giờ khác xưa nhiều. Những tiện nghi tối thiểu như bếp gas, bếp điện gần như nhà nào cũng có. Mấy lần về quê, tôi mừng như trẻ con được quà khi thấy còn nhiều, thật nhiều những chái bếp nhỏ, nằm nép bên mái hiên sau nhà. Lửa vẫn đỏ trong ngày giỗ Tết, khi nấu bánh tét bánh chưng, hầm thịt heo thịt gà. Nhìn những bó củi được xếp ngay ngắn, không dưng nghe thương mến vô cùng cái tính tằn tiện, tiết kiệm của người bà, người mẹ xứ mình, của những con người cả đời chắt chiu, ăn hôm nay nghĩ đến ngày mai, sống đời mình toan lo cho cả đời con đời cháu. “Củi có sẵn vườn nhà mà con, có tốn kém cực khổ gì đâu. Làm sao bỏ cái bếp củi này được!”. Tôi vẫn nhớ cánh tay thoăn thoắt khơi than, thêm củi của mợ và câu nói nhẹ tênh khi trả lời mấy đứa cháu thị thành nhoi nhoi: “Sao nấu củi chi cho cực, mợ!”.

Nếu lâu rồi bạn chưa ngồi lại trong gian bếp củi, ở một vùng quê, hít vào tận buồng phổi cái mùi khói hăng hăng nồng nồng của cỏ cây rơm rạ. Nên chăng, đừng cân nhắc hay hẹn hò lần lựa, hãy lên tàu lên xe, về quê, hoặc đến bất cứ một làng quê nào gần nơi bạn ở, vốn còn rất nhiều ở xứ mình. Nhất là trong những ngày khói sương bảng lảng cuối năm như thế này. Khi tờ lịch co mình mỏng dính trên tường. Khi trong gian bếp các bà, các mẹ, các thím đã tính đến đoàn tụ tình thân, tính đến sên gừng, phơi chuối làm món mứt ngọt ngọt cay cay ấm lòng cho cữ trà sáng, tính đến sắm sửa giặt giũ chăn màn cho thơm tho mới mẻ để có một năm mới hanh thông. Tôi chắc rằng bạn sẽ hiểu cái giản đơn, cái chân tình mộc mạc, cái xiết tay ngồi cạnh nhau lặng lẽ trong những quãng khốn khó, nó có giá trị như thế nào trong việc nâng đỡ bước chân một con người. Tôi chắc rằng bạn sẽ nhận ra, mình vốn đâu cần nhiều đến thế - những thứ mình tưởng - trong đời. Bạn sẽ nhận ra, bất kỳ ai, để cân bằng, để chữa lành, để vui không hề là việc khó khăn!

Khói bếp quê mình, tiếng làng xóm mình, cọng cỏ lá cây, món ăn của xứ mình hóa ra đâu chỉ là vật chất hữu hình. Nó là một phần tâm hồn của mình. Yêu quý, giữ gìn, nâng niu, nhớ nhung tìm về gặp nó chính là dưỡng nuôi tâm hồn – phần cốt lõi nhất của con người. Bất cứ khi nào, bạn cầm một nắm xôi gói trong lá chuối, nghe sống mũi cay cay. Bất cứ khi nào, bạn nghe một tiếng quê vang lên giữa Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Tokyo hay New York như nghe tiếng mẹ, cảm giác thương yêu len đến từng sợi tóc. Bất cứ khi nào, nhất là những chiều cuối năm như thế này, bạn nghe thèm mùi khói bếp quê nhà. Tôi xin ôm mừng bạn một cái. Vì tâm hồn bạn đã có nơi tìm về, có nơi nương tựa. Sẽ chẳng có điều gì khiến bạn ngã được. Hạnh phúc chắc chắn sẽ mỉm cười với bạn.

TRIỆU VẼ

;
;
.
.
.
.
.