Báo Xuân 2024
Boston, dấu xưa còn lại...
Tôi đến Boston vào một ngày cuối hạ. Thành phố cổ kính ở bờ đông nước Mỹ không sầm uất với nhà chọc trời như New York, không sôi động như Los Angeles ở bờ tây hoặc Chicago ở vùng Trung Mỹ, chỉ có những dãy phố ngang dọc với màu gạch đỏ đặc trưng. Nhưng bù lại, dọc theo lối phố, vẫn có rất đông những đoàn khách du lịch. Họ từ khắp nơi đổ về, người Mỹ cũng có nhưng du khách nước ngoài đông hơn. Cũng phải thôi, bởi lẽ Boston là thành phố có bề dày lịch sử, văn hóa của bờ Đông và cả nước Mỹ, là trung tâm giáo dục hàng đầu với hai trường đại học nổi tiếng thế giới là Havard và MIT.
Theo chỉ dẫn địa lý từ bản đồ số, tôi tìm về một địa chỉ đặc biệt, khách sạn Omni Parker House. Không quá khó để tìm ra, vì ngay từ đầu con phố đã nhìn thấy dòng người du lịch đổ vào khách sạn khá đông. Tôi gọi địa chỉ đặc biệt vì nơi đây có một người thợ Việt Nam làm bánh trong hai năm, từ năm 1911 đến năm 1913. Người thợ đó về sau trở thành lãnh tụ của cách mạng Việt Nam - Hồ Chủ tịch.
Hình ảnh trang trọng của Hồ Chủ tịch tại khách sạn Omni Parker House. Ảnh: X.H |
Khi nghe giới thiệu tôi là du khách Việt Nam đến thăm, một người đàn ông lớn tuổi tên Dan làm quản lý nhân viên lễ tân ở khách sạn tỏ ý vui mừng. Dan làm việc ở khách sạn này 44 năm, từ năm 1979. Ông cầm tay tôi lắc lắc: “Anh đã đến đúng nơi. Chúng tôi rất vui mỗi khi có người Việt Nam ghé thăm”. Và dường như biết trước, Dan dẫn tôi vào ngay sảnh chính, nơi du khách thường nghỉ chân trước khi chọn phòng. Ngay ở lối đi chính, phía bên phải là một khu vực nhỏ nhưng vuông vức, có rào chắn làm bằng dây vải đỏ. Nhiều du khách đang đứng xem trước khu vực này.
Tôi nhận ra ngay, đó là nơi khách sạn giới thiệu với du khách về hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời thanh niên trai trẻ, lúc còn là Nguyễn Tất Thành dưới cái tên người thợ Văn Ba đến từ Việt Nam xa xôi tận bên kia bán cầu. Tuy không quá rộng nhưng khu vực này có khá nhiều hình ảnh, tư liệu, thêm cả một màn hình trình chiếu tóm tắt về cuộc đời và hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch. Nhiều du khách đứng xem không giấu nổi ánh mắt ngạc nhiên và thán phục. Dan nói nhỏ với tôi: “Du khách nước ngoài cũng như người Mỹ đến đây chúng tôi đều giới thiệu với họ về vị lãnh tụ của đất nước các bạn. Thật vinh hạnh cho khách sạn chúng tôi”.
Từ sảnh chính, Dan mời tôi lên tầng 2 của khách sạn. Ở đây ngay cạnh hội trường lớn là một căn phòng được thiết kế như bảo tàng nhỏ. Trừ lối ra vào, còn lại ba mặt tường là hình ảnh, hiện vật của các yếu nhân đã ở, làm việc hoặc tham gia các sự kiện đã từng xảy ra ở khách sạn Omni Parker House. Dan bảo “Anh thấy đó, chúng tôi rất trân quý các tư liệu, hình ảnh có được. Những nhân vật này đã làm cho khách sạn chúng tôi trở thành một thương hiệu, một đẳng cấp khác”.
