Ý nghĩa biểu trưng của mèo trong ngôn ngữ và văn hóa

.

Ngẫm về biểu tượng mèo trong ngôn ngữ và văn hóa của người Việt chính là dịp để hiểu đúng hơn, sâu hơn về các ý niệm về loài vật cầm tinh năm Mão, rất gần gũi và thân quen trong tâm thức người Việt.

Mèo, mão, miêu tiếp cận từ nguyên và ngữ nghĩa

Tiếng Việt có nhiều từ được dùng để gọi tên loài vật này: mèo, miêu, meo…, chưa kể hàng chục tổ hợp từ phái sinh từ chính ba từ cơ bản này như: mèo đen, mèo trắng, mèo tam thể, mèo mun, mèo mả, mèo hoàng, ...

Xét về từ nguyên, Nguyễn Cung Thông [1] cho rằng miêu là từ Hán Việt, nghĩa là mèo, nhưng nghĩa Hán cổ đại của miêu là loài hổ ít lông chứ không phải là mèo. Dữ kiện này hỗ trợ cho khả năng Mão (卯) chỉ là một cách ký âm của một tiếng nước ngoài (tiếng Việt cổ) nhập vào tiếng Hán.

Huệ Thiên thì cho rằng thường người ta vẫn mặc định người tuổi Hợi cầm tinh con heo, người tuổi Dần cầm tinh con cọp, người tuổi Tuất cầm tinh con chó..., nhưng tuất không có nghĩa là chó, dần không có nghĩa là cọp, mão không có nghĩa là mèo[2]... An Chi cho rằng, trong 12 con giáp, chỉ có con mèo thuộc chi Mẹo (cũng đọc Mão) là “bất hạnh” nhất vì không được khắc họa bằng chữ tượng hình trong giáp cốt văn như 11 con còn lại: con chuột có chữ thử; con trâu, chữ ngưu; con cọp, chữ hổ; con rồng, chữ long; con rắn, chữ xà; con ngựa, chữ mã; con dê, chữ dương; con khỉ, chữ hầu; con gà, chữ kê; con chó, chữ khuyển; con heo, chữ thỉ[3]. Nghĩa là, năm Mão ứng với con thỏ (thố). Điều này có thể tìm thấy bằng chứng trong ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, 12 con giáp thường là từ ghép như tý thử (子鼠), sửu ngưu (丑 牛), dần hổ (寅虎), mão thố (卯兔), thìn long (辰 龍), tỵ xà (巳 蛇), ngọ mã (午 馬), mùi dương (未 羊), thân hầu (申 猴), dậu kê (酉 雞), tuất cẩu (戌 狗), hợi thỉ (亥 豕).

Tại sao lại như vậy? Mèo là cầm tinh 1 trong 12 con giáp (con vật thứ 4) ở Việt Nam, đại diện cho năm Mão (卯). Tuy nhiên, tại Trung Quốc (và một số quốc gia ảnh hưởng văn hóa Hán khác như Nhật, Hàn, Thái, Lào), con vật cầm tinh ứng với năm Mão lại là con thỏ. Về sự khác biệt này, cho đến nay, đã có nhiều cách giải thích khác nhau. Theo Philippe Papin, vì âm đọc của chữ “mão”(卯) trong tiếng Hán gần giống với “mèo” cho nên người Việt đã lấy luôn con mèo làm con giáp đại diện cho năm Mão.

Học giả An Chi lại giải thích khác với quan điểm khác biệt: Con mèo chỉ hiện diện trong Hán tự bằng chữ miêu (貓) là một hình thanh tự mà nghĩa phù là trĩ (thường đọc trãi) còn thanh phù là miêu (nghĩa là cái mầm hoặc cây lúa non)[4]. Còn chữ mão (卯) có âm Hán Việt xưa đọc là mẹo và âm Hán Việt nay là mão và có nghĩa gốc là cái lỗ mộng. Chữ này về sau còn được dùng theo lối giả tá để ghi tên gọi của chi thứ tư trong thập nhị chi là chi Mẹo, cũng còn đọc là mão[5]. Từ cách lập luận đó, tác giả kết luận: “Mão (卯), mà âm xưa hơn là mẹo, chính là tên của giống mèo, mà cho đến nay người Việt vẫn giữ đúng trong hệ thống mười hai con giáp, trong khi ở ngay Trung Quốc và một vài nước khác thì mèo đã bị thỏ truất ngôi”[6].

Điều chúng ta biết rõ ràng nhất hiện nay là, con vật cầm tinh cho năm Mão ở Việt Nam là con mèo, chứ không phải là con thỏ như ở Trung Quốc. Nguồn gốc sâu xa có thể còn tranh luận nhưng việc chọn mèo đại diện cho năm Mão cũng là một nét riêng của người Việt và văn hóa Việt.

Con mèo trong ngôn ngữ và văn hóa Việt

Mèo đã sống gần gũi với loài người ít nhất 9.500 năm. Cho đến gần đây, mèo được cho rằng đã được thuần hóa trong thời kỳ Ai Cập cổ đại, nơi chúng được thờ cúng và hiện nay chúng là con vật cưng phổ biến nhất trên thế giới với 600 triệu con và mèo đã trở thành con vật quen thuộc của nhiều gia đình và người bạn thân thiết của trẻ con và phụ nữ [7].

