Báo Xuân 2024

Trong niềm vui "ăn Tết"

11:56, 10/02/2024 (GMT+7)

Chăm chút từng món ăn trong mâm cơm ngày Tết là cách các gia đình xứ Quảng dâng lên ông bà, tổ tiên những ngày đầu năm mới. Trải qua hàng trăm năm, nét đẹp văn hóa đó vẫn được lớp cháu con tiếp nối, trao truyền trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc.

* Nhà nghiên cứu Đinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố:

Không phải ngẫu nhiên người Việt gọi “ăn Tết”

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, chỉ nghe thôi chúng ta đã cảm nhận được không khí vui vẻ, đầm ấm của ngày Tết cổ truyền. Từ “ăn Tết”, người ta chú ý nhiều hơn đến “cỗ Tết” và mâm cỗ thường hội đủ những tinh hoa ẩm thực mà con cháu muốn dâng lên ông bà, tổ tiên dịp đầu năm. Với người Việt, thờ cúng tổ tiên là phong tục lâu đời, phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Bởi, theo quan niệm dân gian, ông bà, tổ tiên và người thân dù đã mất vẫn luôn tồn tại dưới dạng “linh hồn”, nên thường làm mâm cơm cúng “mời ông bà về ăn Tết” vào đêm 30 tháng Chạp. Những mâm cúng ngày Tết trước là dâng lên ông bà, tổ tiên, sau là dành cho con cháu đoàn viên sau một năm bộn bề công việc.

Mâm cơm Tết của người Quảng đơn giản, nhưng tươm tất, đầy đủ thịt, cá, rau củ. Thường sẽ có đĩa thịt heo ngâm mắm xắt lát, rau củ xào thịt, nem nướng, củ kiệu muối, bánh tráng nướng ăn kèm bánh tét chiên. Với món canh, người dân ưa chuộng canh khổ qua độn thịt hoặc canh rau tập tàng “chống ngán”. Sau một năm làm việc bận rộn, Tết là dịp để mọi người cùng hướng về quê hương, gia đình, cùng nhau quây quần tận hưởng hơi ấm tình thân quanh mâm cơm ngày đầu năm.

Có lẽ vậy mà mâm cơm ngày Tết bao giờ cũng ngon lành, thịnh soạn, bày biện đẹp mắt hơn so với ngày thường và hơn hết là sự dung hòa của nhiều thức ngon được chuẩn bị công phu, thể hiện sự no ấm của mỗi gia đình, cũng như ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt.

* Anh Lê Văn Nam (43 tuổi, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà)

Giữ bếp ăn đỏ lửa, cầu một năm may mắn

Tôi rời quê nhà Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) ra Đà Nẵng sinh sống 20 năm nhưng vẫn giữ thói quen “đỏ lửa” trong ba ngày Tết. Tục lệ này có từ xưa và gia đình tôi luôn chú ý điều này để cầu mong một năm mới bình an và may mắn. Chúng tôi quy định, người trong gia đình có thể theo những cuộc du xuân bên ngoài, nhưng giờ ăn tối nhất định phải có mặt tại nhà. Đó là bữa cơm đầy đủ thành viên, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa giữ nếp sinh hoạt gia đình vui vẻ, ấm cúng ngày đầu năm.

Tết vợ tôi chuẩn bị khá nhiều món ngon nhưng những đứa trẻ trong nhà vẫn thích đĩa bánh tét chiên ăn kèm củ kiệu muối. Các con bảo chỉ Tết mới được ăn món này nên gia đình chuẩn bị khá nhiều. Ngoài món ăn quen thuộc của người Quảng, mâm cúng gia tiên 3 ngày Tết luôn có món nem nướng - món ăn dân dã truyền thống của người dân Quế Sơn. Bên cạnh đó, gia đình tôi có thói quen dành ngày mồng 2 tiếp người thân bên nhà chồng và mồng 3 tiếp người thân bên nhà vợ đến chơi nhà nên không thể thiếu những bữa cơm vui vẻ và đầm ấm tình thân. Việc mời nhau đến nhà dùng cơm ngày Tết cũng là dịp để những người thân trong gia đình hàn huyên, sum họp sau một năm tất bật chạy theo công việc bên ngoài.