Đúng như lời Dan nói, bên cạnh hình ảnh Hồ Chủ tịch tôi đã kịp nhìn ra và biết, tại khách sạn này dòng họ John Fitzgerald Kenedy đã chọn là trung tâm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ lần thứ 35. Nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi của nước Mỹ cũng đến ở, làm việc và giao lưu văn hóa tại đây như các nhà văn Emerson, Thoreau, Longfellow, các nghệ sĩ lớn như Sarah Bernhardt, Charlotte Cushman…
Khi trò chuyện với Dan qua lời phiên dịch của con gái tôi, tôi nhận ra được tình cảm của Dan cũng như toàn bộ đội ngũ quản lý, nhân viên của khách sạn Omni Parker House với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dan kể, ông chưa được vinh hạnh gặp Người nhưng qua lời kể của các thế hệ quản lý trước đây, ông hình dung ra người thanh niên Văn Ba có một nghị lực phi thường, một tinh thần yêu nước nồng nàn. Nếu không, làm sao giải thích được một người thanh niên trẻ tuổi vào thời ấy dám đơn độc dặm trường đến tận nước Mỹ xa xôi, chỉ để tìm kiếm một con đường cách mạng cho dân tộc, cho đất nước.
Nhớ lại, trước khi đến đây, tôi đã tìm hiểu và hỏi một vài người am hiểu lịch sử. Câu hỏi tôi đặt ra, tại sao khi đến Mỹ, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành không tìm đến những thành phố khác như Washington D.C. hay New York? Những câu trả lời đều không chắc lắm nhưng gặp nhau một điểm. Có chăng, khi tìm kiếm con đường cách mạng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành muốn đến Boston bởi lẽ thành phố bờ đông nơi cửa sông giáp biển này là một trong những cái nôi của cách mạng Mỹ, nơi khởi phát các phong trào đòi quyền sống của con người, quyền bình đẳng cho nữ giới, quyền làm việc trong điều kiện tốt cho người lao động.
Bàn về câu chuyện trên, nữ văn sĩ cũng là ký giả Susan Wilson có cùng quan điểm, bà cho rằng, khách sạn Omni Parker House nằm gần trục đường Tự do (Freedom Trail) vốn là biểu tượng mang dấu ấn lịch sử cuộc cách mạng giành độc lập, tự do cho nước Mỹ. Phải chăng, điều đó trùng khớp với lý tưởng của người thanh niên cách mạng trẻ tuổi Văn Ba, khiến anh lặn lội đến đây.
Cuộc trò chuyện giữa tôi và Dan ngày càng thú vị. Dan tiếp tục dẫn tôi vào khu vực làm bánh của khách sạn và giới thiệu với cô Laura, một thợ làm bánh chuyên nghiệp và giám sát đội ngũ nhân viên làm bánh. Khi biết tôi đến từ Việt Nam, cô Laura ồ lên vui mừng. Laura bảo, nhiều người đến đây lắm, nhất là người Việt Nam. Hồ Chủ tịch, lãnh tụ của đất nước các anh sinh ngày 19-5 đúng không? Tôi ngạc nhiên, sao Laura biết tường tận đến vậy. Chừng như đoán ra tâm trạng tôi, Laura nói: “Bởi vì năm nào cũng vậy, vào ngày đó, nhiều người Việt Nam, có cả đoàn của Đại sứ quán mang hoa và bánh đến đây. Hơn nữa, vị trí tôi đang đảm trách, trước đây là một phụ nữ Việt Nam, do đó tôi biết rất rõ mọi chuyện”. Vừa nói Laura vừa dẫn tôi vào chiếc bàn làm bánh, nơi người thợ Văn Ba ngày xưa vẫn thường nhồi bột.
Laura kể tiếp, chúng tôi vẫn để nguyên chiếc bàn này, tính ra đã hơn trăm năm. Nhân viên làm bánh ở khách sạn rất tự hào bởi từng có vị lãnh tụ làm việc tại đây. Dan cũng tiếp lời, riêng chiếc bàn dài nơi anh thợ Văn Ba từng làm bánh đã có nhiều nơi hỏi mua như Viện Bảo tàng quốc tế, các nhà sử học, những người sưu tầm hiện vật về các danh nhân… Nhưng quản lý khách sạn Omni Parker House đều từ chối. Dan nói: “Chúng tôi coi đây là hiện vật vô giá. Nó liên quan đến một con người vĩ đại, từ một đất nước xa xôi nhưng lại rất gần gũi với nước Mỹ”.
