Báo Xuân 2024
Đà Nẵng ghi dấu ấn trên "bản đồ chip" thế giới
Ngay từ năm 1989, Pistoria, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành SGS Thomson Microelectronics, nhận định: Không một xã hội công nghiệp mạnh nào có thể tồn tại nếu không có ngành công nghiệp điện tử mạnh, năng động và... một ngành công nghiệp điện tử mạnh không thể tồn tại nếu không có sự tiếp cận có kiểm soát đối với công nghệ bán dẫn tiên tiến. Thành công vượt bậc trong công nghiệp hóa của những con rồng châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy vai trò, vị trí chiến lược của các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn là những minh chứng sống động cho nhận định này của Pistoria.
Vai trò của công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn đến nay không chỉ vẫn đúng với nhận định trên của Pistoria, mà còn đúng hơn bao giờ hết trong việc tạo ra sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, nó đóng một vai trò quan trọng trong phát triển tổng thể của quốc gia, từ việc tạo việc làm, phát triển công nghệ, xuất khẩu, đến thúc đẩy đổi mới và bền vững.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (giữa) thăm và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Intel tại Hoa Kỳ. Ảnh: P.V |
Công nghiệp vi mạch trong thời đại chuyển đổi số
Tính chất nền tảng của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn còn được nhân lên nhiều lần trong thời đại chuyển đổi số, trong đó vi mạch là linh kiện cốt lõi của các sản phẩm và dịch vụ số. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã và đang xây dựng nhiều chính sách, chiến lược để triển khai các kế hoạch nhằm cụ thể hóa từng bước đạt được mục tiêu này. Một trong những chiến lược đó là phát triển ngành điện tử, vi mạch bán dẫn Việt Nam.
Từ Chính phủ đến các tỉnh, thành phố đều chuyển động theo dòng thời sự điện tử, vi mạch bán dẫn, nhưng có lẽ Đà Nẵng là địa phương nổi trội với những hoạt động ghi dấu ấn mạnh mẽ trong và ngoài nước. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã chỉ rõ chiến lược, tầm nhìn để phát triển thành phố Đà Nẵng sẽ thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, tập trung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
Tháng 8-2023, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn thành phố đến năm 2030. Trong đó xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch. Về hạ tầng công nghiệp CNTT, Đà Nẵng hiện có Khu Công nghệ cao, 6 khu công nghiệp và chế xuất và 3 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm đang hoạt động. Thành phố đã triển khai đầu tư xây dựng xong Khu Công viên phần mềm số 2 và tiếp tục mở rộng Khu CNTT tập trung Đà Nẵng giai đoạn 2; thu hút đầu tư Khu không gian sáng tạo Hòa Xuân, hỗ trợ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng Tòa nhà công nghệ cao Viettel, Khu CNTT Đà Nẵng Bay. Các công ty đang hoạt động về thiết kế vi mạch ở Đà Nẵng hiện có: Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, Fpt Semi, Sannei Hytechs,… và có khoảng 550 kỹ sư đang làm việc, chỉ xếp sau Thành phố Hồ Chí Minh và tương đương với Hà Nội.
Hợp tác công - tư và đào tạo nhân lực
Ngày 10-10-2023, UBND thành phố tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”. Hội thảo thu hút nhiều doanh nghiệp chuyên về công nghiệp vi mạch bán dẫn, các cơ sở đào tạo và các nhà quản lý. Qua hội thảo có thể cho thấy các trường đại học đã sớm nhận thức vai trò quan trọng của vi mạch bán dẫn, nhưng lĩnh vực này ở Việt Nam chưa phát triển mạnh nên đã xây dựng các chương trình đào tạo lồng ghép và thực tế sinh viên ra trường có thể đào tạo thêm những kiến thức về vi mạch một cách nhanh chóng. Vì vậy việc xây dựng chương trình đào tạo bổ sung tăng tốc, cũng như xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư chuyên ngành này sẽ có nhiều thuận lợi.
Nổi bật nhất là đánh giá và khẳng định của các nhà doanh nghiệp “Đà Nẵng là địa chỉ đầu tư của các công ty thiết kế vi mạch, có tiềm năng về nguồn nhân lực, hạ tầng thích hợp và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong thiết kế vi mạch”. Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh của Synopsys Nam Á cho rằng, việc thành lập một trung tâm đào tạo nhân lực về vi mạch tại Đà Nẵng là hoàn toàn phù hợp.
Tháng 10-2023, thành phố tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp chip bán dẫn: Hợp lực, sẵn sàng vì sự phát triển các vùng và đất nước”. Tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định, thành phố ưu tiên tập trung phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông gắn với kinh tế số. Thành phố cam kết chủ động và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Đà Nẵng phát triển hợp tác, hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau để góp phần phát triển đất nước.
Tại Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa ngoài các ngành gần và liên quan đến công nghệ chip bán dẫn (CNTT, Điện tử - Viễn thông, Điện, Cơ khí, Tự động hóa, Khoa học công nghệ tiên tiến…), đã xúc tiến mở ngành đào tạo Kỹ sư Vi điện tử - Thiết kế vi mạch; hợp tác với Tresemi - một tổ chức phi lợi nhuận gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu đang làm việc tại các công ty vi mạch bán dẫn hàng đầu của Hoa Kỳ và Việt Nam mở chương trình đào tạo bồi dưỡng kiến thức thực tế về vi mạch bán dẫn cho sinh viên (dự kiến mỗi khóa 30 sinh viên và kéo dài 12-15 tuần).
