Chờ làn gió Xuân sang

.

Bước qua mùa xuân thứ 95, nhạc sĩ Trần Hồng luôn đau đáu với kho tàng nghệ thuật dân gian giàu có của cha ông đang dần mai một. Cả đời ông, từ thuở nằm nôi với lời ru ngọt ngào của mẹ, đến ngả rẽ của người học chỉ huy dàn nhạc sang nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn văn nghệ dân gian, luôn cuồn cuộn chảy một tình yêu nồng cháy với tâm hồn dân tộc…

 

Nhạc sĩ Trần Hồng, sinh năm 1930, quê quán xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi; hiện ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng; Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Đà Nẵng… Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012 với cụm tác phẩm: Âm nhạc Kịch dân ca, Nhạc đàn Kịch dân ca; Giải thưởng VHNT 10 năm (1975 - 1985) của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Giải thưởng VHNT 10 năm (1985 - 1995) UBND tỉnh QN-ĐN, Giải thưởng VHNT 5 năm (1997 - 2004) UBND thành phố Đà Nẵng, Giải thưởng VHNT 5 năm (2005 - 2009) UBND thành phố Đà Nẵng…

Một buổi sáng cuối năm, thật bất ngờ khi thấy dáng cao lớn của ông xuất hiện ở tầng hai của trụ sở Nhà xuất bản Đà Nẵng. Bất ngờ bởi ông không hẹn trước. Anh Trần Đức Phong cho biết đưa cha tới để xem tập bản thảo của cuốn sách “Hát ru miền Trung” của ông đến đâu rồi. Đây là bản thảo tập sách thứ 20 mà ông chủ biên hoặc tham gia biên soạn. “Tôi sốt ruột quá, muốn biết cuốn sách khi nào in, để tôi còn in tiếp cuốn về Hò - Hố nữa. Cuốn này biên soạn gần xong rồi, chắc kịp in trong năm 2024!”, giọng ông trầm ấm, âm vực rộng - như vóc người của ông.

Vậy là vào cuộc trò chuyện. Thực ra tôi và anh Phong chỉ ngồi nghe ông nói, rút ruột rút gan với những trăn trở về văn nghệ dân gian, nhất là về hát ru. “Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi. Mẹ tôi là bà Huỳnh Thị Huế, hát dân ca rất hay, nhất là hát Hố (Hò giã gạo) và hát ru con rất ngọt ngào. Bà có giọng hát dịu dàng, rõ lời và rất tình cảm. Khi còn nhỏ, tôi được mẹ ôm ấp, bồng bế vào nằm trong võng, được mẹ vỗ về cất tiếng hát ru tôi ngủ; tôi đã được hấp thu các làn điệu dân ca và hát ru của mẹ đã in sâu trong tâm hồn tôi từ thuở nhỏ đến bây giờ, không bao giờ quên. Tôi ghi âm lời mẹ ru và biên soạn, phổ biến trên các phương tiện để giữ gìn, quảng bá hồn dân tộc”, ông tâm sự.

Cơ duyên gắn bó trọn đời

Ông hẹn với tôi, ở căn nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Ngô Gia Tự, quận Hải Châu. Phòng làm việc kiêm phòng ngủ của ông ở tầng 2, trên tường đầy kín giấy chứng nhận, bằng khen… cùng tủ sách đủ loại cũ mới, phần nhiều là sách về văn nghệ dân gian; trong đó, có những cuốn dày dặn, đầy đặn do ông viết. Ông nói, đó là kết quả tinh thần cả cuộc đời ông, từ cơ duyên đầu tiên gắn bó văn nghệ trong Đội Văn công của tỉnh Quảng Ngãi thời kháng Pháp. Với cây đàn mandolin, ông vượt rừng lội suối, biểu diễn cho bộ đội, du kích và nhân dân, làm nhiệm vụ cõng gạo và vận chuyển thương binh… giữa các trạm.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, chàng trai tuổi đôi mươi cùng Đội Văn công nhân dân Liên khu 5 tập kết ra Bắc. Từ cảng Quy Nhơn lên tàu vượt sóng, ra Hà Nội, đoàn của ông đóng ở ngõ Cấm Chỉ. Một số đi học ở nước ngoài; ông ở lại, được học chỉ huy dàn nhạc với các chuyên gia Liên Xô, Triều Tiên sang huấn luyện, giảng dạy.

Nhưng, một lần nữa cơ duyên lại đẩy đưa ông gắn chặt với văn nghệ dân gian, từ một chuyến đi Bắc Ninh sưu tầm dân ca Quan họ vào năm 1956.

Ký ức trở về ngồn ngộn, trong giọng vang vang và rành mạch từng câu. Lúc đó, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm trưởng đoàn đi thực tế. Nhưng ông đến nơi thì các liền anh liền chị không chịu hát để ghi âm. Vậy là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước hát, nhưng cố tình hát sai! Chạm tự ái, các liền anh liền chị trổ tài; ông vội bật máy ghi âm… Kết quả là thu được 17 bài dân ca Quan họ, ký âm và xuất bản tập sách “Dân ca Quan họ Bắc Ninh”.

