Trăm năm Phan Huỳnh Điểu

.

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại, có ba nhạc sĩ nổi tiếng sinh năm 1924 là Nguyễn Đình Thi, Đoàn Chuẩn và Phan Huỳnh Điểu. Nếu Nguyễn Đình Thi và Đoàn Chuẩn đều trưởng thành từ cửa biển Hải Phòng thì Phan Huỳnh Điểu lại trưởng thành từ cửa biển Đà Nẵng. Năm nay, tuổi dương thế của họ đã tròn trăm năm.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ảnh tư liệu
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ảnh tư liệu

Theo lời má kể, Phan Huỳnh Điểu sinh nhằm ngày rằm tháng 10 ta năm Giáp Tý (tức là ngày 11-11-1924). Gia cảnh chàng trai Phan Huỳnh Điểu (tức “chim vàng”) này là ba làm nghề thợ may khá lành nghề, rất giỏi chữ Nho (có lẽ vậy nên mới đặt tên con là Huỳnh Điểu. Thỉnh thoảng ông làm vài ba bài thơ. Các công thức may đo được ông đặt thành vè dạy học trò cho dễ nhớ. Ông mê hát tuồng, tối tối thường nghêu ngao trên chiếc giường ngoài sân.

Phan Huỳnh Điểu lớn lên với những giai điệu tuồng của ba và lời ru của má. “Chiều chiều ông Lữ đi câu/ Cái ve, cái chén, cái bầu sau lưng…” hay “Con mèo, con chó có lông/ Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai…”. Cứ thế, Phan Huỳnh Điểu đã có một ấu thơ dạt dào âm nhạc giữa thành phố Tourance quê hương (tên Pháp đặt cho Đà Nẵng).

Vào tuổi trăng rằm, Phan Huỳnh Điểu không chỉ yêu nhạc mà còn mê làm thơ. Bài thơ đầu tiên được viết trong tâm trạng lẻ loi với một tâm hồn mới lớn.

Mỗi độ thu sang lá rụng nhiều/ Chim sầu gọi bạn bến cô liêu/ Thuyền xưa vắng khách còn neo chặt/Lạc một giọng ai cuối đáy chiều

Bài thơ đã được in ở trang Văn nghệ báo I tại Hà Nội do Đặng Văn Thân chuyên trách. Nhưng tiềm ẩn âm nhạc mới đưa cánh chim vàng Phan Huỳnh Điểu bay vào vòm trời âm nhạc vào đúng cái năm Ất Dậu 1945 lịch sử của dân tộc.

Sự xuất hiện Đoàn nhạc kịch Anh Vũ của Thế Lữ và Nguyễn Xuân Khoát trong những cuộc trình diễn tại Đà Nẵng đã làm bừng thức con tim 21 tuổi Phan Huỳnh Điểu. Nghe mê mẩn ca kịch “Tục Lụy” với cốt truyện Khái Hưng, lời thơ Thế Lữ và âm nhạc Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu đã vụt xuất thần ra trường ca “Trầu Cau” nhờ thấu hiểu “Thiên Thai” của Văn Cao.

Ngày xưa có hai anh em nhà kia/ Cùng yêu thương ở cùng nhau bỗng đâu chia lìa/ Vì hai người cùng yêu mến một cô gái làng bên/ Nhưng người anh được kết duyên cùng nàng/ Vì như thế nên người em buồn rầu/ Bỏ đi khỏi làng...

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Miếng trầu âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu cũng là bắt đầu con đường âm nhạc của ông cho đến đúng 70 năm sau, vào lúc 10 giờ 15 phút sáng 25-6-2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh (tức cửa biển Sài Gòn) với tuổi thọ 92.

Đấy là một thời đại không thể lặp lại được. Ngày ấy, chỉ một tháng sau ngày giành chính quyền ở Sài Gòn 23-8-1945, ngày 23-9-1945, cả Nam Bộ đã đứng lên kháng chiến chống quân xâm lược Pháp gây hấn ở Sài Gòn sau khi vào thế chân quân đội Anh rải ráp phát xít Nhật đã đầu hàng. Sát cánh cùng đồng bào Nam Bộ, cả nước rầm rập những đoàn quân Nam tiến. Họ hành quân theo tàu lửa từ Hà Nội vào Sài Gòn. Đà Nẵng là ga trung chuyển cho những cuộc hành quân.

