"Bếp ăn" của thế giới

.

Mì Quảng, bánh chưng, cá nục rim..., các món ăn dân dã, mộc mạc, tinh tế, mang đậm nét quê được những người con Đà Nẵng và xứ Quảng nêm nếm bằng tình yêu với văn hóa ẩm thực, con người và cả lịch sử của vùng đất quê hương; lan tỏa đến bạn bè quốc tế những hương vị truyền thống, hòa lẫn với nét hiện đại để ghi dấu ấn trong lòng du khách thập phương.

Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực thành phố Đà Nẵng tổ chức giao lưu ẩm thực với đoàn Hải quân Mỹ vào tháng 6-2023. Ảnh: VĂN HOÀNG
Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực thành phố Đà Nẵng tổ chức giao lưu ẩm thực với đoàn Hải quân Mỹ vào tháng 6-2023. Ảnh: VĂN HOÀNG

Những “đại sứ” văn hóa ẩm thực

Trở về sau cuộc thi “Master Chef Vietnam 2015” (Vua đầu bếp Việt Nam 2015), chị Phạm Thị Tuyết cùng cộng sự chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân và viết nên câu chuyện ẩm thực mang tên “Mì Quảng” từ thương hiệu Nu Đồ Kitchen. Bằng tình yêu, sự tâm huyết với món ăn quê hương cùng vị giác nhạy bén, chị Tuyết đã thổi hồn và nâng tầm món ăn truyền thống của con người xứ Quảng đến nhiều du khách quốc tế. Gần 5 năm trên hành trình ẩm thực với Nu Đồ Kitchen, khoảng 60% du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, châu Mỹ, Úc và Hàn Quốc bị chinh phục bởi hương vị của món mì Quảng.

Theo chị Tuyết, để giới thiệu một món ăn ngon, đậm đà bản sắc vùng miền đến du khách, điều kiện đầu tiên là nguyên liệu phải xuất phát từ địa phương. Trong quá trình chế biến, đầu bếp cần “thổi” vào những câu chuyện, giá trị văn hóa ẩm thực, hòa quyện với sự tinh tế của hương vị vừa mang nét truyền thống, vừa mang sự hiện đại, hội nhập để gây “thương nhớ” với du khách. Những câu chuyện truyền tải phải thực tế, xuất phát từ con người, vùng đất và văn hóa ẩm thực bản địa. Khi thực khách thưởng thức, họ không chỉ cảm nhận được món ăn ngon, sự tâm huyết của đầu bếp mà còn hiểu được giá trị của món ăn.

Chị Tuyết cho rằng, ẩm thực là một trong những yếu tố giữ chân du khách và cơ sở để du khách lựa chọn quay lại lần thứ hai. Vì vậy, sử dụng nguyên liệu địa phương và hương vị truyền thống để chuyển đổi thành hương vị quốc tế, phù hợp thị hiếu hiện đại là yếu tố quan trọng. Hơn hết, món ăn phải thơm, đậm đà và quyện vị, tạo cảm giác mới lạ nhưng quen thuộc đối với du khách quốc tế. Đó là kim chỉ nam, kinh nghiệm được đúc kết của chị Tuyết khi được trải nghiệm, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, con người, ẩm thực trên thế giới.

Theo chị, hành trình ghi dấu ấn trên bản đồ ẩm thực của Việt Nam, tạo “bếp ăn” của thế giới không dễ dàng. Tuy nhiên, những người trẻ với tư duy mở, hội nhập và tình yêu mãnh liệt với quê hương sẽ là thế hệ vàng tiếp nối sứ mệnh lan tỏa sự đặc sắc, ấn tượng của ẩm thực xứ Quảng và Đà Nẵng đến với bạn bè quốc tế.

Chị Huỳnh Thị Thu Thủy, Giám đốc HTX Bà Ba Hội (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), bày tỏ, ẩm thực là cầu nối gắn kết du khách với địa phương và mỗi người dân đóng vai trò là một “đại sứ” văn hóa ẩm thực. Việc giới thiệu các món ăn mang đậm hương vị quê hương đến với bạn bè quốc tế không chỉ là cơ hội mang văn hóa vùng miền, bản địa ra thế giới mà còn tạo nên thương hiệu ẩm thực địa phương và Việt Nam nói chung. Với sự tâm huyết đó, HTX Bà Ba Hội đã liên kết, hợp tác với Công ty CP Quốc tế LNS để phân phối các sản phẩm cá nục rim, bánh chưng, mì Quảng ếch, cá bống rim chính ngạch sang thị trường Mỹ và giới thiệu đến với các thị trường châu Âu, New Zealand...

