Báo Xuân 2023

Người kể chuyện Hoàng Sa

06:19, 19/01/2023 (GMT+7)

Gần 5 năm từ ngày Nhà trưng bày Hoàng Sa được định danh trên bản đồ là nơi lưu giữ những “bằng chứng sống” về lịch sử khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của đất nước đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng là từng đó thời gian, TS. Lê Tiến Công, Giám đốc Nhà trưng bày, gắn bó với vai trò quản lý, nghiên cứu và kể chuyện biển, đảo.

Tiến sĩ Lê Tiến Công tại không gian trưng bày hình ảnh, tư liệu chứng minh chủ quyền pháp lý của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: XUÂN SƠN
Tiến sĩ Lê Tiến Công tại không gian trưng bày hình ảnh, tư liệu chứng minh chủ quyền pháp lý của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: XUÂN SƠN

Nhìn lại quãng thời gian qua, TS. Công gọi đó là “cái duyên” và trách nhiệm. Cái duyên đã hình thành và “dẫn dắt” anh từ những năm tháng học tập, nghiên cứu và làm việc trong ngành lịch sử. “Chủ đề biển đảo đã đi theo tôi trong suốt quá trình học, làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ và nghiên cứu, giảng dạy sau này. Cứ theo đuổi mãi đến khi nhận ra bản thân có hứng thú đặc biệt với chủ đề này”, anh kể lại.

Năm 2017, đầu sách “Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885” của Nguyễn Tiến Công được NXB Khoa học xã hội ra mắt. Đây đồng thời là luận án tiến sĩ được anh thực hiện trong thời gian công tác ở Trường Đại học Phan Châu Trinh (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) giai đoạn 2008-2017.

Với việc công bố nhiều thông tin, tư liệu giá trị về lịch sử, chủ quyền biển, đảo đất nước theo hướng tiếp cận mới, đề tài trên từng đoạt giải “Công trình nghiên cứu Biển Đông xuất sắc năm 2015” của Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và giải Nhất Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật. Những nghiên cứu về biển, đảo là tiền đề để TS. Lê Tiến Công đến và gắn bó với Nhà trưng bày Hoàng Sa thời gian sau này. “Thời điểm Nhà trưng bày Hoàng Sa được khởi công xây dựng cho đến khi hoàn thành, chính quyền thành phố Đà Nẵng tìm kiếm người làm việc tại đây. Đó là cơ hội để tôi được trở thành một phần của nhà trưng bày cho đến hôm nay. Đó luôn là quyết định đúng đắn”, TS. Lê Tiến Công chia sẻ.

Đón hơn 87.000 lượt khách

Gần 5 năm trước, Nhà trưng bày Hoàng Sa được khánh thành trên chính con đường mang tên quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng, trở thành “địa chỉ đỏ” của nhiều người dân, du khách. Tính đến 20-10-2022, nơi đây đón 87.284 lượt khách với 1.406 đoàn khách là học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang, cơ quan Nhà nước, khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập và tìm hiểu.

Lưu giữ bằng chứng chủ quyền

“Xin chào, tôi là Noel Rousset, là một người Pháp yêu đất nước Việt Nam. Tôi đã xin visa ở Việt Nam được 3 tháng, đến cuối tháng 5 này tôi sẽ quay trở lại Pháp, trước khi về tôi muốn được một lần đến thăm bảo tàng về quần đảo Hoàng Sa duy nhất này.

Tôi rất vinh dự khi được đến thăm đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là tìm hiểu về quần đảo Hoàng Sa. Tôi biết Hoàng Sa là của Việt Nam và cả thế giới đều phải thừa nhận điều đó. Không chỉ cá nhân tôi mà rất nhiều người Pháp đều biết rằng trong lịch sử Việt Nam, vua Gia Long là vị vua đầu tiên đã đặt chân đến quần đảo Hoàng Sa”.

Đó là những dòng lưu niệm của bác sĩ Noel Rousset, người từng làm việc trong lực lượng hải quân Pháp, gửi lại Nhà trưng bày Hoàng Sa trong chuyến tham quan đầu năm 2019. Về nước, Noel tìm kiếm tư liệu về biển, đảo mang hiến tặng cho UBND huyện Hoàng Sa. Mùa hè vừa qua, ở tuổi 80, ông trở lại Đà Nẵng, mang theo nhiều tư liệu có giá trị để hiến tặng, làm phong phú thêm tư liệu của nhà trưng bày.