Từ căn nhà ở ngã năm trung tâm thành phố, Phan Huỳnh Điểu chứng kiến không biết bao nhiêu cuộc hành quân. Họ vừa đi đều, vừa hát vang giai điệu của nhạc sĩ Lương Ngọc Châu: “Một ra đi là không trở về/ Lòng tráng sĩ lòng không nao núng”. Chính giai điệu này đã đốt lên cảm hứng trong Phan Huỳnh Điểu. Lòng như bén lửa, Phan Huỳnh Điểu đến nhà người láng giềng thân thiết tên là Nguyễn Văn Thừa mượn cây đàn. Về nhà, chàng đóng cửa buồng rồi búng từng nốt nhạc tơi ra trong nhịp hành khúc theo lời ca đã nhẩm trước trong đầu:

Đoàn giải phóng quân một lần ra đi
Là có sá chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui…

Cái cảm hứng thăng hoa của một người nô lệ đã hóa thành người tự do khiến cho họ coi cái chết vì Tổ quốc đồng nghĩa với hạnh phúc cứ hồn nhiên nhảy múa trong tâm hồn chàng thanh niên Đà Nẵng. Cứ thế, từng câu, từng câu, lúc đặt lời trước, lúc đặt nhạc trước, tùy theo cảm hứng. Vài ba ngày sau, Phan Huỳnh Điểu đã hoàn thành hành khúc “Giải phóng quân”. Trả đàn cho Thừa và hát cho bạn nghe thử, chàng không ngờ bạn vừa khen hay vừa tỏ ý nghi hoặc rằng làm sao chàng có thể tự sáng tác ra bài hát này. Song “Giải phóng quân” đã nhanh chóng loang ra cả nước qua tiếng hát Nguyễn Văn Trung.

Nhờ “Giải phóng quân” được ấn hành ở Huế do Tăng Duyệt chịu trách nhiệm, Phan Huỳnh Điểu đã có một khoản nhuận bút khá lớn đủ mua 10 cây guitar Italia mà giá mỗi cây là 50 đồng. Chàng đã mua đúng cây đàn của vua Bảo Đại mà ngày thoái vị, đã có người mang từ Thành Nội ra bán cho chủ cửa hàng. Và cây guitar này đã trở thành nhạc khí đầu tiên của chàng nhạc sĩ trẻ xứ Quảng, để chàng tiếp tục viết thêm những bài ca mới cho cách mạng như “Mùa đông binh sĩ”, “Tuyên truyền xung phong”… Những bài ca đã cùng tác giả dấn thân vào cuộc trường kỳ kháng chiến cùng cả nước.

Suốt 9 năm kháng chiến, Phan Huỳnh Điểu ở vùng tự do thuộc Liên khu V). Lúc thì ông dạy nhạc ở trường Lê Khiết, lúc thì ông gia nhập quân đội cùng cây đàn mandolin đi khắp đây đó, vừa viết chữ in trên đá li-tô, vừa in tài liệu tuyên truyền cách mạng, in sách giáo khoa và sách nhạc phổ cập. Ông cũng viết thêm một số bài hát mới như “Nhớ ơn Hồ Chí Minh”, “Đời học sinh”… và năm 25 tuổi thì kết hôn với bà Vân.

Sau Hiệp định Genève, ông cùng gia đình tập kết ra Hà Nội. Ông trở thành cán bộ ban Nhạc - Vũ (tiền thân của Hội Nhạc sĩ Việt Nam). Sau thời gian đi công tác các tỉnh Nam Định, Thái Bình, mùa xuân năm 1957, Phan Huỳnh Điểu trở về Hà Nội. Lần đầu tiên ăn Tết Thăng Long cùng hoa đào, ông cảm thấy “dzui dzui”.

Cái chất trữ tình hóm hỉnh lặn sâu tận đáy từ những năm kháng chiến, bỗng nhiên bồng bềnh lên một nhịp valse trong tình ca “Thật là khó nói” được in trên báo “Tiền phong” và nữ ca sĩ Tuấn Kỳ thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Giai điệu này đã ngay lập tức thịnh hành trong các đám cưới. Vậy là từ khi ra Hà Nội, Phan Huỳnh Điểu đã đưa vào đời sống hai bản valse là “Quê tôi” và “Thật là khó nói”. Còn “Tình trong lá thiếp” mang đậm âm hưởng dân ca khu V. Ông trở lại với trường ca từ sau “Trầu cau” bằng bản đồng ca “Liên khu V yêu dấu”. Chính lớp học của tôi hồi cấp II đã dựng bài đồng ca này vì thầy chủ nhiệm rất yêu âm nhạc.