“Ẩm thực xứ Quảng và Việt Nam rất đa dạng và đặc sắc, tuy nhiên, chỉ số ít món ăn đặc trưng như phở hay bánh mì được “định vị” trên bản đồ ẩm thực thế giới. Việc xuất khẩu các món ăn quê hương đến những thị trường quốc tế không đơn thuần giới thiệu về món ăn dinh dưỡng, ngon mà còn thể hiện quá trình sáng tạo, tinh hoa của ẩm thực xứ Quảng”, chị Thủy cho hay.

Á quân Vua đầu bếp Việt Nam 2015 Phạm Thị Tuyết (giữa) chụp ảnh giao lưu cùng các đầu bếp đoàn Hải quân Mỹ vào tháng 6-2023. Ảnh: VĂN HOÀNG
Á quân Vua đầu bếp Việt Nam 2015 Phạm Thị Tuyết (giữa) chụp ảnh giao lưu cùng các đầu bếp đoàn Hải quân Mỹ vào tháng 6-2023. Ảnh: VĂN HOÀNG

Để ẩm thực Đà Nẵng vươn tầm thế giới

Theo chị Tuyết, Đà Nẵng là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển về du lịch ẩm thực. Nhằm tận dụng hiệu quả những lợi thế có sẵn rất cần sự hỗ trợ của chính quyền, sự chung tay của cộng đồng kinh doanh ẩm thực và người dân địa phương. Mặt khác, cần tạo nên những “signature” (dấu ấn), điểm đặc trưng của món ăn với sự phát triển bền vững của các thương hiệu. Thành phố cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá, tổ chức các cuộc thi để hỗ trợ cho các thương hiệu ẩm thực về các vấn đề truyền thông, quảng bá ẩm thực địa phương với du khách trong nước và quốc tế; chia nhỏ chặng đường, giai đoạn để tạo nên hành trình hiệu quả và có những chương trình hỗ trợ cụ thể liên quan đến lĩnh vực ẩm thực. Bên cạnh đó, quy tụ đội ngũ chuyên gia am hiểu sâu về bếp núc, hương vị, kinh doanh… để hỗ trợ với mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến ẩm thực đặc sắc.

Ông Lý Đình Quân, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực thành phố Đà Nẵng, nhìn nhận Đà Nẵng cùng với các địa phương lân cận có nét ẩm thực đặc sắc; hình thành trong quá trình sáng tạo của nhân dân, đúc kết bởi nhiều thế hệ và có yếu tố văn hóa sâu sắc. Một số món ăn nổi bật của thành phố được nhiều du khách quốc tế biết đến như bún chả cá, gỏi cá Nam Ô, chả bò…

Trong quá trình phát triển văn hóa ẩm thực, Đà Nẵng cần hội tụ nguồn lực của nhiều tổ chức liên quan để tạo nên thương hiệu ẩm thực của thành phố; đòi hỏi hình thành những món ăn chuyên nghiệp, thông qua việc khai thác, tập hợp tri thức để định vị món ăn của riêng, gắn với nguồn gốc văn hóa, lợi thế bản địa, tài nguyên, con người... Qua đó, xây dựng cơ sở dữ liệu món ăn và khung tiêu chuẩn, quy trình chế biến, tạo nên tài sản về văn hóa ẩm thực cho Đà Nẵng. Việc xây dựng đội ngũ đầu bếp, nghệ nhân văn hóa ẩm thực là mục tiêu mà thành phố cần hướng tới. Song, đào tạo thế hệ tài năng trẻ về đầu bếp, nghệ nhân để thúc đẩy sự phát triển ẩm thực địa phương là thách thức lớn trong thời kỳ hội nhập của thế giới.

Chính vì vậy, cần dung hòa văn hóa địa phương với yếu tố hội nhập qua việc tư duy, hành động, định hướng văn hóa ẩm thực dựa trên các yếu tố là cảm xúc và trí tuệ, sự gắn kết đa văn hóa, tạo thuận lợi cho thương hiệu bản địa đi xa và phát triển hơn. Để thực hiện mục tiêu văn hóa ẩm thực Đà Nẵng thành thương hiệu toàn cầu cần xây dựng hệ sinh thái. Đây là nơi hội tụ 3 nguồn lực gồm: chính quyền, các trường học, cơ sở đào tạo và hội, hiệp hội về du lịch, ẩm thực. Trong đó, doanh nghiệp, đầu bếp, nghệ nhân, chuyên gia văn hóa ẩm thực đóng vai trò quan trọng trong hình thành hệ sinh thái, thúc đẩy các nhân tố lớn là món ăn - tài năng - đầu bếp (nhân lực).

“Một hệ sinh thái cần những con người tiên phong, lãnh đạo, doanh nhân, người làm giáo dục có trách nhiệm, cùng liên kết, hợp tác và hướng về mục tiêu chung để giải quyết những thách thức lớn trong quá trình đưa văn hóa ẩm thực Đà Nẵng vươn tầm thế giới”, ông Quân nhấn mạnh.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.