“Từ đó, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và các nghệ sĩ bày vẽ cho tôi cách đi sưu tầm, ghi chép các bài hát ru, dân ca… Càng làm, tôi càng say mê và cảm phục ông cha mình giỏi quá, hát hay quá. Nhiều người không biết chữ nhưng đặt lời lục bát rất hay, rất ý nghĩa. Tôi như thấy mình mắc nợ lớp người đi trước, nên dành thời gian nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn; để cho thế hệ sau thấy được cái hay, cái đẹp của vốn văn nghệ dân gian mà chung tay giữ gìn”, nhạc sĩ Trần Hồng tâm sự.

Trở trăn trước sự mai một

“Lận lưng” vốn kiến thức và kỹ năng học được từ miền Bắc, năm 1972, ông về Đài Phát thanh Giải phóng (CP.90). Sau đó, ông được biệt phái qua giúp Đoàn Văn công giải phóng Trung Trung bộ sáng tác chương trình phục vụ Đại hội lần thứ 3 của Khu ủy 5. Ông nhớ lại những ngày vừa chiến đấu vừa hoạt động nghệ thuật, có đêm chui xuống hầm tránh bom tránh pháo, nghe các mẹ các chị hát dân ca, ông cặm cụi ghi chép, ghi âm… Bởi ông nghĩ chiến tranh biết đâu sẽ làm thất tán những vốn quý của cha ông để lại. Các bài ghi của ông, được gửi ra Bắc, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam...

Hòa bình lập lại, công tác tại Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), ông sống nhiệt huyết với sở trường của mình. Lăn lộn cùng cơ sở, ông đề xuất những giải pháp để bảo tồn, phát huy vốn nghệ thuật dân gian. Đây cũng là thời điểm phong trào hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, tuyên truyền cổ động bằng hình thức dân ca, kịch dân ca… lên cao, lan rộng trong toàn tỉnh; điển hình là tiết mục thông tin cổ động “Hạt lúa Hòa Châu” vinh dự được biểu diễn phục vụ nhiều hội nghị, đoàn khách, như một đặc sản của xứ Quảng.

Qua thời mở cửa và hội nhập quốc tế, làn gió của lối sống và văn hóa nước ngoài thổi vào mạnh mẽ. Trong nếp nghĩ của người dân, nhất là giới trẻ, văn nghệ dân gian trở nên lỗi thời, lạc hậu. “Đến nỗi một số em sinh viên khi cầm nhạc cụ dân tộc lên thì sợ dị; phải cầm ghi-ta điện, đàn organ, gõ trống điện… mới sang!”, ông trăn trở trước làn sóng hiện đại hóa trong đời sống văn hóa, sợ vốn văn nghệ dân tộc của ta bị mai một.

Vậy là ông lại tìm cách để dưỡng nuôi hồn dân tộc trước làn gió mới mỗi ngày thổi mạnh hơn. Nghỉ hưu từ 30 năm trước, ông toàn tâm toàn ý cho việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn văn nghệ dân gian. Nhiều tác phẩm đầy đặn và đều đặn ra đời, như: Dân ca Đất Quảng, Nhạc tuồng, Hát đồng dao, Hát sắc bùa, Hát bả trạo, Những điệu hò xứ Quảng, Hò đưa linh, Âm nhạc dân tộc Chăm - Sự giao thoa giữa nhạc Chăm và nhạc Việt, Bài bản - lý trong sân khấu dân tộc, Âm nhạc Kịch dân ca, Nhạc đàn Kịch dân ca… cùng nhiều sách nghiên cứu viết chung. Rồi ông đề xuất, tổ chức thành lập các câu lạc bộ, các lớp ngoại khóa ở trường, các chương trình trên đài truyền hình... dạy hát dân ca, hát ru cho giáo viên, học sinh, sinh viên…, từ tiểu học đến đại học của Đà Nẵng.

“Nhưng…!”. Ông nhẹ giọng buông chữ “nhưng” trong cái lắc đầu tiếc nuối.

Khi nghe tôi nhắc về chuyện Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra cuối năm 2021, rồi mới đây là các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Thành ủy, đề án của UBND thành phố về thực hiện chủ trương chấn hưng, xây dựng và phát triển văn hóa trên cả nước cũng như của thành phố bên sông Hàn, người nghệ sĩ già hào hứng trở lại.

“Làm gì cũng phải trên dưới đồng lòng. Lãnh đạo phải có đam mê và đầu tư thực sự cả về vật chất lẫn tinh thần thì mới có kết quả được. Vốn văn nghệ dân gian cần được lưu giữ và trao truyền; phải xây dựng và duy trì hoạt động của các trung tâm, câu lạc bộ bằng các hình thức vừa học vừa thi, thi hát Hò khoan, Hát ru, Dân ca, Tuồng… Thi xong thì không đem cất kho, mà tiếp tục biểu diễn, phổ cập trên địa bàn dân cư, trong trường học. Đồng thời phải có những sáng tác, sáng tạo mới phù hợp với hơi thở cuộc sống, với môi trường hiện đại, thì mới mong giữ được vốn quý của cha ông”, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Hồng bộc bạch.

Ông đến ngồi bên bàn viết, nhìn ra khung cửa sổ tĩnh mịch, đôi bàn tay run run lần giở từng trang sách của đời mình…

Như chờ một làn gió xuân thổi tới! 

NGUYỄN THÀNH

 

;
;
.
.
.
.
.