Trên thế giới, mèo là con vật mang nhiều ý nghĩa biểu trưng/biểu tượng trái ngược nhau. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới [8], ở Ấn Độ, người ta tìm thấy tượng những con mèo khổ hận biểu thị cho phúc lạc của thế giới động vật. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, mèo hay được xem là sứ giả của điềm lành, người ta bắt chước điệu bộ của nó cũng như con báo, trong các điệu múa nông nghiệp. Người Ai Cập cổ đại khắc họa mèo như một vị thần có khả năng ban phúc và bảo hộ...

Vậy, con mèo thường mang những ý nghĩa biểu trưng gì trong đời sống văn hóa và tâm linh người Việt?

Trong tâm thức của người Việt, mèo thường chủ yếu biểu trưng cho những ý nghĩa tiêu cực (xấu nghĩa): chỉ những người xấu, những cử chỉ không đẹp. Chẳng hạn, mèo khen mèo dài đuôi; mèo già hóa cáo; mèo nào chẳng ăn vụng mỡ; mèo nào chê thịt mỡ. Đặc biệt, cách nói mèo mả, gà đồng có hàm ý rất xấu là “mèo ở mả, gà ở đồng, không ở nhà, chỉ những hạng người không có căn cứ, vô lại, ví như những kẻ trốn chúa lộn chồng” [9]

Mèo thường được dùng cặp đôi với chó hoặc chuột thành biểu tượng mèo - chó hay mèo - chuột. Ý niệm con chó và con mèo đi với nhau biểu trưng cho sự mâu thuẫn, hoặc có ý nghĩa tiêu cực như mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu; chó ghét đứa gặm xương, mèo thương người hay nhữ, hàm ý “chỉ thói đời, tranh giành quyền lợi của người ta dễ bị ghét, làm lợi cho người khác thì được quý trọng”[10]; kiểu chó chê mèo lắm lông, mình cũng xấu kém lại chê bai người khác xấu kém[11]. Nhà nghiên cứu Trịnh Sâm đã lý giải rất thú vị rằng “xét riêng hai yếu tố chó - mèo và cả những câu tục ngữ, thành ngữ được cấu tạo từ tên hai con vật này, thường hàm theo sắc thái nghĩa không tốt. Thậm chí, chúng đã trở thành những phạm trù đối ứng, tạo nên những thành ngữ vừa nhịp nhàng trong cấu trúc, vừa bóng bẩy ở ý nghĩa: mèo hoang, chó lạc, mèo đàng chó điếm, mèo lừa chó lọc...”[12]

Trong tương quan với chuột, mèo cũng không “sang trọng” hơn chút nào cả. Các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ xưa cũng vay mượn quan hệ tự nhiên giữa chuột và mèo để phản ánh quan hệ xã hội phong kiến xưa trong bức tranh “Đám cưới chuột” đầy ý nghĩa. Người Việt xưa đã mượn bức tranh “Đám cưới chuột” để gián tiếp lên án bọn quan tham, đục khoét của công trong xã hội.

Quả thật, ngẫm về biểu tượng mèo trong ngôn ngữ và văn hóa của người Việt chính là dịp để hiểu đúng hơn, sâu hơn về các ý niệm về loài vật cầm tinh năm Tuất, rất gần gũi và thân quen trong tâm thức người Việt. Sự ý niệm hóa hình ảnh loài vật này trong ngôn ngữ và văn hóa phải được hiểu từ ngôn ngữ biểu tượng, ngôn ngữ biểu trưng mà chúng được ký thác qua mỗi câu nói dân gian trong đời sống xã hội và văn hóa Việt. Ý niệm về loài mèo trong ngôn ngữ và văn hóa, đôi khi, cũng là lời nhắn gửi của cha ông ta bao đời nay về lẽ đời và nếp đạo. 

PGS.TS TRẦN VĂN SÁNG

--------------------------
[1] Nguyễn Cung Thông, Nguồn gốc Việt Nam của 12 con giáp: Mão-Mẹo-mèo. Nguồn: ngonnguhoc.org.vn
[2] Huệ Thiên, Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2017, tr. 227
[3] Huệ Thiên, Sđd, tr.247
[4] An Chi, Từ thập nhi chi đến 12 con giáp, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh,2018, tr.73
[5] An Chi, sđd, tr.79.
[6] An Chi, sđd, tr.111.
[7] Theo https://vi.wikipedia.org
[8] Xem trong: Chevalier, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, 1997.
[9] Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, NXB KHXH, Hà Nội, 1954, tr.245
[10] Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 2000, tr.176.
[11] Nguyễn Lực, Lương Văn Đang, Thành ngữ tiếng Việt, NXB KHXH, 1993, tr.85
[12] Trịnh Sâm, Chỉ một từ mèo, Tạp chí Sông Hương, 23/1/1987. Nguồn: http://tapchisonghuong.com

;
;
.
.
.
.
.