Gần 5 năm gắn bó với Nhà trưng bày Hoàng Sa, TS. Lê Tiến Công gặp gỡ và làm việc với nhiều tấm lòng vì chủ quyền biển, đảo Việt Nam như Noel Rousset. Họ đóng góp rất lớn vào con số 5.583 tư liệu, hiện vật giá trị do UBND huyện Hoàng Sa quản lý (tính đến 20-10-2022). Trong đó, có nhiều tư liệu kỳ công như 600 file phản ánh giai đoạn từ năm 1938 với tranh chấp Pháp - Nhật trên quần đảo Hoàng Sa đến đầu thập niên 50 của thế kỷ XX do TS. Lê Nam Trung Hiếu dày công sao chụp từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hải ngoại Pháp; hay Bộ sưu tập báo chí “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” dày 1.000 trang với kích thước 60cm x 40cm do vợ chồng ông Trần Thanh Phương và bà Phan Thu Hương hiến tặng; hơn 100 bản đồ và Atlas Trung Quốc không có hình ảnh Hoàng Sa của ông Trần Thắng (Việt kiều Mỹ); thông tin về Hoàng Sa từ nhân chứng Lê Đình Rê - thuyền trưởng tàu quân vận Việt Nam Cộng hòa đi cứu hộ binh lính trận Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974…

“Chúng tôi luôn trân quý và xúc động trước việc cộng đồng nỗ lực vì chủ quyền Hoàng Sa và biển, đảo Việt Nam, trong đó có những người bạn nước ngoài. Tư liệu về Hoàng Sa nói chung hiếm, tư liệu gốc lại càng ít hơn nữa. Những nhân chứng và những người dày công sưu tầm tư liệu để hiến tặng là động lực để chúng tôi nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của mình ở nhà trưng bày”, TS. Lê Tiến Công chia sẻ.

Hơn ai hết, anh hiểu được khó khăn trong việc tìm kiếm, sưu tầm tư liệu suốt những năm qua. Đó là chuyến hành trình dày công tìm tòi, sưu tầm, liên hệ chia sẻ từ các địa phương, các cơ quan lưu trữ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm… “Tư liệu về biển, đảo được quản lý đặc biệt nghiêm ngặt. Nhiều trường hợp chúng tôi phải lặn lội đến tận nơi không chỉ một mà rất nhiều lần để hoàn tất việc thu nhập và có được sự đồng ý chia sẻ tư liệu từ các đơn vị bạn”, TS. Công kể. Anh tâm niệm, thêm một tư liệu hay một hiện vật là thêm một mảnh ghép bổ sung cho bức tranh chứng minh chủ quyền pháp lý của quần đảo Hoàng Sa. Hành trình đó vẫn sẽ tiếp tục.

Một số hình ảnh tại không gian trưng bày các tư liệu, hiện vật tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: XUÂN SƠN
Một số hình ảnh tại không gian trưng bày các tư liệu, hiện vật tại Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: XUÂN SƠN

Gìn giữ giá trị biển, đảo cho thế hệ sau

Từ sự kết nối của UBND huyện Hoàng Sa với nhà trưng bày, TS. Lê Tiến Công có dịp gặp gỡ nhiều nhân chứng. Họ đến đây, đứng giữa hơn 400 tư liệu và hiện vật giá trị được trưng bày, kể câu chuyện mình đã trải trong sự xúc động, tự hào và khắc khoải khi nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của Tổ quốc. “Trong thâm tâm chúng tôi, sự có mặt của mỗi nhân chứng hay khách tham quan không đơn thuần là ghé thăm. Nó như một buổi về nhà, về với cội nguồn lịch sử”, TS. Công bày tỏ.

Theo TS. Công, tùy đối tượng khách đến nhà trưng bày mà có nhiều cách tuyên truyền ở góc độ khác nhau. “Khách nước ngoài thường thích đặt nhiều câu hỏi khi tham quan, như: “Hiện vật này giá trị ra sao?”, “Sự kiện này diễn ra thế nào?”, “Vì sao tàu ĐNa 90152 có nhiều vết hư hại được trưng bày ở đây?”.

Đó là lúc chúng tôi có cơ hội kể một cách chân thực nhất câu chuyện về Hoàng Sa và Trường Sa với bạn bè quốc tế”, TS. Công chia sẻ. Khi ấy, mạch cảm xúc của những vị khách và người thuyết minh được hòa vào dòng chảy của câu chuyện về chủ quyền. Có những vị khách “có tâm”, sẵn sàng động viên, tư vấn về kinh nghiệm trưng bày hiện vật, truyền thông rộng rãi…

Trong tương lai, TS. Công hy vọng Nhà trưng bày Hoàng Sa được phép nâng cấp thành bảo tàng với nhiều hạng mục xoay quanh câu chuyện chủ quyền, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa biển, đảo; hình thành trung tâm nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa nhằm phát triển nơi đây thành điểm giao lưu quốc tế về hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

“Tôi và những anh chị em ở Nhà trưng bày Hoàng Sa luôn chia sẻ với nhau rằng, mọi người đang thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, là gắn bó sự nghiệp của mình với Hoàng Sa và Trường Sa, để lan tỏa câu chuyện về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đến với cộng đồng trong và ngoài nước. Đó là những giá trị phải được gìn giữ không chỉ cho hiện tại mà còn cả thế hệ mai sau”, TS. Lê Tiến Công nhấn mạnh.

XUÂN SƠN

.