Nhìn về Liên khu Năm ta nhớ (ơ ớ)/ Bát ngát mênh mông đồng lúa Phú Yên/ Tam Quan bóng mát xanh tươi hàng dừa (ờ ơ)/ Miền Nam có Liên Khu Năm/ Có muối Sa Huỳnh có đường bông trắng mía thơm ngọt ngào/ Trùng trùng rừng núi Tây Nguyên cao cao/ Nơi đây xác giặc hoen màu hoa lá/ Chiến công anh dũng còn vang suối reo lời ca…

Nhưng tác phẩm khẳng định tầm vóc Phan Huỳnh Điểu như một nhạc sĩ của tình yêu chính là “Những ánh sao đêm”. Năm 1962, miền Bắc bắt đầu xây những khu tập thể cao tầng như hình ảnh thu nhỏ của xã hội chủ nghĩa. Lại đúng lúc ca sĩ Quốc Hương đi tu nghiệp ở Hungary về và rất muốn có một tình ca mới mang đậm âm vực giọng nam cao chuẩn mực mà ca sĩ đã đạt tới sau khi tu nghiệp. Vậy là “Những ánh sao đêm” đã ra đời, cắm một cột mốc mới cho lịch sử ca khúc Việt Nam thời đấu tranh thống nhất đất nước sau “Bài ca hy vọng”.

Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua/ Tôi đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa/ Kìa bao mái nhà đèn hoa sáng ngời và bầu trời thêm vào muôn vì sao sáng/ Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu/ Nghe máu trong tim hòa niềm vui lâng lâng lời ca… em ơi!...

“Những ánh sao đêm” đã khẳng định tầm vóc Phan Huỳnh Điểu trong làng nhạc mà ông là một trong vài chục hội viên đầu tiên đã thành lập năm 1957.

Nhạc sĩ của “Cuộc đời vẫn đẹp sao” chưa bao giờ ngơi nghỉ với công việc sáng tác nhạc. Ảnh tư liệu
Nhạc sĩ của “Cuộc đời vẫn đẹp sao” chưa bao giờ ngơi nghỉ với công việc sáng tác nhạc. Ảnh tư liệu

Cuộc chống Mỹ, cứu nước đang khiến tài năng Phan Huỳnh Điểu có đất để thăng hoa. Ngày Noel năm 1964, Phan Huỳnh Điểu lặng lẽ rời Hà Nội vào chiến trường khu V với bí danh là Huy Quang - tên con trai. Ngay lập tức, hành khúc “Ra tiền tuyến” hào hùng đã được Phan Huỳnh Điểu viết một như lời kêu gọi bằng âm nhạc ở mặt trận ác liệt này. “Ra tiền tuyến” là một tiếp nối của nhịp hành khúc riêng biệt đáng tự hào của Phan Huỳnh Điểu từ “Giải phóng quân”.

Ông đã kiên nhẫn nạp thực tế chiến trường vào tâm hồn mình suốt những năm dài gian khổ của khu V. Và đến khi trở lại Hà Nội thì phóng điện liên tục lên làn sóng điện bởi những kỳ tác như “Bóng cây Kơ nia” (thơ Ngọc Anh), “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (thơ Bùi Minh Quốc) và “Hành khúc ngày và đêm” (thơ Bùi Công Minh). Chỉ cần những kỳ tác này, Phan Huỳnh Điểu đã hình thành một giọng riêng trong rừng ca khúc Việt Nam. Càng viết, Phan Huỳnh Điểu càng thăng hoa, càng đốn ngộ. Ngày Đà Nẵng giải phóng, Phan Huỳnh Điểu có ngay một ca khúc trở về mà chủ đề bắt đầu từ “Giải phóng quân”.

Sau ngày thống nhất, tuy đã qua tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh”, Phan Huỳnh Điểu vẫn thấy lòng mình còn dạt dào cảm hứng sáng tạo. Ông vẫn muốn cống hiến. Bởi vậy, ông đã chọn Thành phố Hồ Chí Minh là bến đỗ cuối cùng cho cuộc đời mình. Quả nhiên, ở vùng đất nắng gió phương Nam này, Phan Huỳnh Điểu đã có thêm những năm tháng thăng hoa trẻ trung đến bất ngờ.