Có thể nói đây là mô hình “trung tâm đào tạo tăng tốc” như các nước đã thực hiện và rất thành công, gắn công nghiệp và nhà trường; tiếp nhận phòng Lab Điện tử cơ bản Keysight Smart Bench Essentials, phần mềm ứng dụng PathWave BenchVue của Keysight. Sinh viên sau khi hoàn thành chương trình học và đạt kết quả tốt sẽ được hãng Keysight Technologies cấp chứng chỉ chứng nhận có giá trị trên toàn cầu và có cơ hội làm việc cho các hãng công nghệ lớn như: Qualcomm Technologies, Samsung, OPPO, Xiaomi, MediaTek, UNISOC (Spreadtrum), Motorola Mobility và tại Việt Nam có Viettel, VNPT, Mobifone, Vinfast, và các doanh nghiệp FDI. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đã sớm thành lập Khoa Công nghệ số, hợp tác với Tập đoàn Nam Long đầu tư triển khai Phòng thí nghiệm thực hành chuyển đổi số.
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn đã mở chương trình đào tạo chuyên ngành Vi mạch bán dẫn; xây dựng Lab nghiên cứu, thiết kế vi mạch từ dự án của KOICA Hàn Quốc. Đại học Duy Tân cũng đào tạo các lĩnh vực có liên quan và đang chuyển động theo xu hướng tập trung cho nguồn lực vi mạch bán dẫn hợp tác với các đại học Hoa Kỳ.
Sản xuất chip và lắp ráp linh kiện điện tử (máy tính bảng) tại Công ty CP EMS Trung Nam (Trung Nam Group). Ảnh: ĐĂNG KHIÊM |
Tiên phong vào cuộc và cam kết của chính quyền
Tháng 11-2023, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu đoàn công tác thành phố thăm và làm việc với các công ty tại Hoa Kỳ về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đặc biệt là Intel, Nvidia, Synopsys, Marvell,… Điều này khẳng định, Đà Nẵng là địa phương lĩnh ấn tiên phong vào cuộc trong chiến lược phát triển công nghệ chip bán dẫn ở Việt Nam.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, trên cơ sở phát huy những thế mạnh của mình trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt vị trí địa lý chiến lược kết nối liền mạch với các khu vực; cơ sở hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin được đầu tư kết nối đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có chất lượng cao; môi trường sống an bình và sự đồng hành của chính quyền thành phố; Đà Nẵng đang tập trung đẩy mạnh khâu thiết kế chip, vi mạch và từng bước phát triển khâu kiểm thử, đóng gói chip, gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài những ý chung đó, trong từng công ty, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh thêm các nội dung hợp tác dựa trên thế mạnh của từng đối tác. Tại Nvidia, lãnh đạo thành phố đề nghị hỗ trợ xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực; hỗ trợ đầu tư hạ tầng, nâng cao năng lực tiếp cận các giải pháp AI. Tại Intel, đề nghị xây dựng nhà máy thứ 2 tại Việt Nam, hợp tác về chương trình Trí tuệ nhân tạo cho tương lai (AI for Future), xây dựng Trung tâm tính toán hiệu năng cao (The high performance computer center) và triển khai phòng thí nghiệm phục vụ hoạt động lắp ráp và kiểm thử vi mạch, bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng.
Tại Synopsys, ngoài nội dung trong bản ghi nhớ đã ký kết, thành phố nhấn mạnh thêm cần Synopsys hỗ trợ xây dựng các chương trình chứng chỉ quốc tế trên lĩnh vực vi mạch và bán dẫn; hỗ trợ xây dựng mối liên kết với các tổ chức IC Design Engineer Certifications, hỗ trợ bản quyền sử dụng các công cụ tiên tiến phục vụ việc thiết kế, kiểm thử chip tại Đà Nẵng. Tại Marvell, thành phố đề nghị công ty lựa chọn Đà Nẵng để mở văn phòng sau Thành phố Hồ Chí Minh…
“Từ Chính phủ đến các tỉnh, thành phố đều chuyển động theo dòng thời sự điện tử, vi mạch bán dẫn, nhưng có lẽ Đà Nẵng là địa phương nổi trội với những hoạt động ghi dấu ấn mạnh mẽ trong và ngoài nước” |
Trong năm 2023, Đà Nẵng vinh dự nhận giải thưởng quốc tế Thành phố thông minh Seoul (Seoul Smart City Prize) do Tổ chức các thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO) và chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) đồng tổ chức xét chọn và trao giải. Đà Nẵng lần thứ 4 liên tiếp đoạt giải thưởng “Thành phố thông minh Việt Nam 2023”. Đây là giải thưởng danh giá và duy nhất dành cho nhóm các thành phố/đô thị Việt Nam; thành phố xuất sắc trong triển khai, xây dựng đô thị thông minh. Cùng với giải thưởng này, Đà Nẵng cũng nhận giải các lĩnh vực: thành phố điều hành, quản lý, hạ tầng, dịch vụ công thông minh; thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch; thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức. Có thể khẳng định đây là những minh chứng cho môi trường thuận lợi để đầu tư vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng.
Những bài học trên thế giới cho thấy, sự đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển, hợp tác công - tư, và hệ thống hỗ trợ là các yếu tố quan trọng trong việc phát triển thành công một ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn mạnh mẽ và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Với những bước triển khai, thực hiện và kết quả đạt được như trên, đặc biệt chuyến công tác đến đại bản doanh các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn tại Hoa Kỳ của lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố, có thể khẳng định Đà Nẵng đã sớm ghi tên vào bản đồ vi mạch bán dẫn của thế giới.
GS. TRẦN VĂN NAM