Ông Dan (bên phải) và tác giả bài viết tại chiếc bàn làm bánh của anh thợ Văn Ba ngày xưa. Ảnh: X.H |
Dan nói đúng, tuy xa xôi nhưng Việt Nam và Mỹ từng có chung một dòng chảy các sự kiện, trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của thế kỷ 20. Tôi chợt nhớ ra, nhiều nhà sử học như giáo sư Kevin Bowen, tiến sĩ Nathaniel Sheiley… khi nghiên cứu về tiểu sử và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều cho rằng khoảng thời gian làm bánh tại khách sạn Omni Parker House là giai đoạn anh thợ Văn Ba nghiền ngẫm về lịch sử nước Mỹ, tìm hiểu cuộc sống của thế giới tư bản, nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, các bước ngoặt dẫn đến những phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ. Chưa kể đến việc đọc và nghiên cứu thấu đáo về Tuyên ngôn Độc lâp của nước Mỹ năm 1776 chắc chắn tạo niềm cảm hứng cho trái tim cách mạng non trẻ trên hành trình tìm kiếm con đường giải phóng cho dân tộc và đất nước Việt Nam. Cũng sẽ chưa đầy đủ nếu không kể thêm rằng thành phố Boston là trung tâm văn hóa của khu vực bờ đông và cả nước Mỹ. Thư viện công cộng Boston (Boston Public Library) là một trong số ít thư viện lớn nhất thế giới từ trước tới nay.
Trong thời gian làm bánh tại đây, vào những ngày nghỉ hoặc khi rảnh rỗi, anh thợ Văn Ba thường xuyên lui tới thư viện. Giáo sư Kevin Bowen cho biết, với vốn tiếng Pháp, tiếng Anh tự học, anh Văn Ba đã đến thư viện tìm đọc các loại sách, báo, tìm hiểu tình hình thế giới và viết bài. Giai đoạn này anh Văn Ba cũng giữ mối liên hệ với nhà yêu nước Phan Châu Trinh cũng như bạn bè, người thân ở Huế…
Tạm biệt Dan và Laura, tôi quay trở lại sảnh chính của khách sạn Omni Parker House. Khu vực lưu giữ hình ảnh, tư liệu về Hồ Chủ tịch giờ đã có thêm nhiều người đứng xem. Nhìn vẻ mặt chăm chú và thán phục của họ, tôi thầm nghĩ, hẳn họ rất ngạc nhiên khi biết từng có một người thợ làm bánh ở đây. Người thợ ấy là một vĩ nhân, gắn liền với đất nước mà họ từng nghe đến như là một biểu tượng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Tôi cũng đã dành thời gian xem hết cuốn phim tài liệu ngắn về cuộc đời Hồ Chủ tịch. Lòng chợt thấy điều gì đó thật ấm áp khi nghĩ về mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam và Mỹ. Cả hai đã từng đi qua giai đoạn lịch sử đầy biến động và khốc liệt của thế kỷ 20. Nhưng rồi lịch sử cũng trở thành quá khứ. Quá khứ thì không mất đi chỉ là nó sẽ trở thành bài học cho sự ứng xử trong hiện tại và tương lai. Thế kỷ 21 đã đi qua hơn hai thập kỷ, con đường phía trước của hai đất nước nhìn nhau xuyên qua tâm trái đất chưa hẳn hết gập ghềnh nhưng đã phát lộ một mối quan hệ tin cậy và trao gởi. Mối quan hệ ngày càng tốt đẹp ấy có thể bắt đầu từ những trang sử nhưng cũng có thể bắt đầu từ những câu chuyện, dấu xưa còn lại, như hình ảnh người thợ Văn Ba với năm tháng tuổi trẻ trên đất Mỹ, ở thành phố Boston cổ kính bên bờ Đại Tây Dương.
Một ngọn gió biển mát lành thổi ngang qua thành phố. Trước khi rời khách sạn Omni Parker House, tôi đọc lại một lần nữa lưu bút của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi ghé thăm nơi này vào tháng 5 năm 2022: “Tôi mong rằng khách sạn Omni Parker House tiếp tục là điểm dừng chân có ý nghĩa cho những người Việt Nam và bạn bè quốc tế quan tâm tìm hiểu về chặng đường đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như những đóng góp của Người đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Mỹ và kết nối tư tưởng độc lập, tự do, vì sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia, dân tộc và lợi ích nhân dân hai nước”.
Những ngọn gió biển thổi từ bờ đông nối sang bờ tây nước Mỹ, từ Đại Tây Dương góp vào Thái Bình Dương. Ở một phía của Thái Bình Dương, bên kia bán cầu là đất nước Việt Nam yêu dấu của tôi.
Boston - Đà Nẵng 9-2023
PHẠM XUÂN HÙNG