Người mến mộ âm nhạc cả nước lại lắng lòng nghe “Anh ở đầu sông em cuối sông” (thơ Hoài Vũ) tràn đầy âm hưởng Nam Bộ của ông qua giọng nữ cao siêu đẳng Lê Dung. Họ cũng bất ngờ khi nghe “Sợi nhớ, sợi thương” (thơ Thúy Bắc) như một hậu “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” mà Hoàng Hiệp đã cắm mốc từ 1971. Bản tình ca như chắt lọc từng dấu chân ông khi âm thầm vượt Trường Sơn vào chiến trường cũng như từ chiến trưởng trở ra Hà Nội.

Phan Huỳnh Điểu đã “chín sớm” với “Giải phóng quân”, nhưng “chín rất muộn” với những tình ca phổ thơ Xuân Quỳnh. Không hiểu vì lý do gì Phan Huỳnh Điểu đã nhập sâu được vào thế giới thơ của Xuân Quỳnh đến thế. Ông đã chọn được nơi biểu hiện mình qua thơ của nữ sĩ xinh đẹp này. Nhanh chóng đi qua những “Đêm nay anh ở đâu?”… Phan Huỳnh Điểu đã nhanh chóng khẳng định mình qua “Sóng”, “Thơ tình cuối mùa thu” và đặc biệt là “Thuyền và biển”. Đây là những bài thơ tình gan ruột của Xuân Quỳnh mà Phan Huỳnh Điểu chọn lựa để chắp cánh bằng âm nhạc.

Trước ông, nhạc sĩ Hữu Xuân, bạn cùng thời Xuân Quỳnh và ở cùng nhà hát đã phổ “Thuyền và biển” mang phong cách nhạc nhẹ ở điệu thức trưởng. Còn đối với Phan Huỳnh Điểu, “Thuyền và biển” phải thiêng liêng như một bản romance, được hát bằng một giọng nam cao belcanto. Và với thiêng liêng ấy, ông như nhập đồng.

Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu về đâu

Nốt nhạc dâng lên chữ “về đâu” khắc khoải như một dấu hỏi. Giai điệu tiếp tục của tự sự thảng thốt. Cứ thế, “Thuyền và biển” đã phóng ra năng lượng tình yêu cực đại giữa đời sống hôm nay. Biết bao ca sĩ tên tuổi đã thành danh nhờ “Thuyền và biển”, từ Ngọc Tân, Quang Thọ đến Đăng Dương, Trọng Tấn…

Phan Huỳnh Điểu luôn luôn đau đáu về một “Thành phố ca”, một “Đà Nẵng ca” cho thành phố quê hương. Ông cũng đã nhấn nhá vài cung bậc, nhưng hình như ông vẫn muốn chờ một giây lát xuất thần bất chợt như bất chợt viết “Giải phóng quân”. Nhưng tất cả đều đã muộn màng ở tuổi 92. Ngày 23-6-2015, khi có dấu hiệu không khỏe và sốt nhẹ, bác sĩ đã đến khám bệnh cho ông tại tư gia và yêu cầu ông nhập viện. Từ giờ phút đó, ông bị hôn mê sâu và từ trần lúc 10 giờ 15 phút ngày 29-6-2015. Phan Huỳnh Điểu rất thích bản ghép những cái lông chim thành chữ “Tâm”. Cuộc đời thành tâm của ông - của con chim vàng họ Phan đã là sự dâng hiến đến tận cùng vẻ đẹp cho giai điệu Việt. Ông thật xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II trao tặng năm 2001.

Theo di chúc của ông, tro cốt người nhạc sĩ của tình yêu đã được thả xuống dòng sông Hàn quê hương đầy yêu thương của ông. Có lẽ đấy là tình yêu nồng nàn ông dành cho Đà Nẵng nặng lòng lưu luyến. Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng được ông coi như con trong nhà đã dựng tượng ông ôm cây đàn mandolin ngay giữa vườn tượng của anh, ngay trong phòng nghe nhạc mà bất kỳ lúc nào, ta cũng có thể nghe từ đấy vang lên những giai điệu Phan Huỳnh Điểu. Giống như những bậc tài danh âm nhạc trước đây như Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Thương, Văn Cao…

Phan Huỳnh Điểu dành cả một đời dâng hiến sáng tạo của mình cho dân tộc, làm rạng danh cho thành phố Đà Nẵng nơi ông sinh thành và khởi đầu sự trưởng thành của mình trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.

NGUYỄN THỤY KHA

;
;
.
.
.
.
.