* Huỳnh Thị Phương Lan (29 tuổi, phường Thạch Thang, quận Hải Châu)

Nhiều gia đình trẻ không còn tự tay chuẩn bị mâm cơm ngày Tết

Tết là thời gian gia đình nghỉ ngơi sau một năm kinh doanh bận rộn nên vợ chồng tôi không dành quá nhiều thời gian cho việc nấu nướng, ngoài chuẩn bị mâm cơm tất niên và mâm cúng khai trương ngày đầu năm. Dù khá thoải mái với “Tết nhà mình”, chúng tôi vẫn dành một ngày về nhà ba mẹ ăn Tết. Những lúc chúng tôi về, mẹ đều nấu một mâm cơm thịnh soạn vì theo mẹ, Tết dù ăn gì cũng không bằng một chén cơm lót dạ. Tôi thích nhất thẩu dưa món củ kiệu mẹ làm ăn kèm bánh chưng, bánh tét.

Ngày nay, việc mua sắm thực phẩm trong 3 ngày Tết khá dễ dàng, khi nào cần nấu nướng, tôi sẽ ra siêu thị hoặc chọn dịch vụ “ship” tận nhà để bảo đảm thực phẩm tươi ngon, chất lượng. Tôi nghĩ, ăn gì ngày Tết không quan trọng, miễn là ăn cùng người thân và gia đình mình. Xung quanh tôi, nhiều gia đình trẻ không còn tự tay chuẩn bị mâm cơm ngày Tết nữa, họ chọn mua đồ ăn sẵn hoặc ra hàng quán để tiết kiệm thời gian vui chơi, giải trí. Tuy vậy, trong nhà bao giờ cũng có bánh chưng, bánh tét, thịt ngâm mắm, thẩu kiệu, cà rốt ngâm và một ít bánh, mứt để dạy các con về món ăn truyền thống ngày Tết của người dân miền Trung.

* Ông Nguyễn Văn Hồng (75 tuổi,phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu:

Mâm cơm kết nối tình thân

Mâm cơm ngày Tết ngoài dâng lên ông bà, tổ tiên, còn mang ý nghĩa của sự sum vầy, đoàn viên. Vợ chồng tôi có 3 con đều lập nghiệp xa quê, chỉ đến Tết cả nhà mới có dịp gặp mặt đông đủ. Do đó, những ngày này, mỗi bữa ăn vợ tôi đều chuẩn bị mâm cơm tươm tất, với đầy đủ món ăn truyền thống của người Quảng để chào đón con, cháu trở về. Chúng tôi thật sự hạnh phúc khi nhìn thấy con cháu trò chuyện, cười nói vui vẻ bên mâm cơm gia đình.

Các món ăn trong mâm cơm ngày Tết tại gia đình tôi luôn được cân nhắc sao cho hài hòa sắc - hương - vị, lẫn đầy đủ món mặn, chay, khô, nước. Chúng tôi quan niệm ông bà, tổ tiên “sống sao thác vậy” nên duy trì tục cúng cơm bữa trên bàn thờ tổ tiên. Theo đó, trước mỗi bữa cơm, gia đình thường dâng lên bàn thờ những món ngon để tỏ lòng thành kính. Các món ăn dâng lên bàn thờ không nhiều, nhưng nhất thiết phải có món ông bà, người thân lúc còn sống ưa thích. Cũng như phong tục của nhiều gia đình xứ Quảng, ngày Tết nhà tôi thường ăn canh khổ qua độn thịt, trước là món ăn “chống ngán”, sau là mong “nỗi khổ qua đi”.

TIỂU YẾN (thực hiện)

.